Thứ Bảy, 23/11/2024, 19:39 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau khủng hoảng U-crai-na, cuộc xung đột Xy-ri một lần nữa đẩy quan hệ Nga - Mỹ thêm căng thẳng, tái lập bầu không khí của thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa hai cựu thù. Vậy, vì sao cuộc chiến Xy-ri lại tác động mạnh mẽ đến quan hệ Nga - Mỹ? Và căng thẳng giữa hai bên sẽ bị đẩy lên tới cực điểm, hay rốt cục cũng phải hạ nhiệt? Đó là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, tháng 9-2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc chiến Xy-ri đã kéo dài 6 năm, khiến gần 300 nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải chịu cảnh thương tật suốt đời và có đến 5 triệu người phải bỏ nhà cửa, trốn chạy để thoát khỏi cảnh giết chóc của chiến tranh. Đây là cuộc chiến chứa đựng quá nhiều phức tạp, hỗn độn, hóc búa và khác lạ, với hàng nghìn nhóm chiến đấu - từ những nhóm đối lập về hệ tư tưởng,… đến những nhóm kẻ cướp thông thường - chống lại Tổng thống Xy-ri An Át-xát. Do ông An Át-xát thuộc cộng đồng người thiểu số A-la-uy – Xi-ai - dòng người vốn có mâu thuẫn truyền kiếp với dòng người Xăn-ni, nên thoạt nhìn, có vẻ như xung đột ở Xy-ri là cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo điển hình giữa người Xi-ai và người Xăn-ni. Xét ở một vài khía cạnh, điều này có phần đúng, bởi các nhóm Hồi giáo ngày càng sử dụng lối nói và hoạt động chiến tranh mang tính phe phái. Chẳng hạn, nhà thuyết pháp Át-nan An A-rô từng đe dọa “đánh tơi bời” người A-la-uy và ném họ cho thú dữ ăn thịt. Còn mặt trận An Nu-xra đã hành quyết hàng chục người Đru-dơ, người A-la-uy và người theo đạo Thiên chúa. Ngoài ra, sự hiện diện của lực lượng Héc-bô-la cũng như các đơn vị của I-ran trong cuộc chiến cũng củng cố quan điểm cho rằng, đang có một cuộc chiến giữa người Xăn-ni với người Xi-ai.
Tuy nhiên, nếu nhìn bề ngoài thì cuộc chiến Xy-ri không mang bản chất sắc tộc, tôn giáo. Bởi, những yêu cầu của các phe phái đối lập tại Xy-ri hoàn toàn mang tính chính trị, không có sự phân biệt về sắc tộc. Thực tiễn cho thấy, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hành quyết hàng trăm binh lính cũng là người Xăn-ni như các thành viên IS. Mặt khác, người Xăn-ni không chỉ luôn có đại diện trong chế độ An Át-xát, mà còn hình thành một nhóm lớn bên trong lực lượng vũ trang Xy-ri - lực lượng chiến đấu chống lại các tay súng IS. Và theo một tài liệu mới được công bố, chính không ít đại diện của cộng đồng người A-la-uy (mà Tổng thống An Át-xát là thành viên) từ chối có liên hệ với chế độ An Át-xát, tức là không ủng hộ chính quyền của Tổng thống Xy-ri đương nhiệm.
Với những biểu hiện nêu trên, không ít người cho rằng cuộc chiến ở Xy-ri đơn thuần chỉ là cuộc nổi dậy của phe phái đối lập chống lại chính phủ và chống lại lẫn nhau vì lý do tôn giáo, sắc tộc mà không thấy sự đối đầu giữa các thế lực nước lớn cả ở trong và ngoài khu vực. Vì thế, xét về bản chất và loại hình, cuộc chiến này vừa có đặc điểm của một cuộc nội chiến, vừa có đặc điểm của một cuộc chiến tranh xâm lược.
Thật vậy, cuộc chiến Xy-ri là sự đối đầu liên chính phủ, về cơ bản là giữa hai nhóm quốc gia ở trong và ngoài khu vực có lợi ích đối lập nhau. Đại diện cho hai nhóm này là Nga và Mỹ, và có thể nói, cuộc chiến Xy-ri là cuộc song đấu giữa hai quốc gia này. Mặc dù đôi lúc hai bên có vẻ cùng mục tiêu chống khủng bố quốc tế, cùng chung chiến hào chống IS, song nhìn toàn cục, Nga và Mỹ vẫn ở hai bên chiến tuyến và mỗi nước luôn theo đuổi những mục tiêu, lợi ích cơ bản đối lập nhau. Trong khi Mỹ muốn khẳng định mình là nước duy nhất lãnh đạo thế giới, thì Chính quyền của Tổng thống Xy-ri An Át-xát (với vị thế địa chính trị ở khu vực) lại cản trở việc thực hiện mưu đồ của Oa-sinh-tơn. Vì vậy, Mỹ cùng nhiều đồng minh là các quốc gia láng giềng của Xy-ri vốn có sẵn thù địch với Xy-ri, muốn hạ bệ Tổng thống “bất trị” An Át-xát; thậm chí, muốn xóa sổ Xy-ri trên bản đồ thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đã tiêu tốn nhiều tiền của, công sức để vũ trang và huấn luyện cho các tổ chức vũ trang đối lập với Chính quyền của Tổng thống An Át-xát. Bên cạnh đó, Mỹ còn tăng cường trang bị cho lực lượng vũ trang người Cuốc và Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn các cuộc tiến công của quân đội Xy-ri, v.v.
