Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:05 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Việc máy bay chiến đấu của Nga bay vào khu vực được cho là không phận mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền đã thổi bùng các tranh cãi về lãnh hải. Sự việc nhanh chóng được dàn xếp để “hạ nhiệt” căng thẳng, song những gì đang diễn ra cho thấy, Đông Bắc Á vẫn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn gay gắt tác động không nhỏ đến an ninh khu vực.
Ngổn ngang những nguy cơ
Nằm giữa biển khơi, không có đất trồng cũng như nước ngọt, quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Đốc-đô (Dokdo), còn Nhật Bản gọi là Ta-ke-si-ma (Takeshima) với diện tích hơn 0,18 km2 toàn đá này chỉ là nơi sinh sống của khoảng 40 người, trong đó có trên 30 cảnh sát Hàn Quốc làm nhiệm vụ canh giữ. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, quần đảo này lại có ý nghĩa quan trọng về mặt chủ quyền, cả hai nước đều cho rằng quần đảo là một phần lãnh thổ của họ từ hơn một thế kỷ trước. Ngày 23-7-2019, một máy bay chiến đấu của Nga trong lúc tập trận chung với Trung Quốc đã bay qua khu vực quần đảo Đốc-đô – Ta-ke-si-ma, ngay lập tức Hàn Quốc tiến hành bắn pháo sáng và hơn 300 phát đạn cảnh cáo về phía máy bay chiến đấu của Nga. Sau khi Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong thông báo vụ việc, Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc vì đưa ra hành động nhằm vào máy bay Nga trên vùng trời quần đảo Đốc-đô – Ta-ke-si-ma mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Sau đó, Tô-ky-ô trao công hàm phản đối chính thức với cả Xơ-un (Seoul) và Mát-xcơ-va liên quan sự cố xâm phạm không phận.
Thực tế, vụ việc trên chỉ là một trong những nguy cơ có thể thổi bùng bất ổn khu vực Đông Bắc Á, chưa kể đến hồ sơ về hạt nhân của Triều Tiên. Nói một cách cụ thể, từ nhiều năm qua, cả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang bị cuốn vào vòng xoáy những tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Ngoài Nhật Bản - Hàn Quốc tranh chấp chủ quyền khu vực quần đảo Đốc-đô – Ta-ke-si-ma, thì Nga và Nhật Bản vẫn đang bế tắc về hướng giải quyết chủ quyền quần đảo Nam Cu-rin (Kuril) - khu vực Nhật Bản gọi là “Vùng lãnh thổ phương Bắc”. Đây là lý do Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc đã 74 năm, song Mát-xcơ-va và Tô-ky-ô vẫn chưa thể ký được Hiệp ước hòa bình. Trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị Nhật Bản - Nga, ký vào năm 1855, Nhật Bản yêu cầu Nga trả lại cái gọi là “Vùng lãnh thổ phương Bắc”, gồm các đảo: Ê-tô-rô-phu (Etorofu), Ku-na-si-ri (Kunashiri), Si-kô-tan (Shikotan) và Ha-bô-mai (Habormai); đồng thời, coi đây là điều kiện tiên quyết để ký Hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, Nga cho rằng, quần đảo Nam Cu-rin đã được đưa vào bản đồ của Liên Xô theo kết quả phân định sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và Nga có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo này. Những bất đồng về lãnh thổ này trở thành “nút thắt” khiến cho tiến trình hòa bình giữa hai bên vẫn bị trì hoãn.
