Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 20/06/2019, 07:41 (GMT+7)
Phát triển tàu sân bay - cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc

Tàu sân bay được ví như “căn cứ không quân nổi trên biển”, phương tiện chiến đấu quan trọng trong lực lượng hải quân các nước, nhất là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh trên thế giới. Sau 115 năm đưa vào trang bị và không ngừng nghiên cứu, phát triển, loại phương tiện này đã khẳng định sức mạnh vượt trội và đang được các cường quốc quân sự cạnh tranh quyết liệt trong giai đoạn hiện nay.

Nghiên cứu về vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu, các chuyên gia quân sự quốc tế đều thống nhất mệnh danh tàu sân bay là loại phương tiện chiến đấu “bá chủ” trên biển. Những quốc gia sở hữu tàu sân bay có thể sử dụng loại phương tiện này để cơ động trên các vùng biển, thực hiện mục đích răn đe quân sự đối phương, giành quyền kiểm soát vùng trời, vùng biển thông qua hệ thống máy bay, vũ khí trên tàu mà không phụ thuộc vào sân bay trên đất liền. Mặc dù chi phí sản xuất, mua sắm và duy trì hoạt động của tàu sân bay rất lớn, nhưng với ưu thế sức mạnh vượt trội, phương tiện này trở thành thành phần quan trọng không thể thiếu đối với hải quân các cường quốc quân sự. Để nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng hải quân trên biển, các cường quốc quân sự đang thực hiện những chiến lược, định hướng phát triển tàu sân bay, nhằm cạnh tranh và khẳng định sức mạnh của họ.

Mỹ tiếp tục chương trình sản xuất tàu sân bay thế hệ mới

Siêu tàu sân bay USS Gerald R Ford. Ảnh: Getty Images

Với ưu thế tuyệt đối trong cuộc chạy đua trang bị tàu sân bay, hiện nay, Mỹ đang sở hữu 13 tàu (10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimiz - vốn đã là loại hiện đại nhất thế giới và 3 tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới lớp Ford); ngoài ra, còn ứng dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến, tạo bước đột phá trong phát triển tàu sân bay. Khi nói vấn đề này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Uy-li-am Cô-hen cho rằng, nếu không sở hữu những “vũ khí đặc biệt” thì Mỹ sẽ “không có tiếng nói và ít có ảnh hưởng trên thế giới”. Hiện tại, Mỹ là nước có số lượng tàu sân bay nhiều nhất, lượng giãn nước lớn nhất và chỉ tập trung phát triển tàu sân bay hạng nặng (trên 60.000 tấn). Dự kiến đến năm 2068, nước này sẽ đóng mới 12 tàu sân bay lớp Ford; đồng thời, tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tàng hình cho cả tàu sân bay và máy bay tác chiến từ tàu sân bay, công nghệ phóng điện từ, nhằm tạo ưu thế tuyệt đối trước các cường quốc khác.

Mặc dù được trang bị đầy đủ vũ khí tiến công và phòng thủ, nhưng do đặc điểm kích thước mục tiêu lớn, tàu sân bay dễ bị các loại máy bay, tên lửa tiến công và khi đó tổn thất sẽ vô cùng nặng nề. Vì vậy, Mỹ đặc biệt coi trọng thiết kế hình dáng bên ngoài tàu sân bay tròn, nhẵn, loại bỏ các góc, cạnh vuông, nhọn và bề mặt thân tàu phủ lớp sơn hấp thụ sóng ra-đa, làm giảm mặt cắt phản xạ, nâng cao khả năng tự bảo vệ. Điển hình là tàu sân bay lớp Ford thế hệ mới mà Mỹ đưa vào trang bị năm 2017 đã sử dụng kỹ thuật tàng hình tiên tiến, tích hợp phần tháp tàu và dịch chuyển về phía sau mạn phải, hạ thấp mạn tàu, đơn giản hóa thiết kế mặt khoang và bố cục tổng thể boong tàu, thu hẹp mặt cắt phản xạ sóng ra-đa, phủ sơn và vật liệu tàng hình ở những bộ phận then chốt, phần ngập dưới nước được thiết kế lại để giảm lực cản, giảm tiếng ồn. Đặc biệt, Mỹ chú trọng nghiên cứu áp dụng công nghệ tàng hình để sản xuất các loại vũ khí, trang bị đồng bộ trên tàu, như: máy bay tiêm kích tàng hình F-35B (loại trang bị chủ lực), máy bay tiếp dầu tàng hình MQ-25A, v.v. Đáng chú ý là, tàu sân bay Gerald R. Ford của Mỹ là loại duy nhất hiện nay ứng dụng công nghệ phóng bằng điện từ, so với hệ thống phóng bằng hơi nước thì thể tích và trọng lượng tàu giảm một nửa, nhân viên điều khiển giảm 30%, duy tu đơn giản hơn, công suất và tần suất của thiết bị phóng bằng điện từ cao, cho phép phóng máy bay nặng và nhanh hơn (tăng thêm 1/3 lần) so với lớp tàu sân bay Nimitz. Ngoài ra, Gerald R. Ford còn có sàn sân bay lớn, mang được nhiều máy bay, vũ khí và nhiên liệu hàng không; lượng điện sản xuất tăng gấp 3 lần, đủ khả năng cung cấp năng lượng điện cho hệ thống trang bị, thiết bị lắp đặt trên tàu hoạt động trong suốt 50 năm.

