Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2022, 11:49 (GMT+7)
Những nội dung chủ yếu trong chiến lược của NATO đến năm 2030

Từ ngày 28 đến 30/6/2022, Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Madrid (Tây Ban Nha), trong bối cảnh châu Âu đang lún sâu trong cuộc chiến tại chiến trường Ukraine, làm rung chuyển thế giới. Hội nghị tập trung đánh giá lại Chiến lược năm 2010 của NATO và thông qua Chiến lược mới với tầm nhìn đến năm 2030.

Bối cảnh chiến lược

Kể từ khi chiến lược gần đây nhất của NATO được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon (Bồ Đào Nha) năm 2010, cấu ​​trúc an ninh quốc tế và châu Âu - Đại Tây Dương đã thay đổi đáng kể. Trước hết, phải kể đến diễn biến cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố ở Afghanistan, các biến động chính trị trong khu vực Bắc Phi - Trung Đông mang tên “Mùa Xuân Arab”, cuộc chiến ở Libya và Syria có sự tham gia của NATO, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự sụp đổ của Hiệp ước Hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu, nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Về tổ chức, trong 10 năm qua, NATO kết nạp thêm hai thành viên mới là Montenegro và Bắc Macedonia. Những năm gần đây, NATO phải đối mặt với mâu thuẫn và bất đồng nội bộ; trong đó, nổi lên là yêu cầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump gây sức ép buộc các nước thành viên của khối phải tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 02% GDP; quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga và theo đuổi toan tính trở thành quốc gia có vị thế lãnh đạo trong khu vực Trung Đông; nỗ lực của Đức và Pháp muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong các vấn đề an ninh và xây dựng Quân đội châu Âu. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đưa ra nhận định về “trạng thái chết não” của NATO.

Ngoài ra, NATO đứng trước thách thức từ sự phục hưng của nước Nga sau 20 năm cầm quyền của Tổng thống V. Putin. Ngày 15/12/2021, Moscow chính thức gửi tới NATO bản dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh NATO - Nga. Theo Moscow, sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, NATO không có bất cứ cơ sở pháp lý và chính trị nào để mở rộng về phía Đông và hoàn toàn đi ngược lại các cam kết của họ vào năm 1989 là sẽ không mở rộng NATO sau khi Liên Xô chấp nhận dỡ bỏ Bức tường Berlin và thống nhất nước Đức. Tổng thống V. Putin cho rằng, Nga có quyền chính đáng nêu câu hỏi: NATO mở rộng nhằm chống lại ai? Điều gì đã xảy ra với những cam kết của phương Tây rằng NATO sẽ không mở rộng sau khi Tổ chức Hiệp ước Warsaw giải thể? Những cam kết đó hiện giờ có còn hiệu lực không? Vì thế, trong dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh NATO - Nga, Moscow đề xuất NATO không kết nạp các quốc gia đã từng là thành viên của Liên Xô, trước hết là Ukraine. Ngày 24/02/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và vấp phải sự lên án mạnh mẽ của NATO. Theo đó, NATO cho rằng, hành động này của Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế, phá vỡ hòa bình và làm thay đổi nghiêm trọng môi trường an ninh tại châu Âu. Hàng loạt các biện pháp cấm vận chưa có tiền lệ được các nước thành viên NATO áp dụng để buộc Nga phải dừng chiến dịch quân sự, song đến nay, cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn. NATO cũng đang viện trợ rất nhiều loại vũ khí “hạng nặng” cho Ukraine để chống lại các cuộc tấn công của Nga, điều đó có thể dẫn đến nguy cơ đẩy quan hệ NATO - Nga đến gần hơn bờ vực chiến tranh.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, NATO cũng đang theo đuổi kế hoạch chiến lược xây dựng “NATO châu Á” để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, tương tự như cách NATO ngăn chặn ảnh hưởng của Nga. Cấu trúc của “NATO châu Á” đang được định hình từ Hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) được ký vào tháng 9/2021 để tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm hóa giải các thách thức trong thế kỷ XXI. Do nhận thấy định hướng chống Trung Quốc của AUKUS, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ kêu gọi các bên tham gia liên minh này từ bỏ tâm lý chiến tranh Lạnh mới.

Định hướng chiến lược

Để thích ứng với môi trường chính trị và an ninh mới, Chiến lược của NATO đến năm 2030 xác định ba hướng triển khai hoạt động cơ bản. Một là, NATO phải tăng cường và duy trì sức mạnh quân sự bằng cách gia tăng đầu tư hiện đại hóa lực lượng dựa trên cơ sở công nghệ hiện đại; đồng thời, xác định an ninh sẽ là nền tảng cho sự thịnh vượng của các quốc gia thành viên. Hai là, NATO sẽ tăng cường củng cố liên minh thống nhất về chính trị theo phương châm “một người vì tất cả và tất cả vì một người” trên cơ sở sử dụng các công cụ chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao. Ba là, NATO sẽ áp dụng cách tiếp cận mang tính toàn cầu. Theo đó, từ những năm 2000, NATO đã chủ trương toàn cầu hóa các chức năng của khối, nhằm phát huy ảnh hưởng ra ngoài phạm vi trách nhiệm ở châu Âu liên quan đến mối đe dọa khủng bố quốc tế. Còn hiện nay, chủ trương này xuất phát trước hết từ yêu cầu phải đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga trên phạm vi toàn cầu. Do đó, việc bảo vệ các giá trị và thể chế dân chủ đến năm 2030 đòi hỏi phải tăng cường liên kết chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh bên ngoài châu Âu, như: Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, mà trước hết là các lĩnh vực: hàng không - vũ trụ, không gian mạng, công nghệ mới và kiểm soát vũ khí. Đây có thể là lý do giải thích vì sao Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua lại có sự tham dự của nguyên thủ 04 quốc gia này.

