Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 24/09/2020, 09:08 (GMT+7)
Thách thức an ninh phi truyền thống nhìn từ đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã và đang càn quét qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn đại dịch, nhiều nước cũng chú trọng tiến hành đồng bộ các giải pháp phòng, chống thách thức an ninh sinh học - an ninh phi truyền thống, coi đây là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược an ninh quốc gia.

Đại dịch Covid-19 – hiểm họa toàn cầu

Khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đầu tháng 12/2019, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã làm thế giới “chao đảo” bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan “siêu nhanh” của nó. Tính đến ngày 24/8/2020, dịch Covid-19 đã lan ra trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 23 triệu người mắc bệnh, làm hơn 800 nghìn người tử vong. Đại dịch đã gây thiệt hại nặng đến mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh,… của các quốc gia và thế giới.

Về kinh tế, thương mại, theo kết quả điều tra của nhiều tổ chức, đại dịch làm kinh tế thế giới thiệt hại ước khoảng hơn 5.000 tỷ USD do sản xuất bị đình trệ, năng suất lao động giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Các lĩnh vực đầu tư, thương mại, hàng không, du lịch và dịch vụ vốn được coi là “động lực” quan trọng của nền kinh tế thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dự báo doanh thu của ngành trong năm 2020 sụt giảm khoảng 55%, tương đương 314 tỷ USD. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 03% xuống còn 1,4% và đến cuối năm 2020 là 0%. Chính phủ một số nước phải đề xuất các gói cứu trợ khẩn cấp để cứu vãn nền kinh tế đang “kiệt quệ” trong “cơn bão” Covid-19, như: Mỹ thông qua gói cứu trợ “khủng” lên đến 2.200 tỷ USD; EU là 750 tỷ EURO tương đương 859 tỷ USD, v.v. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, nếu đại dịch chưa được kiểm soát thì những gói cứu trợ sẽ chỉ là “muối bỏ bể”, kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái kỷ lục, thậm chí có khả năng vượt cả đại suy thoái ở Mỹ năm 1930. Nhiều nền kinh tế trên thế giới, kể cả các nền kinh tế phát triển đang đứng trước nguy cơ “sụp đổ”.

Về mặt xã hội, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, đóng cửa biên giới,… giúp giảm lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhưng cũng “gây hiệu ứng ngược” làm hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… có thể bị phá sản; tỷ lệ người lao động bị mất việc, thất nghiệp tăng cao. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 1,25 tỷ người lao động trên thế giới bị giảm thu nhập hoặc thất nghiệp do đại dịch; tỷ lệ người nghèo, nghèo cùng cực tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2019. Đây là vấn đề “nổi cộm”, tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia.

Về mặt chính trị, đối ngoại, dịch Covid-19 làm các trung tâm quyền lực bị tổn thất nặng nề, nó không chỉ tác động đến tương quan cục diện quan hệ quốc tế mà còn làm cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược trên thế giới càng gay gắt, phức tạp, khó lường. Do lo ngại dịch Covid-19, hàng loạt sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao quốc tế,… phải lùi thời gian tổ chức, thậm chí bị hủy bỏ; tình trạng phân biệt, đối xử, kỳ thị giữa người dân vùng dịch với người bản địa gia tăng, tác động không nhỏ đến quan hệ giữa các quốc gia cũng như nỗ lực hợp tác của các khu vực và quốc tế.

Về lĩnh vực an ninh, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đại dịch làm gia tăng xung đột ở các khu vực “nóng” của thế giới, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo ở nhiều nơi trở nên gay gắt hơn, nguy cơ sử dụng các tác nhân sinh học trong xung đột, chiến tranh càng trở nên hiện hữu. Chuyên gia nhiều nước lo ngại, nếu dịch Covid-19 càng kéo dài thì tổn thất mà nó gây ra cho các nước và thế giới càng nặng nề, “khó lường hết được”. Đại dịch cũng có thể hủy hoại toàn bộ thành quả của nhân loại trong gần một thế kỷ qua.

