Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:21 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Nhằm khẳng định vị trí siêu cường thế giới, đồng thời kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đẩy mạnh hợp tác với các nước châu Á trong thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Bởi, Ấn Độ là nước có vị trí quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương nên được Mỹ coi là yếu tố cốt lõi, một ưu tiên hàng đầu trong triển khai Chiến lược.
“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” - trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ý tưởng về việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được người đứng đầu nước Mỹ đưa ra lần đầu vào năm 2017 tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng vào thời điểm đó đã phần nào xóa bớt những “lời bàn tán” về việc vị Tổng thống thứ 45 của xứ Cờ hoa dường như chưa có một hướng đi cụ thể nào cho nước Mỹ trên bàn cờ chính trị quốc tế trong bối cảnh có nhiều quốc gia đang nổi lên thách thức vị trí siêu cường của nước này. Không những thế, đề xuất này còn góp phần xoa dịu sự hẫng hụt trong tâm lý người dân Mỹ trước việc Tổng thống Donald Trump tỏ ra hờ hững với chính sách “Xoay trục về châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama và không ngần ngại rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tập trung sự quan tâm vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy, nước Mỹ dưới thời Donald Trump không hề xa rời châu Á, mà ngược lại còn xác định đây là khu vực gắn liền với lợi ích cốt lõi và lâu dài của xứ Cờ hoa.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào ngày 02/6/2018, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La tại Singapore và xác định rõ phương hướng, mục tiêu, con đường thúc đẩy chiến lược này, trong đó có việc tăng cường đầu tư nguồn lực tương xứng. Đến lúc này, những hoang mang về việc ông Donald Trump đã quá tập trung vào chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà bỏ quên tương lai chiến lược toàn cầu đã bị xóa bỏ. Những hành động thực tế càng khẳng định tuyên bố của ông chủ Nhà trắng khi coi sự can dự của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị Shangri-La, Bộ trưởng James Mattis đã đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tần suất các chuyến công du của quan chức cấp cao Mỹ tới khu vực này cũng thường xuyên hơn trên cả phương diện song phương lẫn đa phương. Các thống kê cho thấy, bản thân Tổng thống Donald Trump đã dành thời gian cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông nhiều hơn cựu Tổng thống Barack Obama trong 4 năm đầu nắm quyền thông qua các chuyến thăm khu vực. Một cơ chế mới là hội nghị ngoại trưởng nhóm Bộ tứ, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng đã được tái khởi động vào năm 2019 và sẽ nhóm họp theo định kỳ hằng năm.
Đây cũng là 4 trụ cột trong “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mà Washington thiết lập. Với mục tiêu xây dựng một hệ thống an ninh đa tầng ở khu vực được nhận định có cơ hội phát triển chưa từng có nhưng cũng đang gặp nhiều thách thức, Mỹ chủ trương lấy các đồng minh, đối tác làm điểm tựa sức mạnh nhằm hình thành ưu thế chiến lược vượt trội, bền vững trước bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, từ đó giành quyền chủ đạo, kiểm soát toàn bộ khu vực. Tính toán này xuất phát từ kiến tạo địa lý đặc biệt của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng nhất thế giới, giao điểm của thương mại toàn cầu. Gần 1/2 trong tổng số 90.000 tàu, thuyền và khoảng 2/3 lượng dầu mỏ trên thế giới được vận chuyển qua con đường hàng hải quan trọng này. Đây cũng là khu vực có những nền kinh tế năng động nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Vì vậy, tăng cường hợp tác với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ; trong đó, dù về mặt địa lý hay sức mạnh tổng hợp, Ấn Độ đều có vị trí quyết định.
Điểm tựa cho quan hệ Mỹ - Ấn Độ
Trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, New Delhi tỏ ra không mấy mặn mà với kế hoạch của Washington, một phần vì tâm lý e dè người Mỹ vẫn còn tồn dư khá lớn trong giới lãnh đạo Ấn Độ, mặt khác, nước này chưa thực sự bị thuyết phục để trở thành một “mắt xích” trong hệ thống mới do Mỹ thiết lập. Thế nên, việc “cảm hóa” được những ánh mắt nghi ngại ở quốc gia Nam Á là nhiệm vụ sống còn của chính quyền Tổng thống Donald Trump để dự án thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông chủ Nhà Trắng về tương lai nước Mỹ tránh khỏi nguy cơ phá sản.
Thúc đẩy trọng trách này, trong chuyến thăm quốc gia Nam Á, ngày 26/6/2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định: Ấn Độ là đối tác quan trọng, hai bên có lợi ích đan xen trên tất cả các lĩnh vực từ quân sự, năng lượng, thương mại, công nghệ đến hàng không vũ trụ,…trong đó, nổi bật nhất là hợp tác quốc phòng. Trong hơn một thập kỷ qua, với các giao dịch trị giá khoảng 15 tỷ USD, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ và Washington cũng không ngần ngại trang bị cho khách hàng tiềm năng này nhiều khí tài hiện đại, như: máy bay vận tải, máy bay săn ngầm tầm xa, máy bay trực thăng hạng nặng,…nhằm giúp New Delhi có hệ thống vũ khí, trang bị tương xứng với vị thế một cường quốc mới nổi. Trong chuyến công du tới Ấn Độ hồi cuối tháng 02 vừa qua, Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhấn mạnh cam kết sẽ trao cho nước này “một số thiết bị quân sự tốt nhất và đáng sợ nhất trên hành tinh”, v.v. Những hành động trên, thể hiện quyết tâm nâng cao về chất của hợp tác quân sự Mỹ-Ấn Độ, đồng thời cho thấy kỳ vọng của chính quyền Donald Trump vào việc nâng cấp quan hệ quốc phòng giữa hai nước lên mức độ tương đương với đồng minh và đối tác thân thiết nhất. Bước đi này một mặt sẽ củng cố khả năng quân sự của Ấn Độ, mặt khác sẽ mở rộng vai trò an ninh của New Delhi ở khu vực Ấn Độ Dương.
Quan trọng hơn, triển vọng ấy phù hợp với định hướng của Washington về quan hệ Mỹ - Ấn Độ đặt trong “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” khi sự gắn kết về quốc phòng, an ninh đang trở thành trụ cột của hợp tác song phương. Với những ưu thế vượt trội, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương luôn duy trì “sức nóng” và hội tụ đủ những dữ liệu của một đấu trường trong cuộc cạnh tranh nước lớn. Chỉ riêng Nam Á đã và đang chứng kiến sự hiện diện ngày càng sâu rộng của Trung Quốc thông qua mối quan hệ khăng khít với Pakistan. Quan hệ Nga - Ấn Độ dù không quá thường xuyên, song cũng không hề lỏng lẻo bởi những hoạt động thương mại về vũ khí. Vì vậy, việc củng cố ảnh hưởng quân sự tại khu vực sẽ mang lại lợi thế cho Mỹ trong cuộc đọ sức chiến lược tại đây. Thành công của dự án này đến từ sự kết hợp giữa hai nguồn lực, gồm việc triển khai các lực lượng trên biển vốn là đại diện ưu tú của sức mạnh quân sự Mỹ và sự tham gia tích cực của Ấn Độ trong vai trò một trụ cột ở Ấn Độ Dương. Cho đến nay, hải quân Mỹ tiếp tục phân bổ lực lượng theo tỷ lệ 60/40 giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới, đồng thời đây là phương tiện chính cho phép Washington can thiệp vào vùng biển rộng lớn này. Cuối cùng, Ấn Độ chính là mảnh ghép còn thiếu.
Theo đánh giá của Mỹ, với mức tăng trưởng kinh tế nhanh bậc nhất thế giới, Ấn Độ có tiềm năng để trở thành một nước lớn. Vì vậy, lấy “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” làm điểm tựa thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Xét trên mọi khía cạnh, tại Nam Á, Ấn Độ là nước có khả năng tạo đối trọng trước một Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng, nhất là khi mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân ở châu Á này không thật sự nồng ấm do những khúc mắc trong lịch sử liên quan đến vấn đề biên giới. Vụ đụng độ giữa binh sĩ hai nước vào đêm ngày 15/6/2020 tại Ladakh, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục cho thấy bất đồng giữa hai quốc gia đông dân bậc nhất thế giới vẫn chưa thể hóa giải.
Phải nói rằng, Mỹ đã chọn đúng điểm rơi khi tính đến mối quan ngại của Ấn Độ về sự trỗi dậy của người khổng lồ ở bên kia dãy Himalaya. Theo các nhà phân tích, “Giấc mộng Trung Hoa” một phần được hiện thực hóa qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” trên bộ đang xác lập ưu thế của Trung Quốc tại hành lang kinh tế Á-Âu nhưng lại có khả năng hạn chế giao thương liên lục địa của Ấn Độ. Trên biển, Bắc Kinh cũng lần lượt thiết lập các hải cảng nằm rải rác ở nhiều nước Nam Á đến tận vùng biển Tây Phi, tạo nên sự giao thoa rất lớn với các hoạt động trên biển của New Delhi. Thế nên, tham gia sâu hơn vào “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” sẽ mang đến cho Ấn Độ những lựa chọn mới nhằm bảo vệ không gian truyền thống của mình. Thông qua đó, quốc gia Nam Á còn có thể tăng cường hợp tác với các đối tác trong chuỗi liên kết này như Mỹ, Nhật Bản, Australia nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng một “Ấn Độ mới” của Thủ tướng Narendra Modi. Khát vọng đó là sự tập hợp của ít nhất 3 tiêu chí gồm Ấn Độ phải là cường quốc kinh tế, nước lớn quân sự và nước lớn trên thế giới. Hành trình này sẽ được rút ngắn nếu có thêm nguồn vốn, công nghệ, hàng hóa, thị trường,… từ những người bạn lớn ở Thái Bình Dương, nhất là Mỹ.
Hiện nay, giới chức Washington đang khá tự tin về sức lan tỏa của “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đối với New Delhi, nhất là khi cả hai đã tìm được tiếng nói chung trên một số lĩnh vực và triển vọng về việc Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình tham gia chiến lược đang rộng mở. Tuy nhiên, cả Mỹ và Ấn Độ đều có những toan tính riêng, nên sự hợp tác đến đâu còn phụ thuộc vào việc cả hai sẽ giành được lợi ích gì trong sân chơi chung. Song, về tổng thể, Mỹ và Ấn Độ đang có những cơ hội rất tốt để xích lại gần nhau.
VÂN KHANH
Mỹ với các nước châu Á,Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