Về xác định đối tượng tác chiến, Chiến lược mới xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với tổ chức này. Sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, tuy chủ trương thiết lập quan hệ với Nga trên cơ sở đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên quan tâm và lợi ích chung, nhưng NATO luôn cho rằng, họ là “người chiến thắng” còn Nga là “kẻ chiến bại” trong chiến tranh Lạnh nên không chấp nhận yêu cầu bảo đảm an ninh chính đáng của Nga, khiến cho hai bên không những không tìm được tiếng nói chung, mà còn đẩy quan hệ Nga - NATO ngày càng tụt dốc. Trên cơ sở xác định đối tượng của Chiến lược, NATO đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ tạo sức mạnh áp đảo với Nga bằng cách áp dụng các biện pháp tăng cường lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân; đồng thời, xây dựng các lực lượng có khả năng phản ứng linh hoạt, phối hợp nỗ lực quân sự, chính trị và kinh tế với các quốc gia là đối tác và chưa phải là thành viên của khối. Theo đó, NATO sẽ tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu từ 40.000 lên 300.000 quân, còn các quốc gia thành viên phải tăng chi phí quốc phòng lên mức 02% GDP. Riêng Mỹ sẽ triển khai các lực lượng ở Tây Ban Nha, Ba Lan, Romania, Anh, Đức, Italia và các nước vùng Baltic; đồng thời, củng cố các căn cứ quân sự hiện có ở Đức, Italia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Hy Lạp và Bulgaria. Ở Ba Lan, Mỹ sẽ thiết lập thêm một căn cứ quân sự, triển khai 20.000 quân và chuyển giao cho Warsaw khối lượng lớn vũ khí. Như vậy, số quân thường trực của Mỹ ở châu Âu sẽ tăng từ 60.000 trước khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine lên khoảng 100.000 trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, Chiến lược mới của NATO khẳng định, chủ trương phải vừa kiềm chế Nga, vừa sẵn sàng tiếp tục đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO để trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề, nhất là cuộc xung đột ở Ukraine, nhằm giảm nguy cơ phát sinh tình huống khủng hoảng có thể dẫn tới xung đột, thậm chí là chiến tranh lớn ở châu Âu.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Chiến lược mới của NATO xác định, Trung Quốc là mối đe dọa mang tính hệ thống không chỉ đối với NATO mà là cả thế giới. Trong đó, phạm vi ảnh hưởng cũng như hành động của Bắc Kinh đang đặt ra những thách thức mới đối với các nền dân chủ phương Tây. Theo NATO, Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Bắc Cực, phát triển tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom tầm xa, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân tấn công có khả năng hoạt động trên khắp các đại dương; đồng thời, thực hiện hàng loạt dự án chiến lược, như: “Một vành đai, một con đường”, “Con đường tơ lụa Bắc Cực”, “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành cường quốc số 1 thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đến năm 2049 là siêu cường công nghệ số 1 thế giới. Tuy nhiên, đối với các quốc gia thành viên NATO, Trung Quốc không chỉ là đối thủ cạnh tranh hàng đầu mà còn là đối tác thương mại lớn. Vì thế, NATO phải áp dụng chiến lược kép trong quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, mỗi nước thành viên NATO vừa tương tác với Trung Quốc, vừa phải đối phó với thách thức toàn cầu từ Bắc Kinh.

Về chính sách “mở cửa” của NATO, Chiến lược đến năm 2030 vẫn đặt ra mục tiêu tiếp tục kết nạp các thành viên mới. Theo đó, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO chính thức chấp nhận đơn gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan, tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Ukraine và Gruzia. Trước mắt, NATO tiếp tục viện trợ vũ khí, trang bị cho Ukraine để giành chiến thắng trên thực địa trong cuộc xung đột với Nga. Lý do cơ bản khiến Mỹ và các thành viên châu Âu chưa thể vội vàng kết nạp Ukraine vào NATO là lo ngại cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay nếu không kiểm soát tốt có thể sẽ lan rộng thành chiến tranh Nga - NATO. Tổng thống Ukraine V. Zelensky cho biết, nếu NATO thực sự muốn kết nạp Ukraine vào hàng ngũ của khối thì họ phải giải quyết vấn đề này ngay lập tức, bởi chính quyền Kiev đã sẵn sàng gia nhập khối này và hai bên đều rất cần nhau. Thậm chí, Tổng thống V. Zelensky còn cho rằng, kết nạp Ukraine sẽ làm cho NATO mạnh hơn. Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa nhận được câu trả lời trực tiếp từ phía Mỹ về khả năng quốc gia này có gia nhập NATO hay không. Trong một động thái liên quan, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Ukraine phải đáp ứng một số điều kiện để gia nhập NATO, như: tiến hành cải cách nhằm thiết lập nhà nước pháp quyền, hiện đại hóa nền quốc phòng và tăng trưởng kinh tế. Việc đáp ứng các điều kiện này là cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn của NATO.

Như vậy, từ nội hàm Chiến lược mới của NATO đến năm 2030 cho thấy, cạnh tranh chiến lược giữa khối này với Nga và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế về nguy cơ một cuộc chiến tranh Lạnh mới và có thể tiếp tục bùng nổ các cuộc chiến tranh, xung đột tại các khu vực đang là điểm nóng của thế giới.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...