Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 22/09/2017, 10:16 (GMT+7)
Những động thái mới trong quan hệ Mỹ - I-ran

Vừa qua, với cáo buộc I-ran tài trợ khủng bố, thử nghiệm tên lửa đạn đạo, đe dọa đến an ninh khu vực và thế giới, Mỹ đã gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế, răn đe quân sự với Tê-hê-ran. Đây là động thái mới của chính quyền Mỹ kể từ khi Tổng thống Đô - nan Trăm trở thành ông chủ Nhà Trắng, khiến cho quan hệ Mỹ - I-ran trở nên căng thẳng.

Lịch sử “gai góc” trong quan hệ Mỹ - I-ran

Giới phân tích quốc tế cho rằng, trong lịch sử quan hệ quốc tế, quan hệ Mỹ - I-ran có mối thâm thù kéo dài nhất. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, để thực hiện chiến lược bá chủ toàn cầu, Mỹ và phương Tây coi việc kiểm soát, khống chế khu vực Trung Đông - “rốn dầu của thế giới” là một trọng tâm; trong đó, I-ran được xem như một mắt xích quan trọng, có ảnh hưởng lớn ở địa bàn chiến lược trọng yếu này. Nhằm thực hiện chiến lược đó, năm 1953, Mỹ và một số nước phương Tây đã hậu thuẫn cuộc đảo chính quân sự, lật đổ chính quyền của Thủ tướng I-ran Mô-ha-mát Mu-sát (một người tiên phong trong phong trào quốc hữu hóa ngành dầu lửa), để thiết lập chính quyền thân phương Tây do nhà độc tài Shah đứng đầu. Tuy nhiên, tháng 01-1979, cuộc cách mạng I-ran nổ ra, chính quyền độc tài bị lật đổ, thay vào đó là một chính thể do thủ lĩnh Hồi giáo Ai-a-tô-la Khơ-mê-ni lên lãnh đạo. Cay cú trước thất bại này, Mỹ và các nước phương Tây không những cắt đứt quan hệ ngoại giao mà còn áp đặt các biện pháp cấm vận đối với I-ran khiến đời sống nhân dân ở quốc gia Hồi giáo này gặp nhiều khó khăn. Những động thái đó của Mỹ bị dư luận quốc tế phẫn nộ, lên án; làm cho tư tưởng căm thù, chống đối Mỹ trong người dân I-ran và cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới càng dâng cao.

Năm 1992, dưới thời của Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn, Oa-sinh-tơn đã lấy cớ I-ran có tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, đe dọa đến an ninh khu vực và quốc tế (bất chấp việc Tê-hê-ran nhiều lần khẳng định mục tiêu phát triển hạt nhân là phục vụ mục đích dân sự) để gây sức ép, buộc Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt, áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Tê-hê-ran. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng gia tăng các biện pháp quân sự răn đe, ngăn chặn chống nước này. Bởi vậy, suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn, quan hệ Mỹ - I-ran luôn trong trạng thái “băng giá”. Tiếp đó, sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 ở nước Mỹ, Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ đã liệt I-ran vào danh sách đen “tài trợ khủng bố” và đe dọa “tiến công phủ đầu”, đẩy quan hệ hai nước vào thế đối đầu nguy hiểm. Tuy nhiên, do bị sa lầy trong hai cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc đã khiến cho chiến lược “đánh phủ đầu” chống khủng bố vào I-ran không thể thực hiện được. Kế tục người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma thực hiện chính sách “ngoại giao thông minh” với cách tiếp cận linh hoạt, “mềm dẻo” hơn trong quan hệ với I-ran nhằm khống chế, chi phối quốc gia Hồi giáo này. Cùng với tiếp tục gia tăng các biện pháp răn đe, ngăn chặn I-ran, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng chú trọng giải pháp hòa đàm để giải quyết vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran. Sau rất nhiều nỗ lực ngoại giao, ngày 14-7-2015, Nhóm P5+11 và I-ran đã đạt được thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Sau khi đạt được thỏa thuận, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với I-ran, mở ra cơ hội để nước này hòa nhập với thế giới; đồng thời, các nước có thể mở rộng hợp tác đầu tư vào I-ran, vốn được coi là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng, khí đốt. Các chuyên gia đánh giá, đây là thỏa thuận lịch sử, khép lại một trong những hồ sơ hạt nhân hóc búa nhất trong quan hệ quốc tế đương đại, mở ra triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ - I-ran rất có lợi cho cục diện chính trị khu vực và thế giới. Tuy nhiên, khi mà quan hệ Mỹ - I-ran chưa kịp “nồng ấm” thì khi lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã có những thay đổi cả về quan điểm và cách tiếp cận với I-ran. Điều đó đã “châm ngòi” cho “cuộc đối đầu mới” giữa hai nước.

Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử tháng 7-2015.
(Ảnh: Reuters)

Chính sách kiềm chế, ngăn chặn của Chính quyền Đô-nan Trăm đối với Tê-hê-ran

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Đô-nan Trăm công khai chỉ trích thỏa thuận hạt nhân của chính quyền tiền nhiệm mà Mỹ và một số nước khác đã đạt được với I-ran. Ông đã không ít lần công kích, gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ chưa từng có” và tuyên bố một trong những ưu tiên chính sách của mình là xóa bỏ Thỏa thuận này. Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm đã cáo buộc I-ran “tiếp tục có những hành động gây bất ổn định”, như: tài trợ cho chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát hay lực lượng Héc-bô-la mà Mỹ coi là các nhóm “khủng bố” và quan trọng hơn là tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhà Trắng cũng tuyên bố, I-ran là “một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất” và coi việc kiềm chế, ngăn chặn mối đe dọa này là một nhiệm vụ đối ngoại “cấp bách”. Theo đó, I-ran sẽ bị áp đặt các quy định nghiêm ngặt về hoạt động tài trợ nước ngoài của Mỹ, cấm hoạt động mua bán và xuất khẩu liên quan đến lĩnh vực quốc phòng cũng như các biện pháp trừng phạt về tài chính. Tổng thống Đô-nan Trăm đã ký ban hành Luật Nhập cư mới; trong đó, xếp công dân I-ran vào đầu danh sách công dân các nước Hồi giáo bị cấm nhập cư vào Mỹ. Các nhà lãnh đạo I-ran đã phản đối quyết liệt, coi Luật Nhập cư mới của Mỹ là mang động cơ chính trị, “không chấp nhận được”. Tiếp đó, cuối tháng 3-2017, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố lệnh trừng phạt bổ sung đối với hàng chục công ty, quan chức I-ran và 30 công ty nước ngoài có liên quan đến chương trình tên lửa của I-ran. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng điều động đội tàu chiến hùng hậu, gồm cả tàu sân bay George H.W. Bush tới “diễu võ dương oai” ở eo biển Hoóc-mút, khiến cho tình hình ở khu vực eo biển này “nóng lên”. Vừa qua, lấy cớ I-ran tiến hành thử tên lửa đạn đạo đe dọa đến an ninh khu vực và thế giới, hai viện Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Tê-hê-ran, gây phản ứng trái chiều trong dư luận nước Mỹ và quốc tế. Một số Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng, Dự luật gia tăng trừng phạt I-ran là “thông điệp mạnh mẽ cần thiết trong thời điểm hiện nay” và để “Tê-hê-ran hiểu cái giá mà họ phải trả cho các hành động thù địch đối với Mỹ”. Ở chiều ngược lại, nhiều quan chức Mỹ cho rằng, các đời Tổng thống Mỹ đã thực hiện chính sách bao vây, trừng phạt I-ran nhưng không thu được kết quả. Vì vậy, Dự luật mở rộng trừng phạt I-ran lần này của chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm thực chất là “bình mới rượu cũ”, chỉ làm cho tình hình khu vực Trung Đông vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Họ cũng bày tỏ sự lo ngại, nếu Dự luật trên được thực thi sẽ làm cho Thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của I-ran đứng trước nguy cơ đổ vỡ và đó sẽ là “thảm kịch” đối với Mỹ và quốc tế. Bên cạnh đó, Dự luật mở rộng trừng phạt I-ran của Mỹ cũng bị các đồng minh châu Âu chỉ trích mạnh mẽ. Hãng tin Roi-tơ cho biết, Bộ Ngoại giao Pháp, Anh cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với I-ran là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Nhiều nước châu Âu coi Dự luật này của Mỹ đối với I-ran là hành động “cường quyền của Mỹ trong quan hệ với các nước, không có lợi cho an ninh, ổn định của khu vực và thế giới”. Còn đối với I-ran, nước này tái khẳng định, các cuộc thử tên lửa của I-ran là để phòng vệ và không vi phạm luật pháp quốc tế; do vậy, Dự luật của Mỹ gia tăng trừng phạt I-ran là việc làm phi lý, can thiệp trắng trợn công việc nội bộ của nước khác. Đồng thời, Tê-hê-ran cũng tuyên bố: kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia và sẵn sàng đáp trả các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ.

