Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:02 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau 05 năm rơi vào tình trạng lạnh nhạt, quan hệ Mỹ - Philippines đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) vốn bị hủy bỏ từ tháng 02/2020. Vậy, nguyên nhân quan hệ hai nước bị rạn nứt và việc Philippines quay lại “quỹ đạo” đồng minh với Mỹ ra sao đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Lợi ích đôi bên
Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines đã được thiết lập từ lâu và ràng buộc bởi các trụ cột chính, đó là: (1) Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký năm 1951, Hiệp ước quy định hai bên sẽ bảo vệ nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công; (2) Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được ký năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999; (3) Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III ký năm 2014, Thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ sử dụng 05 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines. Những thỏa thuận trên chính là cơ sở pháp lý để hàng nghìn binh sĩ Mỹ cùng các phương tiện được luân phiên đồn trú tại Philippines và cho phép quân đội hai nước tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên, tổ chức huấn luyện quân sự cũng như triển khai hoạt động hỗ trợ nhân đạo, v.v. Theo thống kê, mỗi năm quân đội Mỹ có khoảng 300 hoạt động như vậy tại quốc gia Đông Nam Á này, gồm cả những chuyến thăm viếng của các tàu chiến.
Trong số các hiệp định và thỏa thuận trên thì Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng được đánh giá là giữ vai trò trọng yếu, vì nó đưa ra các quy tắc, hướng dẫn và địa vị pháp lý cho quân đội Mỹ khi hoạt động tại Philippines. Nói một cách cụ thể, VFA là một phần không thể tách rời của MDT - yếu tố quan trọng nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội Philippines với quân đội Mỹ. Với một quốc gia đang rất cần đầu tư để nâng cao sức mạnh quân đội như Philippines thì VFA sẽ giúp họ có thêm các trang thiết bị, phương tiện quân sự và là nước nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ trong số các quốc gia Đông Nam Á. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012 - 2015, chi phí hỗ trợ quân sự Mỹ dành cho Philippines ước tính khoảng 50 triệu USD/năm; giai đoạn 2015 - 2016, sự hỗ trợ này thậm chí còn tăng vọt lên tới 127,1 triệu USD. Mỗi năm, hai nước còn tiến hành gần 30 cuộc tập trận chung, trong đó có 03 cuộc tập trận lớn tương đương cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) diễn ra hằng năm tại Biển Đông để chuẩn bị đối phó với thảm họa và các biến cố. Ngoài ra, sự hiện diện của VFA kết hợp với MDT cùng EDCA được xem là “chiếc ô an ninh” giúp Philippines tránh được những hành động gây hấn từ bên ngoài và những sóng gió trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên bàn cờ khu vực.
Philippines là quốc gia nằm trong nhóm đồng minh mà Mỹ thành lập ở châu Á cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và cũng là một mũi nhọn trong chính sách mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này phần nào giải thích cho những ưu tiên về mặt quân sự mà Washington dành cho Manila trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định hủy bỏ VFA vào tháng 02/2020 đã khiến quân đội Mỹ không có cơ sở để hiện diện tại Philippines và EDCA cũng không thể tồn tại, MDT cũng khó có thể phát huy tác dụng, bởi cơ sở để triển khai các nội dung của MDT một cách hiệu quả lại phụ thuộc rất lớn vào các điều khoản được quy định trong VFA. Bên cạnh đó, động thái này đã khiến sức mạnh quân sự của Philippines bị suy giảm đáng kể, gây không ít bất ngờ cho dư luận quốc tế, thậm chí còn làm chia rẽ ngay trong chính nội bộ quốc gia này.
Nguyên nhân rạn nứt
Có thể nói, ông Rodrigo Duterte là Tổng thống đầu tiên thực hiện chính sách xa rời Mỹ kể từ khi Philippines giành được độc lập. Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống (năm 2016), nhà lãnh đạo này đã có nhiều tuyên bố không nhất quán và được coi là cứng rắn nhằm vào Washington. Ngoài việc hủy bỏ VFA, ông Rodrigo Duterte còn tuyên bố sẽ chấm dứt EDCA, thậm chí vô hiệu hóa MDT bằng cách không cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại đất liền cũng như các vùng biển của Philippines. Chính điều đó đã khiến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines ngày càng trở nên mong manh, dễ đổ vỡ.
Phân tích việc Tổng thống Rodrigo Duterte hoạch định chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính có thể bắt nguồn từ sự chỉ trích của chính quyền Mỹ đối với chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu và gây nhiều tranh cãi do ông Rodrigo Duterte khởi xướng. Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines thì việc Mỹ không cấp thị thực cho Thượng nghị sĩ Rolando dela Rosa - người bạn thân thiết, đồng minh chính trị thân cận của ông Rodrigo Duterte và cũng là người chỉ đạo cuộc chiến chống ma túy với tư cách cảnh sát trưởng quốc gia năm 2016 - 2017 mới là “giọt nước tràn ly”, nhưng có lẽ, gốc rễ của vấn đề lại xuất phát từ cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn tại Đông Nam Á - khu vực có nguy cơ trở thành trung tâm xung đột lợi ích giữa các cường quốc. Bởi, Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa kinh tế, chính trị và quân sự trọng yếu; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương; là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới, ngoài ra các quốc gia tại khu vực này có đường lối đối ngoại cân bằng, ít bị tác động bởi chính sách các nước lớn. Chính vì lý do đó, nên Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra quyết định hủy bỏ VFA nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào nước lớn, hệ quả là nhiều hoạt động từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng, an ninh đều không còn yếu tố Mỹ, tuy nhiên sau sự kiện này Manila đã nhận thấy, việc rời xa Washington khiến Philippines mất nhiều hơn được.
