Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 12/09/2019, 07:56 (GMT+7)
Quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc và sự tác động đến an ninh khu vực

Sự ổn định của tình hình an ninh chính trị thế giới phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giữa các nước lớn; trong đó, quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc giữ vai trò quan trọng. Bản chất mối quan hệ giữa ba nước đó như thế nào và sự tác động của nó đối với an ninh, chính trị thế giới, khu vực ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Ảnh minh họa

Để khẳng định vị thế siêu cường và vai trò “lãnh đạo thế giới”, Mỹ chủ động điều chỉnh Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quân sự, theo đuổi chính sách đơn phương, kích động sự cạnh tranh giữa các nước lớn, tăng mạnh ngân sách quốc phòng, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: vũ khí hạt nhân, vũ trụ, mạng internet, hải quân và hệ thống phòng thủ tên lửa,… nhằm thay đổi chiến lược toàn cầu có lợi cho Hoa Kỳ. Với việc khẳng định sự trở lại mạnh mẽ thời kỳ hậu Xô Viết, Nga tăng cường năng lực kiềm chế chiến lược bằng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí quân sự thế hệ mới, nỗ lực bảo vệ không gian an ninh chiến lược, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, thể hiện vị thế, vai trò trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Trung Quốc đang tiến hành một loạt các động thái nhằm thay đổi tình hình trong nước lẫn trật tự toàn cầu và kết thúc giai đoạn “giấu mình chờ thời”, nhằm thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Để hiện thực hóa điều này, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Vành đai và Con đường” và “Made in Chi-na 2025”, đặc biệt là gấp rút xây dựng lại quân đội với các tiêu chí: trung thành, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giành thắng lợi. Hiện nay, nước này có thể phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm và ra sức củng cố các tiền đồn rộng khắp ở Biển Đông, đe dọa sự thống trị của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gây phức tạp tình hình an ninh ở Biển Đông nói riêng, làm mất ổn định khu vực nói chung.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc là mối quan hệ tương đối phức tạp, được thế giới đặc biệt quan tâm. Theo các chuyên gia phân tích chiến lược, thời gian tới, khả năng lớn nhất của mối quan hệ này sẽ là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh; trong đó, yếu tố cạnh tranh vượt trội hơn và có thể xuất hiện cục diện đối đầu. Nếu tình huống này xảy ra thì sự đối đầu sẽ diễn ra tương đối dài, phạm vi rộng, mọi lĩnh vực và không loại trừ khả năng “xung đột” ở phạm vi, quy mô nhỏ trong một số vấn đề, như: tự do hàng hải trên Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề Đài Loan, v.v.

Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới, cũng là hai cường quốc hạt nhân, Mỹ và Trung Quốc đều thận trọng khi áp dụng các biện pháp quản lý, ngăn ngừa khủng khoảng và kiềm chế không để xảy ra xung đột. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hai bên đều coi nhau như kẻ thù, bởi theo Mỹ, “đối thủ cạnh tranh không có nghĩa là kẻ thù”. Mối quan hệ này vừa có tính cạnh tranh, vừa có khả năng hợp tác song phương, thể hiện qua việc hai bên đều muốn duy trì “sự ổn định tương đối” trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, an ninh, v.v. Việc duy trì cục diện ổn định chiến lược đều có lợi cho cả hai, nếu xảy ra xung đột quân sự thì cả hai đều hứng chịu những tổn thất vô cùng lớn, hơn cả những gì đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại.

Hiện nay, các chính sách của Mỹ thực hiện đối với Trung Quốc nhằm vào lĩnh vực kinh tế thương mại, ngoại giao chính trị và chiến lược quân sự. Mỹ muốn nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, chính phủ không nắm quyền chỉ đạo các doanh nghiệp; nền kinh tế Mỹ không bị Trung Quốc lợi dụng và Mỹ không mất vị trí chỉ đạo, thao túng thế giới trên lĩnh vực công nghệ cao. Trong khi cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì Mỹ chủ động nâng cấp quan hệ với Đài Loan nhằm mục đích sử dụng Đài Loan như một “con bài” chiến lược để kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, việc triển khai chiến lược “xoay trục” - quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương - được thể hiện trực tiếp qua sự điều chỉnh lực lượng quân sự giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Sự hiện diện quân Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là việc tuần tra hàng hải trên Biển Đông, thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ là muốn nắm quyền chủ đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các hoạt động của Mỹ được Trung Quốc xem như là động thái gây sức ép trực tiếp, thể hiện sự leo thang quân sự của Mỹ trong khu vực. Để đối phó với các hành động đó, Trung Quốc cũng có các hoạt động tương xứng.

Nga xích lại gần Trung Quốc

Kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crưm (năm 2014), làm cho U-crai-na mất ổn định về an ninh, chính trị và phương Tây đứng ngồi không yên, quan hệ Nga - Mỹ và châu Âu cũng như an ninh chính trị thế giới ngày càng căng thẳng. Các chính sách cứng rắn của Mỹ và châu Âu đối với Nga đã gián tiếp làm cho mối quan hệ Mát-xcơ-va và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Cả Nga và Trung Quốc đều công khai phản đối sự thống trị chiến lược và chi phối toàn cầu của Mỹ; trong đó, Nga liên tục chỉ trích cái gọi là nền dân chủ châu Âu, còn Trung Quốc quyết tâm theo đuổi mục tiêu chiến lược trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049 (100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).

Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau được thể hiện qua lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt là trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như trong lĩnh vực quân sự với các cuộc tập trận chung thường xuyên, Trung Quốc mua máy bay Su-35, hệ thống tên lửa S-400 và các thiết bị quân sự hiện đại của Nga. Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ bản sự xích lại gần nhau này ngày càng bất đối xứng nên không thể coi là một đối tác cân bằng.

Quan hệ Nga - Mỹ

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, quan hệ Nga - Mỹ mặc dù vẫn có mặt hợp tác, nhưng sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc này chưa bao giờ dừng lại, nhất là nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Pu-tin đã dần lấy lại vị thế cường quốc. Trong 05 năm trở lại đây, mức độ hợp tác Nga - Mỹ không những không tiến triển mà còn bị thu hẹp. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và cả các chính khách của hai nước đều nhận định: quan hệ Nga - Mỹ “đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Biểu hiện rõ nhất của sự suy giảm mức độ hợp tác song phương là việc hai nước đã cắt giảm quy mô cơ quan đại diện và nhân viên ngoại giao của mình tại nước kia, cũng như giảm số đại diện của mình trong các tổ chức quốc tế mà hai bên đóng vai trò chủ chốt. Trên hầu hết các lĩnh vực, cả Nga và Mỹ đều coi nhau như đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác; sự mở rộng ảnh hưởng của nước này sẽ thu hẹp lợi ích của nước kia và ngược lại. Đối đầu trực diện quân sự ít có khả năng xảy ra, bởi hai bên đều hiểu rõ cái giá phải trả. Hiện nay, cả Mỹ và Nga đã rút khỏi “Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)”, có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc.

Sự tác động từ mối quan hệ giữa ba nước đến an ninh khu vực

Với đặc điểm môi trường quốc tế nhiều biến động, các nước lớn đều điều chỉnh chiến lược để thích ứng với hoàn cảnh, tìm kiếm lợi ích cho mình và đồng minh. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc dự báo xu thế vận động của mối quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc, nhất là các cặp quan hệ song phương là không đơn giản. Bởi, mối quan hệ này tạo nhiều cơ hội, song cũng tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức đối với thế giới nói chung, khu vực nói riêng. Cơ hội và thách thức đan xen, tác động qua lại, nên các nước cần phải tranh thủ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tạo thế và lực mới để phát triển.

Đông Nam Á nằm ở trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, cửa ngõ giao thương, liên kết giữa các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn trong khu vực. Vì thế, khi điều chỉnh chiến lược, các nước lớn đều coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trọng tâm. Đây là cơ hội để các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng tận dụng thời cơ để lựa chọn đối tác quan hệ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo đó, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với các nước lớn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh Tổ quốc.

Đối với khu vực Biển Đông, Mỹ khẳng định nguyên tắc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, duy trì trật tự pháp lý và không ngần ngại theo dõi “nhất cử, nhất động” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác có thể can dự mạnh hơn thông qua việc giúp đỡ, tài trợ và tăng cường năng lực cạnh tranh cho một số nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Trung Quốc thì liên tục gia tăng các tiềm lực an ninh, quân sự trên Biển Đông thông qua việc quân sự hóa các điểm, đảo; đồng thời, chủ động lôi kéo, ve vãn các nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo, củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng,… làm tình hình an ninh khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Cùng với đó là sự phát triển của trào lưu dân túy, những bất ổn về chính trị tại châu Âu, Đài Loan, Hồng Kông và sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, v.v. Các nhà phân tích chiến lược cho rằng, đây là những vấn đề rất phức tạp, đáng lo ngại, chi phối tới các quốc gia trong khu vực. Do vậy, các nước trong khu vực cần khẩn trương chọn cho mình một “lá bài” làm “bùa hộ mệnh” cho lợi ích quốc gia, dân tộc, khi quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc có sự đảo chiều.

Đối với Việt Nam, với vị trí địa chiến lược, quốc gia phát triển năng động, thành viên có trách nhiệm của ASEAN và cộng đồng quốc tế, cùng kinh nghiệm quan hệ quốc tế qua hơn 30 năm đổi mới đang là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực hội nhập quốc tế sâu, rộng trên mọi lĩnh vực nhằm phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Việt Nam cần hết sức cảnh giác, thận trọng, tránh sự lôi kéo, tranh giành ảnh hưởng và sự bắt tay giữa các nước lớn.

Quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc đã và đang tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới và khu vực. Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ phải chịu tác động của lực “kéo - đẩy” mạnh hơn. Do vậy, một số nước có mối quan hệ truyền thống với Nga, Trung Quốc hay Mỹ sẽ khó khăn trong việc lựa chọn đối tác hợp tác, đòi hỏi mỗi nước cần có sự lựa chọn tỉnh táo vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thượng tá, TS. ĐÀM TRỌNG TÙNG, Học viện Kỹ thuật Quân sự

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...