Trung Quốc chú trọng đầu tư phát triển tàu sân bay nội địa

Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung đẩy mạnh chương trình phát triển tàu sân bay trong nước. Từ chỗ chỉ có sức mạnh không quân - hải quân rất hạn chế, tới nay, Trung Quốc đã có tàu sân bay tác chiến trên biển. Trong đó, tàu sân bay Liêu Ninh chính thức được sử dụng tác chiến năm 2016, tàu sân bay Sơn Đông bắt đầu thử nghiệm trên biển năm 2018 và tàu sân bay thứ 3 đã chính thức được khởi đóng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Một tàu sân bay chỉ phát huy sức mạnh khi được trang bị máy bay, nên quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển lực lượng máy bay tàu sân bay, trọng tâm là máy bay trực thăng, máy bay tiêm kích và máy bay thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

Trên thực tế, Trung Quốc đã có chủ trương phát triển tàu sân bay từ năm 1988, nhưng tham vọng này chỉ trở thành hiện thực khi nước này mua được tàu sân bay cũ Va-ri-át (Varyag) của U-crai-na (tàu Va-ri-át thời Liên Xô mới hoàn thiện được một nửa, trước khi đưa về Công ty Công nghiệp đóng tàu Đại Liên). Tàu này được Trung Quốc hoàn thiện từ năm 2002 đến 2012 và đặt tên là Liêu Ninh (Type 001), đưa vào trang bị ngày 25-12-2012. Tàu sân bay Liêu Ninh không có hệ thống máy phóng mà sử dụng phương pháp “nhảy cầu” để máy bay cất cánh từ boong tàu, tới tháng 12-2016, tàu được công bố là đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tàu sân bay thứ 2 mang tên Sơn Đông (Type 001A), về bản chất, đây là bản sao của tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng lượng giãn nước lớn hơn, khoang chứa máy bay nhiều hơn. Tàu được đóng bởi Công ty Công nghiệp đóng tàu Đại Liên, hạ thủy vào ngày 26-4-2017, tiến hành những thử nghiệm trên biển lần đầu tiên vào cuối tháng 4-2018, dự kiến đưa vào trang bị tháng 10-2019.

Phát triển tàu sân bay thứ 3 (Type 002) là một bước tiến lớn của Trung Quốc, với đường băng thẳng và sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ, cho phép sử dụng các máy bay tiêm kích tàng hình, như: Thành Đô J-20 và Thẩm Dương J-31. Chuyển từ phương pháp cất cánh “nhảy cầu” sang sử dụng công nghệ phóng điện từ là một bước tiến đáng kể, cho phép phóng máy bay tiêm kích mang đủ cơ số chiến đấu. Đây là một thách thức đối với Trung Quốc, bởi nó yêu cầu sử dụng một nguồn năng lượng rất lớn1. Tuy nhiên, các kỹ sư của Trung Quốc gần đây đã công bố giải quyết được vấn đề mà không cần năng lượng hạt nhân. Tháng 3-2017, nhà máy đóng tàu Giang Nam (Thượng Hải) bắt đầu đóng tàu sân bay Type 002, dự kiến hoàn thành năm 2020 và sẽ trang bị cho Hải quân Trung Quốc vài năm sau đó. Với tàu sân bay Type 002, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Pháp) sử dụng hệ thống máy phóng hỗ trợ cất cánh và hệ thống cáp hãm đà khi hạ cánh trên tàu sân bay. Tiếp đó, đầu năm 2018, Trung Quốc có kế hoạch phát triển tàu sân bay Type 003 sử dụng năng lượng hạt nhân, với lượng giãn nước 90.000 - 100.000 tấn, mang được 70 - 100 máy bay. Mục tiêu của nước này là đẩy mạnh phát triển tàu sân bay, góp phần xây dựng lực lượng hải quân đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) và đang nỗ lực phấn đấu trang bị tổng cộng 265 - 273 tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và tàu bảo đảm vào năm 2020.