Khả năng hàn gắn
Nếu như quyết định hủy bỏ VFA cách đây 05 năm của Tổng thống Rodrigo Duterte được cho là động thái bất ngờ thì việc tuyên bố khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận này cuối tháng 7 vừa qua cũng gây ngỡ ngàng không kém. Sự kiện này cho thấy, Philippines đang có những động thái quay trở lại mối quan hệ truyền thống với Mỹ như chưa hề có “cuộc chia ly” để được hưởng mọi quy chế đã được hai nước ký kết trước đây. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, sau một thời gian “rời xa” Mỹ, đã tạo cho Philippines không ít những khoảng trống trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, quốc phòng, an ninh, v.v.
Một số giới chức Philippines cũng nhận định, nước này khó có thể quay lưng với xứ Cờ hoa bởi những lý do: Thứ nhất, quan hệ Mỹ - Philippines đã kéo dài gần 70 năm, kể từ khi hai nước ký Hiệp ước phòng thủ chung. Điều đó khiến cho quan hệ hai nước gắn bó với nhiều lợi ích ràng buộc. Thứ hai, các bạn hàng lớn nhất của Philippines tại thời điểm này có thể kể đến là: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore, nhưng về đầu tư trực tiếp cao hơn cả vẫn là Mỹ. Thứ ba, người Philippines nổi tiếng là thân Mỹ. Các khảo sát gần đây cho thấy, 76% người dân Philippines ủng hộ quan hệ với Mỹ, trong khi đó chỉ có 22% ủng hộ quan hệ với một số nước trong khu vực. Hiện có khoảng 04 triệu công dân Mỹ là người gốc Philippines, hằng năm họ gửi về nước rất nhiều kiều hối, riêng năm 2020 ước tính khoảng 06 tỉ USD. Nếu quan hệ hai nước không được cải thiện, Mỹ tăng thuế nhằm vào số kiều hối này thì nền kinh tế Philippines sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Hơn nữa, đại đa số các chính trị gia của quốc gia này cũng có xu hướng ngả về Washington, nếu Tổng thống Rodrigo Duterte không kịp thời điều chỉnh chính sách đối ngoại thì chắc chắn uy tín của Ông sẽ bị ảnh hưởng khá lớn.
Cuộc bầu cử Tổng thống của Philippines dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 09/5/2022. Mặc dù, Hiến pháp nước này quy định, Tổng thống đương nhiệm sẽ không được tham gia tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng ông Rodrigo Duterte lại khẳng định sẽ ứng cử vào vị trí Phó Tổng thống. Bên cạnh đó, Sara Duterte - con gái ông Rodrigo Duterte hiện đang là Thị trưởng thành phố Davao có thể sẽ tham gia “cuộc đua” vào vị trí Tổng thống kế nhiệm. Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực thúc đẩy chương trình tranh cử và tìm nhiều biện pháp thu hút sự ủng hộ của cử tri, nhiều ứng cử viên tiềm năng của các đảng còn tập trung phân tích quyết định hủy bỏ VFA của chính quyền đương nhiệm cho thấy, Manila đang bị tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á; đồng thời, coi đây là điểm yếu để hạ thấp uy tín của cha, con ông Rodrigo Duterte. Trong bối cảnh như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, quyết định khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng là bước đi đầy toan tính của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm đảo ngược cục diện bất lợi trước thềm bầu cử sắp tới.
Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, Mỹ và Philippines vừa trải qua “phép thử lớn” cho quan hệ đồng minh kéo dài suốt 70 năm. Mặc dù, sóng gió đã qua đi, nhưng quan hệ Mỹ - Philippines vẫn còn khoảng cách. Trong bối cảnh Mỹ đang triển khai mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì việc quan hệ hai nước trở lại nồng ấm như trước có ý nghĩa rất lớn đối với Washington. Để hiện thực hóa vấn đề này, một số thành viên trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden, như Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến công du tới Đông Nam Á, trong đó có Philippines. Về phía Philippines Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng sau cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin; đồng thời, chỉ đạo các cấp xúc tiến cuộc gặp song phương với Mỹ để thảo luận việc tiếp tục thực hiện những cuộc diễn tập quân sự chung thường niên trong tương lai theo Thỏa thuận. Vì vậy, quan hệ Mỹ - Philippines tiến triển như thế nào đang là vấn đề được dư luận thế giới quan tâm.
LÂM PHƯƠNG
Quan hệ Mỹ - Philippines
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