Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 09/05/2024, 17:35 (GMT+7)
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới

Ngày 04/4/2023, tại Brussels, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tổ chức lễ thượng cờ của Phần Lan, đánh dấu việc quốc gia Bắc Âu này chính thức chấm dứt tình trạng trung lập để trở thành thành viên thứ 31 của Khối. Vậy, nguyên nhân nào khiến Phần Lan gia nhập liên minh này cũng như tác động của nó đối với an ninh khu vực và thế giới là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Thời kỳ trung lập

Sau cuộc xung đột với Liên Xô (11/1939 - 3/1940) tại biên giới vùng Karelia, Phần Lan đã thay đổi cách tiếp cận, với ưu tiên hàng đầu là ổn định quan hệ và tránh khiêu khích Moscow. Kể từ đó, quốc gia Bắc Âu này bắt đầu thực hiện chính sách trung lập cho dù sau đó chịu nhiều sức ép từ Liên Xô và các nước phương Tây. Với chính sách trung lập, Phần Lan không tham gia bất kỳ liên minh, tổ chức hay thể chế quân sự nào của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) cũng như khối Warszawa, mà chỉ tập trung củng cố sức mạnh quân sự, tăng cường năng lực phòng vệ và thực thi đường lối đối ngoại trung lập, kể cả về quân sự. Ngoại trừ việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Phần Lan hầu như không tham gia các hoạt động quốc tế về quân sự. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, NATO đẩy mạnh hoạt động mở rộng sang phía Đông thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới, dẫn tới một số nước thuộc Liên Xô cũ đã gia nhập liên minh quân sự này. Riêng Phần Lan, một phần vì truyền thống trung lập, một phần vì mối đe dọa ở biên giới phía Đông đã bớt căng thẳng, nên Helsinki vẫn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Moscow và nước này chưa đặt vấn đề gia nhập NATO. Cho dù không tham gia các liên minh quân sự, nhưng Phần Lan vẫn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ và Thụy Điển; đồng thời, tham gia có chọn lọc một số khuôn khổ hợp tác của NATO, như quan hệ đối tác vì hòa bình.

Giai đoạn 1995 - 2022 được xem là “thời kỳ quá độ” chuyển đổi trạng thái trung lập của Phần Lan, với dấu mốc quan trọng là việc nước này gia nhập Liên minh châu Âu (năm 1995). Khi bắt đầu đàm phán Hiệp ước Lisbon với EU, Helsinki tỏ ra chần chừ trong việc đưa vào điều khoản cho phép các nước thành viên EU cung cấp, viện trợ và giúp đỡ khi bị tấn công vũ trang, với lo ngại cam kết mang tính ràng buộc về an ninh này có thể ảnh hưởng tới đường lối trung lập. Tuy nhiên, sau đó Phần Lan vẫn chấp nhận điều khoản này. Cũng kể từ thời điểm đó, Phần Lan phần nào tham gia tích cực hơn vào các hoạt động bên ngoài lãnh thổ. Năm 1997, Phần Lan công bố Sách trắng quốc phòng, trong đó có đề cập việc quốc gia này ủng hộ phát triển năng lực tương tác với các đối tác nhằm xử lý khủng hoảng quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để Phần Lan đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ và Thụy Điển; thúc đẩy quan hệ hợp tác ba bên: Phần Lan - Thụy Điển - Mỹ, Phần Lan - Na Uy - Thụy Điển; mua sắm trang thiết bị quân sự từ các nước thành viên NATO (máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ); tham gia các chương trình hợp tác hòa bình ở khu vực và cử lực lượng gìn giữ hòa bình ở Afganistan, Kosovo, v.v.

