Thứ Bảy, 14/09/2024, 01:23 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2017, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1967 - 2017). Sự kiện quan trọng này diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường. Điều đó đặt ra cho Hiệp hội những thách thức lớn.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại thủ đô Manila, Philippines. (Ảnh: TTXVN)
1. Về vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc chung của khu vực
Sau 50 năm thành lập, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được dư luận quốc tế đánh giá là tổ chức liên kết có hiệu quả, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vai trò này của ASEAN được hợp thành từ nhiều yếu tố, trong đó kinh tế là chủ đạo. Điều đó được khẳng định khi kinh tế của khối này phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn so với yếu tố chính trị và an ninh và được thể hiện ở số lượng khá lớn các hiệp định kinh tế - thương mại giữa các nước trong khu vực, như: Hiệp định song phương về khu vực tự do thương mại, Hiệp định tài chính - tiền tệ diễn ra với nhịp độ cao. Trong khi đó, sự tương tác chính trị - quân sự và sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh mới bắt đầu diễn ra trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, vai trò này của ASEAN đang đứng trước thách thức: phải được chính thức hóa trong không gian hợp tác trên cơ sở những diễn đàn, thể chế đã có và những thể chế mới cần được xây dựng. Khác với sự liên kết chặt chẽ của Liên minh châu Âu (EU), cách thức hội nhập của ASEAN có phần lỏng lẻo hơn. Xét về cấu trúc, cách thức hội nhập của ASEAN về cơ bản không có tính ràng buộc, mà chỉ dựa trên các tiêu chuẩn, chức năng và các kế hoạch kết nối trên thực tế, chứ không phải là các hiệp ước siêu quốc gia mang tính pháp lý. Do đó, ASEAN rất khó thống nhất nỗ lực chung để hóa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ chỉ bằng cơ chế đồng thuận. Minh chứng rõ ràng là, có những vấn đề rất quan trọng, tuy đã được đa số các thành viên thống nhất cách thức giải quyết, nhưng chỉ cần một thành viên có ý kiến khác thì giải pháp đó không có hiệu lực.
2. Nhân tố Phi-líp-pin và vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017
Đúng vào năm kỷ niệm 50 năm thành lập, vai trò Chủ tịch ASEAN được trao cho Phi-líp-pin. Sau khi Tổng thống R. Đu-téc-tê lên cầm quyền, Ông đã có những quyết sách về đối nội và đối ngoại khác với những chính quyền tiền nhiệm. Ví như, các nước trong khu vực cảm thấy bất an khi Tổng thống R. Đu-téc-tê tuyên bố tách xa hơn trong quan hệ với Mỹ - đồng minh truyền thống và quan trọng của Phi-líp-pin; đồng thời, có ý sẵn sàng ngả sang Trung Quốc và có thể với cả Nga. Ông từng tuyên bố: “Nếu Trung Quốc và Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới thì Phi-líp-pin sẽ ủng hộ”. Tuyên bố của Tổng thống Phi-líp-pin vô hình trung đã đi ngược lại với một trong những nguyên tắc cơ bản của ASEAN là “không đứng về bên nào trong quan hệ với các nước lớn”. Và chính nguyên tắc này đã cho phép ASEAN có được uy tín trong cộng đồng quốc tế, trên cơ sở một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; đồng thời, giúp ASEAN duy trì quan hệ hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước lớn, mà không rơi vào vòng ảnh hưởng của bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, chiến lược này của ASEAN có thể bị thách thức, khi mà Tổng thống Phi-líp-pin R. Đu-téc-tê đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN.
Để xua tan mối lo ngại này, Chính quyền Ma-ni-la đang nỗ lực hoạt động ngoại giao để đảm bảo rằng, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 12 và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ 5 vào đầu tháng 11-2017. Trong một động thái khác, tại cuộc họp không chính thức của Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã nhanh chóng nhất trí với đề nghị của Ma-lai-xi-a - nước điều phối viên quan hệ Mỹ - ASEAN là: tổ chức một cuộc họp đặc biệt với Ngoại trưởng Mỹ R. Ti-lơ-xơn để thảo luận về quan hệ tương lai của hai bên vào thời điểm sớm nhất có thể. Ngoài ra, dưới sự chủ trì của Phi-líp-pin, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 30 vào cuối tháng 4-2017 và muốn sớm hình thành chiến lược chung để có thể đáp ứng được với chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Đ. Trăm.
3. Chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á
Quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, Mỹ đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong các biến động về: kinh tế, chính trị và an ninh trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, năm 2017, nhiều khả năng Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ có những điều chỉnh quan trọng, thậm chí là căn bản trong chính sách đối với khu vực này. Thế nhưng, kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Đ. Trăm vẫn chưa đưa ra bất kỳ chính sách nào đối với khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói đến mối quan hệ Mỹ - ASEAN. Đây chính là lý do khiến Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đang rất lúng túng, do thiếu sự định hướng về chính sách của Nhà Trắng đối với khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN chưa rõ, liệu Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm có tiếp tục theo đuổi chính sách “tái cân bằng” mà Chính quyền tiền nhiệm đã làm hay không? Đây là lần đầu tiên trong ba thập kỷ gần đây, ASEAN phải đứng trước thách thức chưa thể phán đoán được xu hướng chính sách đối ngoại của Mỹ.
