Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:05 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Xuất phát từ nhiều mâu thuẫn sâu xa trong lịch sử, nhất là việc gần đây, khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt mới, đã khiến quan hệ Mỹ - Iran rơi vào tình trạng đối đầu, căng thẳng. Bởi lẽ, mỗi bên đều có toan tính riêng, đẩy quan hệ hai nước lên tới đỉnh điểm, có nguy cơ xung đột quân sự.
Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước
Cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran đầu năm 1979 thành công đã đưa lãnh tụ Ru-hô-la Khô-mây-ni (Ruhollah Khomeini) trở lại nắm quyền điều hành đất nước. Sau khi bị lật đổ, Vua Mô-ha-mát Rê-za Sa Pa-la-vi - người có nhiều chính sách bài trừ đạo Hồi, thân thiện với phương Tây và được sự hậu thuẫn của Mỹ - đã phải chạy sang sống lưu vong ở xứ Cờ hoa. Để tạo sức ép buộc Oa-sinh-tơn dẫn độ vị quốc vương nhiều tội lỗi này về nước xét xử, ngày 04-11-1979, một nhóm khoảng 500 sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tê-hê-ran, bắt giữ 66 người, trong đó có 53 cán bộ, nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ. Nhằm thể hiện thiện chí trong quan hệ ngoại giao quốc tế, Đại giáo chủ Ru-hô-la Khô-mây-ni - linh hồn của Cách mạng Hồi giáo Iran, đã ra lệnh trả tự do cho 12 phụ nữ, dân thường không thuộc quốc tịch Mỹ và 01 người có vấn đề về sức khỏe, song kiên quyết cự tuyệt mọi lời kêu gọi thả số con tin còn lại, kể cả Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Tê-hê-ran chấm dứt hành vi bắt giữ trái luật. Kể từ thời điểm này, mối quan hệ Mỹ - Iran trở nên xấu đi và có thể coi đó là dấu mốc khởi đầu chương đen tối trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Vấn đề giải thoát con tin lúc này trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Gim-mi Cát-tơ. Thực hiện điều đó, Oa-sinh-tơn đã sử dụng nhiều biện pháp đấu tranh ngoại giao, yêu cầu Tê-hê-ran trả tự do cho công dân Mỹ, nhưng tất cả đều vô nghĩa. Tuy nhiên, sau đó không lâu, thông qua một số nước trung gian, Mỹ và Iran đã đạt được đồng thuận giải quyết dứt điểm vụ bắt giữ con tin. Theo đó, đúng ngày diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Rô-nan Ri-gân, 52 con tin của Mỹ đã được trao trả sau 444 ngày bị giam giữ. Mặc dù vấn đề con tin được giải quyết, nhưng quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt từ đó và không thể nối lại cho tới hiện nay.
Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối đầu giữa hai nước không hoàn toàn do vụ bắt cóc con tin, mà bắt nguồn từ việc quốc vương Mô-ha-mát Rê-za Sa Pa-la-vi bị lật đổ. Đây là nhân vật được Mỹ dựng lên bằng một cuộc đảo chính (năm 1953) và cũng được Mỹ xem như “người bạn lâu năm, người đứng đầu nhà nước tiến bộ và chính khách tầm cỡ hàng đầu thế giới”. Dưới triều đại Mô-ha-mát Rê-za Sa Pa-la-vi, Iran được Mỹ coi là “tiền đồn” quan trọng chống Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Ngược lại, từ khi lên nắm quyền, Đại giáo chủ Ru-hô-la Khô-mây-ni luôn thực thi nhiều chính sách nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ đối với Iran và khu vực, khiến cục diện, tương quan lực lượng ở vùng Vịnh cũng như trong thế giới Hồi giáo có sự dịch chuyển lớn. Từ chỗ là đồng minh quân sự chiến lược, Iran trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ; từ mắt xích quan trọng trong toàn bộ chiến lược đối ngoại, quốc phòng và an ninh thời kỳ Chiến tranh lạnh, nước này trở thành “khâu rủi ro, nguy hiểm nhất” tại Trung Đông. Nói cách khác, Iran là một trong những “thất bại chiến lược” của Mỹ bên bờ Vịnh Ba Tư. Nhiều năm sau đó, Mỹ không những không lật ngược được tình thế, mà còn không thể ngăn cản được Iran vươn lên trở thành một cường quốc chính trị và quân sự trong khu vực, đe dọa tới quyền lực cũng như vị thế các đồng minh khác của Mỹ, như: Ả-rập Xê-út, I-xra-en.