Năm 2014, khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, hợp tác giữa Phần Lan với NATO bước sang một giai đoạn mới. Tháng 9/2014, hai bên ký bản ghi nhớ với nội dung: Phần Lan cho phép NATO tập trận chung trên lãnh thổ của mình; NATO có thể viện trợ quân sự trong trường hợp Phần Lan đối mặt với thảm họa hay các nguy cơ an ninh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, dù không gia nhập NATO, song trên thực tế, Phần Lan đã coi NATO như một đối tác an ninh quan trọng và hai bên đã xây dựng mối quan hệ hợp tác tương đối chặt chẽ.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định lịch sử

Sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Phần Lan ra báo cáo về môi trường an ninh quốc tế (ngày 13/4/2022) với nhận định, hành động của Nga đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường an ninh châu Âu và với Phần Lan, Nga là mối đe dọa lớn về an ninh. Đây là biểu hiện rõ nhất của Phần Lan nhằm từ bỏ chính sách trung lập của mình và đó cũng là dấu hiệu để nước này xích lại gần NATO hơn.

Theo các nhà nghiên cứu quân sự, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đối với các quốc gia không gia nhập NATO. Thứ nhất, hạn chế về viện trợ quân sự. Với Ukraine, mặc dù NATO tích cực hỗ trợ bằng nhiều cách, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội, nhưng các khoản viện trợ về quân sự vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của Ukraine và chưa tạo ra đột phá trên chiến trường. Thứ hai, hạn chế về bảo trợ hạt nhân. Đến nay, mặc dù Nga vẫn chưa sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraine, song không loại trừ hoàn toàn khả năng Nga sẽ sử dụng loại vũ khí này. Do đó, Phần Lan lo ngại nếu phải đối mặt với một cường quốc hạt nhân như Nga, thì hậu quả nặng nề xảy ra là điều không phải bàn cãi. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu xung đột, nhiều quan chức Phần Lan đã đề cập đến nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và theo Bộ trưởng Ngoại giao Pekka Haavisto, chính mối quan ngại này là một trong những nguyên nhân thôi thúc Phần Lan gia nhập NATO (tháng 9/2022).

Đây không phải lần đầu tiên Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, song quy mô và tính chất cuộc xung đột lần này đã tác động mạnh tới toàn bộ người dân cũng như nội các Phần Lan. Theo các kết quả thăm dò tại Phần Lan cho thấy, thái độ thận trọng với NATO trong suốt nhiều thập kỷ đã giảm mạnh, mức độ ủng hộ gia nhập liên minh này tăng cao. Kết quả thăm dò cuối tháng 02/2022, có 50% người dân Phần Lan ủng hộ trở thành thành viên của NATO; tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2022, tỷ lệ này đã lên tới 75%. Các đảng phái chính trị Phần Lan cũng lập tức thay đổi quan điểm theo hướng nhanh chóng muốn gia nhập NATO, khi không còn quá e ngại việc phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với Nga. Ngoài Đảng Trung tâm và Đảng Người Phần Lan có sự điều chỉnh quan điểm, thì Đảng Liên minh cánh tả (đảng phản đối mạnh mẽ nhất việc gia nhập NATO) do ông Li Anderson lãnh đạo cũng nhấn mạnh, cần có sự trao đổi nghiêm túc và đánh giá lại khả năng gia nhập NATO. Các nhà lãnh đạo Phần Lan, bao gồm cả Tổng thống Sauli Niinisto lẫn Thủ tướng Sanna Marin đều ủng hộ việc gia nhập NATO, khi cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã làm đảo lộn tất cả chiến lược an ninh, đối ngoại mà Phần Lan duy trì nhiều thập kỷ qua. Công tác chuẩn bị cho quá trình gia nhập NATO cũng được Helsinki đẩy nhanh và tính toán cẩn trọng. Ngoài việc tham vấn và nhận được sự cam kết bảo trợ an ninh từ Mỹ, Phần Lan còn trao đổi và thuyết phục Thụy Điển cùng gia nhập NATO với mình. Do vậy, quá trình gia nhập NATO của Phần Lan cũng diễn ra rất nhanh, kể từ khi nộp đơn đến khi trở thành thành viên chính thức chỉ mất hơn 10 tháng. Việc chính thức gia nhập NATO cũng đồng nghĩa Phần Lan chấm dứt thời kỳ trung lập kéo dài hơn tám thập niên.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân chính khiến Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập để gia nhập NATO xuất phát từ việc Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine (02/2022). Song nguyên nhân sâu xa là do mối quan hệ lịch sử không mấy suôn sẻ giữa Phần Lan với Nga cùng các biến động ở châu Âu đe dọa đến an ninh và ổn định của quốc gia Bắc Âu này.

