Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 11/12/2014, 13:41 (GMT+7)
Những sự kiện chính trị, quân sự nổi bật của thế giới năm 2014

Năm 2014, tình hình chính trị, quân sự trên thế giới tiếp tục có biến động lớn.Mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển là dòng chảy chính, nhưng xung đột vũ trang, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố, ly khai, cạnh tranh địa chiến lược, tranh chấp biển, đảo vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh, hòa bình của thế giới. Có thể điểm những sự kiện nổi bật, với gam màu “xám, sáng” đan xen trong toàn cảnh “bức tranh” thế giới năm 2014.

Chiến binh IS trên đường phố tỉnh Raqqa, phía Bắc Syria, ngày 30-6-2014.
(Ảnh: Reuters)

 1. Sự trỗi dậy của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS) và cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu còn nhiều nan giải

 Bất ngờ trỗi dậy, tấn công, đánh chiếm nhiều thành phố lớn của I-rắc và Xy-ri cùng những hành động tội ác man rợ được công khai trên in-tơ-nét, phiến quân IS đã gây mối hiểm họa mới cho thế giới, thậm chí nguy hiểm hơn tổ chức khủng bố khét tiếng An Kê-đa. Vậy là, sau nhiều năm chủ nghĩa khủng bố tưởng chừng đã bị đánh quỵ thì nay lại có biến thể mới tàn bạo, nguy hiểm hơn. Theo nhiều nhà phân tích chính trị - quân sự quốc tế, so với An Kê-đa, IS có nhiều nổi trội, đó là: nguồn tài chính dồi dào (nhờ chiếm hữu các mỏ dầu ở phía Bắc I-rắc, Đông Xy-ri và nhiều khoản tiền “đen” được tài trợ); tổ chức khá chính quy, trang bị nhiều vũ khí hiện đại và thiện chiến. Điều đáng nói là, với tư tưởng thánh chiến cực đoan: “thế giới là của người Hồi giáo, các tín đồ Hồi giáo phải chiến đấu để chiếm hữu toàn thế giới”, IS thu hút được nhiều tín đồ ở các nơi trên thế giới. Điều đó, tạo điều kiện để tổ chức này không chỉ hoạt động mạnh ở Trung Đông - Bắc Phi mà còn bành trướng sang các khu vực khác trên thế giới. Theo thống kê, trong hàng ngũ của IS hiện có đến hàng trăm nghìn chiến binh đến từ nhiều quốc gia, kể cả ở các nước phương Tây và con số này đang tiếp tục tăng cao. 

Trước nguy cơ lợi ích quốc gia ở Trung Đông bị đe dọa, Mỹ buộc phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố để tập trung vào chống IS. Theo đó, quân đội Mỹ và một số đồng minh đẩy mạnh các cuộc không kích vào các mục tiêu của IS ở I-rắc và Xy-ri; đồng thời, tăng cường hỗ trợ tài chính, vũ khí, huấn luyện để lực lượng an ninh I-rắc và các nhóm người Cuốc ở Xy-ri đủ sức chống lại IS. Mỹ cũng kêu gọi và thông qua nhiều hội nghị quốc tế để thành lập Liên minh quốc tế chống IS. Đánh giá về chiến lược chống IS của Mỹ, chuyên gia quân sự nhiều nước nhận định, chiến lược đó thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ” và còn khá nhiều bất cập. Theo họ, với thực trạng yếu kém của lực Lượng an ninh I-rắc, tình trạng bất ổn ở Xy-ri thì việc Mỹ sử dụng chiến thuật không kích là chưa đủ, mà cần phải có phương án đưa bộ binh vào tham chiến mới có thể thu được kết quả đối với IS. Tuy nhiên, sau 10 năm “sa lầy” ở I-rắc thì việc đưa quân quay trở lại chiến trường này là bài toán nan giải đối với Nhà Trắng. Mặt khác, thực tiễn chống khủng bố của Mỹ và phương Tây thời gian qua cho thấy, việc chỉ thiên về các biện pháp quân sự mà thiếu các giải pháp đồng bộ để giải quyết gốc rễ của khủng bố là tình trạng đói nghèo, bất công, bất bình đẳng, chính sách cường quyền, bá quyền, can thiệp gây mất ổn định các nước, các khu vực của họ không những không chống được khủng bố mà còn tạo điều kiện để khủng bố sinh sôi, phát triển, manh động hơn. Đánh giá về chiến dịch quân sự chống IS trong mấy tháng qua, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh vào I-rắc và Xy-ri chưa đạt hiệu quả như mong đợi; số lượng chiến binh nước ngoài tham gia IS vẫn không ngừng tăng lên và tổ chức này đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra các khu vực khác, như: Trung Á và Đông Nam Á, v.v.

