Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:22 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau mặt đất, trên biển và không trung thì vũ trụ đang trở thành môi trường tác chiến tiếp theo khi xảy ra chiến tranh. Việc một số nước đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí không gian rất có thể dẫn đến một cuộc chạy đua quân sự trong vũ trụ. Các chuyên gia quân sự thế giới cho rằng, vấn đề này ngày càng hiện hữu.
Phát triển vũ khí không gian
Vũ khí không gian thường được biết đến với các loại: tấn công động năng, tấn công phi động năng, tấn công điện tử và tấn công mạng. Trong đó, vũ khí động năng sẽ tấn công trực tiếp mục tiêu trong không gian bằng các tên lửa được phóng từ mặt đất hoặc bằng chính các vệ tinh có sẵn trong không gian hay có thể tiến hành bắn phá các mục tiêu trên trái đất từ vũ trụ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã triển khai chương trình nghiên cứu các loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường tấn công vệ tinh được phóng từ mặt đất. Trên thực tế, Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa RIM-161 Standard Missile, có khả năng tấn công trực tiếp các loại vệ tinh bay ở quỹ đạo gần trái đất. Hiện nay, Mỹ cũng đang thử nghiệm bắn phá các mục tiêu trên trái đất bằng các tên lửa phóng từ tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần X-37B.
Trong khi đó, Nga hiện vẫn tiếp tục kế thừa và phát triển vũ khí không gian tấn công bằng động năng từ thời Liên Xô. Đáng chú ý là, từ năm 2013 đến nay, Moscow đã nhiều lần thử nghiệm kỹ thuật bắt bám, định vị và phá hủy vệ tinh ở gần quỹ đạo trái đất. Nga đã trình diễn một số loại vũ khí diệt vệ tinh, như: hệ thống phòng thủ A-235 Nudol, hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometey; đồng thời, có thể sử dụng các vệ tinh sẵn có để tấn công những mục tiêu trong không gian của đối phương. Từ năm 2005 đến nay, Trung Quốc cũng nhiều lần thử nghiệm hệ thống vũ khí diệt vệ tinh bằng tên lửa phóng từ mặt đất. Tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã cơ bản hình thành năng lực chống vệ tinh bằng phương pháp này và dự kiến trong vài năm tới sẽ biên chế chính thức cho quân đội.
Vũ khí tấn công phi động năng, gồm: lade, viba công suất cao và sóng xung kích điện từ, đang được các nước đầu tư nghiên cứu, phát triển để lắp đặt trên các phương tiện mặt đất, trên biển, không trung và cả không gian vũ trụ, nhằm tạo ưu thế tác chiến trong tương lai. Vũ khí lade có thể lợi dụng các ưu điểm về tốc độ và bước sóng cường độ cao để vô hiệu hóa tạm thời hoặc vĩnh viễn vệ tinh, tên lửa, máy bay chiến đấu hay các mục tiêu khác của đối phương. Trong khi đó, vũ khí viba công suất cao lại có thể phá hỏng các bộ phận thiết bị điện tử bên trong mục tiêu, từ đó khiến số liệu thống kê, các hệ thống truyền tải điện và bộ xử lý trung tâm của mục tiêu bị phá hỏng hoàn toàn. Tương tự, vũ khí sóng xung kích điện từ phá hủy các thiết bị điện tử bên trong mục tiêu hoặc gây gián đoạn hoạt động của chúng trong thời gian nhất định thông qua các loại sóng điện từ với nguồn phát là đạn xung kích điện từ hạt nhân hoặc đạn xung kích điện từ phi hạt nhân. Từ năm 2007, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu hệ thống vũ khí lade công suất thấp lắp đặt trên các loại máy bay tác chiến không người lái có khả năng phá hủy các loại vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp. Nga cũng sở hữu hệ thống vũ khí lade A-60 với độ chính xác cao, có thể định vị, tấn công làm tê liệt hoặc phá hủy vệ tinh của đối phương.
