Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 13/06/2016, 08:37 (GMT+7)
Nỗ lực mới về bảo đảm an ninh hạt nhân toàn cầu

Vừa qua, với sự tham gia của đại diện hơn 50 quốc gia trên thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4 đã khẳng định cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Đây là nỗ lực mới, nhằm thúc đẩy một cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, được dư luận hết sức quan tâm.

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4. (Ảnh: TTXVN)

1. Sáng kiến và kết quả bước đầu

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân (NSS) được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma sau khi ông bước vào Nhà Trắng (năm 2009). Đây là diễn đàn lớn nhất về an toàn, an ninh hạt nhân toàn cầu, kể từ khi thành lập Liên hợp quốc (năm 1945), nhằm hướng tới mục tiêu phối hợp nỗ lực giữa các quốc gia trên thế giới trong giải trừ vũ khí hạt nhân cũng như kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ phổ biến nguyên liệu hạt nhân. Với chủ đề: bảo đảm “an ninh và hòa bình cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, kể từ năm 2010 đến nay, NSS đã đi qua vòng thứ tư và cũng là vòng cuối cùng trong một loạt hội nghị nhằm tăng cường an ninh và kiểm soát các nguyên liệu phân hạch, gồm: u-ra-ni và plu-tôn được làm giàu ở cấp độ cao. Theo giới phân tích quốc tế, mặc dù là sáng kiến của Mỹ, nhưng trong vấn đề này, mục đích của Oa-sinh-tơn không hẳn đã “trùng khít” với mục tiêu của NSS, mà thực chất, nhằm ngăn chặn và loại bỏ các đối thủ đang có ý định dùng vũ khí hạt nhân để thách thức thế độc tôn của Mỹ trên các khu vực và thế giới. Tuy nhiên, do vấn đề an ninh hạt nhân và các mối đe dọa của nó đã, đang trở thành vấn đề toàn cầu, nên sáng kiến này thu hút sự quan tâm của nhiều nước và công luận quốc tế. Điều đó được thể hiện rõ khi Hội nghị đầu tiên diễn ra (tháng 4-2010) đã thu hút sự tham dự của đại diện 50 quốc gia trên thế giới. Đến Hội nghị lần thứ 2 (tháng 3-2012), ngoài các nhà lãnh đạo 50 quốc gia còn có sự tham gia của đại diện Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc và Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL). Hơn thế nữa, về nội dung các vòng hội nghị cũng có sự phát triển mới. Nếu ở Hội nghị đầu tiên là sự khẳng định cam kết của mỗi nước và cộng đồng quốc tế trong việc chống khủng bố hạt nhân; tăng cường hợp tác quốc tế ngăn chặn nạn buôn lậu vật liệu phóng xạ; hoạt động an ninh hạt nhân không được ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình,… thì tại Hội nghị lần thứ 3 (tháng 3-2014) đã tập trung vào các vấn đề: giải trừ vũ khí hạt nhân; không phổ biến hạt nhân; sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường an toàn hạt nhân; giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp, hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Nhờ đó, các hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân đến nay đã mang lại nhiều thành quả với hàng trăm cam kết quốc gia được thực hiện; 12 quốc gia đã hoàn toàn chấm dứt việc sử dụng nguyên liệu phóng xạ u-ra-ni được làm giàu ở cấp độ cao (HEU); hàng chục cơ sở sản xuất và xử lý vật liệu hạt nhân trên thế giới được nâng cấp khả năng bảo đảm an toàn, v.v. Đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra các giải pháp kiểm soát, sử dụng nguyên liệu hạt nhân, bảo đảm môi trường an ninh quốc tế.

2. Cam kết mạnh mẽ

Diễn ra vào thời điểm thế giới đứng trước nhiều thách thức về an ninh hạt nhân, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm 2016 là cơ hội thúc đẩy cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để đối phó với các mối đe dọa, nhất là từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu. Theo nhận định, phân tích của các chuyên gia quốc tế, năm 2015, thế giới đã, đang có những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp. Theo đó, cùng với vai trò nổi lên của nhiều quốc gia trong thế giới đa cực, cộng đồng quốc tế đang phải chứng kiến chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành không chỉ ở Trung Đông mà còn có nguy cơ lan ra khắp thế giới. Trong đó, nguy cơ IS có thể sở hữu “bom bẩn” phóng xạ để gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng hòng gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe người dân là rất cao. Theo ước tính của Mỹ, trên thế giới hiện tồn tại khoảng 2.000 tấn nguyên liệu hạt nhân có thể sử dụng được; trong khi đó, để chế tạo một quả bom nguyên tử, chỉ cần 25 kg u-ra-ni làm giàu ở mức độ cao và để cho “ra lò” một quả “bom bẩn” phóng xạ thì hàm lượng về công nghệ, nguyên liệu còn đơn giản hơn nhiều. Các số liệu của IAEA cũng cho biết, trong vòng 20 năm qua, đã có trên 2.800 vụ buôn lậu, đánh cắp hay thất thoát vật liệu hạt nhân xảy ra. Điều đó cho thấy, khủng bố hạt nhân đã, đang trở thành mối hiểm họa nghiêm trọng nhất đối với nền an ninh toàn cầu.

Trước tình hình đó, tại Hội nghị này, hầu hết các quốc gia tham dự, nhất là các cường quốc về hạt nhân, như: Mỹ, Pháp, Trung Quốc,… đều tuyên bố tái cam kết nhằm tăng cường an ninh hạt nhân, giải trừ hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giảm nguy cơ khủng bố hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo đó, Tổng thống Pháp Ô-lăng-đơ đã cam kết, Pa-ri sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo đảm an ninh hạt nhân cho các nhà máy điện nguyên tử cũng như các vật liệu hạt nhân. Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy,… cũng tỏ rõ quyết tâm hợp tác thực thi các biện pháp vì một thế giới phi vũ khí hạt nhân. Về phần mình, Mỹ - quốc gia duy nhất trên thế giới đã từng sử dụng vũ khí hạt nhân - tiếp tục cam kết đi đầu trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân và đề xuất các biện pháp tăng cường an ninh mạng của các trung tâm điện hạt nhân ở châu Âu. Đặc biệt, Mỹ và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh hạt nhân, gồm 10 điểm; trong đó có thúc đẩy môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thông qua việc giảm bớt mối đe dọa về khủng bố hạt nhân và hợp tác bảo đảm an ninh hạt nhân, nhất là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, v.v.

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trên các lĩnh vực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm khẳng định nhận thức chung của mình về các mối đe dọa về an ninh hạt nhân, nhất là hoạt động khủng bố hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, bày tỏ quan điểm nhất quán của Việt Nam về không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân; lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; ủng hộ và kêu gọi đẩy mạnh phối hợp hành động giữa các quốc gia, nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống khủng bố hạt nhân phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của mỗi nước. Vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay được coi là diễn đàn để lãnh đạo các nước cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân trên toàn cầu.

Cùng với đó, Hội nghị còn thảo luận 5 kế hoạch hành động của các tổ chức và sáng kiến quốc tế liên quan đến đến lĩnh vực an ninh hạt nhân, như: Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Liên hợp quốc, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế, Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và Hợp tác toàn cầu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Global Parnership). Theo đó, mỗi kế hoạch hành động sẽ vạch ra mục tiêu để các quốc gia tham gia thể chế mà sáng kiến quốc tế đó theo đuổi. Trong đó, Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân được Hội nghị xác định là cơ chế hiệu quả để phổ biến rộng rãi các thông điệp quan trọng của các tổ chức an ninh hạt nhân khác, bởi nó có số lượng đông đảo các nước thành viên tham gia (86 quốc gia). Qua đó, Kế hoạch này có thể thúc đẩy các hoạt động trao đổi thông tin, chuyên gia và hướng dẫn dò tìm; hỗ trợ các quốc gia phát triển năng lực nghiên cứu hạt nhân; cung cấp kỹ thuật và kỹ năng giải quyết khủng hoảng hạt nhân, v.v. Các vấn đề đó đã, đang được cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ thúc đẩy một cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, được sự ủng hộ ở cấp cao của mỗi quốc gia.

3. Thách thức đặt ra

Theo đánh giá của các chuyên gia hạt nhân, kể từ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất (năm 2010) đến nay, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nỗ lực phòng, chống mối đe dọa hạt nhân ở một số nước đã có phần giảm đi; còn nhiều kẽ hở hợp tác về mặt an ninh tại nhiều cơ sở hạt nhân trên thế giới chậm được khắc phục. Giêm Li-vít, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho rằng, một trong những giải pháp chống khủng bố hạt nhân hiệu quả là “có sự hợp tác và phân công quốc tế” chặt chẽ. Tuy nhiên, ngay trong Hội nghị quan trọng lần này đã thiếu vắng các đại diện của nhiều quốc gia quan trọng trong lĩnh vực hạt nhân, như: Nga, I-ran, Triều Tiên và Bê-la-rút. Trong khi đó, các vấn đề về cơ cấu cơ bản của hệ thống an ninh hạt nhân quốc tế vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để; lỗ hổng về an ninh hạt nhân đã, đang thực sự tồn tại trong khuôn khổ quản trị quốc tế, như: chia sẻ thông tin, hệ thống trình duyệt và trong quy trình hình thành các tiêu chuẩn thực thi, v.v. Thêm vào đó, sự hoài nghi giữa các nước, nhất là giữa các cường quốc hạt nhân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực này.

Mặt khác, trong nhiều năm qua, dưới góc độ nào đó, nhận thức và hợp tác toàn cầu về an ninh hạt nhân trong khuôn khổ các hội nghị quốc tế định kỳ, kể cả Hội nghị lần thứ 4 này vốn bị ảnh hưởng bởi vòng xoay chính trị của Mỹ - cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới - lại kết thúc vào thời điểm tình hình an ninh hạt nhân thế giới đang trở nên thách thức hơn bao giờ hết, do ngày càng có nhiều nước sở hữu hạt nhân và hoạt động tràn lan của chủ nghĩa khủng bố. Điều này nếu tiếp tục tồn tại trong thế giới đa cực, sẽ không thể chi phối, giải quyết vấn đề an ninh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, dư luận cho rằng, để thiết lập môi trường quốc tế ổn định, giảm nguy cơ khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu, cần xây dựng một cơ chế rộng rãi, hợp lý, đủ sức giải quyết các vấn đề toàn cầu; bảo đảm tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế, được dẫn đường bởi các kinh nghiệm thực tiễn, nhằm hiện thực hóa lợi ích chung của tất cả các nước, mà không hề bị chi phối bởi số ít quốc gia nào. Đây có thể là tiền đề để xây dựng một cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh và hòa bình cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

PGS, TS. ĐỒNG XUÂN THỌ

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...