2. Khủng hoảng chính trị ở U-crai-na tạo “cú sốc” trong cạnh tranh địa chính trị giữa Nga với Mỹ và phương Tây

Năm 2014, cuộc khủng hoảng ở đất nước trên bờ Biển Đen có bước ngoặt mới, phức tạp và nguy hiểm hơn. . Ngày 22-02-2014, với việc bỏ phiếu phế truất Tổng thống Y-a-nu-cô-vích, lập chính phủ mới thân phương Tây của Quốc hội U-crai-na đã đẩy nước này rơi vào bất ổn và chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết. Ở phía Đông, chính quyền khu vực Crưm tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga; còn tại nhiều nơi khác (vùng Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ) đã bùng phát tư tưởng đòi ly khai khỏi U-crai-na. Mặc dù, các bên của U-crai-na và cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực giải quyết, nhưng xung đột giữa quân đội Chính phủ và lực lượng ly khai vẫn diễn ra khốc liệt, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân vô tội. Mới đây, phản đối cuộc bầu cử của các nước cộng hòa tự xưng Đô-nhép-xcơ và Lu-gan-xcơ, Tổng thống U-crai-na P.O. Pô-rô-sen-cô đã hủy Quy chế đặc biệt cho khu vực miền Đông. Ông cũng nêu rõ, Ki-ép sẽ tái vũ trang và chuẩn bị cho chiến tranh. Những động thái này làm khủng hoảng ở U-crai-na càng trầm trọng.

Đặc biệt, quyết định của Nga sáp nhập Crưm khiến quan hệ Nga – U-crai-na hết sức căng thẳng; đồng thời, tạo ra “cú sốc” trong cạnh tranh địa chính trị giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo các nhà quan sát, sở dĩ U-crai-na rơi vào khủng hoảng trầm trọng và khó giải quyết là do nước này nằm trong chiến lược thâu tóm không gian “hậu Xô-viết” và tạo thế bao vây quân sự kiềm chế Nga của Mỹ và phương Tây. Để thực hiện mưu đồ này, họ đã làm “cuộc cách mạng cam” năm 2004, nhưng thất bại sau khi ông Y-a-nu-cô-vích (người theo đường lối thân Nga) lên làm Tổng thống năm 2009. Tháng 11-2013, lợi dụng việc Ki-ép từ chối ký Hiệp định liên kết với EU, họ lại hậu thuẫn phe đối lập làm “cuộc cách mạng cam lần 2” để lật đổ chính quyền của Tổng thống Y-a-nu-cô-vích, lập chính quyền mới thân phương Tây. Đối với Nga, U-crai-na là địa bàn chiến lược trọng yếu; là cầu nối để Nga xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu; vùng đệm chiến lược mang tính sống còn khi mà vòng vây quân sự của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Nga đang ngày càng thắt chặt. Sáp nhập Crưm (nơi Nga đang bố trí hạm đội Biển Đen) thực chất là bước đi mạo hiểm, “bất đắc dĩ” của Nga để bảo vệ an ninh và lợi ích cốt lõi của quốc gia. Mỹ và phương Tây coi việc Crưm sáp nhập vào Nga là “không thể chấp nhận được” và liên tiếp tiến hành các biện pháp trừng phạt để trả đũa đối với Nga. Họ tố cáo Nga vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định ở khu vực miền Đông U-crai-na, v.v. Hiện tại, Mỹ và EU tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. NATO cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận ở gần biên giới Nga để phô trương sức mạnh và răn đe quân sự đối với Mát-xcơ-va. Về phần mình, Nga tuyên bố kiên quyết bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia; trong đó, có lợi ích của cộng đồng người nói tiếng Nga ở U-crai-na. Lãnh đạo Nga cũng yêu cầu phương Tây, chính quyền U-crai-na phải tôn trọng quyền lựa chọn chính trị của người dân miền Đông U-crai-na, coi đây là điều kiện cần thiết để ổn định tình hình ở nước này. Dư luận lo ngại, mâu thuẫn gay gắt xung quanh cuộc khủng hoảng U-crai-na có thể đẩy quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO vào “chiến tranh lạnh mới”, thậm chí là cuộc đối đầu “nóng” nguy hiểm.

