Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 18/01/2019, 06:53 (GMT+7)
Phát huy truyền thống 70 năm, xây dựng Quân đội nhân dân Lào vững mạnh

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Lào luôn khẳng định vai trò nòng cốt cho toàn dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trước sự phát triển mới của yêu cầu, nhiệm vụ, Quân đội nhân dân Lào tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào.

Trước yêu cầu sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào nhằm giành độc lập, tự do và giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của kẻ thù xâm lược, ngày 20-01-1949, tại chiến khu Xiềng Khọ (tỉnh Hủa Phăn), dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã tuyên bố hợp nhất các đội vũ trang trên một số khu vực, địa bàn để thành lập Quân đội Lào Ít-xa-la - Quân đội nhân dân Lào ngày nay. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của cách mạng Lào nói chung, lực lượng vũ trang Lào nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đứng đầu là đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản kính mến.

Ngay sau khi thành lập, Quân đội Lào Ít-xa-la đã luôn dựa vào nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, không ngừng mở rộng, phát triển lực lượng, nâng cao trình độ tác chiến, chuẩn bị phương tiện, hậu cần, phối hợp chặt chẽ với Quân tình nguyện Việt Nam tổ chức nhiều trận đánh trên từng quy mô khác nhau, từ nhỏ đến lớn và giành thắng lợi quan trọng trong chiến dịch Xiềng Khọ, Sông Mã (năm 1949). Phát huy kết quả đạt được, Bộ đội Pa-thét Lào tiếp tục kề vai, sát cánh với Bộ đội Việt Nam mở nhiều chiến dịch, đợt hoạt động, tiến công địch từ Thượng Lào đến Trung Lào và Hạ Lào, giải phóng và làm chủ nhiều khu vực rộng lớn, trong đó có các địa bàn quan trọng, như: tỉnh Sầm Nưa, Phông Xa Lỳ, Xiêng Khoảng, v.v. Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Quân đội Pa-thét Lào đã phối hợp chặt chẽ với Quân tình nguyện Việt Nam và chiến trường Điện Biên Phủ tiến công quân địch trên nhiều mặt trận, cả ở Bắc, Trung và Tây Lào, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, phá hủy, thu hồi nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu, giải phóng 1/2 lãnh thổ. Có thể nói, đây là đòn đánh quyết định của quân và dân các bộ tộc Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và thừa nhận Lào có lực lượng vũ trang (Quân đội Pa-thét) tập kết tại Hủa Phăn, Phông Xa Lỳ.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, với bản chất hiếu chiến, phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ đã nhảy vào Đông Dương thay chân Pháp, thực hiện âm mưu chiếm đóng Lào; hỗ trợ mọi mặt cho lực lượng cánh hữu (Quân đội Viêng Chăn) làm lực lượng tay sai hòng chống phá, tiến tới tiêu diệt cách mạng Lào. Trước tình hình đó, Đảng nhân dân cách mạng Lào1 đã tập trung lãnh đạo Quân đội Pa-thét tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng, vừa đấu tranh pháp lý, vừa đấu tranh quân sự, kiên quyết chiến đấu bảo vệ khu tập kết. Chỉ trong vòng chưa đầy 02 năm (từ tháng 10-1954 đến tháng 8-1956), Bộ đội Pa-thét Lào đã đánh bại 685 cuộc tiến công lớn nhỏ của Quân đội phái hữu Viêng Chăn do Mỹ bảo trợ, bảo vệ an toàn lực lượng cách mạng và khu tập kết, loại khỏi vòng chiến đấu gần 5.000 tên địch,… buộc chúng phải ký Hiệp ước Viêng Chăn (1957), lập ra Chính phủ Liên hiệp lần thứ nhất. Nhưng ngay sau khi ký Hiệp ước, Mỹ không những không thi hành những điều khoản đã ký, mà còn cung cấp vũ khí, trang bị, đưa cố vấn quân sự vào huấn luyện, thao túng Quân đội Viêng Chăn, thành lập Chính phủ cực hữu, thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Để đối phó với Chiến lược này, Đảng nhân dân cách mạng Lào chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, lấy đấu tranh vũ trang là chính. Tập trung xây dựng quân đội, nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự; kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của lực lượng vũ trang với phong trào đấu tranh nổi dậy của quần chúng và đã giải phóng nhiều địa bàn quan trọng, như: Viêng Chăn, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, v.v. Bị thất bại nặng nề cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, nhất là trong Chiến dịch Luông Nậm Thà, Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào (1962), chấp nhận thành lập Chính phủ Liên hiệp ba bên2.

