Thứ Bảy, 14/09/2024, 01:12 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 06-12-2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm bất ngờ tuyên bố công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại I-xra-en từ Ten A-víp tới thánh địa này. Quyết định đó đi ngược lại Nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 1980 - không thừa nhận tính pháp lý Giê-ru-xa-lem thuộc về I-xra-en, gây nên làn sóng phản đối khắp thế giới và những hệ lụy nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
Quyết định trái ngược thực tế, vi phạm luật pháp quốc tế
Giê-ru-xa-lem - thành phố thiêng liêng, lâu đời bậc nhất thế giới với sự hội tụ của 3 tôn giáo lớn: Do Thái, Ki-tô và Đạo Hồi. Tuy cùng hướng về Thượng đế và chung một tổ phụ là Đấng tối cao A-bra-ham, nhưng mỗi tôn giáo lại có cách diễn giải khác nhau về đạo giáo, vì thế nảy sinh mâu thuẫn sâu sắc. Đây chính là nguyên nhân gây ra một số cuộc chiến tàn khốc giữa các tôn giáo, nhằm giành giật vùng đất hứa.
Kể từ khi ra đời năm 1948, Nhà nước I-xra-en luôn mong được thế giới thừa nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của mình, nhưng Liên hợp quốc đã chọn giải pháp “hòa bình, ổn định” là duy trì hai nhà nước với Giê-ru-xa-lem là thủ đô chung: phía Đông là thủ đô của Pa-le-xtin, còn phía Tây là thủ đô của I-xra-en. Nghị quyết 58/292 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định, Pa-le-xtin có quyền chủ quyền đối với Đông Giê-ru-xa-lem. Luật pháp quốc tế quy định rõ ràng rằng, I-xra-en không được thay đổi vị thế của Giê-ru-xa-lem bằng biện pháp quân sự. Điều IV của Công ước Giơ-ne-vơ quy định về việc chiếm đóng lâu dài và phản đối quốc gia chiếm đóng, thay đổi vị thế của khu vực do họ kiểm soát. Sau cuộc chiến tranh sáu ngày trong năm 1967, I-xra-en đánh chiếm thành cổ cùng một số địa điểm khác thuộc Đông Giê-ru-xa-lem. Kể từ đó, chính quyền Ten A-víp kiểm soát thành cổ Giê-ru-xa-lem, sau đó tuyên bố cả phía Đông và phía Tây đều là thủ đô không thể chia cắt của I-xra-en.
Đối với Mỹ - đồng minh thân cận nhất của I-xra-en, từ khi công nhận Nhà nước I-xra-en (năm 1948) tới nay, Oa-sinh-tơn luôn ủng hộ Ten A-víp, nhưng vẫn phải tuân thủ luật pháp quốc tế và sự đồng thuận của thế giới. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua một số luật có lợi cho I-xra-en; trong đó, Đạo luật Đại sứ quán Giê-ru-xa-lem ký năm 1995 cho phép Tổng thống Mỹ cứ 06 tháng một lần ký văn bản miễn trừ thi hành để tránh đưa ra các quyết định gây kích động. Theo đó, các tổng thống Mỹ đều định kỳ ký văn bản miễn trừ.