Đối với Nga, Xy-ri vừa là đồng minh quân sự lâu đời, vừa là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược an ninh của Mát-xcơ-va tại Trung Đông. Sự ra đi của ông An Át-xát (trong trường hợp chính quyền Đa-mát sụp đổ) sẽ dẫn đến tình trạng thủ tiêu Chính phủ thống nhất và Xy-ri sẽ trở thành hang ổ cho chủ nghĩa khủng bố, tạo nguy cơ trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia của Nga. Đó là lý do chính, khiến Nga buộc phải ủng hộ chính quyền Xy-ri, vì chỉ có Xy-ri thống nhất mới có thể ngăn chặn được IS. Ngoài ra, quan tâm đến Xy-ri, Nga còn có lợi ích thiết thân ở quốc gia Trung Đông này.
Chính vì vậy, kể từ khi cuộc chiến ở Xy-ri nổ ra vào đầu năm 2011, Nga đã có nhiều hỗ trợ ngoại giao vô giá cho Chính quyền Đa-mát. Đặc biệt, vào cuối năm 2013, khi mà cả Mỹ, Anh và Pháp có động thái bày binh bố trận ở khu vực Địa Trung Hải, sẵn sàng tiến công Xy-ri, thì Nga đã kịp thời đề xuất sáng kiến đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình đã cứu đất nước Xy-ri thoát khỏi một cuộc can dự quân sự tàn khốc.
Hơn thế nữa, Nga còn trực tiếp tham chiến tại Xy-ri, theo yêu cầu của một chính phủ hợp pháp - Chính phủ Xy-ri. Nhìn nhận sự kiện này, các quan chức Mỹ và phương Tây dường như đặt cược vào việc Nga sẽ thất bại trong nỗ lực giúp Tổng thống An Át-xát duy trì quyền lực, rằng Nga sẽ phải sa lầy vào cuộc chiến này. Song, thực tế đã có câu trả lời ngược lại. Sau hơn một năm tiến hành các chiến dịch quân sự tại Xy-ri, Mát-xcơ-va đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến, củng cố chế độ cầm quyền của Chính quyền Đa-mát, giáng đòn tiêu diệt vào phe khủng bố, cũng như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri. Qua đó, Nga cũng khẳng định trước Mỹ và phương Tây về vị thế và quy chế cường quốc thế giới của mình. Nhờ đó, Nga đã “giữ thế thượng phong” tại Xy-ri và buộc Oa-sinh-tơn phải chủ động đàm phán với Mát-xcơ-va về Xy-ri. Sau cuộc đàm phán kéo dài gần 14 giờ tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Nga và Mỹ đã thống nhất thỏa thuận ngừng bắn tại Xy-ri bắt đầu có hiệu lực vào tối 12-9-2016 và kéo dài trong 48 giờ. Đây là bước khởi đầu “tốt đẹp”, và nếu nó được tuân thủ, các bên tham chiến ở Xy-ri sẽ có một tuần ngừng bắn tiếp theo để hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc chiến.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn nói trên đã không được thực thi, khi mà cả quân nổi dậy chống Chính phủ Xy-ri và quân đội Xy-ri lại tiếp tục giao tranh. Cùng với đó, người Cuốc và người Thổ Nhĩ Kỳ (đều là đồng minh của Mỹ, được Mỹ bảo trợ) lại quay sang triệt hạ nhau, khiến cho tình hình Xy-ri tiếp tục khủng hoảng nghiêm trọng. Cuối cùng, Nga, Mỹ và các bên liên quan phải quay trở lại đàm phán, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Song, sự gián đoạn của thỏa thuận ngừng bắn và sau đó là tuyên bố của Mỹ rằng, hai nước chấm dứt hợp tác về vấn đề Xy-ri đã một lần nữa đưa hồ sơ Xy-ri vào ngõ cụt. Mát-xcơ-va lên án Oa-sinh-tơn “bắt tay với quỷ dữ - liên minh với những kẻ khủng bố mơ lật ngược lịch sử và dùng vũ lực để áp đặt những quy định vô nhân tính của mình” và cho rằng: “tuyên bố và hành động của Mỹ về Xy-ri thực sự điển hình cho sự bất nhất”. Còn Mỹ lại tố Nga “theo đuổi một chiến thắng về quân sự bằng cách giẫm đạp lên thân thể người chết tại các bệnh viện bị dội bom và những đứa trẻ hoảng loạn”. Thậm chí, một quan chức cấp cao Mỹ từng đề nghị bắn hạ máy bay Nga mà không cần cảnh báo. Không dừng lại ở những cuộc “khẩu chiến”, nguy cơ trực tiếp đối đầu giữa các máy bay chiến đấu của Mỹ (giúp người Cuốc) và máy bay của Nga (hỗ trợ quân đội Xy-ri) là có thực. Nếu điều này xảy ra, không thể biết cuộc chiến tranh sẽ đi tới đâu và liệu có còn là cuộc chiến thông thường không? Bình luận về vấn đề này, nhiều nhà phân tích cho rằng, “tình thế Nga - Mỹ hiện nay đang ngấp nghé bờ vực”, “quan hệ giữa hai bên đã xấu đi xuống mức độ nguy hiểm”. Vậy, quan hệ Nga - Mỹ sẽ đi tới đâu trong những năm tháng tới?