Ngoài ra, các hệ thống tấn công điện tử cũng được Mỹ triển khai với khả năng gây nhiễu đối với các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, như: Glolass của Nga hoặc Bắc Đẩu của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã từng thừa nhận, mỗi năm các lực lượng tác chiến vũ trụ nước này tiến hành khoảng hơn 20 cuộc tấn công gây nhiễu điện tử lên các hệ thống vệ tinh thông tin của đối phương trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Nga cũng đã triển khai và trang bị được nhiều hệ thống vũ khí điện tử cơ động có khả năng phá hủy hoặc gây nhiễu cường độ cao đối với vệ tinh quỹ đạo thấp, các loại máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa tấn công chính xác.
Vũ khí tấn công mạng chủ yếu tấn công vào cơ sở dữ liệu và hệ thống vận hành dữ liệu của các vệ tinh. Đây là phương thức tấn công mới được phát triển, yêu cầu tác chiến rất cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng về công nghệ thông tin. Hiện nay, năng lực tác chiến tấn công mạng của Mỹ đang ở vị trí dẫn đầu thế giới, ngay từ cuối năm 2018, quân đội Mỹ bắt đầu nghiên cứu thành lập lực lượng này, đến nay đã có 133 đơn vị tác chiến tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu, với tổng quân số lên tới 6.187 người và còn có khả năng chống tấn công vũ trụ trong trường hợp được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
Nguy cơ chạy đua quân sự trong vũ trụ
Vũ trụ được coi là lĩnh vực chiến lược trong thời đại kỹ thuật và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Chính vì vậy, các cường quốc quân sự đã thành lập lực lượng vũ trụ, phát triển nhiều loại vũ khí không gian mới. Điều này khiến cộng đồng thế giới đặc biệt quan ngại về việc quân sự hóa vũ trụ, đe dọa sự ổn định chiến lược, thậm chí có thể dẫn tới bùng nổ “chiến tranh không gian”. Bằng chứng là, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần công khai cho rằng, hoạt động tác chiến vũ trụ là một trong những trọng điểm phát triển của quân đội nước này trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực hơn nữa cho lĩnh vực này. Hiện nay, Mỹ đã chuyển trọng tâm từ cuộc chiến chống khủng bố sang cuộc chiến “cạnh tranh giữa các nước lớn”, trong đó cạnh tranh tác chiến vũ trụ là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Rất có thể, tác chiến vũ trụ sẽ bắt đầu trong một vài thập niên tới, chính vì vậy, Mỹ đang nỗ lực giành thế chủ động, đảm bảo duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Trong cuộc chạy đua quân sự trong vũ trụ thì chỉ huy từ vũ trụ sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong tác chiến. Thành công của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo và Afghanistan là bằng chứng cho thấy, các chiến dịch quân sự trên bộ, trên không và trên biển có thể được hỗ trợ bởi việc sử dụng hiệu quả các trang bị vũ trụ. Do đó, các nước lớn đang tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình phát triển vũ khí tham vọng để chiếm lĩnh lợi thế trong cuộc đua ngoài không gian.
Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu trong cuộc đua này, với việc sở hữu 803 vệ tinh các loại, trong đó có 200 vệ tinh quân sự và 31 vệ tinh định vị toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều loại vũ khí của Nga và Trung Quốc, gồm các hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng, tên lửa chống vệ tinh động học có thể phá hủy, làm suy yếu hoặc gây sát thương các vệ tinh không gian của Mỹ. Vì vậy, tháng 02/2019, Tổng thống Donald Trump ban hành “Chính sách vũ trụ” và giao cho Bộ Quốc phòng hợp nhất với các lực lượng khác thành lập “Lực lượng vũ trụ”. Tháng 8/2019, Mỹ chính thức thành lập Bộ Tư lệnh Không gian, gồm 87 đơn vị được bố trí theo các vị trí trên trái đất có yếu tố địa chính trị. Bộ Tư lệnh này có bốn chức năng chính, gồm: (1) Cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh; (2) Kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và bảo đảm an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ; (3) Bảo vệ tài sản Mỹ trên quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài phá hoại vệ tinh của Mỹ; (4) Giám sát và cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác.
Cho đến nay, Nga vẫn tiếp tục trở thành đối thủ lớn nhất của Mỹ trong tác chiến vũ trụ, với nền tảng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng tác chiến vũ trụ từ thời Liên Xô. Nga đang tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa đối với lực lượng tác chiến vũ trụ. Trong đó, các chương trình phát triển vũ khí chống tác chiến vũ trụ đã trở thành một mục tiêu nhất quán và quan trọng nhất của nước này. Lực lượng vũ trụ Nga được tái thành lập năm 2015 như một thành phần của lực lượng Không quân - Vũ trụ. Mặc dù về tiềm lực, Nga khó có thể cạnh tranh với Mỹ trong không gian vũ trụ, tuy nhiên Moscow không từ bỏ vị thế vốn có, bởi hình ảnh Liên Xô - quốc gia đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo và đưa con người lên vũ trụ vẫn mang tính biểu tượng cao. Do đó, Nga đang tiếp tục phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh hiện đại, vũ khí lade, tên lửa dẫn đường tiêu diệt vệ tinh từ mặt đất và tên lửa siêu thanh tấn công mục tiêu mặt đất từ vũ trụ.
Sách trắng “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” năm 2015 chỉ rõ, tác chiến vũ trụ đã trở thành môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc quân sự, hình thái chiến tranh đang chuyển dần sang thời đại thông tin hóa. Trung Quốc coi vũ trụ là một lĩnh vực quân sự trọng yếu, do đó, giành quyền kiểm soát hoạt động tác chiến vũ trụ là yếu tố hết sức quan trọng trong mục tiêu chiến lược quân sự của nước này. Giới chức quân sự Trung Quốc đều hết sức coi trọng năng lực tác chiến vũ trụ, triệt để lợi dụng môi trường tác chiến này để giành ưu thế chiến lược trước Mỹ nếu như hai nước xảy ra xung đột. Trung Quốc là quốc gia vận hành vệ tinh nhiều thứ hai thế giới với 204 vệ tinh. Tháng 12/2015, Trung Quốc thành lập Lực lượng chi viện chiến lược, với mục tiêu là nhất thể hóa sức mạnh hàng không và vũ trụ, tăng cường khả năng tác chiến phòng thủ, tiến công đồng thời trên không gian vũ trụ. Bắc Kinh cũng chi khoản ngân sách 13 tỉ USD/năm phục vụ nghiên cứu phát triển lĩnh vực này.
Tháng 7/2019, Pháp thông qua “Học thuyết quân sự và không gian mới” và kế hoạch thành lập “Bộ Chỉ huy Lực lượng vũ trụ” nhằm củng cố và phát triển năng lực không gian. Ngay sau đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng thành lập cơ quan chuyên về phòng thủ và không gian, chịu trách nhiệm tài trợ, phát triển và triển khai lực lượng vũ trang cho Khối với khoản ngân sách 15,34 tỉ USD. Tháng 12/2019, NATO chính thức công nhận không gian là lĩnh vực tác chiến, động thái này một phần là để Mỹ biết liên minh này có hướng đến và thích nghi với các mối đe dọa mới khi Washington thành lập Bộ Tư lệnh Không gian. Tháng 5/2020, Nhật Bản cũng gấp rút thành lập “Lực lượng phòng vệ trên không”, để tăng cường năng lực vũ trụ. Nhật Bản lên kế hoạch thành lập lực lượng này vào năm 2022, song sau đó quyết định đẩy nhanh tiến trình nhằm tránh bị tụt hậu. Hiện tại, Nhật Bản còn nghiên cứu một hệ thống theo dõi không gian trên mặt đất, gồm các đài ra đa có độ nhạy cao và kính viễn vọng quang học, v.v.
Nhìn chung, theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự quốc tế, một cuộc chạy đua quân sự trong vũ trụ rất có thể xảy ra sớm song hành với việc triển khai vũ khí để sử dụng trong và từ vũ trụ cho các mục đích tấn công - phòng thủ, biến vũ trụ thành môi trường xung đột. Điều đó cũng khẳng định rằng, những tiến bộ về công nghệ đang khiến cho quân sự hóa vũ trụ trở thành tất yếu.
Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật
vũ khí không gian,chạy đua quân sự,trong vũ trụ,nguy cơ
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