Chiến lược cô lập Iran của Mỹ
Sau năm 1979, để kiềm chế sức mạnh của Iran và đảo ngược thế cờ ở Trung Đông, Mỹ đã đưa ra nhiều sách lược mới, như: hậu thuẫn I-rắc trong cuộc chiến tranh kéo dài gần 01 thập niên với Iran (1980 - 1988); xếp Iran vào “trục ma quỷ” năm 2002; kêu gọi Liên hợp quốc áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề lên chương trình hạt nhân của Iran từ năm 2006. Sau khi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 được ký vào năm 2015, quan hệ Tê-hê-ran – Oa-sinh-tơn mới tạm “dễ thở” đôi chút. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng không kéo dài được bao lâu, vì ngay sau khi Tổng thống Đô-nan Trăm lên nắm quyền (năm 2017), mọi vấn đề liên quan tới Iran gần như đã quay trở lại “vạch xuất phát”. Một trong những việc đầu tiên mà nhà lãnh đạo xuất thân từ tỷ phú này thực hiện trên cương vị ông chủ Nhà Trắng là hủy bỏ JCPOA, áp đặt những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất nhằm vào Tê-hê-ran. Nếu như dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma, các lệnh trừng phạt nhằm mục tiêu đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán, thì dưới thời người kế nhiệm Đô-nan Trăm, các trừng phạt lại hướng tới mục tiêu buộc Tê-hê-ran phải “quy hàng”. Điều đó được thể hiện rõ trong 12 yêu cầu Mỹ buộc Iran phải thực hiện để có thể đối thoại; trong đó, có các điều kiện tiên quyết, như: giảm sản xuất tên lửa đạn đạo, rút khỏi Xy-ri, giải giáp lực lượng bán quân sự ở I-rắc, chấm dứt ủng hộ du kích Houthi ở Y-ê-men. Đặc biệt, phải chấm dứt việc tiếp sức cho nhóm chính trị - vũ trang Héc-bô-la ở Li-băng, không được sở hữu bom hạt nhân, ngừng tất cả hình thức làm giàu u-ra-ni-um, cho phép Liên hợp quốc thanh sát mọi cơ sở hạt nhân. Triển khai bước đi nói trên, chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm muốn mang lại sự thay đổi chế độ hoặc ít nhất là sự thay đổi trong hành vi của chính quyền Iran. Bên cạnh đó, Mỹ luôn tìm cách làm suy yếu nền kinh tế Iran, cũng như hướng đến mục tiêu để nước này không còn là một tác nhân có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn củng cố vị thế của I-xra-en - với tư cách là một đồng minh mạnh mẽ và trung thành nhất ở Trung Đông, đồng thời thắt chặt quan hệ giữa nhà nước Do Thái và các nước Ả-rập chống Iran.
Chưa dừng lại ở đó, Mỹ không ngần ngại thể hiện tham vọng thành lập Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) - một tổ chức mà nhiều nhà quan sát ví như là NATO Ả-rập. Với mục đích cô lập Iran, Oa-sinh-tơn cho rằng, khối “NATO Ả-rập” gồm các đối tác vùng Vịnh, như: Ba-ranh, Cô-oét, Ô-man, Ca-ta, Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất cùng với Ai Cập và Gioóc-đa-ni sẽ giúp hình thành một “bức tường” chống lại cái gọi là “sự xâm lược” của Iran, khủng bố, cực đoan và sẽ mang lại sự ổn định cho Trung Đông. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đưa ra ý tưởng thành lập “NATO Ả-rập”, Mỹ đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Có thể MESA chỉ là động thái “rung dọa” nhằm vào các đồng minh của Iran như Nga hay Xy-ri, vốn đang chiếm ưu thế trên thực địa tại chiến trường Trung Đông. Ngoài ra, cũng có thể được xem đây là thông điệp mà Tổng thống Đô-nan Trăm gửi đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - liên minh mà ông luôn chỉ trích là thiếu hiệu quả và thiếu công bằng, nhất là trong việc đóng góp tài chính. Cho dù ý tưởng này có thành sự thật hay không, nhưng ít nhất nó cũng khuấy động Trung Đông vốn đã không êm ả. Các cuộc chạy đua vũ trang chắc chắn sẽ bắt đầu được “lên dây cót” không chỉ giữa các đối thủ mà ngay cả các đồng minh thân cận. Khi đó, kẻ được lợi nhất chính là những nhà tài phiệt buôn bán vũ khí của Mỹ, vốn luôn sẵn sàng đáp ứng các thỏa thuận, hợp đồng khổng lồ ở bất cứ vùng chiến sự căng thẳng nào.