Trước hết, cần hiểu gốc rễ của sự đối đầu giữa Nga và Mỹ mang tính hệ thống, xuất phát từ quan điểm khác nhau về những chuẩn mực, nguyên tắc và quan hệ trong trật tự quốc tế. Người Mỹ luôn đấu tranh duy trì “vai trò lãnh đạo thế giới” của mình dưới dạng quan niệm trong giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh và đấu tranh “củng cố trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo”. Người Nga cho rằng, tầm nhìn về trật tự thế giới “đúng đắn” của Mỹ không phù hợp với “trật tự thế giới bình đẳng” cũng như các khuynh hướng phát triển của thế giới đương đại. Ngoài sự khác biệt về quan hệ và trật tự quốc tế, Nga và Mỹ còn có lợi ích chiến lược đối lập nhau ở rất nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Trung Đông. Vì vậy, đối đầu Nga - Mỹ không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể dừng lại.
Tuy nhiên, giữ trạng thái đối đầu đến mức nguy hiểm như hiện nay thì chắc rằng cả Mỹ và Nga đều không mong muốn, bởi nhiều lý do. Thứ nhất, Nga và Mỹ đều hiểu hậu quả khôn lường cho cả hai và cho cả thế giới nếu căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm và bước qua “lằn ranh đỏ”. Thứ hai, mặc dù chưa đến mức trực tiếp tiến công nhau, nhưng sự căng thẳng kéo dài của hai bên sẽ làm cho “cơ chế” quản lý thế giới ít được an toàn hơn. Thứ ba, việc căng thẳng, bất hợp tác giữa hai bên tiếp tục đưa Xy-ri vào vòng xoáy bạo lực, khuyến khích IS phát triển, đe dọa đến an ninh của cả không chỉ đối với Nga và Mỹ, mà còn tác động tới cả khu vực và thế giới. Đó là những điểm chung với cả hai cường quốc. Còn đối với riêng Nga, đối đầu với Mỹ làm suy yếu vị thế của Nga ở không gian hậu Xô-viết, cũng như khuyến khích các nước trong khu vực này thực thi chính sách cân bằng. Mặt khác, nếu tiếp tục đối đầu, Nga sẽ gặp trở ngại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, tạo ra những tiền lệ cho các cuộc xung đột mới ở không gian hậu Xô-viết và do đó, đẩy nước Nga vào tình thế bất lợi (bao gồm cả Trung Đông bất ổn). Ngoài ra, trong triển vọng dài hạn, đối đầu với Mỹ sẽ làm cho kinh tế Nga suy yếu, dẫn đến khó có thể thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra. Với Mỹ, tất nhiên, đối đầu với Nga về dài hạn cũng làm suy yếu vị thế của Mỹ tại châu Âu, bởi nhiều quốc gia châu Âu không ủng hộ cuộc đối đầu gay gắt giữa hai bên và mong muốn bình thường hóa quan hệ với Nga. Không những thế, nhiều nước châu Âu cho rằng, sự đối đầu Nga - Mỹ cũng giáng một đòn vào mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu, vị thế của Mỹ tại châu Á và lục địa Á - Âu; trong một chừng mực nào đó, lại tạo ra sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc. Khi đó, Oa-sinh-tơn tự tay biến Á - Âu thành khu vực đoàn kết mà Nhà Trắng không thể kiểm soát được.
Vì tất cả những yếu tố trên, nhiều nhà phân tích đã có lý khi cho rằng, thất bại của thỏa thuận ngừng bắn và mối quan hệ Nga - Mỹ ngày càng xấu đi chỉ là tạm thời; Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn sớm muộn cũng phải ngồi lại với nhau về vấn đề Xy-ri. Bởi lẽ, thế giới này chiến tranh hay hòa bình, Xy-ri và Trung Đông tiếp tục rơi vào vòng xoáy bạo lực mới hay có cơ hội để ổn định, suy đến cùng, đều do các cường quốc, mà đại diện là Nga và Mỹ giữ vai trò quyết định.
Đại tá LÊ ĐỨC CƯỜNG
quan hệ Nga Mỹ,cuộc chiến Xy-ri
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