Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:51 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Thời gian qua, các cường quốc quân sự bị cuốn vào vòng xoáy phát triển vũ khí hiện đại, nhằm tạo khả năng răn đe chiến lược. Đặc biệt, năm 2018, những đột phá mới trong lĩnh vực này (nhất là thành tựu về vũ khí siêu thanh, la-de và tên lửa hành trình) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.
Đột phá về phát triển vũ khí siêu thanh
Khi bàn về phát triển khoa học kỹ thuật quân sự nói chung, phát triển vũ khí nói riêng trong năm 2018, một số chuyên gia quân sự thế giới khẳng định, thành tựu nổi bật nhất là việc các nhà khoa học quân sự Nga đã chế tạo thành công vũ khí siêu thanh. Ngay sau vụ thử tên lửa siêu thanh A-van-gát (Tiên phong) ngày 26-12-2018, Tổng thống V. Pu-tin tuyên bố, đây là “vũ khí bất khả xâm phạm”, sẽ được biên chế cho Quân đội Nga trong năm 2019. Ông cũng khẳng định, Nga là nước đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vũ khí chiến lược này, nó không chỉ đảm bảo cho an ninh quốc gia của Nga hiện tại, mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nhiều thập niên tới. Việc Nga khẳng định như vậy, xuất phát từ ưu điểm vượt trội về tính năng kỹ chiến thuật của loại vũ khí này. Theo Nga, tên lửa siêu thanh A-van-gát là loại tên lửa hiện đại bậc nhất (tính đến thời điểm hiện tại) có tầm bắn liên lục địa và vô hiệu hóa khả năng trinh sát, phát hiện, đoán định của đối phương; hiện tại và trong tương lai gần, không có bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa của đối thủ nào có thể đánh chặn và tiêu diệt tên lửa này. Nguyên lý hoạt động của A-van-gát là sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, đầu đạn sẽ tự động điều chỉnh độ cao và hướng bay tránh hệ thống phòng thủ của đối phương và lướt cực nhanh đến mục tiêu với vận tốc Mach 20 (gấp 20 lần vận tốc âm thanh, khoảng 24.500km/h). Đây là điều gần như không tưởng, vì khi bay với một tốc độ lớn như vậy xuyên qua tầng khí quyển trái đất (tương đương tốc độ vũ trụ cấp 2) thì tất cả đều bốc cháy. Nhưng các nhà khoa học Nga đã chế tạo thành công vật liệu lớp vỏ để bảo vệ an toàn hệ thống thiết bị điện tử bên trong của A-van-gát, cho phép nó hoạt động chính xác trong một đám mây plasma ở nhiệt độ gần 2.000 độ C.
Không chỉ có Nga, trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đã đầu tư nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. Năm 2018, nước này đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh Starry Sky-2, tuy chỉ đạt vận tốc Mach 6 (khoảng 7.400km/h, bằng gần 1/3 vận tốc của A-van-gát), nhưng đây là nền tảng ban đầu cho lộ trình phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh chiến lược của Trung Quốc. Mặc dù Starry Sky-2 chỉ sử dụng đầu đạn thông thường, nhưng cũng không loại trừ khả năng mang vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thực tế, Starry Sky-2 không phải là phương tiện bay siêu thanh đầu tiên của Trung Quốc (nước này đã thử nghiệm các phương tiện bay siêu thanh từ năm 2014), nhưng đây là phương tiện đầu tiên được áp dụng công nghệ lướt sóng - một kỹ thuật sử dụng sóng xung kích trong bay siêu thanh để tạo ra lực nâng khí động học.
Lo ngại trước những thành công của Nga và Trung Quốc, năm 2018, Mỹ đã quyết định chi 928 triệu USD cho hãng Lockheed Martin để phát triển tên lửa siêu thanh. Trước đó, Mỹ từng đề ra nhiều kế hoạch phát triển phương tiện bay siêu thanh, nhưng do những thách thức về công nghệ, kinh phí và thực tế một số chương trình vũ khí siêu thanh đã bị “chết yểu” trong kế hoạch trung hạn, nên hiện nay, Mỹ đang theo đuổi chương trình tên lửa hành trình siêu thanh, có tốc độ từ 06 đến 08 Mach, tầm bắn khoảng 6.000km.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đã đầu tư nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu thanh từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng tới nay, chỉ có Nga là đã thành công với tên lửa siêu thanh A-van-gát, Trung Quốc mới đạt thành công bước đầu với vũ khí siêu thanh Starry Sky-2, trong khi Mỹ vẫn chỉ dừng lại ở các chương trình phát triển. Nhờ khả năng đạt tới vận tốc gấp hàng chục lần tốc độ âm thanh, tên lửa siêu thanh sẽ xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa của đối phương, tấn công bất kỳ địa điểm nào trên trái đất. Đây là những đặc điểm làm nên sức mạnh vượt trội của loại vũ khí mà nhiều quốc gia trên thế giới tham vọng sở hữu. Vũ khí siêu thanh thực sự đang tạo ra cuộc cách mạng về chiến lược sử dụng vũ khí trong tương lai.