Cùng với đó, Trung Quốc và Hàn Quốc nhiều năm qua vẫn không ngừng tranh cãi liên quan tới chủ quyền đảo đá ngầm mà Hàn Quốc gọi là Ly Ư đảo (Leodo), còn Trung Quốc gọi là Tô Nham Tiêu. Năm 2003, Xơ-un đã xây dựng một trạm nghiên cứu hải dương tại Ly Ư đảo nhằm tăng cường kiểm soát và thể hiện quyết tâm bảo vệ đảo đá ngầm mà Hàn Quốc cho rằng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đáp lại, năm 2013, Trung Quốc đưa Ly Ư đảo - Tô Nham Tiêu vào vùng nhận diện phòng không mà Bắc Kinh lập trên biển Hoa Đông, đồng thời tuyên bố tăng cường tuần tra vùng đảo này. Động thái này của Bắc Kinh đã vấp phải phản ứng gay gắt từ xứ Kim Chi và đã không ít lần Xơ-un điều động máy bay tiêm kích ngăn chặn máy bay trinh sát của Trung Quốc bay vào vùng không phận mà Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Về quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, thời gian gần đây, mâu thuẫn về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư – Xen-ca-cư (Senkaku) có dấu hiệu lắng dịu, nhưng tàu thuyền của quân đội và lực lượng hải cảnh hai nước vẫn thường xuyên bám đuổi nhau khi hoạt động tại khu vực này trên biển Hoa Đông. Trước đó, từng có thời gian, quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á này từng rơi xuống mức thấp nhất, khiến dư luận quốc tế lo ngại sẽ xảy ra một cuộc xung đột quân sự làm rung chuyển Đông Bắc Á. Theo sử sách ghi lại, Nhật Bản tuyên bố là quốc gia phát hiện ra Xen-ca-cư vào năm 1884. Sau thất bại trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quyền kiểm soát quần đảo Xen-ca-cư rơi vào tay người Mỹ và trở thành địa điểm ném bom thử nghiệm cho quân đội xứ “Cờ hoa”. Năm 1972, chính phủ Nhật Bản giành lại quyền kiểm soát đối với quần đảo Xen-ca-cư. Cùng lúc đó, Trung Quốc đã lên tiếng đòi chủ quyền và gọi đây là quần đảo Điếu Ngư. Yêu sách Bắc Kinh đưa ra dựa trên những tư liệu được cho là không rõ ràng, đó chỉ là một bản đồ Trung Quốc từ năm 1403 ghi lại sự tồn tại của quần đảo này. Những năm 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc và Nhật Bản đã thống nhất gác tranh chấp này qua một bên, nhưng thái độ của Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn kể từ tháng 9-2012, khi Chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa quần đảo Xen-ca-cư. Trung Quốc nhìn nhận sự kiện này như một sự khiêu khích và đã điều tàu cùng máy bay tới khu vực này để gây sức ép với Nhật Bản. Hơn một năm sau, ngày 23-11-2013, Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Điếu Ngư – Xen-ca-cư. Đây được cho là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng biển Hoa Đông. Với những gì đã và đang diễn ra, nhiều chuyên gia nhận định, vụ việc xảy ra vào ngày 23-7-2019 dù chớp nhoáng nhưng cũng cho thế giới thấy phần nào sự phức tạp vốn có của Đông Bắc Á - khu vực đang ngổn ngang với các mâu thuẫn song phương, đa phương, trong đó, vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ là chướng ngại mà các bên khó có thể vượt qua.
“Sóng ngầm” ở Đông Bắc Á
Đông Bắc Á là khu vực có vị trí địa chính trị, địa chiến lược, song lại hội tụ nhiều mâu thuẫn mang tính quốc tế cùng các nguy cơ có thể phá vỡ sự ổn định khu vực. Chính vì thế, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, không quân Nga bị cáo buộc xâm phạm khu vực được cho là không phận tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không đơn thuần là một “sự cố”, mà đó chính là một “cuộc thử nghiệm” cho một “liên minh quân sự” giữa Mát-xcơ-va và Bắc Kinh. Bộ Quốc phòng Nga gọi hoạt động này là cuộc tuần tra chung trên không đầu tiên sử dụng máy bay tầm xa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nga và Trung Quốc. Hai nước không có hiệp ước phòng thủ chung như Mỹ với Nhật Bản hay Mỹ với các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nên tập trận là cách mà Nga và Trung Quốc thử nghiệm khả năng quân đội hai nước hoạt động cùng nhau trong điều kiện thực tế. Theo chuyên gia phân tích A-lếch-xan-đờ-rơ Ga-bu-y-ép (Alexandre Gabouiev) của Nga, việc Mát-xcơ-va và Bắc Kinh ngày càng “xích lại gần nhau” là lẽ tự nhiên, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa một bên là Nga và Trung Quốc với bên kia là Mỹ và các nước đồng minh ngày càng đi xuống. Nhìn một cách tổng thể hơn thì cơ chế tuần tra chung giống như một động thái nhằm thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì rõ ràng, chỉ cần một hành động nhỏ của Nga và Trung Quốc đã làm Hàn Quốc tuyên bố không tiếp tục ký Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản (22-8-2019), đình chỉ giao lưu học viên quân sự giữa hai bên và khoét sâu thêm tranh cãi về chủ quyền giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh thân cận của Mỹ vốn đang lún sâu vào “cuộc chiến” thương mại. Nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục thắt chặt quan hệ quân sự, đây sẽ thực sự là nỗi ám ảnh về tầm ảnh hưởng đối với khu vực Đông Bắc Á và toan tính xoay trục của Oa-sinh-tơn.
Đối với Mỹ, trong chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, Đông Bắc Á được xem là một trong những khu vực có ý nghĩa chiến lược, mang tính “sống còn” về mặt lợi ích. Khu vực này có Trung Quốc - một “cái gai” có thể ngăn cản Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á; có Triều Tiên - quốc gia đối địch luôn có những hành động khó lường. Tuy nhiên, ở đây còn có hai đồng minh quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi Mỹ đặt các căn cứ quân sự và là “gọng kìm” để có thể kiềm chế Trung Quốc. Mỹ không chỉ ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp với Trung Quốc về đảo Điếu Ngư – Xen-ca-cư, mà còn ủng hộ Nhật Bản trong việc giải thích lại Hiến pháp để có một lực lượng quân sự đủ mạnh và thực hiện quyền phòng vệ tập thể cùng với quân đội Mỹ. Đáng chú ý là, việc Lầu Năm Góc triển khai hệ thống ra-đa phòng thủ tên lửa X-band thứ hai tại tỉnh miền trung Ky-ô-tô của Nhật Bản vào cuối năm 2014; thảo luận với Nhật Bản bố trí lại lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Ô-ky-na-goa; xem xét lại quan hệ đồng minh đã cho thấy nước này tiếp tục quan tâm đến vấn đề an ninh khu vực trong tình hình mới.
Cùng với đó, quan hệ Mỹ - Hàn Quốc được thúc đẩy với việc hai bên ký Hiệp định Tầm nhìn chung về liên minh năm 2009, nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn. Hiệp định này tạo cơ sở cho Mỹ ký Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (có hiệu lực từ năm 2012) và được ký lại vào 24-9-2018, mà giới phân tích cho là bước tiến quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc. Mặc dù cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa này là một biện pháp đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, song ai cũng thấy rõ, với sự bố trí này, Mỹ sẽ giành nhiều lợi thế trong tương quan lực lượng quân sự với Trung Quốc.
Chính vì coi Hàn Quốc và Nhật Bản là những “lá bài” chủ đạo nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, nên chắc chắn Oa-sinh-tơn sẽ không ngồi yên chứng kiến Bắc Kinh và Mát-xcơ-va “bắt tay” làm suy yếu quan hệ giữa Xơ-un và Tô-ky-ô. Trong vụ việc máy bay chiến đấu của Nga bị cho là xâm phạm không phận mà Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tuyên bố chủ quyền, Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng thể hiện sự sát cánh với đồng minh. Tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc Đây Is-tơ-bơn (Dave Eastburn) khẳng định: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như các phản ứng của họ đối với hành vi vi phạm không phận của máy bay Trung Quốc và Nga. Bộ Quốc phòng Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Xơ-un và Tô-ky-ô về vấn đề này và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”.
Có thể thấy, tình hình Đông Bắc Á thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều biến động, thỏa hiệp và cạnh tranh đan xen, đồng thời chịu sự chi phối sâu sắc của quan hệ tay ba Mỹ - Trung Quốc - Nga. Mặc dù chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm khác nhiều so với những người tiền nhiệm, song điều đó cũng không thay đổi những lợi ích quốc gia cơ bản của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, tình trạng gia tăng sức mạnh quân sự, tranh chấp chủ quyền biển, đảo và cạnh tranh tại các điểm nóng ở Đông Bắc Á sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt, tác động không nhỏ đến ổn định khu vực. Song nhiều chuyên gia nhận định, tình hình an ninh vẫn “đang trong tầm kiểm soát” và ít có khả năng xảy ra xung đột.
LÂM PHƯƠNG - TRỊNH THÁI LAI
Nhật Bản và Hàn Quốc,xâm phạm không phận,tranh cãi Nga
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