Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 15/09/2014, 23:01 (GMT+7)
Tác động địa - chính trị từ các cuộc chiến tranh gần đây ở I-rắc

Tháng 6 vừa qua, thế giới lại chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh nữa ở I-rắc, mở đầu bằng chiến dịch tấn công ồ ạt của tổ chức thánh chiến mang tên “Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận Đông” (ISIL), khiến chính quyền Bát-đa phải rung động. Đây là cuộc chiến tranh lần thứ ba ở I-rắc trong vòng hơn hai thập kỷ qua, đều có tác động địa - chính trị quan trọng.

Các tay súng người Kurd ở Iraq (Ảnh: AP)

Năm ở phía Tây - Nam châu Á, thuộc khu vực Trung Đông, I-rắc là một quốc gia có nền văn minh lâu đời và phong phú, có biên giới tiếp giáp với nhiều quốc gia1, lại có tiềm năng dầu mỏ đứng hàng đầu thế giới nên I-rắc có vị thế địa - chính trị cực kỳ quan trọng. Chính vì thế, cả trong và sau Chiến tranh lạnh, I-rắc luôn là tâm điểm cạnh tranh giữa nhiều nước trong và ngoài khu vực lại phải lâm vào vòng xoáy của ba cuộc chiến tranh chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ qua, với nhiều tác động địa - chính trị tầm khu vực và toàn cầu.

Tác động địa - chính trị từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (năm 1991)

Vào thời điểm năm 1991, Chiến tranh lạnh kết thúc, một số nước ở Trung Đông cho rằng “mối đe dọa” từ phía Liên Xô không còn nữa và bắt đầu có ý định thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của Mỹ. Trong tình thế đó, Mỹ rất cần chọn một đối tượng “xứng tầm” để tạo cớ phát động chiến tranh nhằm tập hợp lực lượng và thể hiện vai trò “anh cả” của mình. Cũng vào thời điểm ấy, I-rắc (dưới thời Tổng thống Xát-đam Hút-xen) đang nổi lên như một cường quốc quân sự ở Trung Đông, với quy mô quân đội lên tới 01 triệu quân, 6.000 xe tăng và xe bọc thép các loại và gần 700 máy bay chiến đấu hiện đại,... Không một quốc gia nào ở Trung Đông có được tiềm lực quân sự mạnh như vậy vào thời điểm này, rất “xứng tầm” để Mỹ thể hiện vai trò của mình. Hơn nữa, với tiềm lực đó, Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen theo đuổi tham vọng đóng vai trò “cường quốc” trong khu vực và phát động chiến tranh thôn tính Cô-oét – quốc gia láng giềng chỉ được coi là “một tỉnh của I-rắc cần được thu hồi”. Ngoài ra, I-rắc còn có ý định xuất khẩu dầu mỏ ra thế giới không thanh toán bằng đồng USD của Mỹ. Do đó, Mỹ đã chọn I-rắc để phát động chiến tranh không chỉ để dập tắt tham vọng vươn lên vị thế “cường quốc khu vực” của Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen mà còn nhằm tập hợp lực lượng trong một thế giới đang có xu hướng ly khai khỏi sự bảo trợ an ninh của Oa-sinh-tơn sau Chiến tranh lạnh. Đó là tác động địa - chính trị quan trọng nhất và trong cuộc chiến này, Mỹ đã tập hợp được một lực lượng đồng minh hơn 30 nước mở cuộc tấn công vào I-rắc mang tên Chiến tranh Vùng Vịnh.

Mặt khác, chiến tranh Vùng Vịnh còn là dịp để Mỹ và phương Tây phô diễn sức mạnh quân sự, với các loại vũ khí điều khiển chính xác cao được coi là “vũ khí thông minh”, tấn công tiêu diệt phần lớn tiềm lực quân sự của I-rắc. Sau cuộc chiến tranh này, Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tuyên bố, họ đã khai sinh kỷ nguyên chiến tranh công nghệ cao; trong đó, quân đội Mỹ sẽ xung trận ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, một khi vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới bị thách thức và lợi ích của Mỹ bị đe dọa. Như vậy, chiến tranh sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đã thể hiện ưu thế vượt trội về công nghệ quân sự của một siêu cường “duy nhất” sau Chiến tranh lạnh; đồng thời, mở đầu giai đoạn mới của cuộc cách mạng trong quân sự; trong đó tất cả các quốc gia đều tiến hành điều chỉnh chiến lược theo hướng tập trung phát triển vũ khí trang bị điều khiển chính xác cao.