Khi Hiệp định còn chưa ráo mực, Mỹ đã tăng cường mở các cuộc hành quân lấn chiếm, tiến công, thậm chí sử dụng cả không quân ném bom ác liệt xuống các chiến trường trọng điểm và vùng giải phóng của Lào. Quán triệt tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công, Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương phát động cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, rộng khắp; đồng thời, tổ chức nhiều chiến dịch, như: Nậm Bạc, Pha Thi (1968), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1969 - 1971), Lam Sơn 719 (1971),… với các quy mô, hình thức khác nhau, tạo thế và lực tiến công mạnh mẽ, giải phóng từng tỉnh, khu vực địa bàn và cả nước, lập ra nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Lào luôn làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân; chủ động phối hợp với Bộ đội tình nguyện Việt Nam đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Nổi bật là: tiêu diệt bạo loạn ở Bắc Lào, phỉ Vàng Pao ở Mường Chà - Phu Bia và chống lấn chiếm biên giới,… góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào.

Hiện nay và thời gian tới, khu vực Đông Nam Á nói chung, Đông Dương nói riêng, xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là chủ đạo, song vẫn có những diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Đối với Lào, lợi dụng những khó khăn trong nước và xu thế hội nhập, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; chia rẽ Đảng với Nhà nước; Đảng, Nhà nước với Quân đội; Quân đội với nhân dân. Đặc biệt là chia rẽ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, lâu bền giữa Lào với Việt Nam, Cam-pu-chia, nhằm hướng lái Lào đi theo quỹ đạo của chúng. Để đấu tranh làm thất bại mưu đồ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, Quân đội nhân dân Lào đã và đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng vững mạnh về mọi mặt; trong đó, tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt nội dung này, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Quốc phòng Lào lần thứ IV; đặc biệt là 04 nhiệm vụ lớn và 26 kế hoạch của Đảng ủy Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội và đơn vị; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và mưu đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, quan điểm, đường lối của Đảng và sự nghiệp cách mạng. Chú trọng xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm cho Quân đội phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào.

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Trên cơ sở kết quả đạt được về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong những năm qua, Quân đội nhân dân Lào tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác quan trọng này cả về nội dung, chương trình; phương pháp huấn luyện, quản lý, điều hành; bảo đảm cơ sở vật chất,… theo hướng sát với đối tượng, vũ khí, trang bị, đặc điểm địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, phải hướng vào huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng nắm vững kiến thức lý luận quân sự, nghệ thuật tác chiến (ở các loại hình và quy mô khác nhau) cũng như năng lực khai thác, làm chủ các loại vũ khí, trang bị, phương tiện mới, hiện đại; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra bảo vệ biên giới, vùng trời. Đồng thời, coi trọng xây dựng phương án, quyết tâm tác chiến các cấp và tổ chức diễn tập nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, bảo đảm cho Quân đội xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Trong tình hình phức tạp hiện nay, Quân đội nhân dân Lào chú trọng huấn luyện cho bộ đội vừa giỏi tác chiến độc lập, vừa thành thạo trong tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng; nâng cao khả năng cơ động, nhất là trên các địa bàn phức tạp, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đội tăng cường quản lý kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật; tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận khoa học nghệ thuật quân sự để vận dụng vào quá trình bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng Quân đội. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng nhân dân cách mạng Lào, trong xu thế hội nhập khu vực, quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với phát huy yếu tố nội lực, Quân đội Nhân dân Lào đã, đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, nhằm tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong điều kiện mới. Trong đó, hướng trọng tâm vào hợp tác trên một số lĩnh vực: đào tạo cán bộ; huấn luyện, chuyển giao công nghệ vũ khí, trang bị mới; công nghiệp quốc phòng; công nghệ thông tin quân sự, v.v. Ưu tiên hợp tác với các nước trong Cộng đồng ASEAN, các nước láng giềng, nhất là đối với Việt Nam, Trung Quốc. Thông qua hợp tác, một mặt, nhằm cung cấp, trao đổi thông tin; phối hợp xử lý các tình huống an ninh, quốc phòng; học hỏi kinh nghiệm về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, diễn tập; phát triển khoa học nghệ thuật, kỹ thuật quân sự, v.v. Mặt khác, tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với các nước, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Phát huy truyền thống hào hùng 70 năm qua, Quân đội nhân dân Lào đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước Triệu Voi tươi đẹp, văn minh, thịnh vượng.

Thiếu tướng SAISAMON SALÉPSENG, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị
Quân đội nhân dân Lào

_________________

1 - Đảng Nhân dân cách mạng Lào thành lập ngày 22-3-1955.

2 - Mặt trận Lào yêu nước, cánh hữu Viêng Chăn và phe trung lập.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...