Cần tìm kiếm giải pháp ngoại giao hạ nhiệt căng thẳng
Những gì đã và đang diễn ra với Iran hiện nay có thể thấy nhiều nét tương đồng với “kịch bản” dẫn tới chiến tranh mà Mỹ phát động nhằm vào I-rắc năm 2003 - cáo buộc về vũ khí hạt nhân và yêu cầu thanh sát toàn diện. Nếu như chính quyền Tổng thống Xát-đam Hút-xen trước đây chỉ bị cáo buộc tài trợ cho khủng bố, thì mới đây, Mỹ đã liệt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố. Hiện tại, Lầu Năm Góc đã điều tàu sân bay A-bra-ham Lin-côn, máy bay ném bom, cùng khoảng 1.500 quân đến Vịnh Ba Tư nhằm đối phó với Iran. Nếu Nhà Trắng thực sự muốn lật đổ chế độ ở Iran thì sớm muộn gì họ cũng tìm ra được lý do phù hợp để tiến hành chiến tranh.
Hiện nay, nếu so sánh tương quan lực lượng, không quân Iran được xếp hạng 24 trên tổng số 137 quốc gia (theo xếp hạng của tổ chức Sức mạnh hỏa lực toàn cầu). Trong khi đó, Mỹ là nước có lực lượng không quân mạnh nhất thế giới. Về hải quân, tổng số tàu chiến giữa Mỹ và Iran gần tương đương nhau, nhưng các tàu chiến của Mỹ đều là những chiến hạm có sức mạnh tấn công và phòng thủ cực lớn. Còn đối với hải quân Iran, chủ yếu dựa vào chiến thuật tấn công kiểu “bầy đàn” của các xuồng tên lửa tốc độ cao. Chỉ có điều, hiện tại Iran được cho là đang sở hữu kho tên lửa đạn đạo đồ sộ nhất Trung Đông. Đây cũng là vũ khí nguy hiểm nhất của Tê-hê-ran trong cuộc xung đột quân sự nếu xảy ra với Mỹ. Đối với Mỹ, tuy không có tên lửa đạn đạo tầm bắn trên 500km (bị cấm theo thỏa thuận Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung ký với Liên Xô vào năm 1987), nhưng Mỹ lại sở hữu tên lửa hành trình Tô-ma-hốc - loại vũ khí được ví là “sứ giả chiến tranh” và có thể sẽ là lựa chọn chủ yếu trong cuộc tấn công phủ đầu vào Iran.
Dù vậy, nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ khó có thể giành thắng lợi nhanh chóng như đã từng tiến hành tại I-rắc năm 2003. Vì theo nhận định, Iran có khả năng khiến bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ cũng trở nên rất tốn kém hoặc có thể bị sa lầy. Ngay khi cuộc chiến được khai hỏa, Tê-hê-ran có thể sẽ đánh chìm một vài con tàu tại điểm hẹp nhất (khoảng 3,2km) của eo biển Ho-rơ-mu-dơ - tuyến đường hàng hải lưu thông khoảng 30% lượng dầu của thế giới. Điều này sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế dựa vào dầu mỏ của các quốc gia thân với Mỹ ở Trung Đông. Quan trọng hơn, Iran đã xây dựng và chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược chiến tranh phi đối xứng, dựa trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Mặc dù thiếu một lực lượng không quân tiền tuyến hiện đại, nhưng nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển, sản xuất các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu của I-xra-en hoặc đánh vào các khu vực quan trọng ở Đu-bai (Ả-rập Xê-út) để gây sự hỗn loạn về mặt tâm lý trên toàn khu vực. Đáng chú ý là, trong nhiều năm qua, Iran đã gây dựng được mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm trên toàn khu vực, bao gồm: bộ phận dân cư dòng Si-ai tại Áp-ga-ni-xtan, lực lượng dân quân Si-ai ở I-rắc, nhóm Héc-bô-la - vốn đang kiểm soát miền Nam Li-băng. Ngoài ra, Iran có thể huy động hàng nghìn chiến binh đánh bom tự sát vì mục tiêu chung của người Hồi giáo dòng Si-ai và chủ nghĩa dân tộc mà Tê-hê-ran đã thúc đẩy thành công.
Do đó, trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ, Iran sẽ không dễ dàng bị khuất phục. Ngược lại, bất kỳ cuộc tấn công quân sự lớn nào của Mỹ vào Iran cũng có thể dẫn đến hệ quả khôn lường. Ông Rô-bớt Ghết, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã cảnh báo rằng, sự tính toán sai lầm của lực lượng quân sự hai nước tại Trung Đông là “một nguy cơ có thực hiện nay”. Vì vậy, hơn bao giờ hết, hai bên cần kiềm chế các hành động leo thang quân sự, gác lại các toan tính vì mục đích riêng, tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, nhằm hạ nhiệt căng thẳng, giữ gìn môi trường hòa bình để các nước trong khu vực và thế giới phát triển, trong đó có cả Mỹ và Iran.
LÂM PHƯƠNG
quan hệ căng thẳng,Mỹ và Iran,những toan tính
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