“Hồi chuông” cảnh tỉnh về mối đe dọa từ an ninh sinh học - an ninh phi truyền thống

Trước đại dịch Covid-19, thế giới đã trải qua hàng chục đại dịch nguy hiểm, tàn khốc. Điển hình các đại dịch, như: dịch hạch Justinian (541 - 750 sau Công nguyên), cướp đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người, chiếm một nửa dân số thế giới lúc bấy giờ - lần đầu tiên xảy ra đối với loài người; dịch hạch “Cái chết đen” xảy ra vào thế kỷ XIV khiến trên 75 triệu người phải bỏ mạng; bệnh đậu mùa thế kỷ XV - XVII làm khoảng 20 triệu người chết, chiếm gần 90% số dân bản địa châu Mỹ khi đó. Đại dịch tả lần đầu tiên được giới y học ghi nhận vào năm 1563 tại Ấn Độ, sau đó lan ra thế giới làm hàng chục triệu người tử vong. Đại dịch cúm: Tây Ban Nha (1918), Hong Kong (1968) làm khoảng 01 triệu người chết. Dịch bệnh HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch) được ghi nhận đầu tiên vào năm 1981, có khoảng 75 triệu người nhiễm bệnh, 32 triệu người chết, đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của nhân loại. Gần đây là dịch SARS (2003), dịch cúm H1N1 (đầu năm 2019) làm hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người chết.

Còn đại dịch Covid-19 bùng phát, toàn thế giới chung tay đối phó với những nỗ lực rất lớn, nhiều nước có nền y học hiện đại sớm giải mã thành công bộ gene virus Corona chủng mới, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc đặc trị. Đến đầu tháng 8/2020, thế giới điều trị khỏi cho khoảng 12 triệu người nhiễm Covid-19; một số nước nghiên cứu, thử nghiệm thành công và đang có kế hoạch đưa vaccine phòng, chống Covid-19 vào sử dụng, mở ra hy vọng sớm kiểm soát được đại dịch nguy hiểm này. Tuy nhiên, những “bí ẩn” trong cơ chế lây, truyền bệnh, các biến thể của virus Corona, các loại virus có khả năng gây bệnh truyền nhiễm khác mà các chuyên gia y học thế giới chưa thể nghiên cứu “sâu” hoặc chưa biết đến; tình trạng dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở nhiều quốc gia, nhưng nguy hiểm hơn, thế giới chưa xây dựng được phác đồ điều trị Covid-19,... đó là những thách thức không nhỏ tác động đến nỗ lực phòng, chống đại dịch trên toàn cầu.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, sớm muộn thì đại dịch cũng sẽ được kiểm soát, nhưng cho dù được kiểm soát thì Covid-19 đã gióng lên “hồi chuông” cảnh tỉnh thế giới về tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm sinh học - mối đe dọa an ninh phi truyền thống đáng lo ngại nhất đối với loài người trước kia, hiện nay và sau này. Bởi lẽ, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, kể cả khủng bố,… chỉ gây thiệt hại nặng nề trong phạm vi một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ ở một thời điểm nhất định, còn dịch bệnh truyền nhiễm có thể trở thành mối hiểm họa “giết người hàng loạt” đe dọa đến sự sống của cả nhân loại. Theo kết quả điều tra dịch tễ học, trong thế giới đương đại số ca nhiễm từ những bệnh truyền nhiễm mới, như: SARS, HIV, virus Ebola và Covid-19 tăng gấp 4 lần so với thế kỷ trước; từ năm 1980, số vụ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi năm gần như tăng gấp 3 lần.