Vũ khí la-de chính thức đưa vào sử dụng trong thực tiễn
Cùng với phát triển vũ khí siêu thanh, công nghệ chế tạo các tổ hợp la-de năng lượng cao đã đạt đến trình độ cho phép sử dụng chúng làm vũ khí. Các phương tiện mang vũ khí la-de rất đa dạng, có thể là xe thiết giáp, tàu mặt nước, máy bay hoặc tàu vũ trụ. Vũ khí la-de tuy không có đạn như súng, pháo thông thường, nhưng chùm tia la-de được phóng ra có vận tốc tương đương vận tốc ánh sáng, năng lượng tập trung rất mạnh, khi chiếu vào vật thể kim loại sẽ làm cho chúng nóng chảy, bốc hơi, thậm chí biến thành ion (hiệu ứng lan cháy nhiệt). Chùm tia la-de gây tác dụng lan cháy càng lớn hơn đối với cơ thể con người, nên nó từng được mệnh danh là “chùm tia chết chóc”. Ngày 01-12-2018, Nga đã chính thức đưa hệ thống vũ khí la-de Pi-ri-vét (Peresvet) vào sử dụng như một loại vũ khí phòng không. Đây là bước đột phá quan trọng trong chương trình phát triển vũ khí la-de của Nga. Năng lượng chùm tia la-de của Pi-ri-vét có thể gây nhiễu loạn hệ thống quang điện tử của phương tiện bay hoặc phá hủy hoàn toàn hệ thống quang điện tử cùng người lái (nếu phương tiện bay là máy bay thông thường). Nó cũng có thể được dùng để bắn hạ các đầu đạn siêu thanh của đối phương hoặc tấn công những vệ tinh quân sự trên quỹ đạo gần trái đất. Để có được thành công đó, từ năm 2012, chính phủ Nga đã quyết định tiếp tục đầu tư cho chương trình cấp quốc gia nghiên cứu, phát triển vũ khí la-de, có khả năng tiêu diệt máy bay, vệ tinh và tên lửa đạn đạo.
Hiện nay, Mỹ và I-xra-en cũng đang tiến hành các chương trình phát triển vũ khí la-de. Trong đó, Mỹ đang phát triển vũ khí la-de hàng không (ABL) dự kiến đưa vào trang bị năm 2023. Hệ thống vũ khí la-de này được đặt trong một máy bay Bô-ing 747 cải tiến, bao gồm 04 máy phát tia la-de COIL, cảm biến quang học và các thiết bị giúp theo dõi, xác định vị trí của các tên lửa đạn đạo. Sau khi phát hiện được vị trí tên lửa, COIL sẽ bắn một chùm tia la-de đến mục tiêu thông qua tháp pháo la-de gắn ở đầu máy bay. Chùm tia la-de năng lượng cao xuyên qua lớp vỏ tên lửa sẽ vô hiệu hóa hoặc khiến tên lửa phát nổ và mức độ công phá mục tiêu phụ thuộc vào cự ly tấn công của la-de. I-xra-en cũng đã nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống đánh chặn bằng “Chùm tia thép” (Iron Beam) - một hệ thống vũ khí la-de năng lượng cao nhưng nhỏ gọn. “Chùm tia thép” có tầm bắn 02km nên chỉ tiêu diệt được các mục tiêu bay thấp, như: rốc-két, đạn cối, pháo và máy bay không người lái. Hệ thống có thể dễ dàng tháo lắp, di chuyển trên xe quân sự, hoạt động như một loại vũ khí phòng không, tương tự như hệ thống vũ khí la-de Pi-ri-vét của Nga nhưng có tầm bắn nhỏ hơn rất nhiều.
Đột phá trong phát triển tên lửa hành trình thế hệ mới
Nhờ ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các cường quốc quân sự đã có nhiều đột phá trong phát triển tên lửa hành trình thế hệ mới với độ tinh khôn, chính xác cao, tầm bắn xa và khó đánh chặn. Năm 2018, hệ thống tên lửa này được một số nước sử dụng hiệu quả trong các chiến dịch không kích tại chiến trường Xy-ri.
Với Quân đội Mỹ, đã ưu tiên phát triển, sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản cải tiến Block IV, được tích hợp hệ dẫn đường quán tính và vệ tinh (INS/GPS) với hệ dẫn đường quang điện tử cho phép chụp ảnh, tự nhận biết, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu di động. Do được kết nối đường truyền hai chiều với sở chỉ huy, nên nó có thể nhận lệnh thay đổi mục tiêu tấn công trong quá trình bay. Với biến thể mới này, danh sách các mục tiêu mà tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có thể tấn công sẽ được mở rộng ra bất kể là cố định hay di động. Ngày 14-4-2018, Mỹ đã sử dụng tên lửa hành trình không đối đất liên quân chủng AGM-158 (JASSM) trong cuộc không kích nhằm vào Xy-ri. Đây được coi là vũ khí chiến lược mới của Mỹ, có thể thay thế cho thế hệ tên lửa Tomahawk trong tương lai. JASSM được phóng từ ngoài vùng phòng không của đối phương nên không bị phát hiện, sau khi hạ thấp độ cao cách mặt đất vài chục mét, nó bắt đầu hướng tới mục tiêu với tốc độ của một máy bay phản lực thông thường, bay theo đường bay được lập trình sẵn, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp GPS có khả năng chống nhiễu. Phần đầu của tên lửa được lắp khí tài trinh sát hồng ngoại (IR) và khí tài tự động xác định mục tiêu thông qua ảnh quang điện tử (EO), giúp tên lửa đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch rất nhỏ. Đặc điểm nguy hiểm nhất của loại vũ khí này là nó có khả năng tàng hình rất cao, nhờ hình dáng đặc biệt và cấu tạo bởi vật liệu hấp thụ sóng ra-đa, cho phép xâm nhập vùng bảo vệ của những tổ hợp phòng không tối tân nhất.
Năm 2018, nhờ ứng dụng những thành tựu của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và vật liệu na-nô, Nga đã thử nghiệm thành công các tên lửa hành trình thế hệ mới và đưa vào sử dụng hiệu quả trên chiến trường Xy-ri, như: tên lửa hành trình không đối hạm Kh-35U, tên lửa hành trình tiến công đất liền Kalibr. Trong đó, tên lửa Kh-35U được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, định vị vệ tinh và ra-đa chủ động để phát hiện mục tiêu (ngày 25-9-2018, được thử nghiệm thành công khi phóng từ máy bay tiêm kích Su-34 và tiêu diệt mục tiêu tàu chiến từ cự ly 260km). Tên lửa hành trình Kalibr hải đối đất của Nga cũng được các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao, khi tiêu diệt chính xác mục tiêu của lực lượng khủng bố IS tại Xy-ri ở cự ly lên tới 1.400km.
Anh và Pháp cũng có đột phá về tên lửa hành trình phóng từ trên không SCALP-EG/Storm Shadow, được sử dụng để không kích Xy-ri, ngày 14-4-2018. Tên lửa này được dẫn quán tính kết hợp GPS, cập nhật đường bay thông qua bản đồ địa hình kỹ thuật số nên độ chính xác rất cao và khả năng đối phó điện tử tốt hơn. Giai đoạn đầu và giữa của hành trình, tên lửa bay tương đối thấp để tránh bị ra-đa đối phương phát hiện. Giai đoạn cuối hành trình, nó sẽ tự động vọt lên cao, đồng thời sử dụng đầu tìm quang điện tử, hồng ngoại để so sánh hình ảnh thực với ảnh mục tiêu được lập trình sẵn và lựa chọn các vị trí rồi tấn công mục tiêu.
Theo các nhà phân tích, những đột phá trong phát triển vũ khí năm 2018 khẳng định thành tựu vượt bậc của ngành khoa học kỹ thuật quân sự thế giới, nhưng ở chiều ngược lại, nó có thể sẽ châm ngòi cho hành động tái diễn một cuộc “Chiến tranh lạnh” mới. Các cường quốc quân sự sẽ tiếp tục gia tăng chạy đua phát triển vũ khí chiến lược ngày càng khốc liệt hơn. Cộng đồng quốc tế lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền hòa bình và an ninh thế giới. Vì vậy, ngoài việc mỗi quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các hiệp ước đã ký, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn nguy cơ chạy đua vũ trang, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên toàn thế giới.
Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật
cường quốc quân sự,phát triển vũ khí 2018
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