“Nút thắt” trong quan hệ Mỹ - I-ran

Phân tích toàn cục quan hệ Mỹ - I-ran, các nhà phân tích quốc tế cho rằng, trong gần 4 thập kỷ qua, các chính quyền Mỹ luôn giữ quan điểm coi I-ran là quốc gia Hồi giáo “nguy hiểm” có khả năng gây bất lợi cho những toan tính của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Từ quan điểm đó, Oa-sinh-tơn đã thực hiện chính sách thù địch, răn đe, ngăn chặn đối với I-ran trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao,... kết hợp cả biện pháp “cứng” và “mềm” để chống chính quyền Tê-hê-ran. Về kinh tế, chính quyền Mỹ tập trung trừng phạt Tê-hê-ran trên lĩnh vực tài chính, thương mại, xuất khẩu dầu mỏ, vốn là các ngành chủ lực, khiến cho nền kinh tế của I-ran bị thiệt hại nặng nề. Về chính trị, Nhà Trắng gây sức ép với I-ran về “dân chủ”, “nhân quyền”, hòng lấy đây làm “ngòi nổ” thúc đẩy “cách mạng mầu” để thay đổi chính quyền Tê-hê-ran bằng một chính quyền thân Mỹ ở nước này. Về an ninh, Mỹ chia rẽ I-ran với các nước A-rập, nhất là kích động mối thâm thù giữa I-ran và I-xra-en - nước được coi là lực lượng xung kích trong Kế hoạch Đại Trung Đông của Mỹ để làm suy yếu I-ran. Đồng thời, thường xuyên duy trì lực lượng chiến đấu tinh nhuệ để răn đe, ngăn chặn I-ran và kiểm soát khu vực. Trong vòng vây, kiểm tỏa của Mỹ, để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, I-ran buộc phải tăng cường đầu tư hiện đại hóa quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ của quốc gia. Điều đó là đương nhiên không chỉ I-ran mà quốc gia nào trong hoàn cảnh đó cũng phải chú trọng. Giới phân tích cũng chỉ rõ, xét về tổng thể, ở khu vực Trung Đông, thực lực quân sự của I-ran còn thua kém nhiều nước, nhất là so với đồng minh I-xra-en của Mỹ. Do vậy, cho rằng I-ran có tham vọng bá quyền, đe dọa lợi ích khu vực của Mỹ ở Trung Đông là cách suy luận thiếu khách quan và không thuyết phục. Hơn nữa, về vấn đề hạt nhân dân sự của mình, I-ran đã nhiều lần công khai mục đích và mời chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đến giám sát. Tê-hê-ran cũng bày tỏ thiện chí bình thường hóa quan hệ với Mỹ và mới đây, đồng ý cùng Nhóm P5+1 ký Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của I-ran, được cộng đồng quốc tế đánh giá là bước đi tích cực cho an ninh, ổn định khu vực và quốc tế. Bởi vậy, những tuyên bố, hành động của chính quyền Đô-nan Trăm gia tăng trừng phạt I-ran thực chất là nhằm thực hiện mục tiêu bá quyền, buộc I-ran phải khuất phục Mỹ hoàn toàn. Điều mà các nhà lãnh đạo I-ran khẳng định, không bao giờ chấp nhận. Đây chính là “nút thắt” khó gỡ trong quan hệ Mỹ - I-ran hiện nay.

Tình hình Trung Đông đang được “hun nóng” bởi những tuyên bố và hành động trả đũa lẫn nhau của cả Mỹ và I-ran. Dư luận cảnh báo, chính sách thù địch, ngăn chặn của Mỹ đối với I-ran sẽ không giải quyết được vấn đề, chỉ làm cho tình hình “xấu đi”. Dư luận cũng yêu cầu các bên liên quan phải nhận thức đúng xu thế phát triển của thời đại, nguyện vọng chính đáng được chung sống hòa bình của người dân, từ đó cùng nhau thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận toàn diện về Chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran và lấy đó làm cơ sở để Mỹ và I-ran xóa bỏ bất đồng, tiến tới bình thường hóa quan hệ. Đây là cách làm có lợi duy nhất cho các bên, cho hòa bình, ổn định ở khu vực Trung Đông và thế giới.

ĐỨC MINH
________

1 - Gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...