3. Bức tranh an ninh thế giới đậm gam “màu xám” do gia tăng xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền biển, đảo

Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, năm 2014, cùng với các xung đột kéo dài tại Trung Á, Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á,… chưa được giải quyết lại xảy ra nhiều xung đột vũ trang, đảo chính quân sự, tranh chấp biển, đảo tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn cho an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Nổi lên trong số đó là cuộc tiến công quân sự của Quân đội I-xra-en vào Dải Ga-da để chống phong trào Ha-mát. Chiến sự diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 7 tuần) nhưng gây ra một thảm họa nhân đạo vô cùng nặng nề cho người dân Pa-le-xtin với hơn 2.200 người chết, hơn 9.500 người khác bị thương và gần 10.000 ngôi nhà bị phá hủy, v.v. Liên hợp quốc đã phải lên án đây là tội ác chiến tranh. Ngày 05-8-2014, I-xra-en và Ha-mát đã bất ngờ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, nhưng “nút thắt” của xung đột giữa họ vẫn chưa được hóa giải. Dư luận lo ngại, thỏa thuận ngừng bắn này chỉ là thời gian “nghỉ” để hai bên chuẩn bị cho một cuộc chiến mới, khốc liệt hơn và nó có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Cùng với đó, các vấn đề quốc tế nan giải khác, nhất là đảo chính quân sự tại Thái Lan, Buốc-ki-na Pha-xô; căng thẳng xung quanh các tranh chấp trên Biển Hoa Đông, Biển Đông; vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và của I-ran; tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn trong tình trạng bế tắc, v.v. Những động thái đó khiến cho bức tranh an ninh thế giới năm 2014 ảm đạm hơn, và gam màu “xám” là chủ đạo.  

 4. Xu thế hội nhập, hợp tác khu vực và quốc tế có bước phát triển mới, thực chất hơn

Bên cạnh những sự kiện, những diễn biến phức tạp, bất ổn về an ninh đáng quan ngại, năm 2014, tình hình thế giới cũng có nhiều “điểm sáng” tích cực. Sự hội nhập, hợp tác khu vực, liên khu vực và quốc tế diễn ra sôi động với nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau. Nổi bật là, để đạt mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, trong năm 2014, ASEAN tập trung đẩy nhanh tiến độ hợp tác, liên kết nội khối và với các bên đối thoại trên cả 3 trụ cột: kinh tế; chính trị - an ninh; văn hóa - xã hội đảm bảo yêu cầu đề ra. Đồng thời, ASEAN cũng phát huy vai trò trách nhiệm và chủ đạo của mình trong cấu trúc hợp tác khu vực, liên khu vực, thông qua các kênh đối thoại đa phương, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+),... và ở mức độ nào đó là thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đặc biệt, sự đoàn kết, thống nhất trong Hiệp hội được tăng cường hơn với bước chuyển khá mạnh mẽ. Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ASEAN đã ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông; trong đó, nêu rõ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; yêu cầu tất cả các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông (năm 2012), luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việc ASEAN ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông được dư luận đánh giá cao, thể hiện mạnh mẽ sự đồng thuận, đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, vai trò trung tâm của Hiệp hội đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực. 

Năm 2014, động thái hợp tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)1 được dư luận chú ý, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang bị “đóng băng”. Hội nghị Thượng đỉnh SCO (tháng 9-2014) đã thông qua việc kết nạp thành viên mới vào năm 2015, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, nhất là tổ chức các cuộc diễn tập quân sự, hợp tác phát triển ngành công nghiệp quốc phòng,… ủng hộ nhau trong những vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, SCO có vai trò ngày càng quan trọng trong cấu trúc an ninh của khu vực và thế giới. 

Nhìn toàn cảnh bức tranh chính trị, quân sự thế giới năm 2014, nhiều nhà phân tích đánh giá: năm 2014 là năm mà an ninh, hòa bình thế giới bị thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc đến nay. Tình hình trên tác động, ảnh hưởng đến năm 2015 như thế nào? Năm 2015, tình hình thế giới sẽ ra sao? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, nhưng có điều chắc chắn rằng: nó phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế.

ĐỒNG VĂN
_______

1 - Gồm: Nga, Trung Quốc, Ka-dắc-xtan, Ta-di-ki-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và Ky-rơ-ghi-xtan.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...