Nhật Bản thay đổi chính sách trang bị tàu sân bay

Cuối năm 2018, Nhật Bản quyết định thay đổi định hướng chiến lược quốc phòng, nâng cấp tàu khu trục trực thăng thành tàu sân bay, đủ khả năng mang máy bay tiêm kích tàng hình. Ngày 18-12-2018, Chính phủ Nhật Bản chính thức thông qua định hướng chiến lược quốc phòng mới mang tên “Phương châm chỉ đạo các chương trình quốc phòng”, đề ra mục tiêu quốc phòng trong 10 năm tới, nhằm đối phó với những thách thức mới về an ninh trong khu vực và thế giới. Theo đó, Nhật Bản sẽ đưa vào trang bị tàu sân bay đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, triển khai tên lửa tầm xa, phát triển tác chiến không gian mạng và vũ trụ. Để đạt định hướng trên, nước này quyết định chuyển đổi tàu khu trục trực thăng I-zu-mô thành tàu có đủ khả năng cho máy bay tiêm kích tàng hình F-35B hoạt động. Đồng thời, đặt mua máy bay cánh quạt lật đa nhiệm V-22 Osprey bổ sung cho tàu khu trục trực thăng lớp I-zu-mô và sẽ mua 105 máy bay tiêm kích liên quân chủng F-35 (trong đó có 42 chiếc sử dụng cho tàu sân bay). Điều này làm dấy lên suy đoán trong tương lai sẽ có thêm ít nhất ba tàu tương tự được Nhật Bản chế tạo. Do bị bó buộc bởi hiến pháp hòa bình, khiến người Nhật phải chọn cách đi đường vòng, gọi I-zu-mô là “tàu khu trục trực thăng”. Tháng 12-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, kế hoạch nâng cấp các tàu I-zu-mô vẫn nằm trong chiến lược thiên về phòng vệ của Tô-ky-ô; tuy nhiên, sau khi nâng cấp, tàu I-zu-mô sẽ thực sự là tàu sân bay.

Tàu I-zu-mô có thông số sánh ngang tàu sân bay lớp In-vin-xbồ (Invincible) của Hải quân Anh, được bổ sung những tính năng mới nhất cho các hệ thống tác chiến điện tử, điều khiển hỏa lực và ra-đa. Nếu trang bị thêm máy bay tiêm kích liên quân chủng F-35 hay V-22 Osprey, tàu I-zu-mô sẽ sở hữu năng lực tiến công trên biển vô cùng lớn. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tiếp nhận tàu I-zu-mô đầu tiên vào năm 2015, tàu Ka-ga (tàu khu trục hạm trực thăng DDH-184) chỉ vừa được biên chế vào tháng 3-2017.

Trước đây, Hải quân Nhật Bản đã sở hữu 10 tàu sân bay, có hạm đội hàng không mẫu hạm lớn nhất, tiên tiến nhất thế giới. Ngoài Mỹ, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới từng tham gia chiến tranh sử dụng tàu sân bay trên biển. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, cụm chiến đấu tàu sân bay của Nhật Bản đã tập kích Trân Châu Cảng, triển khai cuộc quyết chiến lớn tàu sân bay với Mỹ, gây chấn động thế giới. Hiện nay, thay vì ngồi nhìn Trung Quốc phát triển tàu sân bay, động thái này của Nhật Bản có thể rút ngắn về năng lực tàu sân bay giữa “hai người khổng lồ” ở Đông Bắc Á. Sự ra đời của tàu khu trục trực thăng lớp I-zu-mô đánh dấu một bước tiến dài về sức mạnh quân sự của Hải quân Nhật Bản. Cấu hình nâng cấp cho phép chúng vận hành máy bay cánh bằng, có năng lực như các tàu sân bay hạng nhẹ đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đây có thể được coi như một lời cảnh báo mà Tô-ky-ô gửi đến các đối thủ, nhằm khẳng định rằng Nhật Bản vẫn là cường quốc hải quân hùng mạnh.

Bên cạnh các nước trên, Nga đã có kế hoạch trước năm 2025 sẽ bắt đầu đóng mới tàu sân bay lớp Storm K23000. Tuy nhiên, với lịch sử có quá nhiều dự án tàu sân bay dang dở hoặc bị hủy bỏ, chưa rõ Nga có thể hoàn thành dự án này hay không(?).

Các cường quốc quân sự đang chạy đua phát triển tàu sân bay nhằm xây dựng “căn cứ cơ động” trên biển, chuyển đường băng từ đất liền lên tàu, tung sức mạnh không quân tác chiến từ tàu tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Thực tế đó là chỉ dấu rõ ràng cho thấy Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều cường quốc khác đang ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong nghiên cứu, phát triển và chế tạo tàu sân bay.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật

_____________

1 - Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay Type 002 của Trung Quốc sử dụng năng lượng thông thường.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...