4. Chủ nghĩa dân túy “lên ngôi”
Năm 2017, các nước ASEAN sẽ chịu tác động từ “dư chấn” của làn sóng chủ nghĩa dân túy “lên ngôi” ở một số nước trong khu vực và trên thế giới. Làn sóng này dẫn tới những dịch chuyển địa - chính trị có tác dụng làm thay đổi cục diện quốc tế, trong đó châu Âu phải trải qua sự xáo trộn chính trị lớn, với sự kiện nước Anh rời khỏi EU (Brexit). Chủ nghĩa dân túy cũng là tác nhân chủ yếu dẫn tới cuộc chuyển giao quyền lực chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Một thực tế không thể phủ nhận là chủ nghĩa dân túy “lên ngôi” trong các cuộc bầu cử Tổng thống ở Phi-líp-pin, Mỹ và sự kiện Brexit, sẽ tác động rất lớn không chỉ tới chính trường châu Âu mà còn tới nhiều khu vực trên thế giới. Trước bối cảnh đó, ASEAN phải trả lời câu hỏi: các nước thành viên từ trước tới nay vẫn coi EU như là một “hình mẫu lý tưởng” để noi theo, thì nay việc nước Anh rời khỏi EU sẽ tác động thế nào tới tổ chức này? Đồng thời, ASEAN sẽ phải vượt qua những phản ứng dữ dội chống toàn cầu hóa ở các nước phương Tây. Trong đó, nếu phong trào “nước Mỹ trên hết” và sự nổi lên của nền chính trị dân túy ở châu Âu lan đến Đông Nam Á thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hội nhập kinh tế của ASEAN. Do đó, ASEAN phải tiếp tục kiên quyết trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa 10 quốc gia thành viên theo Kế hoạch hành động của ASEAN hướng tới tầm nhìn 2025, nhằm biến cộng đồng 645 triệu người thành một trong năm nền kinh tế hàng đầu của thế giới. Trước hết, ASEAN cần đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác toàn diện khu vực giữa ASEAN với các đối tác, trong bối cảnh Mỹ đã quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng của họ trong khu vực.
5. Tăng trưởng không đồng đều trong nội bộ ASEAN
Phải khẳng định rằng, tăng trưởng không đồng đều, thậm chí là sự phân hóa giàu, nghèo là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng người dân nhiều nước châu Âu lo ngại về tình trạng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu lục này, gây nên khủng hoảng việc làm và làm gia tăng sự bất bình đẳng. Làn sóng di cư cũng gây ra các tác động về mặt xã hội, tạo nên phản ứng chống di cư. Đối với ASEAN, tình trạng tăng trưởng không đồng đều và sự phân hóa giàu, nghèo có thể còn tồi tệ hơn so với EU. Các nước gia nhập ASEAN sau như: Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia và Mi-an-ma, sẽ nhận thấy việc bắt kịp các nước phát triển hơn trong ASEAN là rất khó khăn, đặc biệt là sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Thực tế, đã xuất hiện sự quan ngại và lo lắng của người dân In-đô-nê-xi-a trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực, rằng: sẽ có một lực lượng lao động lớn từ các quốc gia láng giềng ồ ạt đổ vào nước này, do điều khoản “tự do di chuyển thể nhân”. Đây là thách thức lớn đối với ASEAN, khi mà bài toán từ cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đến nay vẫn chưa có lời giải. Thách thức đó đã, đang đòi hỏi các nước ASEAN cần bảo đảm sao cho các lợi ích tăng trưởng kinh tế có được từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được phân chia đồng đều và các lợi ích này sẽ đến được với người dân của từng nước. Tuy nhiên, giải pháp đó chưa thể thực hiện trong một sớm, một chiều.
6. Khó có thể đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2017
Ngày 08-3-2017, trong cuộc họp báo thường niên bên lề kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết, các cuộc đàm phán trong tháng 02-2017 giữa Bắc Kinh với các nước ASEAN đã đạt được tiến triển và hai bên đã xây dựng được bản dự thảo đầu tiên về COC. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Phi-líp-pin, ông Pê-phéc-tô Y-a-xay cũng thông báo, Ma-ni-la hy vọng COC sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2017. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích chính trị quốc tế, Trung Quốc và ASEAN khó có thể đạt được COC trong năm 2017, do các nguyên nhân:
Một là, mặc dù COC không đề cập đến việc giải quyết cụ thể các tranh chấp lãnh thổ, nhưng giữa các bên vẫn tồn tại khác biệt lớn trong nhiều vấn đề, nhất là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Hai là, do tác động từ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Phi-líp-pin đối với Trung Quốc ở Biển Đông; trong đó, xác định một số nguyên tắc pháp lý để giải quyết tranh chấp ở vùng biển này. Theo đó, một số quốc gia Đông Nam Á đang kỳ vọng sẽ bảo lưu những nguyên tắc kể trên trong COC; trong khi đó, một số quốc gia khác lại có quan điểm trái chiều, nên các bên khó có thể đạt ngay được nhận thức chung.
Ba là, xu hướng biến đổi khó lường của tình hình quốc tế trong năm 2017 cũng làm gia tăng trở ngại cho tiến trình đàm phán COC; trong đó, chính sách không rõ ràng của Chính quyền Đ. Trăm đối với khu vực đang là ẩn số lớn. Nếu vì lý do Trung Quốc không nhượng bộ trong vấn đề thương mại, Tổng thống Đ. Trăm sẽ có thái độ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, thì cục diện khu vực chắc chắn sẽ trở nên căng thẳng, phá vỡ hòa khí cần có để các bên tiến hành đàm phán. Bên cạnh đó, tình hình phức tạp ở Đông Bắc Á, trong đó có sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng đang phủ bóng đen lên toàn bộ khu vực, sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC.
Sau 50 năm thành lập, ASEAN đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn, cần phải nhanh chóng vượt qua. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi thành viên ASEAN cần giữ vững lòng tin, tạo sự đồng thuận, đoàn kết toàn khối, tăng cường hợp tác về mọi mặt, giữ vững vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
những thách thức ASEAN,50 năm thành lập
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương