Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Chủ Nhật, 19/05/2024, 21:33 (GMT+7)
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc

Từ một quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ và nhập khẩu vũ khí, trang bị quân sự, những năm gần đây, Hàn Quốc đã vươn lên, thực hiện nhiều đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng, trở thành quốc gia tự chủ sản xuất vũ khí cho quân đội và xuất khẩu những tổ hợp trang thiết bị quân sự hiện đại. Vậy những đột phá đó là gì và được tiến hành ra sao đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Đột phá trong chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng

Gần đây, chính sách kiên định, sáng tạo của chính phủ Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp quốc phòng đã giúp nước này vươn lên trở thành một trong những nước sản xuất và xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc cũng theo đuổi chính sách ưu tiên công nghệ và sản phẩm trong nước hơn công nghệ quốc phòng nước ngoài. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ quốc phòng của nước này ngày càng tăng. Theo dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc (KDIA), tỷ lệ nội địa hóa hệ thống vũ khí của Hàn Quốc đã tăng từ 70,8% năm 2016 lên 76% vào năm 2020.

Đội bay biểu diễn Black Eagles của không quân Hàn Quốc thực hiện màn trình diễn trong sự kiện dành cho báo chí tại căn cứ không quân Seoul, trước thềm Seoul ADEX 2023. Nguồn: qdnd.vn

Tháng 8/2021, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) công bố áp dụng chính sách mới, gọi là “Năng lực phòng thủ Hàn Quốc”, yêu cầu tất cả hoạt động mua sắm quốc phòng phải áp dụng hạn ngạch lần lượt là 80% và 20% giữa các sản phẩm trong nước và nước ngoài. Theo chương trình này, Hàn Quốc sẽ ưu tiên tìm nguồn cung ứng các mặt hàng quốc phòng do các công ty trong nước tự sản xuất, thay vì các sản phẩm quốc phòng nhập từ nước ngoài. Để tham gia vào các chương trình mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc, các nhà thầu nước ngoài được Seoul yêu cầu hợp tác sản xuất hoặc hợp tác phát triển với các công ty quốc phòng trong nước. Vì vậy, các nhà thầu quốc phòng nước ngoài thường thành lập liên doanh với các công ty quốc phòng hàng đầu của Hàn Quốc, như: Korea Aerospace Industries, Korean Air, Hanwha, LIG NEX1, Hyundai Rotem, v.v.

Từ những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới, chính phủ Hàn Quốc liên tục duy trì mức chi tiêu quân sự cao, dành ngân sách đáng kể cho việc nghiên cứu, phát triển, hỗ trợ mạnh mẽ đối với ngành sản xuất vũ khí; đồng thời, tăng cường khả năng quốc phòng của mình bằng cách giành quyền tự chủ về công nghiệp và mở rộng các mối quan hệ đối tác quân sự quốc tế. Theo đó, Seoul đã thành lập “Quỹ đầu tư công nghiệp quốc phòng” để hỗ trợ các công ty quốc phòng chuyên về trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và các lĩnh vực khác, nhằm cải thiện tính đổi mới của hệ sinh thái trong ngành công nghiệp quốc phòng và ứng phó với những thay đổi trong môi trường tổng thể. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp quốc phòng vừa và nhỏ tiếp cận các công nghệ quốc phòng tiên tiến trong những lĩnh vực khác nhau, bao gồm: năng lượng, hàng không vũ trụ và chất bán dẫn.

Đột phá trong phát triển thị trường xuất khẩu

Hiện nay, Hàn Quốc đang vươn lên trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn trên thế giới với những đột phá về lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Điều này xuất phát từ nhu cầu tăng cường khả năng quân sự trước những biến động của tình hình an ninh trong khu vực châu Á và trên phạm vi toàn cầu. Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, doanh số bán vũ khí của nước này trong năm 2022 đạt hơn 17 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức 7,25 tỉ USD của năm 2021. Mức tăng đột biến khoảng 240% trong một năm đã đưa quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ chín thế giới, tăng 23 bậc so với thời điểm năm 2000.

Xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tạo ra bước đột phá khi nắm bắt được cơ hội rất lớn từ các nước phương Tây đang tìm kiếm nguồn vũ khí đảm bảo an ninh sau khi phải liên tục viện trợ cho Ukraine và căng thẳng gia tăng tại các điểm nóng khác. Hiện tại, Hàn Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước thành viên của liên minh này. Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc chiếm 55% thị phần pháo lựu tự hành trên phạm vi toàn cầu và được ước tính tăng lên 68% nhờ hợp đồng với Ba Lan. Tháng 6/2023, Hàn Quốc đã ký hợp đồng cung cấp pháo lựu tự hành K9, xe tăng chiến đấu chủ lực K2 và máy bay tiêm kích FA-50 cho Ba Lan, trị giá 13,7 tỉ USD. Hai bên cũng nhất trí thành lập liên doanh gồm các doanh nghiệp quốc phòng của cả hai nước để vũ khí của Hàn Quốc được cấp phép sản xuất tại Ba Lan, mở đường vào châu Âu. Dự kiến, 500/820 xe tăng và 300/672 tổ hợp pháo lựu tự hành trong thỏa thuận này sẽ được sản xuất tại các nhà máy ở Ba Lan, bắt đầu từ năm 2026.

Trong khi đó, thị trường châu Á chiếm 63% lượng xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc giai đoạn năm 2018 - 2022. Để cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của châu Âu, Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí cho Philippines, New Zealand, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v. Riêng Malaysia đã ký hợp đồng mua 18 máy bay tiêm kích hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc trị giá gần 01 tỉ USD, còn Australia mua xe chiến đấu bộ binh của Hàn Quốc trị giá 2,4 tỉ USD.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Hàn Quốc hiện đứng thứ 9 về xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2018 - 2022, chiếm 2,4% thị phần xuất khẩu vũ khí thế giới. Đáng chú ý, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn này đã tăng 74% so với tổng giá trị xuất khẩu của giai đoạn 05 năm trước đó. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Hàn Quốc đang đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới, chiếm 05% thị phần vào năm 2027 chỉ sau Mỹ, Pháp và Nga.

Đột phá về ứng dụng công nghệ, tính tương thích cao, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm

Hàn Quốc hiện đang làm chủ nhiều công nghệ quân sự hàng đầu được áp dụng trong sản xuất vũ khí; do đó, sản phẩm quốc phòng của nước này tìm được chỗ đứng nhờ chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là giá thành rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại của phương Tây. Nhờ có chiến lược đầu tư đúng đắn, công nghiệp quốc phòng đã nổi lên như một lực lượng sản xuất quan trọng ở Hàn Quốc, tạo ra cơ hội việc làm có chất lượng và thúc đẩy sự phát triển cân bằng.

Có thể nói, công nghệ quân sự của Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, nhất là chế tạo máy bay chiến đấu, tàu ngầm, cùng các hệ thống vệ tinh giám sát tiên tiến. Những bước tiến công nghệ trong nghiên cứu vũ khí cũng mang lại lợi ích cho các lĩnh vực công nghệ cao khác, như: công nghiệp ôtô, quang học, cơ điện tử. Máy bay chiến đấu thế hệ 4+ KF-21 do Hàn Quốc tự nghiên cứu chế tạo, được trang bị công nghệ tàng hình hiện đại tương đương các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, như: F-35 của Mỹ hay J-20 của Trung Quốc. Chất lượng của máy bay KF-21 ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm nhờ tính ổn định, trang bị khí tài đa dạng và chi phí vận hành thấp. Chứng kiến tốc độ và khả năng bay ấn tượng của KF-21 trên bầu trời Seoul, Ba Lan đã đưa ra đề nghị để có thể trở thành nước đầu tiên sở hữu phiên bản xuất khẩu của loại máy bay này. Trong bối cảnh nhiều chương trình máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm bị đình trệ, đây rõ ràng là minh chứng về chất lượng sản phẩm của công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.

Một điểm nổi bật của công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc là hợp tác công - tư, cho phép các nhà sản xuất tư nhân có thể tham gia sâu vào quá trình thiết kế, chế tạo vũ khí. Điển hình trong lĩnh vực sản xuất tàu ngầm, hai tập đoàn Hyundai và Hanwha đã cùng đấu thầu những dự án lớn với sự hỗ trợ của hơn 200 nhà thầu nhỏ trong nước. Sự lớn mạnh của nền công nghiệp chế tạo Hàn Quốc đã đem lại lợi thế cho họ khi có thể chủ động trong hầu hết các khâu. Không những vậy, Hàn Quốc còn sẵn sàng cho phép chuyển giao công nghệ và thiết lập cơ sở sản xuất tại nước ngoài. Trong hợp đồng 1,6 tỉ USD mà Ai Cập mua pháo lựu tự hành K9, thì Nhà máy số 200 của Ai Cập sẽ lắp ráp K9 với 30% bộ phận được sản xuất tại quốc gia châu Phi này. Seoul có những lợi ích bổ sung khi cho phép nội địa hóa, vì nó tạo ra khả năng phục hồi nhờ năng lực sản xuất chiến lược và chuỗi cung ứng thứ cấp bên ngoài biên giới của mình. Tập đoàn Hanwha đang đồng thời thiết lập các dây chuyền lắp ráp pháo K9 tại Australia, Ai Cập và Ba Lan.

Một lợi thế khác của Hàn Quốc là vũ khí của họ có tính tương thích cao với các vũ khí của Mỹ và châu Âu. Pháo lựu tự hành K9 sử dụng đạn 155mm theo chuẩn của NATO, trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực máy tính hóa, được thiết kế để dễ dàng tích hợp vào các mạng lưới chỉ huy và điều khiển; đồng thời, có sức mạnh hỏa lực tương đương với những loại pháo đắt tiền hơn của phương Tây. Năm 2023, Hàn Quốc đã cung cấp cho Mỹ khoảng 500 nghìn quả đạn pháo 155mm vì chúng hoàn toàn tương thích với các hệ thống pháo lựu của Quân đội Mỹ. Trong khi đó, Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và các nước khác từng nghĩ đến việc mua sắm quốc phòng tại châu Âu, nhưng giờ có thể mua sản phẩm với giá thấp và được chuyển giao nhanh chóng từ Hàn Quốc.

Các công ty sản xuất vũ khí Hàn Quốc cũng khai thác lợi thế về năng lực sản xuất, cho phép giao hàng rất nhanh so với các nhà cung cấp vũ khí khác. Ba Lan cho rằng, nguyên nhân chính để họ cân nhắc ký hợp đồng mua vũ khí của Hàn Quốc là do năng lực sản xuất và cung cấp vũ khí của Hàn Quốc. Tháng 12/2022, tức chỉ 04 tháng sau khi hợp đồng được ký kết, 10 chiếc xe tăng K2 và 24 tổ hợp pháo lựu tự hành K9 đầu tiên đã đến Ba Lan. Tại nhà máy sản xuất pháo K9 của tập đoàn Hanwha, các robot xử lý khoảng 70% công việc hàn và đóng vai trò chủ chốt để tăng năng suất.

Trên thực tế, vũ khí Hàn Quốc có thể xâm nhập thị trường toàn cầu, điều này cho thấy tuy không phải là tối tân nhất thế giới nhưng trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc có mức giá cạnh tranh và chất lượng ngày càng được cải thiện. Các cường quốc tầm trung, vốn luôn tìm kiếm sự cân đối giữa lợi ích và chi phí hiện đang xem trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc như là một sự lựa chọn tối ưu. Thành công trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc được xây dựng dựa trên khả năng sản xuất trang thiết bị quân sự công nghệ tiên tiến, chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.

Như vậy, chủ trương tăng mạnh ngân sách quốc phòng hằng năm, thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng đã, đang được Hàn Quốc đẩy mạnh hơn bao giờ hết, nhằm hiện đại hóa quân đội, ưu tiên phát triển khoa học kỹ thuật quân sự và sản xuất vũ khí. Nước này không chỉ tự đảm bảo được trên 70% nhu cầu vũ khí cho quân đội, mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Đây cũng là xu hướng chung hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở địa bàn thường xuyên “nóng” và đầy nhạy cảm như Đông Bắc Á, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc sẽ tác động không nhỏ tới môi trường an ninh khu vực và trên phạm vi toàn cầu, gây quan ngại trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

ĐẶNG ĐỒNG TIẾN – NGUYỄN QUANG THUYÊN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...