Những tác động đối với khu vực và thế giới

Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, việc Phần Lan bất chấp những lời cảnh báo của Nga vẫn quyết định gia nhập NATO đã tác động không nhỏ đến môi trường an ninh khu vực và quốc tế.

Với NATO và châu Âu, việc Phần Lan gia nhập NATO đã làm thay đổi cục diện an ninh ở châu Âu, đồng thời giúp NATO gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự. Về mặt địa chính trị, sau khi Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO, chiều dài đường biên giới trên bộ giữa NATO với Nga đã tăng lên gấp đôi, do biên giới giữa Phần Lan với Nga dài tới 1.300km. Về quân sự, sự hiện diện của quốc gia Bắc Âu này giúp bổ sung cho liên minh quân sự lớn nhất hành tinh một lực lượng quân đội hùng hậu, được đầu tư bài bản. Theo xếp hạng của Global Firepower Index, Phần Lan là quốc gia có sức mạnh quân sự đứng thứ 51 thế giới, với lực lượng pháo binh được đánh giá là tốt nhất trong số các nước thành viên NATO ở châu Âu (có khoảng 1.500 khẩu pháo), cùng hàng nghìn xe bọc thép, 239 xe tăng, 55 máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet (sẽ được thay thế bằng 64 máy bay chiến đấu F-35 từ năm 2026). Bên cạnh đó, mức chi tiêu cho quốc phòng của Phần Lan cũng vượt mức 02% GDP, đáp ứng được mục tiêu NATO đặt ra cho các quốc gia thành viên.

Đối với khu vực Baltic, việc Phần Lan trở thành thành viên NATO cũng sẽ làm thay đổi đáng kể an ninh của các quốc gia tại khu vực này, bởi NATO không chỉ củng cố, sắp xếp lại lực lượng phòng thủ ở Bắc Âu và Baltic, mà còn đóng vai trò răn đe chống lại sự tấn công của các quốc gia khác đối với vùng Baltic. Bên cạnh đó, Phần Lan và Thụy Điển có đường bờ biển bao phủ gần hết phía Bắc biển Baltic, do đó, sự tham gia của hai nước Bắc Âu này giúp NATO “khép kín” vòng kiểm soát biển Baltic, qua đó gây áp lực lên thành phố St.Petersburg và vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad (nằm trong lòng châu Âu) của Nga.

Với Nga, việc Phần Lan gia nhập NATO, hay nói cách khác là NATO đạt được mục tiêu tiến sát biên giới nước Nga, tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, tăng nguy cơ Nga có hành động trả đũa trong tương lai, khiến cuộc chạy đua vũ trang thêm trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Nga với các nước phương Tây. Theo một số chuyên gia, Nga buộc phải xích lại gần hơn với Trung Quốc để đối trọng với sự mở rộng của NATO. Năm 2022, Nga và Trung Quốc đã ra tuyên bố xây dựng mối quan hệ đối tác “không giới hạn”, mở đầu một giai đoạn hợp tác mới. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, phương Tây với Nga và Trung Quốc diễn ra ngày càng gay gắt, các bên tăng cường lôi kéo, tập hợp lực lượng, tìm kiếm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác mới. Đây cũng là cơ hội cho các quốc gia trong khu vực, song cũng tạo ra sức ép không nhỏ trong việc “chọn bên”, hay ít nhất là cân bằng quan hệ.

Đặc biệt, từ ngày 15/4/2024, Phần Lan sẽ hạn chế việc di chuyển của tàu, thuyền dọc theo kênh Saimaa và đóng cửa 02 trạm kiểm soát ở biên giới với Nga vô thời hạn. Hành động này có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với an ninh và ổn định khu vực. Vì vậy, dư luận quốc tế hy vọng rằng, Phần Lan gia nhập NATO với mục đích gì đi chăng nữa và các hành động tiếp theo của Helsinki cũng sẽ không gây thêm bất ổn đối với an ninh, hòa bình khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết khi nào kết thúc, chiến sự tại Trung Đông đang nóng lên từng ngày.

Tiến sĩ NGUYỄN HỒNG QUANG, Phó Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...