“Nghịch lý” về sự gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm trong thế giới văn minh ngày nay do nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu sau: Một là, sự giao lưu quốc tế theo hướng rộng mở và rất thuận lợi trong điều kiện toàn cầu hóa làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; khả năng di chuyển tới bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian ngắn bằng đường không của con người làm cho dịch bệnh có thể lây truyền “siêu nhanh” ra toàn cầu, nếu không được kiểm soát tốt. Hai là, dân số của thế giới tăng nhanh (50 năm qua, dân số thế giới tăng gấp đôi), khiến cho nguy cơ lây nhiễm bệnh tăng cao hơn. Ba là, làn sóng người di cư (mới đây là khủng hoảng di cư từ “lục địa Đen” sang châu Âu), làn sóng người biểu tình nổ ra liên tiếp ở khắp các châu lục làm gia tăng nguồn lây nhiễm bệnh trong cộng đồng và sẽ rất khó kiểm soát. Bốn là, hiện tượng kháng vaccine cũng làm xuất hiện các virus có độc tố cao hơn, biến thể phức tạp hơn, điển hình là virus SARS-CoV-2 được cho là cùng chủng với virus SARS gây đại dịch năm 2003, nhưng đã biến thể nguy hiểm hơn. Năm là, biến đổi khí hậu làm gia tăng số lượng vi sinh vật truyền bệnh và côn trùng đột biến. Muỗi Aedes aegypti, vật trung gian lây nhiễm virus Zika gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và nhiều biến chứng về bệnh thần kinh là một ví dụ. Trước “hiểm họa” mà dịch Covid-19 đang hoành hành và các đại dịch khác có thể gây ra cho nhân loại, giới chuyên gia cho rằng, cùng với các giải pháp cấp bách để ngăn chặn dịch Covid-19, các nước cần coi trọng các giải pháp cơ bản, lâu dài để đối phó với các thách thức an ninh sinh học nói riêng - an ninh phi truyền thống nói chung, coi đây là yêu cầu thiết yếu trong chiến lược an ninh của quốc gia.

Giải pháp phòng, chống thách thức an ninh sinh học - an ninh phi truyền thống

Từ thực tiễn cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, để đối phó hiệu quả với các dịch bệnh truyền nhiễm (nếu xảy ra), rộng hơn là đối phó với thách thức an ninh sinh học - an ninh phi truyền thống cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là các nước cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, từ đó mọi công dân có ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước. Chính phủ các nước cần xây dựng các kế hoạch, phương án phòng thủ dân sự và tổ chức luyện tập, sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra, nhất là các mối đe dọa an ninh sinh học, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường khả năng của hệ thống cảnh báo, phát hiện sớm, bảo đảm khi xuất hiện các mối đe dọa an ninh sinh học - an ninh phi truyền thống có thể cảnh báo, kích hoạt, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, thậm chí “đóng băng nguy cơ”. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của ngành Y tế quốc gia và quốc tế, nhất là đầu tư nhân lực, vật lực, tài chính cho các trung tâm, các công ty dược phẩm nghiên cứu, sản xuất vaccine; bổ sung cơ chế, chính sách, dự án cần thiết để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng; khả năng dự phòng, dự trữ chiến lược quốc gia. Khi tình huống đe dọa an ninh sinh học nổ ra, mỗi gia đình, mỗi cơ sở phải là “một pháo đài chống dịch”; thực hiện ngay các biện pháp dự phòng, tổ chức chống dịch theo nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; tiến hành điều trị, ưu tiên phát huy nguồn lực tại chỗ; kết hợp ngăn chặn, đẩy lùi các mối đe dọa phi truyền thống với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong thời đại toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế, thế giới đã trở thành “ngôi nhà chung”, do đó, an ninh, an toàn của quốc gia, dân tộc không thể tách rời an ninh, an toàn của khu vực, thế giới và ngược lại. Nhận thức sâu sắc điều đó, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các quốc gia cần tăng cường mở rộng hợp tác, cùng nhau đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các thách thức, nguy cơ cả “truyền thống” và “phi truyền thống”, xây dựng thế giới ổn định, an toàn, phát triển thịnh vượng.

MINH ĐỨC

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...