Tác động địa - chính trị từ cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003

Theo giới phân tích quốc tế, sau sự kiện 11-9-2001, với lý do thực hiện “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu, Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ đã phát động cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan với chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững”, nhưng đó lại là sự mở đầu tiến trình thực hiện chiến lược “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ bằng giải pháp quân sự ở Trung Á nhằm “bình định” một khu vực địa - chính trị rộng lớn, kéo dài từ châu Phi tới Trung Đông và qua Trung Á. Cùng lúc đó, Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch phát động cuộc chiến tranh I-rắc lần thứ hai nhằm mở đầu giai đoạn mới thực hiện “Đề án Trung Đông lớn” ở Vùng Vịnh. Điều đáng lưu ý là, nếu lý do của cuộc chiến tranh Vùng Vịnh là I-rắc xâm lược Cô-oét, thì lý do để Mỹ phát động cuộc Chiến tranh I-rắc (năm 2003) là nước này “sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt”. Song trên thực tế, sau chiến tranh, người ta đã không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về I-rắc “sở hữu vũ khí hủy diệt”. Vì thế, các nhà quan sát đã có lý khi cho rằng, việc mở ra một giai đoạn mới trong thực hiện “Đề án Trung Đông lớn” của Mỹ mới là tác động địa - chính trị quan trọng nhất của cuộc chiến.

Tuy nhiên, việc lật đổ Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen đã tạo khoảng trống quyền lực cho chủ nghĩa khủng bố phát triển mạnh chưa từng có ở quốc gia này. Đây là điều mà Mỹ không mong muốn và hoàn toàn trái với mục tiêu “dân chủ hóa” I-rắc như đã được đề ra trong “Đề án Trung Đông lớn”. Trên danh nghĩa, cuộc chiến tranh này được Mỹ tuyên bố kết thúc vào ngày 07-5-2004, nhưng trên thực tế đã phải kéo dài tới ngày 30-12-2011 và đã biến I-rắc từ một quốc gia không có bóng dáng khủng bố (trước năm 2003), thì nay đã trở thành “thiên đường” của các lực lượng thánh chiến hồi giáo Gi-hát chuyên coi khủng bố là công cụ phát huy ảnh hưởng ra khắp thế giới. Nguy cơ khủng bố nổi lên khắp thế giới, thậm chí cả trong lòng nước Mỹ như đã được ghi nhận trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2010. Trong tình hình đó, Quốc hội Mỹ đã phải ban bố Đạo luật Quốc phòng (NDAA) cho phép Tổng thống Mỹ không cần xét xử vẫn có quyền quyết định tổ chức giám sát bất kỳ công dân nào bị tình nghi liên quan tới khủng bố, thậm chí ra lệnh tiêu diệt họ mà không cần điều tra.

Tác động địa - chính trị từ cuộc chiến tranh I-rắc năm 2014

So với hai cuộc chiến tranh trước, cuộc chiến tranh I-rắc lần này đã tạo ra hai tác động địa - chính trị lớn, rõ ràng.

Một là, thay đổi chính thể ở I-rắc không còn đáp ứng được lợi ích địa - chính trị của Mỹ ở Trung Đông. Theo Rây Ô-đéc-nô, cựu Cố vấn chính trị của Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cuộc bầu cử Quốc hội I-rắc năm 2010 là bước ngoặt trong lịch sử đất nước này thời hậu Xát-đam Hút-xen. Sau cuộc bầu cử này, mâu thuẫn giữa Mỹ và I-rắc bắt đầu lộ diện; trong đó, Quốc hội I-rắc bị phân chia quyền lực giữa các liên minh giành được đa số ghế không nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Oa-sinh-tơn.

Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki đứng ra thành lập liên minh cầm quyền với những người ủng hộ giáo sỹ Múc-ta-đa An-xát – một trong những thủ lĩnh nhóm giáo phái cực đoan dòng Xi-ai kiêm chỉ huy một tổ chức bán vũ trang mang tên “Army Mahdi” đã từng nổi dậy chống lại các lực lượng Mỹ chiếm đóng ở I-rắc  (năm 2004) nên không được lòng Oa-sinh-tơn. Không những thế, sau khi đứng đầu Chính phủ I-rắc, Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki ra sức củng cố quyền lực bằng cách, loại bỏ các thủ lĩnh Hồi giáo dòng Xăn-ni và bộ tộc người Cuốc; đồng thời, cải thiện quan hệ với I-ran – quốc gia đã từng là thù địch với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại ủng hộ người Cuốc ở I-rắc, khuyến khích họ thành lập nhà nước Cuốc-đi-xtăng độc lập mà không có sự đồng ý của Chính quyền Bát-đa. Chính phủ của Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki kiên quyết chống lại chủ trương này và cho rằng, Mỹ đang thực hiện chủ trương muốn chia nhỏ đất nước I-rắc thành ba quốc gia độc lập, trong đó có một nhà nước dành cho người Cuốc. Hiện các công ty của Mỹ đã ký hợp đồng với Cuốc-đi-xtăng – một nhà nước tự tuyên bố độc lập - mà không cần tham vấn ý kiến của Chính phủ I-rắc.

Trong khi quan sát diễn biến cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri; trong đó, Mỹ chủ trương ủng hộ các lực lượng đối lập để lật đổ Tổng thống Ba-xa An Át-xát vốn được Nga che chở, Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki bắt đầu hành động và bày tỏ quan điểm phản đối Mỹ. Biểu hiện cho sự chuyển hướng chiến lược này là Chính quyền Bát-đa đã cho phép máy bay vận tải của I-ran chở hàng quân sự đi qua không phận I-rắc để viện trợ cho Xy-ri. Ngoài ra, trên một vùng lãnh thổ ở phía Bắc I-rắc hiện có một cơ quan chỉ huy thuộc các lực lượng vũ trang I-ran hoạt động dưới danh nghĩa của I-rắc để đối phó với người Cuốc. Trong bối cảnh ấy, tháng 10-2012, Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki đã có chuyến thăm lịch sử tới Nga và đã ký nhiều hợp đồng và thoả thuận quan trọng với Chính phủ Nga; trong đó có hợp đồng mua vũ khí trị giá hàng tỷ USD. Theo giới phân tích, kể từ sau chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki, I-rắc đã trở thành một đồng minh mới của Nga ở Trung Đông.

Như vậy, cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003 do Mỹ phát động đã không dựng lên được một chính thể theo ý muốn của Mỹ, thậm chí đi ngược lại lợi ích của Oa-sinh-tơn. Hiện nay, là thời điểm thuận lợi để Mỹ loại bỏ Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki. Ý định này của Mỹ trùng hợp với ý đồ của lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS)2 khi mở chiến dịch tấn công chiếm đoạt nhiều vùng lãnh thổ và  thành phố của I-rắc, gây sức ép để loại bỏ chính thể ở I-rắc nhằm thành lập Nhà nước Hồi giáo tại đây. Tình hình này cũng tương tự như ở Xy-ri: trong gần ba năm qua, IS chiến đấu trong hàng ngũ đối lập để loại bỏ Tổng thống Ba-xa An Át-xát, còn Mỹ và các nước phương Tây cũng theo đuổi mục tiêu đó. Chính vì thế, khi IS mở đầu các cuộc tấn công ồ ạt ở I-rắc từ đầu tháng 6-2014, Mỹ đã không đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ phía Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki. Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, Oa-sinh-tơn không chỉ “án binh bất động” mà còn yêu cầu Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki phải từ chức để thành lập chính phủ mới ở I-rắc. Chỉ tới khi IS tấn công các mục tiêu trên vùng lãnh thổ của người Cuốc, đe dọa lợi ích của Mỹ, thì Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma mới quyết định mở đầu chiến dịch không kích nhằm vào các lực lượng của IS. Tuy nhiên, việc không kích vào các mũi tiến công của IS không chỉ đánh dấu sự can dự  trở lại của Mỹ vào I-rắc sau nhiều năm tái thiết không thành, mà còn đặt Oa-sinh-tơn phải đối đầu với lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” khét tiếng tàn bạo này. Bởi hiện nay, đã có hàng nghìn phần tử Hồi giáo cực đoan của IS là người Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác, khi bị Mỹ tấn công quay sang chống Mỹ. Đây là sự tác động khôn lường đối với an ninh khu vực và thế giới cả trước mắt và lâu dài. Hiện nay, trước sức ép của Mỹ, ngày 14-8-2014, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nu-ri An Ma-li-ki tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo và ủng hộ người vừa được chỉ định thay thế mình là Phó Chủ tịch Quốc hội Hai-đa An-a-ba-đi.

Hai là, tạo ra cục diện địa - chính trị mới ở Trung Đông. Tình hình hiện nay ở I-rắc đang diễn ra theo kịch bản quốc gia này sẽ bị phân chia thành ba quốc gia theo ý tưởng của Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn. Theo ông Giô Bai-đơn, ở I-rắc luôn có sự đối đầu không khoan nhượng giữa hai phái tôn giáo dòng Xi-ai và dòng Xăn-ni. Do đó, giải pháp duy nhất ổn định tình hình là tạo điều kiện cho hai giáo phái người Xi-ai và người Xăn-ni thành lập nhà nước riêng. Theo đó I-rắc sẽ bị phân chia thành ba quốc gia. Ở phía Bắc là nhà nước của người Cuốc thân Mỹ, nơi tập trung nhiều mỏ dầu của I-rắc. Hiện nay, nhà nước của người Cuốc đã được hình thành, có tên gọi là Cộng hòa Cuốc-đi-xtăng. Ở phía Tây là nhà nước của người Hồi giáo theo dòng Xăn-ni có quan hệ với các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Còn ở phía Đông là nhà nước của người Hồi giáo theo dòng Xi-ai có quan hệ thân thiết với I-ran. Kịch bản này cũng đã từng được thể hiện trong “Đề án Trung Đông lớn”. Theo nhận định của các nhà bình luận quốc tế, sẽ là quá sớm để nói rằng I-rắc sẽ đi về đâu, vấn đề cơ bản là mọi công việc nội bộ của I-rắc phải do chính người dân nơi đây quyết định, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Trong đó, sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc vì lợi ích chung của quốc gia thống nhất sẽ là chìa khóa để đem lại hòa bình, ổn định lâu dài cho nhân dân I-rắc và cho cả khu vực.

Đại tá LÊ THẾ MẪU
___________

1 - Phía Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ, phía Đông giáp I-ran, phía Nam giáp Ả-rập Xê-út và Cô-oét, phía Tây giáp Gioóc-đa-ni và phía Tây Bắc giáp với Xy-ri.

2 - Ngày 29-6-2014, ISIL đã tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo” (IS).

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...