Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 17/08/2017, 11:29 (GMT+7)
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, dưới góc nhìn quốc phòng - an ninh

Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là từ khi ký quan hệ Đối tác chiến lược (năm 2007), Đối tác chiến lược toàn diện (năm 2016), quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ phát triển lên tầm cao mới trên các lĩnh vực. Trong đó, quốc phòng - an ninh là lĩnh vực trụ cột, được hai bên hết sức coi trọng và thúc đẩy hợp tác, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu, thực chất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ
Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ khởi nguồn từ những mối giao lưu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nê-ru, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, gìn giữ, thúc đẩy, ngày càng tốt đẹp. Năm 1954, ngay sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, Thủ tướng J. Nê-ru - lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đáp lại tình cảm đó, năm 1955, Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Phạm Văn Đồng đã có chuyến viếng thăm Ấn Độ. Đó là nền móng để hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và trở thành Đối tác chiến lược toàn diện; trong đó, hợp tác quốc phòng - an ninh có bước phát triển vượt bậc, đa tầng nấc, cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập và vận hành hiệu quả cơ chế Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng. Đến nay, 10 phiên Đối thoại chiến lược quốc phòng được tổ chức luân phiên ở hai nước. Gần đây nhất, hai nước đã nhất trí thiết lập Cơ chế Đối thoại quốc phòng cấp bộ trưởng hai năm một lần, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng phát triển. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký một số văn bản về hợp tác và trao đổi quốc phòng; đào tạo cán bộ và thông qua Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2020, v.v. Các văn bản này là cơ sở pháp lý để quân đội hai nước thực hiện. Các quân chủng, binh chủng, nhất là Quân chủng Hải quân, Không quân hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu, tác chiến, huấn luyện, sửa chữa, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, v.v. Hợp tác đối phó với các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống và chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực liên quan đến biển. Về lĩnh vực an ninh, Bộ Công an Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng với Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ. Hai bên còn tăng cường hợp tác trong bảo đảm an ninh mạng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia cũng như hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực về an ninh. Ấn Độ đã giúp Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử chống tội phạm công nghệ cao.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Ấn Độ luôn có sự đồng thuận về quan điểm, lập trường trong thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố; mục tiêu thiên niên kỷ; cải tổ cơ cấu và hoạt động; ký Chương trình hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, v.v. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam và Ấn Độ luôn hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, cùng có lợi; cùng hướng tới chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hiện tại, Việt Nam đã, đang thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ các chương trình kết nối về mọi mặt của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á, trên cương vị Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2018.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Việt Nam và Ấn Độ là đồng chủ trì Nhóm chuyên gia về Hành động Mìn nhân đạo giai đoạn 2014 - 2017. Dưới sự dẫn dắt, chủ trì của Việt Nam và Ấn Độ, Nhóm này đã tổ chức: hội nghị, hội thảo chuyên môn, triển lãm trang thiết bị rà phá bom, mìn, chia sẻ kinh nghiệm về công tác huấn luyện,... trong đó phải kể đến sự thành công của cuộc Diễn tập thực binh, kết hợp giữa hành động mìn nhân đạo và gìn giữ hòa bình tại Ấn Độ (3-2016). Các hoạt động đó tạo sự giao lưu và trao đổi chuyên môn cho cán bộ các cấp, các chuyên gia, lực lượng hoạt động trong lĩnh vực này.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực, nhất là Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Tuy vậy, hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thời đại và quan hệ. Việt Nam và Ấn Độ không nằm ngoài dòng chảy đó. Trong khi đó, Ấn Độ đang trỗi dậy cả về kinh tế, chính trị, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dần khẳng định vị thế cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, Việt Nam coi hợp tác quốc phòng với Ấn Độ là một trong các lĩnh vực trụ cột quan trọng và cam kết sẽ làm hết sức mình để giữ gìn và xây đắp mối quan hệ này. Đây chính là những nhân tố thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Ấn Độ về lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Để thực hiện tốt mục tiêu, nội dung hợp tác, hai bên tiếp tục chú trọng đẩy mạnh hoạt động ở một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là ở cấp cao, nhằm tăng cường hiểu biết và tìm hiểu các khả năng hợp tác về quốc phòng - an ninh. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng, bộ trưởng nhằm tham khảo, phối hợp chiến lược, chính sách quốc phòng của mỗi nước. Thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, lãnh đạo hai nước sẽ có nhiều thỏa thuận mang tính chiến lược, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước trong thời gian trung hạn và dài hạn, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, vừa củng cố vững chắc sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Hai nước đẩy mạnh quan hệ phối hợp quốc phòng - an ninh chống tội phạm xuyên quốc gia; nâng cao khả năng đối phó với những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong vấn đề an ninh hàng hải, hai bên nhất trí quan điểm ủng hộ tự do hàng hải, nhằm bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Ấn Độ cần tiếp tục có những quan điểm, lập trường rõ ràng, mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông cũng như quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên trong khu vực; nhất là hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

2. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo, huấn luyện, đáp ứng nhu cầu và thế mạnh của mỗi nước. Trong hợp tác đào tạo, chú trọng đào tạo ngôn ngữ, kỹ thuật quân sự; hợp tác giữa lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, một số binh chủng và huấn luyện về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Vì thế, tiếng Anh có vị trí quan trọng đối với cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là những cán bộ thuộc các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ và có thể trực tiếp làm việc với các đối tác; tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nghiên cứu vũ khí, trang bị kỹ thuật của các nước; tập trận, tuần tra chung với một số nước,… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới. Ấn Độ cần đẩy nhanh tiến trình mở rộng Trung tâm đào tạo tiếng Anh và tin học tại trường Sĩ quan Thông tin Liên lạc, thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng của Việt Nam. Ngoài ra, có thể xây dựng kế hoạch tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ chỉ huy, kỹ thuật của Hải quân, Phòng không - Không quân và Cảnh sát biển, đảm bảo cho họ khai thác, sử dụng hiệu quả vũ khí, khí tài thế hệ mới, hiện đại. Việt Nam có thể lựa chọn những cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực tổ chức, chỉ huy và trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là trình độ tiếng Anh ở các quân chủng, binh chủng gửi sang Ấn Độ đào tạo. Đây là điều kiện rất tốt để cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu mở rộng kiến thức về chỉ huy, vũ khí, phương tiện kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận học viên Ấn Độ sang học tiếng Việt và nghiên cứu, trao đổi học thuật về quốc phòng, an ninh cấp chiến lược dành cho sĩ quan cao cấp quốc tế tại Học viện Quốc phòng.

3. Thúc đẩy hợp tác, phát triển công nghiệp quốc phòng. Việt Nam đang tập trung tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng lực lượng vũ trang “từng bước hiện đại”; trong đó, có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Việc đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ là vấn đề quan trọng, thiết thực. Hai bên tiếp tục trao đổi nhu cầu, khả năng, thống nhất phương thức hợp tác phù hợp, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển. Trong điều kiện khả năng ngân sách có hạn, hợp tác quốc phòng với Ấn Độ cần tập trung vào một số lĩnh vực cốt lõi: cải tiến, số hóa một số loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật đã sử dụng nhiều năm, xuống cấp, như: máy bay, tàu chiến, ra-đa, tên lửa và súng, pháo phòng không, v.v. Đồng thời, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại. Trước hết, thực hiện chuyển giao công nghệ cải tiến, nâng cấp và số hóa các loại máy bay, ra-đa, tàu chiến và các trang thiết bị điện tử cũ để kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng, hiệu quả tác chiến. Trong đó, chú trọng chuyển giao công nghệ, dây chuyền bảo dưỡng, sửa chữa các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật mới, như: máy bay, các loại tàu biển, thiết bị điện tử; thậm chí chuyển giao công nghệ sản xuất một số loại phương tiện, vũ khí hiện đại. Việt Nam cần tích cực và chủ động hợp tác hơn nữa với Ấn Độ về khoa học công nghệ, nhằm tranh thủ những thành tựu to lớn mà Ấn Độ đã đạt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh.

4. Tích cực phối hợp trong hoạt động hợp tác đa phương ở khu vực và quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình và có một số sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi, được Liên hợp quốc đánh giá cao. Thời gian tới, Việt Nam sẽ đưa bệnh viện dã chiến cấp 2, đơn vị công binh và tiếp tục cử các sĩ quan liên lạc, tham mưu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Để đảm trách ngày càng tốt hơn vai trò của mình, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam cần tranh thủ kinh nghiệm của Ấn Độ. Đối với các hoạt động đa phương ASEAN, hai nước tích cực tham vấn, hỗ trợ, thúc đẩy các cơ chế hợp tác do ASEAN giữ vai trò trung tâm đi vào thực chất, hiệu quả, nhất là trong ADMM+. Đặc biệt, ADMM+ đã, đang và sẽ duy trì đối thoại, chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và triển khai đồng thời 06 lĩnh vực hợp tác: hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình và hành động mìn nhân đạo.

Có thể khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ 10 năm qua đạt được những bước tiến quan trọng, trong đó hợp tác quốc phòng ngày càng đi vào thực chất. Với nền tảng vững chắc của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng sự quyết tâm cao của lãnh đạo quân đội và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh Việt Nam - Ấn Độ sẽ phát triển toàn diện, hiệu quả hơn nữa trong tương lai, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, đóng góp chung vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.

Thiếu tướng VŨ TIẾN TRỌNG, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...