Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 14/02/2013, 23:01 (GMT+7)
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Ô-ba-ma
Vừa qua, làn sóng biểu tình chống Mỹ của công chúng Hồi giáo dâng cao, sau khi bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” do một người Mỹ sản xuất được tung lên mạng in-tơ-nét. Thực chất của phẫn nộ này phản ánh quan hệ đầy mâu thuẫn, kéo dài và khó giải quyết giữa Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo trong tổng thể các mối quan hệ quốc tế mà bộ phim chống đạo Hồi trên chỉ là ngòi nổ.
 
Biểu tình, đốt cờ Mỹ tại Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ). (Nguồn: cpv.vn)

 
1.Quan hệ Hoa Kỳ - thế giới Hồi giáo từ trước năm 2009

Thực tiễn cho thấy, trong các quan hệ quốc tế, quan hệ giữa Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo luôn là điều bí hiểm, phức tạp và không dễ lý giải. Theo các tài liệu lịch sử được xác nhận, thế giới Hồi giáo đã tồn tại 1.391 năm với những nét đặc thù của một xã hội khép kín mà trong đó, tôn giáo giữ vai trò trọng tâm. Trong gần mười bốn thế kỷ qua, nếu không kể sự xung khắc giữa người Hồi giáo dòng Săn-ni với người Hồi giáo dòng Si-ai, thế giới Hồi giáo (trong mỗi giáo phái) khá ổn định. Có thể thấy rõ rằng: “Bất cứ ở đâu mà người Hồi giáo tạo lập những cộng đồng quan trọng, đạo Hồi thể hiện như tôn giáo và quốc gia, văn hóa và văn minh, sự khác biệt giữa đời với đạo quả thật rất xa lạ đối với họ… chủ nghĩa dân tộc hiện đại không sao xóa mờ được thứ tình cảm của người Hồi giáo…”1. Trái lại, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một xã hội mở với những giá trị và tự do “kiểu Mỹ” cùng những toan tính bá chủ toàn cầu; dựa vào sức mạnh về kinh tế và quân sự để thực hiện chính sách can thiệp, áp đặt cho các nước khác, trong đó có các quốc gia đạo Hồi… Vì vậy, Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo là hai thực thể khác xa nhau, thậm chí đối kháng nhau cả về giá trị, mục tiêu mà họ theo đuổi; về nguyên tắc và phương thức tổ chức, vận hành xã hội… và những khác biệt này không bao giờ khỏa lấp được sự xung khắc và mâu thuẫn giữa họ với nhau.

Theo các nhà phân tích quốc tế, tâm lý chống Mỹ, bài Mỹ của người Hồi giáo bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, cả chính trị, kinh tế và văn hóa; trong đó, các chính sách đối ngoại không phù hợp của Hoa Kỳ, nhất là các chính sách liên quan đến các quốc gia Hồi giáo và I-xra-en là nguyên nhân cơ bản nhất. Trên thực tế, sự đối kháng giữa Hoa Kỳ và thế giới Hồi Giáo bùng phát mạnh mẽ khi xuất hiện Nhà nước I-xra-en (năm 1948) – nhà nước gây ra nhiều cuộc chiến tranh nhất cho thế giới A-rập. Từ khi ra đời đến nay, Ten A-víp đã tiến hành các cuộc chiến tranh để tranh giành lãnh thổ với các nước A-rập, Pa-le-xtin và các nước trong khu vực. Kết thúc chiến tranh năm 1947 - 1949, I-xra-en đã chiếm phần lớn lãnh thổ Pa-le-xtin. Trong cuộc chiến năm 1967 với các nước A-rập, I-xra-en đã chiếm bờ Tây sông Joóc-đan, dải Ga-da, vùng Xi-nai và cao nguyên Gô-lan. Lần lượt các năm 1973, 1991, I-xra-en lại gây chiến tranh với Ai Cập, Xy-ri và Li-băng. Vì lẽ đó, thế giới Hồi giáo coi I-xra-en là kẻ thù truyền kiếp, thậm chí một số quốc gia Hồi giáo đã không thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái và tìm cách loại bỏ I-xra-en. Nhưng, nếu chỉ có vậy thì thế giới Hồi giáo không có lý do gì để ghét Mỹ, chống Mỹ. Điểm mấu chốt là, trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự giữa Ten A-víp và các nước A-rập – Hồi giáo, Hoa Kỳ luôn hậu thuẫn mọi mặt cho I-xra-en, luôn bảo trợ, che chắn cho Nhà nước Do Thái bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế nói chung, thế giới Hồi giáo nói riêng. Cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới cũng hiểu rõ rằng: nếu không có sự hậu thuẫn, tiếp tay của Mỹ thì I-xra-en không thể hung hăng gây chiến với các nước A-rập và chiếm đất của Pa-le-xtin. Vì vậy, thế giới Hồi giáo đã nhận rõ bộ mặt của Mỹ, coi Mỹ cũng là kẻ thù, thậm chí họ còn căm thù Hoa Kỳ hơn cả I-xra-en. Đây chính là gốc rễ của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo.

