Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:05 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Dưới sự trung gian của Mỹ, ngày 13/8/2020, Israel và UAE đã đạt được thỏa thuận hòa bình (gọi là Thỏa thuận Abraham), chính thức khép lại quá khứ “thù địch” vốn kéo dài hơn nửa thế kỷ - mở ra trang sử mới, với sự kỳ vọng “nồng ấm”, “tốt đẹp” giữa hai quốc gia. Vì sao Israel và UEA đồng ý chung sống “hòa bình” và cục diện chính trị, an ninh ở Trung Đông như thế nào là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm.
Tiếp sau Ai Cập năm 1979, Jordan năm 1994, UAE (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) là quốc gia Arab thứ ba và là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel. Theo thỏa thuận, hai nước sẽ hướng tới bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao song phương; việc trao đổi đại sứ và mở sứ quán sẽ được bàn bạc thực hiện trong thời gian tới. Chính phủ hai nước sẽ thảo luận và ký các thỏa thuận hợp tác liên quan đến hàng loạt lĩnh vực, như: đầu tư, du lịch, an ninh, viễn thông, hàng không, công nghệ, năng lượng, y tế, văn hóa và nhiều lĩnh vực hai bên cùng có chung lợi ích. Chính quyền Israel cam kết tạm ngừng tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực chiếm đóng của các nước Arab trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967; nỗ lực cùng UAE tìm kiếm một giải pháp tổng thể, công bằng và bền vững cho vấn đề xung đột Israel - Palestine. Tiếp đó, vào cuối tháng 8/2020, Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan đã ban hành Sắc lệnh chấm dứt Đạo luật năm 1972 (Đạo luật cấm quan hệ đối với Israel). Hãng hàng không El Al của Israel đã thực hiện chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên tới UAE. Đây là bước đi “ban đầu” rất quan trọng để hai nước hiện thực hóa thỏa thuận hòa bình và thể hiện “thiện chí” của lãnh đạo hai bên quyết tâm xóa bỏ quá khứ “đối đầu” hướng tới tương lai “nồng ấm”, “tốt đẹp”.
Thỏa thuận xuất phát từ những lợi ích chiến lược
Theo các nhà phân tích quốc tế, Thỏa thuận hòa bình Israel - UEA xuất phát từ những lợi ích chiến lược của cả Tel Aviv và Abu Dhabi. Trước hết và quan trọng bậc nhất là lợi ích to lớn về kinh tế. Israel và UAE vốn được coi là hai nền kinh tế năng động bậc nhất của khu vực. Những năm gần đây, mặc dù quan hệ ngoại giao vẫn trong tình trạng bị “đóng băng”, nhưng hai nước vẫn âm thầm có những giao dịch “không chính thức” về kinh tế, thương mại. Bởi vậy, thỏa thuận hòa bình tạo tiền đề pháp lý để hai nước chính thức thiết lập quan hệ, hợp tác trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại và dịch vụ, nhất là tranh thủ các thế mạnh, lợi thế của nhau để phục vụ phát triển kinh tế của mỗi nước. Thông qua các thỏa thuận, chương trình, kế hoạch hợp tác, Israel có thể thâm nhập, khai thác thị trường vốn được coi là đa dạng và giàu tiềm năng của UAE; ngược lại, UAE có thể tranh thủ những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại của Israel để nâng cao chất lượng, năng xuất sản xuất các ngành công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - công nghệ của quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính riêng việc lập các đường bay thẳng, các hãng hàng không của hai nước sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu USD nhiên liệu mỗi năm. Với tiềm năng to lớn nếu được khai thác tốt thì sự hợp tác giữa hai nền kinh tế phát triển hàng đầu này không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho mỗi nước, mà còn cho cả các nước trong khu vực. Tiếp đó là những lợi ích về an ninh, hai nước hóa giải thành công mối “nguy cơ” đe dọa đến an ninh quốc gia của mỗi nước và đem lại ổn định của khu vực từ nhiều thập kỷ qua; góp phần “tháo dỡ quả bom hẹn giờ” đe dọa tới giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Palestine - Israel. Và rằng, “UAE sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ người dân Palestine, vì phẩm giá, quyền của họ cũng như nhà nước chủ quyền của chính người Palestine”.