Ngay trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên Đô-nan Trăm đã từng cam kết sẽ thực hiện nghiêm đạo luật này, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của giới tài phiệt và cử tri Mỹ gốc Do Thái. Vì thế, các tỷ phú người Do Thái tài trợ khá hậu hĩnh cho chiến dịch tranh cử của Ông. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, cũng như các tổng thống tiền nhiệm, Đô-nan Trăm cũng đã ký văn bản miễn trừ thực hiện đạo luật này. Ngày 06-12-2017, Tổng thống Đô-nan Trăm bất ngờ đưa ra quyết định công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en, đồng thời chỉ thị cho Bộ Ngoại giao, chuyển Đại sứ quán từ Ten A-víp tới Giê-ru-xa-lem. Ngoài ra, Ông còn yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ giải thích rõ với dư luận thế giới rằng, "Giê-ru-xa-lem vẫn là một trong những vấn đề về giải pháp cuối cùng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin”, nghĩa là hai bên vẫn phải tiếp tục thương lượng để xác định phạm vi chủ quyền của I-xra-en ở Giê-ru-xa-lem. Về lý thuyết, Tổng thống Đô-nan Trăm hoàn toàn có quyền công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của cả I-xra-en và Pa-le-xtin để tái khẳng định cam kết của Oa-sinh-tơn về giải pháp “hai nhà nước” trong khu vực, góp phần nâng cao vị thế của Mỹ. Nhưng Ông lại không làm như vậy, mà đã nghiêng hẳn về I-xra-en, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm không những ở khu vực mà đối với cả thế giới.
Những hệ lụy sau quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm
Hệ lụy đầu tiên từ quyết định của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en đã gây chia rẽ ngay trong giới cầm quyền ở Oa-sinh-tơn. Bộ trưởng Ngoại giao Rec Ti-le-xơn, Bộ trưởng Quốc phòng Giêm Ma-tít và Giám đốc cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mai-cơ Pôm-pe-ô phản đối quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm với lý do là hành động này đe dọa lợi ích của Mỹ trong thế giới A-rập và Hồi giáo, làm suy yếu sự bảo trợ của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, gây ra làn sóng bạo lực mới trên vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin bị chiếm đóng, khiến Mỹ bị cô lập trên thế giới. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mai-cơ Pen-xơ, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và I-xra-en cùng một số khác lại ủng hộ quyết định này, với lập luận rằng, tuyên bố đó sẽ góp phần củng cố niềm tin của người I-xra-en vào Tổng thống Đô-nan Trăm, từ đó tạo điều kiện để Ông đưa ra một khung thỏa thuận cuối cùng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Trên khắp nước Mỹ, các nhóm ủng hộ Pa-le-xtin kêu gọi người dân xuống đường phản đối quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm. Quyết định của Tổng thống Mỹ đi ngược với ưu tiên hàng đầu mà Oa-sinh-tơn tự đặt ra trong vấn đề Trung Đông là chống khủng bố. Đây có thể là “cái cớ hoàn hảo” cho các tổ chức khủng bố huy động lực lượng chống lại Mỹ. Đối phó với tình huống này, Oa-sinh-tơn đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để “theo dõi những diễn biến toàn cầu” nhằm đánh giá và xem xét tình hình tác động tiêu cực đến các cơ sở và công dân Mỹ ở nước ngoài, v.v.
Bạo động phản đối quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm tại Bờ Tây và Dải Ga-da. Ảnh: AP
Quyết định của Tổng thống Mỹ đã gặp phải sự phản đối của chính người I-xra-en. Theo báo Ha-rét của I-xra-en ngày 25-12-2017, ngay sau khi Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố công nhận Giê-ru-xa-lem là Thủ đô của I-xra-en, 25 nhân vật có danh tiếng của nước này, gồm: các cựu đại sứ I-lan Ba-rúc, A-lon Li-en, A-li Bê-na-vi, các viện sĩ hàn lâm và các nhà hoạt động hòa bình đã gửi thư lên Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Gia-son Grin-bát, phản đối quyết định này. Bức thư có đoạn viết: “Quy chế thành phố Giê-ru-xa-lem là vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột Pa-le-xtin - I-xra-en phải được quyết định trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện. Việc Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en là coi thường khát vọng của người Pa-le-xtin, làm sâu sắc thêm các bất đồng giữa hai phía và có thể dẫn đến bùng nổ toàn khu vực”. Ở Bờ Tây và Dải Ga-da đã có hàng nghìn người đổ xuống đường vẫy cờ Pa-le-xtin và hô khẩu hiệu “Giê-ru-xa-lem là thủ đô bên ngoài của chúng ta”. Lực lượng Phòng vệ I-xra-en đã phải bắn đạn hơi cay vào đám đông biểu tình, khiến hơn 1.000 người bị thương và hàng chục người bị bắt giữ.
Ngày 21-12-2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhóm họp để thảo luận khẩn cấp về việc Mỹ đơn phương công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en. Do Mỹ không có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, nên nghị quyết này đã được thông qua, với 128 quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ và chỉ có 09 quốc gia bỏ phiếu phản đối, bất chấp lời đe dọa trước đó của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm sẽ cắt viện trợ tài chính cho các nước biểu quyết ủng hộ Dự thảo nghị quyết Liên hợp quốc, kêu gọi Mỹ rút lại quyết định. Chính quyền Mỹ còn gây áp lực với chính quyền Pa-le-xtin, như: đe doạ sẽ đóng cửa văn phòng của Tổ chức giải phóng Pa-le-xtin (PLO) tại Oa-sinh-tơn. Ông Ri-át Man-xu-a, quan sát viên Pa-le-xtin tại Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, người Pa-le-xtin sẽ không bao giờ chấp nhận những sự bào chữa mang tính tôn giáo để biện minh cho việc sáp nhập lãnh thổ, rằng: quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm sẽ không ảnh hưởng tới chủ quyền của Pa-le-xtin đối với Giê-ru-xa-lem, nhưng sẽ ảnh hưởng tới vị thế trung gian hòa giải của Mỹ.
Có thể thấy, quyết định trên của Tổng thống Mỹ sẽ làm cho các nước Ả rập và Hồi giáo đoàn kết hơn. Sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Pa-le-xtin đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi chưa từng có sau tuyên bố công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en. Một làn sóng phản đối quyết định này đã bùng nổ tại khu vực Trung Đông và khắp thế giới. Liên đoàn Ả rập (AL), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã họp khẩn cấp phản đối quyết định này của Tổng thống Đô-nan Trăm và khẳng định một giải pháp lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột phải gồm việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem bên cạnh Nhà nước I-xra-en. Tổng thống Ai Cập, ông En Xi-xi cho biết, quyết định của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm sẽ gây nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh khu vực. Nhà vua Giooc-đan Ap-đu-la II cảnh báo: “Quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm có thể bị các phần tử khủng bố lợi dụng để kích động tâm lý căm phẫn trong khu vực”. Để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, ngày 17-12-2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ê-đô-gan cho biết, An-ka-ra muốn mở Đại sứ quán tại Đông Giê-ru-xa-lem. Còn Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Y-in-đi-rim nhận định: “Những ai tính toán sai lầm về Giê-ru-xa-lem sẽ phải hối tiếc. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ để người Pa-le-xtin bị áp bức, biến mất khỏi lãnh thổ của mình”. Cùng với đó, hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xuống đường tuần hành chống quyết định của Tổng thống Mỹ và thể hiện đoàn kết với người Pa-le-xtin với khẩu hiệu: “Chúng tôi sẽ không im lặng cho đến khi Giê-ru-xa-lem được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của người Do Thái”. Nhiều quan chức chính quyền, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia cuộc tuần hành.
Còn ở Đông Nam Á, tại thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a, ngày 17-12-2017, khoảng 80.000 người Hồi giáo đã tham gia tuần hành phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ. Ngày 22-12-2017, phát biểu trước khoảng 1.500 người biểu tình ở Put-rai-a, Thủ tướng Ma-lai-xi-a, ông Na-gip Ra-giắc tuyên bố, bằng mọi giá chống lại quyết định của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Ông cho biết, sẽ tiếp tục chiến đấu, sử dụng mọi phương tiện, thông qua các kênh chính trị và ngoại giao, thảo luận và “cầu nguyện” cho đến khi Giê-ru-xa-lem thuộc về người dân Pa-le-xtin. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a cũng đã tuyên bố sẵn sàng đưa quân đến Giê-ru-xa-lem khi được lệnh.
Ở châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, họ sẽ không ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ. Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Mô-ghe-ri-ni, thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Thủ tướng I-xra-en, ông Ne-ta-nhi-a-hu rằng, châu Âu nên ủng hộ Mỹ công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của nhà nước Do Thái. Ngay cả những đồng minh thân cận nhất của I-xra-en tại Liên minh châu Âu cũng không chấp nhận lý lẽ của ông Ne-ta-nhi-a-hu và cho rằng, việc đơn phương công nhận thủ đô của I-xra-en sẽ có nguy cơ kích động bạo lực và phá hoại cơ hội hòa bình của khu vực. Hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu, trong đó có các nước lớn của khối đều bày tỏ quan ngại về sự thay đổi đột ngột trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Đô-nan Trăm. Ở Đức, ngày 16-12-2017, khoảng 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình tại thành phố Phơ-răng-phuốc để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ. Trước đó, đã có khoảng 2.500 người tham gia biểu tình tại thủ đô Béc-lin phản đối quyết định này. Trong cuộc biểu tình này, một lá cờ của I-xra-en bị đốt cháy.
Đối với Pa-le-xtin, tháng 12-2017 đánh dấu kỷ niệm 30 năm phong trào đấu tranh đầu tiên của người Pa-le-xtin, được gọi là “In-ti-pha-đa”, khi người Pa-le-xtin đứng lên chống lại sự chiếm đóng và đàn áp của I-xra-en trong vòng 40 năm kể từ sau sự kiện “Nac-ba” năm 1948. Nac-ba là “ngày thảm họa”, được sử dụng để miêu tả sự kiện hàng trăm nghìn người dân Pa-le-xtin buộc phải rời bỏ nhà cửa hoặc chạy trốn, khi I-xra-en tuyên bố thành lập nhà nước Do Thái vào năm 1948. Quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en có thể sẽ khởi đầu làn sóng “In-ti-pha-đa” mới trong bối cảnh người dân Pa-le-xtin và các lực lượng ủng hộ, từ Bờ Tây và Dải Ga-da đến các thành phố trên khắp thế giới, đứng lên chống Mỹ và chống I-xra-en. Một trong các nhà lãnh đạo lực lượng Hec-bô-la, ông Ac-ram An Ka-bi nhận định: “Quyết định khác thường của Tổng thống Đô-nan Trăm sẽ là ngòi nổ khiến I-xra-en bị loại khỏi cộng đồng các nước Hồi giáo và sẽ là cái cớ chính đáng để các lực lượng vũ trang nhiều nước ở Trung Đông tấn công quân nhân Mỹ đang chiếm đóng lãnh thổ một số nước trong khu vực này”.
Ngày 19-12-2017, Tổng thống Pa-le-xtin, ông Mac-mut Áp-bát cử các phái đoàn tới Nga và Trung Quốc với hy vọng tìm được các đối tác quốc tế thay thế Mỹ trong vai trò nhà trung gian cho tiến trình hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin, bởi Ông không còn chấp nhận Mỹ là trung gian hòa giải sau sự kiện này. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga X. La-vrôp cho biết, Mát-xcơ-va không nghi ngờ gì về mức độ đáng báo động của tình hình xung quanh Giê-ru-xa-lem và sẽ cố gắng đưa tình hình xung quanh Giê-ru-xa-lem trở lại kênh đối thoại xây dựng. Bình luận về quyết định của Mỹ phủ quyết Nghị quyết của Hội đồng bảo an về Giê-ru-xa-lem ngày 18-12-2017, ông X. La-vrôp cho rằng, Oa-sinh-tơn đã áp dụng cách tiếp cận “đi ngược với ý chí của cả thế giới”.
Rõ ràng, quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm về Giê-ru-xa-lem không chỉ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với an ninh và hòa bình ở Trung Đông mà còn đưa Mỹ vào thế bị cô lập chưa từng có trong lịch sử.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Tổng thống Mỹ,Đô-nan Trăm,công nhận Giê-ru-xa-lem,thủ đô của I-xra-en,hệ lụy
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương