Thứ Tư, 18/09/2024, 15:20 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Thời gian qua, liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, vũ khí hóa học ở Xy-ri, Mỹ đã có những động thái cứng rắn ở một số khu vực trọng yếu trên thế giới, như: Trung Á, Trung Đông - Bắc Phi, Đông Bắc Á, v.v. Điều đó làm cho quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc nói riêng càng thêm phức tạp, khó lường.
Khi lên cầm quyền, với khẩu hiệu nổi tiếng “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã tiến hành hàng loạt biện pháp quyết liệt về đối nội, đối ngoại, nhằm chấn hưng nền kinh tế vốn đang trì trệ; bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia ở các khu vực và trên thế giới. Đồng thời, xây dựng một trật tự thế giới do Mỹ là người giữ vai trò lãnh đạo. Trong chính sách an ninh và đối ngoại, hiện nay, Mỹ coi việc giải quyết mối quan hệ với hai cường quốc Nga và Trung Quốc là nhiệm vụ then chốt, có tầm quan trọng quyết định. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, nếu như các giải pháp đối nội mà Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm đề ra đã thu được kết quả nhất định thì trên lĩnh vực đối ngoại, việc Oa-sinh-tơn thực hiện chính sách quân sự cường quyền, nước lớn khiến cho quan hệ giữa Mỹ - Nga - Trung Quốc càng phức tạp.
Quan hệ Mỹ - Nga: chồng chất mâu thuẫn. Dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, quan hệ Mỹ - Nga đã luôn trong trạng thái “nóng”, “lạnh” thất thường. Đặc biệt, từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crưm hồi tháng 3-2014, Mỹ đã tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính hà khắc, khiến nước này gặp không ít khó khăn. Nhà Trắng cũng đẩy mạnh việc triển khai và kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở châu Âu, việc làm đã bị trì hoãn từ lâu do Nga phản đối gay gắt. Mỹ và Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng triển khai quân, bố trí vũ khí, khí tài chiến đấu xung quanh biên giới Nga; tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn để phô trương sức mạnh răn đe Nga, thậm chí trong chiến lược quân sự mới năm 2016, Mỹ đã coi Nga là “mối đe dọa tiềm tàng nguy hiểm nhất”, v.v. Những động thái mang tính thù địch này của Oa-sinh-tơn đã đẩy quan hệ Mỹ - Nga xuống tầng mức xấu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trong vận động tranh cử, khi đề cập đến quan hệ Mỹ - Nga, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chỉ trích chính sách bao vây, cấm vận của Chính quyền B. Ô-ba-ma đối với Nga là kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài lực của đất nước. Ông cũng cam kết nếu thắng cử sẽ thực hiện cách tiếp cận mới, kể cả xem xét xóa bỏ lệnh cấm vận, thiết lập lại quan hệ đối tác với Nga. Bởi vậy, sau khi ông Đô-nan Trăm đắc cử Tổng thống Mỹ, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga đã điện đàm trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng và “đều thể hiện mong muốn cùng làm việc một cách tích cực để ổn định và phát triển quan hệ hợp tác Nga - Mỹ”. Những cử chỉ “thân thiện” giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga mở ra hy vọng về một chương mới quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai cựu thù này.
Tuy nhiên, trong khi quan hệ hai nước chưa được hàn gắn, thì mới đây giữa Mỹ và Nga lại nảy sinh những mâu thuẫn mới. Đầu tháng 4-2017, viện cớ Tổng thống Xy-ri An Át-xát sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ bất ngờ dùng tên lửa tấn công căn cứ không quân Xây-rát của Xy-ri, gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Lãnh đạo Xy-ri, Nga và nhiều nước trong khu vực lên án cuộc tấn công này và coi đó là sự “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, “hành động nguy hiểm có thể khơi ngòi một cuộc chiến tranh khu vực”, v.v. Thêm vào đó, vừa qua, khi quan hệ giữa phương Tây với Nga căng thẳng, Lầu Năm Góc đã phối hợp với NATO tổ chức nhiều cuộc tập trận liên quân sát biên giới với Nga, thử nghiệm các vũ khí hạng nặng mà nhiều người cho là để “dằn mặt” Nga. Ngày 04-5-2017, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật kiểm soát đặc biệt đối với một số hải cảng quốc tế; trong đó có các cảng Vla-đi-vô-xtốc, Na-khốt-ca và Va-ni-nô của Nga, nhằm hạn chế thương mại của các nước với Triều Tiên, v.v. Nhiều chuyên gia nhận định, mâu thuẫn địa chính trị, địa chiến lược tiếp tục là “rào cản” trong quan hệ Mỹ - Nga. Họ cũng cho rằng, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đang chơi lá bài “hai mặt” đối với Nga. Một mặt, Mỹ chủ trương cải thiện quan hệ, tăng cường hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực an ninh toàn cầu, như: chống khủng bố, xử lý các xung đột, “điểm nóng”, v.v. Mặt khác, Mỹ cũng gia tăng các biện pháp quân sự răn đe, ngăn chặn, kiềm chế, không để Nga trở thành mối đe dọa “tiềm tàng” thách thức đến mưu đồ bá chủ thế giới của Mỹ. Bởi vậy, quan hệ Mỹ - Nga sẽ còn nhiều “thác ghềnh”.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc: tồn tại nhiều vấn đề “hóc búa”. Những năm gần đây, khi mà Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma thực hiện chiến lược “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” thì quan hệ Mỹ - Trung Quốc gặp rất nhiều “sóng gió”, gây lo ngại cho an ninh, ổn định ở khu vực và quốc tế. Trong giai đoạn vận động tranh cử, ứng viên Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chỉ trích Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại hai chiều, quân sự hóa Biển Đông, v.v. Ông cũng đưa ra chủ trương thực hiện một chính sách kiên quyết, cứng rắn hơn trong quan hệ với Bắc Kinh. Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc (07-4-2017) kể từ khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lên nắm quyền được đánh giá là sự kiện ngoại giao cực kỳ quan trọng để định hình mối quan hệ giữa hai nước. Theo đánh giá của quan chức hai nước, đàm phán đã đạt được “những kết quả thiết thực”. Trung Quốc đã cam kết một gói đầu tư có thể tạo ra trên 700 nghìn việc làm cho người dân Mỹ; đồng ý với “kế hoạch 100 ngày” đàm phán cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này. Đổi lại, Mỹ xem xét chưa tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả quan trọng nhất là hai nước nhất trí “mở rộng các lĩnh vực hợp tác, giải quyết những bất đồng dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau”. Đây được coi là khởi đầu tốt để hai nước tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, xây dựng mối quan hệ “đầm ấm” hơn trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, phân tích tổng thể, nhiều chuyên gia cho rằng, giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề “hóc búa” mà việc giải quyết nó không thể “một sớm, một chiều”. Trước tiên là vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nhằm giải quyết “ổn thỏa”. Song, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đối phó với Bình Nhưỡng đã bị Bắc Kinh phản đối quyết liệt, coi đây là nhân tố “đe dọa đến an ninh của Trung Quốc”. Thứ nữa, vấn đề thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đang ở mức kỷ lục (hơn 310 tỷ USD). Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chỉ trích Trung Quốc đang cố tình hạ giá đồng nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Do đó, kế hoạch 100 ngày đàm phán thương mại sẽ hứa hẹn là một cuộc “mặc cả” đầy cam go giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cùng với đó, vấn đề eo biển Đài Loan, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và một số nội dung khác đều là những vấn đề “nổi cộm”, tiềm ẩn gây “sóng gió” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Nhiều chiến lược gia của Mỹ cho rằng, trong quan hệ các nước lớn, quan hệ Mỹ - Trung Quốc là khó khăn nhất. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh cần phải kiềm chế, ngăn chặn, nhưng Mỹ cũng cần Trung Quốc như một đối tác không thể thiếu cho sự phát triển. Theo các thống kê quốc tế, tỷ trọng thương mại hai chiều giữa hai nước luôn ở mức hàng đầu thế giới và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi nước. Trung Quốc hiện cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Những năm qua, thành công trong chiến lược “Trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đã trở thành cường quốc có vai trò và ảnh hưởng ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với những va chạm lợi ích địa chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ là thực tế không thể tránh khỏi và ngày càng gay gắt, phức tạp hơn. Bởi vậy, quan niệm “đối thủ” và “đối tác” đan xen chằng chéo là đặc trưng nổi bật nhất trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc mà lãnh đạo hai nước này phải “đau đầu” tính toán, giải quyết trong thời kỳ thế giới toàn cầu hóa.
Quan hệ Nga - Trung Quốc: tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Nga và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có bề dày quan hệ hợp tác hữu nghị trong chiến tranh ái quốc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Những năm gần đây, khi mà “sức ép” của Mỹ và phương Tây ngày càng tăng, cả Nga và Trung Quốc đều coi việc tăng cường mở rộng, nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược giữa Nga - Trung Quốc đã và đang phát triển cả bề rộng và chiều sâu; trên bình diện song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, quân sự, v.v. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đã tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,73 tỷ USD. Hai nước cũng đã ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, như: dầu khí, điện tử, năng lượng hạt nhân, hàng không, văn hóa, giáo dục, v.v. Thông qua các cơ chế hợp tác khu vực, quốc tế, như: Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),... hai nước cũng ủng hộ quan điểm của nhau trong giải quyết những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; tăng cường, mở rộng hợp tác về an ninh, quốc phòng, quân sự, nhất là tổ chức các cuộc tập trận chung để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, xuất nhập khẩu vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, v.v. Thời gian tới, hai nước có nhiều dự án hợp tác được đánh giá là có giá trị khổng lồ trên các lĩnh vực trọng yếu. Vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận định mối quan hệ Nga - Trung Quốc đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong cả lịch sử quan hệ hai nước và có thể được coi là một ví dụ điển hình cho mối quan hệ giữa các nước lớn. Tuy nhiên, lãnh đạo Nga, Trung Quốc đều khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc dựa trên nguyên tắc chung sống hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với mục tiêu chính trị, lợi ích quốc gia của mỗi nước. Quan hệ Nga - Trung Quốc kiên quyết không hình thành liên minh quân sự, không nhằm để chống nước thứ ba, nhất là không để đối đầu với Mỹ. Đây được coi là nền tảng chiến lược để quan hệ Nga - Trung Quốc phát triển bền vững.
Dư luận kỳ vọng, Mỹ, Nga, Trung Quốc đều là các cường quốc có vai trò quan trọng trên trường quốc tế; cần tăng cường hợp tác trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nêu cao nghĩa vụ, trách nhiệm của nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng nhau đấu tranh, ngăn chặn các thách thức, nguy cơ, xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
ĐỨC MINH
tam giác quan hệ,Mỹ-Nga-Trung Quốc,phức tạp khó lường
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương