Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 22/08/2016, 08:11 (GMT+7)
Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga: 25 năm một chặng đường

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga được vun đắp trên cơ sở kế thừa quan hệ “chí tình, chí nghĩa” giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây. Trải qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống này ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu và là tài sản vô giá để hai nước, hai dân tộc giữ gìn, phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
(Ảnh: TTXVN)

1. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, lòng tin chính trị ngày càng phát triển

Sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991), quan hệ giữa Việt Nam - Liên bang Nga có phần “trầm lắng” do những “băn khoăn” chưa được giải đáp. Tuy nhiên, vượt qua sự khác biệt, thăng trầm, quan hệ giữa hai nước dần được củng cố, phát triển đúng hướng và đạt kết quả tốt đẹp, trên nhiều lĩnh vực. Về quan hệ chính trị, do được kế thừa nền tảng từ trước nên quan hệ trên lĩnh vực này giữa hai nước phát triển tương đối nhanh. Tháng 06-1994, hai bên đã thống nhất ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, làm cơ sở để thiết lập nền móng cho quan hệ giữa hai nước. Trên nền tảng đó, tháng 3-2001, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác chiến lược Việt - Nga”, đã chính thức hiện thực hoá khuôn khổ quan hệ song phương trong thế kỷ XXI, v.v. Đặc biệt, tháng 5-2012, Việt Nam và Liên bang Nga nhất trí đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới - quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”; ra “Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”. Đây là bước phát triển có tính đột phá, mở ra kỷ nguyên hợp tác cả về bề rộng và chiều sâu giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Không những thế, lần đầu tiên trong Học thuyết đối ngoại của mình, Nga đã đề cập đến vai trò của Việt Nam. Nga xác định: “Đường lối đối ngoại của Nga hướng tới việc tăng cường tính năng động của mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, trước hết là phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam”.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, trọng tâm là phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, coi đây là trọng tâm trong quan hệ song phương. Theo đó, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc họp liên chính phủ nhằm thúc đẩy và tạo nhiều điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp của mỗi bên tiến hành kinh doanh, đầu tư lẫn nhau; ký hàng chục thỏa thuận về tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy quan hệ trên hầu hết các lĩnh vực. Hiện tại, Nga đã có hàng trăm dự án lớn, nhỏ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Việt Nam là đối tác thương mại chủ yếu của Nga tại châu Á và xếp thứ hai trong Cộng đồng ASEAN. Đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương có bước phát triển nhanh hơn giai đoạn trước, với mức tăng bình quân khoảng 21%/năm, v.v.

Quan hệ quân sự, quốc phòng giữa Việt Nam - Liên bang Nga có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là trong hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị, v.v. Việt Nam xác định Nga là đối tác tin cậy và triển vọng nhất trong hợp tác trên lĩnh vực quân sự. Thông qua các chuyến thăm cấp cao, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác trên lĩnh vực này, như: Thoả thuận về phương hướng hợp tác quân sự (năm 1994); Hiệp định liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự (tháng 10-1998); thành lập Uỷ ban liên chính phủ về các vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự, v.v. Hai bên cam kết thúc đẩy mở rộng hợp tác kỹ thuật - quân sự theo hướng: Nga sẽ bảo đảm hiện đại hóa vũ khí, trang bị các lực lượng hải quân, không quân và phòng không của Việt Nam. Trên thực tế, Nga đã cung cấp cho Việt Nam một số vũ khí, khí tài hiện đại và cải tiến các loại trang bị quân sự mà Liên Xô cung cấp trước đây; hợp tác trong sửa chữa, tăng hạn sử dụng của vũ khí, khí tài; chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị; trợ giúp đào tạo, huấn luyện và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam, v.v. Quan hệ thương mại quân sự giữa hai bên được xúc tiến mạnh mẽ, thông qua một loạt hợp đồng mua bán vũ khí có giá trị. Các hợp đồng này tuy không lớn, nhưng nhiều và đều đặn trong những năm qua, góp phần tăng cường sức mạnh quân sự của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho một số xí nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga trong những thời điểm khó khăn.

Trong đào tạo cán bộ quân sự, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Theo đó, hai bên đã ký hợp đồng khung về đào tạo quân nhân Việt Nam tại các trường quân sự của Nga (tháng 4-2002); thống nhất ưu tiên thúc đẩy hợp tác đào tạo quân sự (năm 2007). Đến nay, Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ và lưu học sinh quân sự sang học tập tại các trường trong và ngoài quân đội của Nga. Số cán bộ và học viên này đều rèn luyện tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Phía Nga cam kết, tiếp tục và mở rộng đào tạo cán bộ quân sự cấp cao cho Việt Nam tại các học viện, nhà trường của Nga.

2. Triển vọng về quan hệ hợp tác giữa hai nước

Trên cơ sở nhận định, đánh giá một cách khách quan, toàn diện quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga cho thấy, đó là quan hệ vừa dựa trên nền tảng của tình hữu nghị, truyền thống lâu đời, vừa xuất phát từ lợi ích thiết thân của mỗi nước. Trên thực tế, Nga là quốc gia cung cấp vũ khí, trang bị quân sự lớn nhất cho Việt Nam và Nga cũng đang nắm giữ công nghệ nguồn đối với nhiều chủng loại vũ khí hiện đại của Quân đội ta, nên việc quan hệ khăng khít giữa hai bên là điều dễ hiểu. Mặt khác, Nga là nước lớn, có khả năng tham gia và có tiếng nói quan trọng đối với nhiều vấn đề quốc tế; trong đó, bao hàm cả những lợi ích của Mát-xcơ-va trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, ngoài tình hữu nghị anh em, Nga còn tìm kiếm những lợi ích khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong thời gian tới có cả thuận lợi và thách thức đan xen, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu, rộng. Song, về tổng quan cho thấy, triển vọng “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga” là tốt đẹp. Để làm được điều này, hai bên cần thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường các chuyến thăm cấp cao, củng cố niềm tin chính trị, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp có sẵn giữa hai nhà nước và tình cảm nhân dân hai nước dành cho nhau. Quan hệ hữu nghị giữa hai nước cần tiếp tục được vun đắp trên nền tảng của sự tin cậy về chính trị. Trong bối cảnh Nga đang bị o ép từ nhiều mặt tại châu Âu, Trung Đông - Bắc Phi và ngay tại sân sau của mình, Việt Nam cần được Nga xem như một điểm tin cậy tại châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, chúng ta cần tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tạo sự nhận thức đúng đắn, chính xác tình hình Việt Nam cho nhân dân và giới hữu trách Nga. Quan hệ chính trị tốt đẹp, sự hiểu biết chính xác về nhau được xem là tiền đề quan trọng cho sự hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga.

Thứ hai, nâng cao cấp độ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức quân sự cấp cao hai nước, nhằm tăng sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau về quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự. Trong hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể trong việc cải thiện năng lực công nghiệp quốc phòng để sẵn sàng nhận và tự sản xuất vũ khí, trang bị khi được Nga chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vũ khí, khí tài tiên tiến. Đây được xem là bước đầu tiên nhằm hướng tới việc tự chủ trong sản xuất vũ khí, khí tài tiên tiến theo giấy phép, nhưng có sự cải tiến công nghệ cho phù hợp với cách đánh, môi trường, khí hậu, đặc điểm chiến tranh và con người Việt Nam. Các hợp đồng quốc phòng lớn cần theo hướng: kèm theo chuyển giao công nghệ để sản xuất, lắp ráp trong nước, hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất phụ tùng cơ bản, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa lớn tại Việt Nam.

Tiếp tục hợp tác, cử học viên đi đào tạo tại các học viện, nhà trường của Quân đội Nga, nhằm tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao cho Quân đội ta. Trong đó, chú trọng các chuyên ngành chỉ huy tham mưu, chỉ huy kỹ thuật quân sự, cũng như đào tạo các chuyên gia về phát triển vũ khí, trang bị, tạo nguồn lâu dài cho Quân đội.

Thứ ba, coi trọng thúc đẩy hợp tác về kinh tế giữa hai nước, nhất là hợp tác về năng lượng, sản xuất các trang, thiết bị máy móc công nghiệp, tạo điều kiện cho hai bên cùng có lợi ích trong hợp tác kinh tế. Trong đó, cần giảm tối đa các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa của nhau, cũng như chi phí về vận tải. Trong bối cảnh Nga đang tăng cường chính sách “hướng Đông”, hai bên cần chủ động đưa ra sáng kiến để mở rộng hợp tác kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mà Nga có thế mạnh, như: chế tạo máy, thiết bị vận tải, luyện kim, … và cần có chính sách phù hợp khuyến khích các nhà đầu tư Nga vào Việt Nam.

Thứ tư, xử lý đúng đắn mối quan hệ với Nga trong tổng thể quan hệ với các đối tác khác của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây bao vây, o ép từ nhiều phía. Hiện nay, Nga và phương Tây đang lâm vào cuộc tranh giành lợi ích chiến lược tại nhiều khu vực trên thế giới. Điều này tạo ra những khó khăn cho các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam trong hợp tác với Nga cũng như với các nước phương Tây. Vì thế, duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hiệu quả và đi vào chiều sâu trong tình hình hiện nay đòi hỏi nỗ lực cao của lãnh đạo các cấp hai nước, trên cơ sở sự tin tưởng và xem xét các lợi ích của nhau một cách thận trọng.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đang không ngừng được vun đắp, phát triển. Liên bang Nga được Việt Nam coi là “Đối tác tin cậy” trong chính sách ngoại giao của mình. Thế giới đang biến đổi mau lẹ, lợi ích của các quốc gia đan xen nhau phức tạp; nhưng, tình cảm tốt đẹp mà nhân dân hai nước dành cho nhau cùng quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai quốc gia sẽ là động lực mạnh mẽ đưa Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đi vào chiều sâu, thực chất hơn, trên tầm cao mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. TRẦN MINH SƠN, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Liên bang Nga

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...