Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 19/02/2021, 06:50 (GMT+7)
Thăng trầm Hiệp ước New START

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (New START) chính thức hết hiệu lực vào tháng 02/2021. Trải qua 10 năm thực hiện, hai bên gặp không ít thăng trầm và có thể sụp đổ. Nhưng vào thời khắc cuối cùng, khi Tân Tổng thống Joe Biden trao đổi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Hiệp ước đã được “cứu sống”.

Bối cảnh ra đời

Việc giới hạn các kho vũ khí nguyên tử chiến lược là vấn đề sống còn đối với an ninh toàn cầu thì Hiệp ước New START được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký vào tháng 4/2010 sau 1 năm đàm phán và chính thức có hiệu lực vào ngày 05/02/2011 được xem là một biểu tượng hợp tác của hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, việc giới hạn kho vũ khí chiến lược đã được đề cập đến, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các cuộc đàm phán “Hạn chế vũ khí chiến lược” (SALT) giữa Mỹ và Liên Xô chỉ thực sự bắt đầu vào tháng 4/1970. Sau hơn 02 năm đàm phán, tháng 5/1972, Hiệp ước SALT-I chính thức được ký. Theo đó, mỗi quốc gia không được có hơn 100 bệ phóng tên lửa đạn đạo tại mỗi địa điểm tự lựa chọn. Mỹ chỉ được có 1.000 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và 710 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM); Liên Xô có thể có tối đa 1.409 ICBM và 950 SLBM. Hiệp ước đã hạn chế rất nhiều loại vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết. Một văn kiện bao trùm hơn được Mỹ và Liên Xô tiến hành thảo luận ngay sau khi Hiệp ước SALT-I được hai quốc gia phê chuẩn, tuy nhiên các cuộc đàm phán đã không đạt được bất kỳ đột phá nào. Đến tháng 6/1979, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Vienna, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã ký Hiệp ước SALT-II. Hiệp ước rất được kỳ vọng này cũng “chết yểu” không lâu sau đó, do phía Mỹ gác lại để phản đối Liên Xô đưa quân tới Afghanistan (12/1979).

Nhận thấy tầm quan trọng của việc giới hạn kho vũ khí hạt nhân, nên hai cường quốc đã hối thúc tìm kiếm một thỏa ước thay thế; theo đó, Mỹ và Liên Xô tiến hành đàm phán Hiệp ước “Cắt giảm vũ khí chiến lược” (START-I). Được Tổng thống Ronald Reagan giới thiệu tại Mỹ vào ngày 9/5/1982 và chính thức ký ngày 31/7/1991 giữa Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, START-I được coi là Hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Hiệp ước kéo dài 15 năm và chính thức có hiệu lực ngày 5/12/1994, giúp loại bỏ khoảng 80% loại vũ khí hạt nhân tồn tại trên thế giới lúc bấy giờ khi quy định hai bên giảm số lượng đầu đạn hạt nhân ở mức 6.000 đơn vị, giảm số ICBM và máy bay ném bom xuống 1.600. Tuy nhiên, không lâu sau đó, do Liên Xô tan rã, Nga là quốc gia được kế thừa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Vì thế, Moscow và Washington phải tiến hành đàm phán một hiệp ước mới - Hiệp ước START-II. Hiệp ước này được hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga khi đó là Tổng thống George Herbert Walker Bush và người đồng cấp Boris Yeltsin ký vào ngày 03/01/1993. Cho dù đàm phán và ký thuận lợi, nhưng START-II cũng chịu chung số phận không may mắn. Theo Moscow, START-II chỉ tồn tại trong điều kiện hai phía tuân thủ Hiệp ước Hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM). Vì thế, START-II chính thức bị khai tử khi Washington rút khỏi ABM năm 2001. Để lấp khoảng trống này, ngày 24/5/2002, hai bên đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (SORT) hay còn gọi là Hiệp ước Moscow, có hiệu lực ngày 01/6/2003. Theo đó, cả Nga và Mỹ phải hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân trong trạng thái trực chiến còn 2.200 đơn vị.

Trải qua hành trình dài với một vài thỏa thuận được ký nhưng không đi vào thực tiễn, Hiệp ước New START thực chất là thay thế cho Hiệp ước START-I và SORT. Những kinh nghiệm và điều khoản trong các văn bản trước đó là lý do khiến Hiệp ước này được thông qua nhanh chóng. Ngoài ra, còn lý do khác là New START đơn giản hơn START-I. Nếu như START-I đòi hỏi 12 hình thức kiểm tra với 28 lần/năm và 152 hình thức thông báo, thì New START chỉ yêu cầu 02 hình thức kiểm tra với 18 lần/năm và 42 hình thức thông báo. Bên cạnh đó, New START còn thể hiện tính ưu việt vượt trội khi tăng cường sự linh hoạt cho cả hai bên. Mức trần riêng đối với ICBM hạng nặng được nhất trí trong START-I đã biến mất, điều khoản về các biện pháp hạn chế hiện đại hóa hệ thống hạt nhân cũng không còn v.v. Hiệp ước tiếp tục hạ mức trần đối với ICBM và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), các phương tiện phóng hai loại tên lửa này cũng như máy bay ném bom hạng nặng và đầu đạn đi kèm giảm từ 1.600 xuống còn 800 và 6.000 đầu đạn xuống 1.500. Tuy nhiên, không vì thế mà New START trở nên yếu ớt. Các thanh sát viên cho rằng, New START hoạt động hiệu quả hơn và ngay từ khi được ký, Nga đã xem văn kiện này là “tiêu chuẩn vàng” trong kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược. Hiệp ước có hiệu lực trong 10 năm và Điều 14 cho phép các bên gia hạn tối đa thêm 05 năm.

New START là dấu mốc quan trọng trong tiến trình kiểm soát vũ khí hủy diệt trên thế giới và là cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân đáng kể đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Sự hợp tác giữa hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới được xem là tín hiệu đáng mừng cho thấy những tiến triển trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Hơn thế, với sự ra đời của New START, hai nước đã xây dựng lòng tin chiến lược ở một vấn đề trọng yếu, dọn đường cho việc cắt giảm số vũ khí hạt nhân nhiều hơn nữa trong tương lai. Hiệp ước cũng thể hiện rõ rằng Nga và Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi các cam kết trong Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Với tầm quan trọng đặc biệt, sự kiện này được xem là một trong những thành tựu đối ngoại của chính quyền Tổng thống Barack Obama, người đã tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân ngay từ khi lên nắm quyền.

Những gập ghềnh trong thực hiện

Với quan điểm “Nước Mỹ trên hết”, khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump có xu hướng rút Mỹ khỏi các thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, đáp lại lời đề xuất gia hạn New START mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong lần gặp gỡ đầu tiên với nhà lãnh đạo Mỹ là những tuyên bố thể hiện rõ sự ngờ vực với văn kiện này. Theo Tổng thống Donald Trump và các cố vấn cấp cao, New START bất lợi cho xứ Cờ hoa vì không gồm hơn 60% vũ khí chiến lược của Nga. Điều này chính quyền Tổng thống Barack Obama đã biết từ khi Hiệp ước được ký, nhưng chưa có đối sách cụ thể. Mỹ cho rằng, vũ khí hạt nhân của Nga đã tăng lên đều đặn cả về tầm bắn, sức công phá lẫn chủng loại, kèm theo sự đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng sản xuất vũ khí nguyên tử. Điều đó, đồng nghĩa với việc số lượng đầu đạn hạt nhân của Nga lớn hơn khá nhiều so với số lượng đầu đạn hạt nhân trong quy định của Hiệp ước. Hơn thế nữa, năng lực này đang được Moscow bổ sung thêm mỗi năm. Do đó, quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump là thỏa thuận mới với Nga cần bao gồm tất cả các đầu đạn hạt nhân. Người đứng đầu nước Mỹ cũng không hài lòng về việc New START chỉ ảnh hưởng đến 45% kho vũ khí của Nga trong khi lại kiểm soát tới 90% - 92% kho vũ khí của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng, đây là một thiệt thòi lớn khiến Washington có thể bị chậm chân trong cuộc đua giữ vị trí cường quốc quân sự hàng đầu thế giới cũng như phát triển các loại vũ khí chiến lược mới.

Một đề xuất rất mới được ông chủ Nhà Trắng thứ 45 đề cập như một điều kiện trong đàm phán gia hạn New START là mở rộng đối tượng của Hiệp ước này, trong đó Trung Quốc phải là một bên của thỏa thuận, coi đây là yêu cầu tiên quyết. Theo Mỹ, New START là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân xây dựng trên thế giới quan lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, cách tiếp cận này không còn phù hợp trong một thế giới mà Trung Quốc đang củng cố năng lực quốc phòng một cách mạnh mẽ. Số liệu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho thấy, Nga là quốc gia sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới với 6.370 đầu đạn, Mỹ đứng thứ hai với 5.800 và Trung Quốc ở vị trí thứ ba với 320 đầu đạn. Tuy không thể so sánh với Nga và Mỹ về số lượng đầu đạn hạt nhân, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump nhận định Trung Quốc có sự đầu tư rất lớn cho công nghiệp quốc phòng và có ý định củng cố các lực lượng hạt nhân. Washington lập luận rằng, Trung Quốc đang có khát vọng vươn lên thành một cường quốc nên cần ứng xử như một cường quốc và cần hành động để đảo ngược các hoạt động củng cố hạt nhân thông qua việc ngồi vào bàn đối thoại theo cơ chế song phương hoặc ba bên. Đáp trả động thái của Mỹ, Trung Quốc khẳng định không muốn đàm phán, đồng thời tuyên bố sẽ tham gia đối thoại, nếu Mỹ sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí nguyên tử xuống ngang bằng với mức của Trung Quốc. Tất nhiên với Mỹ, đây là đề nghị bất khả thi. Vì thế “số phận” của New START vẫn là một ẩn số cho đến khi Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng, nhường lại vị trí cho Joe Biden, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm 2020.

Đột phá vào phút cuối

Trong cuộc điện đàm đầu tiên, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã nhất trí gia hạn New START thêm 05 năm nữa đúng theo quy định. Thượng viện và Hạ viện Nga đã lập tức bỏ phiếu thông qua quyết định này. Sự kiện được trông đợi này đã giúp thế giới tránh được kịch bản tồi tệ là thỏa thuận cuối cùng về vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc sụp đổ, đồng là bước đi đúng hướng trong nỗ lực giảm tình trạng căng thẳng toàn cầu.

Việc đồng ý gia hạn hiệp ước New START ngay trong những ngày đầu nắm quyền đã thể hiện nhiệt huyết của tân chủ nhân Nhà Trắng với chủ đề kiểm soát vũ khí chiến lược, đồng thời khẳng định sự nghiêm túc của Ông đối với an ninh toàn cầu. Thực tế, Tổng thống Joe Biden đã từng tham gia chương trình kiểm soát vũ khí trong nhiều năm, từ khi còn là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và sau đó là Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama. Ông cũng chính là người đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy việc phê chuẩn New START dưới thời vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ và từng cam kết sẽ gia hạn Hiệp ước này thêm 05 năm mà không cần điều kiện tiên quyết nào.

Mặc dù New START không sụp đổ và kéo dài đến năm 2026, nhưng hai bên cũng không còn nhiều thời gian để bắt đầu đàm phán về một hiệp ước mới, tuy nhiên đây là khoảng thời gian cần thiết để hy vọng kéo Mỹ trở lại “Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA”. Cho dù đã thể hiện rõ lập trường không ủng hộ chạy đua vũ khí nguyên tử và sự cần thiết phải ổn định chiến lược giữa Nga và Mỹ, nhưng trên cương vị người đứng đầu đất nước, Tổng thống Joe Biden không thể bỏ qua việc nâng cao tiềm lực quốc phòng của Mỹ thông qua việc phát triển các loại vũ khí đạn đạo tối tân. Đây là nút thắt, dự báo những khó khăn trong quá trình thương lượng giữa hai cường quốc quân sự về một cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân hữu hiệu trong tương lai.

VÂN KHANH - NGUYỄN HỮU ÂN

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...