Đối với Mỹ và Israel, thỏa thuận Abraham còn là “mũi tên trúng nhiều đích”. Từ nhiều năm nay, Thủ tướng Israel Netanyahu rất chủ động và kiên định với chiến lược “Hướng Đông”, được coi là chiến lược mới để Israel giải quyết xung đột với Palestine và các nước Arab. Theo đó, thay vì quan hệ “đối đầu”, “thù địch” như trước đây, Tel Aviv dưới sự trợ giúp của Washigton sẽ sử dụng các biện pháp mềm mỏng, linh hoạt để tạo dựng mối quan hệ “láng giềng thân thiện”, “chung sống hòa bình” với các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và ở châu Phi, v.v. Bởi vậy, thỏa thuận hòa bình với UAE được coi là “trái ngọt” của chiến lược “Hướng Đông”, mở “cánh cửa” để Nhà nước Do Thái thực hiện chiến lược “hòa nhập với Thế giới Arab”. Mặt khác, thỏa thuận hòa bình với UAE cũng được cho là “gỡ khó” cho cá nhân Thủ tướng Netanyahu, vì trước đó có những tuyên bố cứng rắn đe dọa áp đặt chủ quyền đối với các vùng đất chiếm đóng, khiến Ông phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội của dư luận cả ở trong nước và ngoài nước. Đối với Tổng thống Donal Trump, thành công trong vai trò trung gian hòa giải quan hệ “thù địch”, thiết lập quan hệ hòa bình giữa hai nước đồng minh là Israel và UAE thực sự là “phao cứu sinh” cho Kế hoạch hòa bình Trung Đông “Từ hòa bình tới thịnh vượng” - kế hoạch mà Ông đã công bố năm 2019 và ca ngợi như “Kế hoạch Thế kỷ”, nhưng đang có nguy cơ “chết yểu” bởi sự công kích dữ dội của Palestines và nhiều nước Arab. Kết quả đó cũng giúp Tổng thống Donald Trump lấy lại hình ảnh “Người trung gian có trách nhiệm”, vốn đã bị “xấu đi” kể từ sau khi Ông đơn phương tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan vào tháng 3/2019 (vùng đất mà Israel chiếm đóng của Syria trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967). Đây cũng được tính là “điểm cộng” về ngoại giao giúp cho Tổng thống Donald Trump có thêm lợi thế để có thể tái cử trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 46 của Hoa Kỳ dự kiến tổ chức vào ngày 03/11 tới đây. Sâu xa hơn, Thỏa thuận hòa bình Israel - UAE giúp Mỹ và Israel “tập hợp lực lượng” trong Thế giới Arab để ngăn chặn cái mà họ gọi là “ảnh hưởng” của “kẻ thù chung” là Nhà nước Hồi giáo Iran.
Những tác động đến cục diện chính trị, an ninh ở Trung Đông
Phát biểu sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình, Thủ tướng Israel Netanyahu bày tỏ sự tin tưởng rằng, nỗ lực hòa bình mới của Mỹ có khả năng chấm dứt xung đột Arab - Israel mãi mãi. Ông cũng coi “Đây là điểm then chốt của lịch sử, báo hiệu một khởi đầu mới về hòa bình”, “một kỷ nguyên mới, mở ra giữa Israel và thế giới Arab”. Ngoại trưởng UAE đánh giá “nỗ lực lựa chọn hòa bình của Israel là một quyết định đúng đắn, củng cố thêm ý chí chung của khu vực nhằm có được một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau”. Tổng thống Donald Trump thì ca ngợi, sau nhiều thập kỷ bất đồng và xung đột, thỏa thuận hòa bình Abraham đánh dấu một khởi đầu mới cho Trung Đông. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ “là một đóng góp quan trọng cho nền hòa bình trong khu vực”. Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá thỏa thuận là một bước đi đáng hoan nghênh trong lộ trình hướng tới một khu vực Trung Đông hòa bình. Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng, thỏa thuận Israel - UAE sẽ góp phần bình thường hóa tình hình khu vực vốn đã vô cùng trầm trọng. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, thỏa thuận có thể thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Trung Đông.
Nhiều nước Trung Đông cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận hòa bình Israel - UAE là “bước đột phá lịch sử”, một chiến thắng ngoại giao và là một bước quan trọng để xây dựng một Trung Đông hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Tiếp sau UAE, một quốc gia Arab khác là Bahrain cũng tuyên bố đã đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel. Mới đây, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu đã thông báo Mỹ và Israel đang xúc tiến đàm phán với nhiều nước Arab và thời gian tới có thể có từ 05 đến 06 quốc gia Arab nữa đồng ý ký thỏa thuận hòa bình với Israel. Lãnh đạo hai nước cũng khẳng định đây là tín hiệu “tích cực” để gác lại quá khứ “hận thù”, hướng tới một thời kỳ mới tốt đẹp hơn giữa Israel và các nước trong Thế giới Arab.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thỏa thuận hòa bình Israel - UAE cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước trong khu vực. Nhiều quan chức cấp cao của Palestine đã chỉ rõ, sau những gì mà Mỹ và Israel đã làm đối với chủ quyền của Jerusalem, Cao nguyên Golan,… thì thỏa thuận hòa bình Israel - UAE thực chất chỉ là chiến thuật “đánh tỉa, đánh lẻ” vô cùng nham hiểm trong chiến lược bá quyền khu vực của Mỹ và Israel. Theo đó, Mỹ và Israel lợi dụng nhu cầu về lợi ích kinh tế và an ninh để làm “mồi nhử” lôi kéo các nước khu vực vào quỹ đạo; từ đó, làm phân hóa khối đoàn kết của Thế giới Arab và cuối cùng là ép buộc Palestine phải chấp nhận một “kịch bản hòa bình” mà Washington và Tel Aviv đề ra. Họ cũng lên án cam kết “tạm ngừng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất chiếm đóng” trong thỏa thuận hòa bình là hành động “lươn lẹo” hòng che đậy dã tâm xâm lược của Israel. Người phát ngôn của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã lên án thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của Israel với các nước Arab là “sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp chính nghĩa của Palestine”. Đại diện các phong trào Fatah và Hamas của Palestine cũng tuyên bố bác bỏ thỏa thuận giữa Israel và UAE: “Thỏa thuận sẽ không trao cho nhà nước Do Thái bất kỳ tính hợp pháp nào khi chiếm đóng đất đai của Palestine. Bên chiếm đóng vẫn là kẻ thù chính của người dân Palestine và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại sự sáp nhập”. Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri cảnh báo rằng “Nếu điều gì đó xảy ra ở Vịnh Persia và nếu an ninh quốc gia của Iran bị tổn hại, dù nhỏ, Iran sẽ bắt UAE phải chịu trách nhiệm về điều đó và Iran sẽ không dung thứ”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố bày tỏ “vô cùng lo ngại rằng UAE, thông qua hành động đơn phương, sẽ đặt dấu chấm hết cho Sáng kiến Hòa bình Arab do Liên đoàn Arab đề xuất và được Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủng hộ”. Thỏa thuận hòa bình Israel - UAE đang tạo những thay đổi hết sức quan trọng với những phản ứng trái chiều phức tạp, khiến cho cục diện chính trị, an ninh ở Trung Đông càng khó đoán định.
Dư luận cho rằng, xung đột Israel và các nước Arab, cốt lõi là xung đột Israel - Palestine đã kéo dài nhiều thập kỷ qua, gây bao đau khổ cho người dân Arab và người dân Israel. Thỏa thuận hòa bình Israel - UAE là một thỏa thuận lịch sử. Các nước, các bên liên quan cần nhận thức sâu sắc, nắm bắt cơ hội quý báu này, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nguyện vọng chính đáng của người dân; cùng nhau bàn bạc tìm ra các giải pháp phù hợp mà các bên cùng chấp nhận để giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn; xây dựng Trung Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, phát triển.
Đại tá ĐỒNG VĂN ĐỨC - Trung tá NGUYỄN VIẾT TÂN* _______________
* Học viện Chính trị
Thỏa thuận hòa bình Israel và UAE,Trung Đông
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