Mặt khác, do áp đặt các chính sách “can thiệp” vô nguyên tắc, ngang ngược, ỷ thế lắm súng, nhiều tiền, Mỹ đã đơn phương gây ra các cuộc chiến tranh với người Hồi giáo, mà điển hình là hai cuộc chiến tranh: Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) và I-rắc (năm 2003) lấy cớ tiêu diệt An-kê-đa. Song, Mỹ không những không đạt được mục tiêu đề ra, mà còn hao người, tốn của; bất ổn và bạo lực ở các nước này vẫn không ngừng gia tăng; hàng nghìn người dân vô tội bị thiệt mạng; mối hận thù của thế giới Hồi giáo với Hoa Kỳ ngày càng tích tụ, chồng chất.

2. Sửa sai chính sách của người tiền nhiệm, liệu ông Ô-ba-ma có  cải thiện được mối quan hệ Mỹ - Hồi giáo?

Theo các nhà quan sát, cuộc chiến chống khủng bố do ông Bu-sơ khởi xướng là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy nền kinh tế Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại khủng hoảng năm 1929 - 1933, làm cho vai trò siêu cường số một thế giới của Mỹ bị lung lay; uy tín của Mỹ suy giảm nghiêm trọng. Để sửa chữa sai lầm của người tiền nhiệm, sau khi trở thành Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, thay vì dùng sức mạnh quân sự đơn phương giải quyết các vấn đề quốc tế, ông Ô-ba-ma coi trọng sự đồng thuận, đối thoại và cam kết hợp tác với nhiều nước. Lần đầu tiên, người đứng đầu Nhà Trắng đã thừa nhận: Mỹ không thể đơn thương, độc mã trong giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới, rằng Mỹ cần sự hợp tác đa phương như một yếu tố bắt buộc… Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ gián tiếp thừa nhận thế giới đang chuyển dần từ đơn cực sang đa cực.

Đối với thế giới Hồi giáo, ông Ô-ba-ma đã có thái độ và cách tiếp cận mềm dẻo, ôn hòa. Ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Ô-ba-ma đã tuyên bố: “Công việc của tôi với thế giới Hồi giáo là thuyết phục các bạn rằng người Mỹ không phải là kẻ thù của các bạn”. Tiếp đó, ngày 04-6-2009, trong bài phát biểu tại Cai-rô (Ai Cập), ông Ô-ba-ma đã bày tỏ sự thân thiện, chân thành với thế giới Hồi giáo: “Tôi đến đây để tìm một sự khởi đầu mới giữa Mỹ và những người Hồi giáo khắp thế giới; một sự khởi đầu dựa trên những lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau, dựa trên sự thật rằng Mỹ và Hồi giáo không loại trừ nhau và không cần phải cạnh tranh”. Như vậy, kể từ khi can dự vào thế giới Hồi giáo (năm 1948) đến nay, ông Ô-ba-ma là Tổng thống Mỹ đầu tiên gửi thông điệp hòa giải nghiêm túc đến thế giới Hồi giáo. Với những điều chỉnh khôn khéo trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Ô-ba-ma hy vọng thế giới Hồi giáo sẽ có sự cảm thông và thân thiện hơn đối với Hoa Kỳ, tiến tới xóa dần ân oán, hận thù của hơn 1 tỷ người Hồi giáo đối với siêu cường số một thế giới.

Tuy nhiên, dường như ông Ô-ba-ma đã không thành công. Người Hồi giáo tiếp nhận “thiện chí” của ông một cách dè dặt, thận trọng; cái họ cần không phải là lời nói, mà là hành động, nhất là hành động của Oa-sinh-tơn về những vấn đề liên quan đến đạo Hồi. Trên thực tế, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đã làm nhiều quốc gia đạo Hồi bất ổn; máu của người Hồi giáo vẫn đổ xuống hằng ngày trên chính quê hương của họ; tình hình ở các quốc gia Hồi giáo hiện nay còn nguy hiểm hơn so với khi ông Ô-ba-ma mới lên nắm quyền... Đặc biệt vừa qua, mượn cớ bộ phim “nhạo báng Đấng tiên tri”, làn sóng chống Mỹ bằng nhiều hình thức đã dâng cao ở khắp nơi, làm 4 người Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Li-bi Sê-tê-vân thiệt mạng. Điều đó chứng tỏ “sự khởi đầu mới” giữa Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo mà ông Ô-ba-ma từng hy vọng đã không thành hiện thực. Cũng phải thừa nhận rằng, trong nhiệm kỳ I vừa qua, ông Ô-ba-ma đã có những nỗ lực cải thiện quan hệ với cộng đồng Hồi giáo so với người tiền nhiệm và đạt được kết quả nhất định. Đó là, thực hiện giảm sự hiện diện quân Mỹ ở các quốc gia đạo Hồi (rút quân khỏi I-rắc và bắt đầu rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan); tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen và một số thủ lĩnh cấp cao của An-kê-đa; cam kết không triển khai quân Mỹ trong cuộc chiến ở Li-bi; không ủng hộ “giới hạn đỏ” mà Ten A-víp đưa ra đối với I-ran; hình ảnh và vai trò, vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế được khôi phục phần nào. Song, việc Oa-sinh-tơn ngấm ngầm ủng hộ “Mùa xuân Ả-rập”, hoặc không ngăn chặn triệt để phong trào này đã khiến nhiều người nghi ngờ thiện ý “hóa giải” với thế giới Hồi giáo của ông. Thậm chí vị thế của ông Ô-ba-ma còn xuống thấp trong lòng các quốc gia Hồi giáo khi Hoa Kỳ không thể kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất về vấn đề Xy-ri, mà để cuộc khủng hoảng này kéo dài, chưa có hồi kết, cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người. Hơn nữa, những vấn đề lớn để xác định mối quan hệ Mỹ - Hồi giáo, như: hạt nhân của I-ran, các cuộc đàm phán hòa bình I-xra-en – Pa-le-xtin; trong đó, cốt lõi là quan hệ Mỹ - I-xra-en vẫn chưa có những chuyển biến căn bản để tạo niềm tin của người Hồi giáo. Nếu nhìn bề ngoài phải thừa nhận, trong 4 năm cầm quyền, Tổng thống Ô-ba-ma đã có thái độ ứng xử cứng rắn hơn với I-xra-en, ôn hòa và có vẻ ủng hộ Pa-le-xtin so với ông Bu-sơ. Điều này được xác nhận bằng thái độ không ủng hộ đối với ông Ô-ba-ma của chính quyền I-xra-en và cộng đồng người Do Thái ở Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua (tháng 11-2012).

Nhưng, sự “cứng rắn” đối với Ten A-víp và “thiên vị” đối với Pa-le-xtin của Oa-sinh-tơn là chưa đủ độ, chưa thuyết phục được cộng đồng quốc tế và càng không thuyết phục được thế giới Ả-rập – Hồi giáo. Trên thực tế, chính quyền Ô-ba-ma vẫn làm ngơ trước những hành động gây hấn của I-xra-en để mở rộng khu định cư cho người Do Thái vào vùng đất của Pa-le-xtin. Liên tiếp những sự kiện liên quan đến Trung Đông và Pa-le-xtin trong cuối năm 2012 cho thấy, Oa-sinh-tơn vừa công khai, vừa ngấm ngầm ủng hộ những hành động trắng trợn của I-xra-en và được thể hiện tập trung ở ba vấn đề. Thứ nhất, Mỹ và một số đồng minh phương Tây đã cùng với Ten A-víp kịch liệt phản đối việc Đại Hội đồng Liên hợp quốc nâng cấp quy chế cho Pa-le-xtin từ “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên” của Liên hợp quốc. Thứ hai, chính quyền Ô-ba-ma và phương Tây đã làm ngơ, thậm chí ngầm ủng hộ I-xra-en phát động cuộc chiến 8 ngày (tháng 11-2012) tàn phá dải Ga-da của Pa-le-xtin (do Ha-mát kiểm soát) bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Thứ ba, Hoa Kỳ đã đơn phương hủy bỏ, không tham dự Hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân tại Trung Đông (tháng 12-2012) nhằm ngầm hậu thuẫn cho I-xra-en vươn lên làm bá chủ khu vực. Những động thái này đang dấy lên trong cộng đồng quốc tế nói chung, thế giới Hồi giáo nói riêng sự lo ngại sâu sắc. Theo Mạng tin Trung Đông, “I-xra-en đang nhận được sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ và ngày càng bị cô lập hoàn toàn. Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn đang hỗ trợ Ten A-víp, thách thức trắng trợn mọi quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế”. Những hành động đó của Mỹ vô hình chung làm cho những nỗ lực nhằm khắc họa hình ảnh một Hoa Kỳ tôn trọng nhân quyền, hòa bình và tìm cách hòa giải với thế giới Hồi giáo trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Ô-ba-ma tan thành mây khói. Như vậy, mặc dù ông Ô-ba-ma cố tránh vết xe đổ của người tiền nhiệm, nhưng họ vẫn đi chung trên một con đường.
 
Thiếu tướng, PGS, TS. LÊ VĂN CƯƠNG
 
_____________

1 - P. Pôn-pác – Các tôn giáo, Nxb Thế Giới, H. 1999, tr. 132.
 
Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...