Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 15/10/2019, 07:22 (GMT+7)
“Sóng gió” trong quan hệ Nga - NATO

Quan hệ Nga - NATO đã xuống đến mức “thấp nhất” khi mới đây, Mát-xcơ-va tuyên bố chấm dứt hoàn toàn hợp tác cả về dân sự và quân sự với NATO. Dư luận bày tỏ quan ngại sâu sắc khi quan hệ giữa hai bên xấu đi có thể gây ra những tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.

Sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, nước Nga không còn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà chủ trương hội nhập vào thế giới phương Tây, còn NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) trong tình trạng không còn “đối trọng”, đã đi tìm một “sứ mệnh” mới cho mình, nên quan hệ giữa Nga và NATO được kỳ vọng sẽ mở ra “một trang mới” tươi sáng hơn.

Trên thực tế, hai bên đều đã có những bước đi được cho là “thiện chí”, làm “nồng ấm” mối quan hệ vốn đã bị “băng giá” suốt thời kỳ “Chiến tranh lạnh” giữa họ. Theo đó, năm 1994, Nga tham gia “Chương trình đối tác vì hòa bình” - một sáng kiến do NATO đề xuất; năm 1997, tham gia Hội đồng hợp tác Bắc Đại Tây Dương (sau đổi tên thành Hội đồng đối tác châu Âu - Đại Tây Dương) và ký kết Định ước cơ bản Nga - NATO về quan hệ hợp tác và an ninh. Hiện thực hóa các văn kiện hợp tác này, Hội đồng Nga - NATO đã được thành lập. Đây là cơ quan cao nhất điều phối các hoạt động hợp tác giữa hai bên. Quân đội Nga và NATO cũng đã xây dựng cơ chế hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, như: trao đổi thông tin tình báo, tổ chức tuần tra chung, phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển, khủng bố, hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật quân sự, v.v. Thậm chí, năm 2008, Nga còn cho phép NATO vận chuyển thiết bị quân sự quá cảnh qua lãnh thổ của mình để cung cấp cho quân đội của khối này tham gia lực lượng an ninh quốc tế ở Áp-ga-ni-xtan.

Theo giới phân tích quốc tế, Nga và NATO đã phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều cấp độ, với nhiều nội dung và hình thức. Điều đó giúp nâng cao năng lực phòng thủ của cả hai bên, góp phần vào việc duy trì an ninh, ổn định ở khu vực châu Âu thời “hậu chiến tranh lạnh”. Tuy nhiên, bên cạnh những “thành quả” hợp tác được đánh giá là “đáng khích lệ”, giữa Nga và NATO cũng bộc lộ những bất đồng, mâu thuẫn, khiến cho quan hệ giữa họ “rạn nứt” ngày càng sâu sắc hơn.

Những bất đồng khó giải quyết

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu khiến cho NATO trở thành liên minh quân sự lớn nhất hành tinh và không có “đối thủ”. Tuy vậy, NATO không những không bị “giải thể” mà tiếp tục được phát triển cả về quy mô và chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, về quy mô, nếu như thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, NATO có 15 nước thành viên thì sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, NATO đã kết nạp “ồ ạt” các nước Trung Âu và Đông Âu (vốn là các quốc gia thuộc không gian “hậu Xô Viết”), nâng tổng số thành viên lên 29 nước; biên giới của NATO được mở rộng tiến sát biên giới Nga. Cùng với đó, NATO cũng triển khai binh lính, vũ khí, trang bị quân sự hiện đại ở các nước thành viên giáp biên giới với Nga, hình thành lên một thế trận quân sự bao vây nước này. Mát-xcơ-va đã nhiều lần kịch liệt phản đối, coi kế hoạch “Đông tiến” của NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của họ. Điện Krem-li cảnh báo, Nga sẽ triển khai các biện pháp đáp trả thích đáng, kể cả quân sự để đối phó với các mối đe dọa, bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Mưu toan mở rộng biên giới về phía Đông tiến sát biên giới Nga của NATO đã phủ “bóng đen” lên quan hệ hai bên.

Chức năng, nhiệm vụ của NATO được điều chỉnh từ phòng thủ ở khu vực châu Âu sang mở rộng ra cả bên ngoài phạm vi lãnh thổ của châu lục này. Viện lý do ngăn chặn và chống “khủng bố” trên quy mô toàn cầu, dưới sự lãnh đạo của Mỹ, NATO đã thực hiện nhiều cuộc chiến tranh, bị dư luận phản đối là phi đạo lý ở nhiều khu vực trên thế giới. Điển hình như, bất chấp sự phản đối của Nga và cộng đồng quốc tế, Mỹ và NATO đã tiến hành cuộc tiến công quân sự chống Nam Tư năm 1999, dẫn đến cuộc “lật đổ” Tổng thống Nam Tư S. Mi-lô-sê-vích, hay cuộc tiến công quân sự chống I-rắc năm 2003, lật đổ Tổng thống I-rắc S. Hút-xen - những nhân vật được NATO coi là “thân Nga”. Tiếp theo, năm 2004, Mỹ và NATO tiến hành cuộc “cách mạng cam” ở U-crai-na, lật đổ chính quyền đương nhiệm của Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích - chính quyền mà NATO vu là “con đẻ” của điện Krem-li và thay vào đó bằng một chính quyền “thân phương Tây”. Theo giới quân sự, U-crai-na là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu đối với cả Nga và NATO. Bởi vậy, khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm, Mỹ và NATO đã phản ứng rất quyết liệt. Họ vu cáo Nga can thiệp vào tình hình của U-crai-na và gây mất ổn định ở miền Đông nước này. Để trả đũa hành động mà họ cho là “vuốt râu hùm” này, Mỹ và NATO đã triển khai hàng loạt biện pháp cứng rắn trừng phạt Nga, như: đẩy mạnh các hoạt động quân sự để răn đe; cắt đứt các quan hệ hợp tác, bao vây, cấm vận về kinh tế, chính trị và ngoại giao; đẩy quan hệ Nga - NATO vào tình trạng “đóng băng”. Năm 2018, cáo buộc Nga đầu độc điệp viên hai mang S. Xcơ-ri-pan ở Anh và gây hấn ở khu vực Biển Đen khi bắt giữ 03 tàu chiến của U-crai-na xâm phạm eo biển Kếch, Mỹ và NATO đã bổ sung lực lượng, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở các nước thành viên giáp biên giới với Nga để phô trương sức mạnh và răn đe Mát-xcơ-va. Trên Biển Đen, lấy lý do bảo vệ an toàn hàng hải, Mỹ và NATO điều động nhiều máy bay, tàu chiến hiện đại, tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn, khiến cho tình hình ở khu vực biển này hết sức căng thẳng.

Trước những hành động trên, Nga đã tuyên bố cực lực phản đối các cáo buộc của NATO về “mối đe dọa” từ nước này là những vu cáo không có cơ sở; coi các hành động thù địch của NATO đối với Nga là “vô ích”, chỉ gây mất an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới. Mát-xcơ-va cũng nêu rõ, hơn một thập niên qua, Nga đã nỗ lực để hàn gắn quan hệ với NATO, nhưng NATO đã phủ nhận những nỗ lực “tích cực” của nước này. Thay vì củng cố quan hệ hợp tác giữa hai bên thì NATO lại thực hiện chính sách ngăn chặn, kiềm chế Nga. Bởi vậy, Nga buộc phải chấm dứt hoàn toàn hợp tác cả về dân sự và quân sự với NATO. Dư luận lo ngại rằng, những bất đồng, mâu thuẫn khó giải quyết giữa Nga và NATO có thể đẩy quan hệ hai bên về trạng thái “đối đầu” nguy hiểm của thời kỳ “Chiến tranh lạnh”.

Nguyên nhân “rạn vỡ” trong quan hệ Nga - NATO

Theo các nhà phân tích quốc tế, sự “rạn vỡ” trong quan hệ Nga - NATO là điều đã được dự báo, bởi NATO luôn coi Nga là đối thủ hơn là đối tác. Năm 1990, chính quyền của Tổng thống Mỹ H.W. Bu-sơ khi đó đã cam kết với Krem-li rằng, NATO sẽ “không tiến về phía Đông dù chỉ một inch”. Năm 1997, NATO và Nga đã ký cam kết NATO không được phép bố trí lực lượng chiến đấu thường trực trên lãnh thổ các thành viên mới của mình. Tuy nhiên, Mỹ và NATO lại đi ngược các cam kết này, ráo riết đẩy mạnh kế hoạch “Đông tiến” tạo thành một “ma trận” quân sự vây quanh Nga. Mát-xcơ-va đã rất bất bình, coi những hành động “không đẹp” đó của NATO là “sự bội ước và nuốt lời hứa”. Khi Nga triển khai các biện pháp để đối phó, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, thì NATO lớn tiếng vu cáo, biến Nga thành con “ngáo ộp” ở châu Âu để chĩa mũi dùi tập trung vào chống phá. Mới đây, Tổng thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc đã tuyên bố, NATO đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, những thách thức mà không một quốc gia nào có thể một mình đối mặt,… trong đó có “một nước Nga quyết đoán hơn”. Trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2018, Mỹ cũng coi Nga là đối thủ tiềm tàng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong tư duy, Mỹ và NATO vẫn nghi ngại nước Nga - một siêu cường hạt nhân, không sớm thì muộn cũng sẽ trỗi dậy trở thành “đối thủ” số 1 thách thức vai trò độc tôn lãnh đạo thế giới của Mỹ. Với cách suy nghĩ đó, Mỹ và NATO luôn thực hiện chính sách “lá mặt lá trái” đối với Nga. Đó là hợp tác gắn với cạnh tranh gay gắt địa chiến lược, địa chính trị; kiềm chế, ngăn chặn làm cho Nga “suy yếu” không thể trở thành “mối đe dọa” thách thức mưu đồ bá quyền, cường quyền khu vực và thế giới của họ. Đây là nguyên nhân chính làm cho quan hệ Nga - NATO luôn “sóng gió” suốt thời gian qua.

Những hệ lụy kèm theo

Theo các chuyên gia quân sự của nhiều nước phương Tây, hệ lụy “nhãn tiền” từ việc “rạn vỡ” trong quan hệ Nga - NATO là các cơ chế phản ứng khẩn cấp giữa hai bên bị vô hiệu hóa. Trong bối cảnh Mỹ và NATO đang đối mặt với những thách thức phi truyền thống rất nghiêm trọng, nhất là làn sóng di cư từ Bắc Phi - Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố, đứng đầu là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thì việc này sẽ đặt ra những thách thức lớn hơn cho Mỹ và NATO trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Hơn nữa, sự “rạn vỡ” trong quan hệ Nga - NATO, nhất là việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga năm 1987 sẽ đẩy Nga và NATO vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, kéo theo đó là nguy cơ xung đột quân sự, đặc biệt là việc phổ biến vũ khí hạt nhân, gây ra những hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới. Mới đây, Krem-li đã cảnh báo: chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng và cuộc chiến tranh này không bao giờ được phép nổ ra. Đồng thời, Nga cũng đề xuất với Mỹ ký thỏa thuận không để xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, câu trả lời từ phía Mỹ vẫn còn bị bỏ ngỏ(!).

Nga và NATO là hai thực thể có vai trò quan trọng của thế giới. Quan hệ hai bên biến động như thế nào đều trực tiếp tác động đến cục diện quan hệ quốc tế, nhất là vấn đề an ninh, ổn định của châu Âu và thế giới. Dư luận mong muốn rằng, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi mà sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng lớn, thì Nga và NATO nên tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, bình đẳng cùng có lợi, chung tay xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Chỉ có như vậy, an ninh và lợi ích của các nước mới được bảo đảm trên thực tế.

ĐỨC MINH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...