Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 20/02/2017, 08:53 (GMT+7)
Những chuyển động đa chiều trong cấu trúc an ninh khu vực Trung Đông

Dưới tác động của nhiều biến cố trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu, đã có những chuyển động đa chiều trong cấu trúc an ninh trên từng khu vực. Trong đó, khu vực Trung Đông không phải là ngoại lệ, song đích đến của nó lại rất khó xác định, nhất là trong một trật tự đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất định.

Chuyển động đa chiều trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông

Khi nói tới tiến trình hòa bình ở Trung Đông, trước hết, cần đề cập tới quan hệ giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Mối quan hệ này từ trước tới nay luôn chịu sự chi phối của Mỹ - đồng minh chiến lược của I-xra-en. Xuất phát từ chiến lược toàn cầu và quan hệ của Mỹ ở Trung Đông với các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, đã hình thành những chuyển động đa chiều đối với tiến trình hòa bình này. Biểu hiện rõ nhất khi lần đầu tiên, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết công nhận Pa-le-xtin là “Nhà nước quan sát viên phi thành viên” và lên án hành động xây dựng trái phép các khu định cư cho người Do Thái trên lãnh thổ của Pa-le-xtin.

Sau nhiều năm đấu tranh bền bỉ, ngày 29-11-2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Pa-le-xtin từ một thực thể quan sát thành “Nhà nước quan sát viên phi thành viên” và công nhận Pa-le-xtin là một nhà nước có đường biên giới trước năm 1967 với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem. Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết nối lại các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông bị đình trệ từ tháng 9-2010. Nghị quyết này là một thành công ngoại giao mang tính lịch sử, là bước đi quan trọng trên con đường tìm kiếm độc lập cho Pa-le-xtin. Thế nhưng, trên một hướng chuyển động trái chiều, bất chấp sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, Mỹ và I-xra-en vẫn đồng thanh lên tiếng chỉ trích. Ngoại trưởng Mỹ (lúc bấy giờ), bà Hi-la-ri Clin-tơn đã coi cuộc bỏ phiếu này là một hành động “không thích hợp và phản tác dụng”, có thể gây trở ngại cho con đường tiến tới hòa bình. Thủ tướng I-xra-en Be-gia-min Nê-ta-nia-hu cũng lên tiếng phản đối và khẳng định: “Những nỗ lực của Pa-le-xtin tại Liên hợp quốc sẽ không giúp thúc đẩy hình thành nhà nước Pa-le-xtin trong tương lai”; “một nhà nước Pa-le-xtin sẽ không được thành lập nếu không có sự công nhận I-xra-en là một nhà nước của người Do Thái”.

Bất chấp những phản ứng trái chiều đó, ngày 23-12-2016, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu về tiến trình hòa bình ở Trung Đông và đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2334, phản đối hành động của I-xra-en xây dựng các khu định cư trên vùng đất chiếm đóng của người Pa-le-xtin sau cuộc Chiến tranh sáu ngày, năm 1967. Đồng thời, khẳng định hành động của I-xra-en là sự “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, “không có giá trị pháp lý” và yêu cầu dừng ngay lập tức mọi hoạt động trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của Pa-le-xtin, trong đó có khu vực Đông Giê-ru-xa-lem. Trong cuộc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 2334, Mỹ đã bỏ phiếu trắng. Đây là sự kiện hy hữu và khá bất ngờ trong quan hệ Mỹ - I-xra-en.

Tuy nhiên, tiến trình hòa bình ở Trung Đông vừa lóe lên tia hy vọng đã bị phủ bóng mây u ám khi Tổng thống Mỹ đắc cử Đô-nan Trăm bất ngờ tỏ thái độ hoàn toàn khác với chính quyền Mỹ đang tại nhiệm. Vị Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ phản đối Nghị quyết 2334, ủng hộ hoạt động xây dựng các khu định cư của I-xra-en; đồng thời, khẳng định sẽ chuyển cơ quan Đại sứ Mỹ ở I-xra-en từ Ten A-víp đến Giê-ru-xa-lem và đề cử ông Đa-vít Phơ-rít-man (người cùng quan điểm với ông) làm Đại sứ mới của Mỹ ở nước này. Ngay lập tức, Đại sứ I-xra-en ở Mỹ - ông Rôn Đơ-mơ tuyên bố ủng hộ chủ trương của Đô-nan Trăm và cho rằng đây là “một bước đi vĩ đại hướng tới hòa bình”. Trong khi đó, quan chức ngoại giao cấp cao của Pa-le-xtin, ông Xa-ép Ê-rê-cát cảnh báo động thái này sẽ “hủy hoại toàn bộ tiến trình hòa bình Trung Đông” mà Mỹ đã từng nỗ lực đóng vai trò trung gian, bởi đại đa số các nước thành viên Liên hợp quốc không công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en. Từ những chuyển động trên cho thấy, những bất đồng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Hội nghị hòa bình Pa-ri thúc đẩy nối lại đàm phán giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Chính trường Li-bi dưới tác động của chuyển động đa chiều

Kể từ khi Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cuộc chiến tranh ở Li-bi, tiêu diệt nhà lãnh đạo Ca-đa-phi cho đến nay, quốc gia này vẫn lâm vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh “Fox News”, Tổng thống Mỹ vừa mãn nhiệm B. Ô-ba-ma thừa nhận, chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và NATO vào Li-bi năm 2011 đã dẫn tới kết cục thảm họa đối với quốc gia này. Trước khi khủng hoảng xảy ra, Li-bi từng một thời thịnh vượng, thì nay lại rơi vào tình trạng hỗn loạn khó có thể kiểm soát, với liên tục các vụ bạo lực đẫm máu giữa các phe phái đối lập để tranh giành quyền lực.

Để khắc phục sai lầm này, tháng 8-2016, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (lúc đó) đã phát động chiến dịch quân sự mới ở Li-bi nhằm vãn hồi trật tự. Trong bối cảnh hệ thống quyền lực của Li-bi đang bị chia năm sẻ bảy, thì một cuộc can thiệp không thể giúp quốc gia này ổn định trong một sớm, một chiều. Trong một diễn biến khác, tướng Kha-li-pha Háp-ta, người đứng đầu lực lượng quân đội ủng hộ chính phủ ở miền Đông Li-bi, tuyên bố đã chính thức đề nghị Nga giúp đỡ Li-bi về vũ khí và nhân lực để tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, như cách mà Mát-xcơ-va đang tiến hành ở Xy-ri. Về phía Nga, cũng đang có xu hướng trở lại Li-bi khi ký một hợp đồng cung cấp cho Ngân hàng Trung ương nước này khoảng 4 tỷ đi-na - tiền Li-bi (trị giá 2,8 tỷ USD). Với những diễn biến đa chiều như vậy, Li-bi chưa thể sớm trở lại trạng thái ổn định lâu dài và những gì mà “Mùa xuân A-rập” mang lại cho quốc gia này chỉ toàn là trái đắng.

Chuyển động đa chiều đối với cuộc chiến ở Xy-ri

Cuộc chiến chống khủng bố kéo dài gần 6 năm ở Xy-ri đã có chuyển biến bước ngoặt khi Quân đội Xy-ri dưới sự trợ giúp của Nga, đã mở nhiều cuộc tiến công vào các tổ chức khủng bố, giành thắng lợi quan trọng, giải phóng thành phố chiến lược A-lép-pô. Trong khi đó, chủ trương của Mỹ sử dụng “các lực lượng đối lập” tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác” nhằm lật đổ Tổng thống Xy-ri An Át-xát đã thất bại.

Sau thắng lợi ở A-lép-pô, tam giác quan hệ Nga - I-ran - Thổ Nhĩ Kỳ hình thành, không chỉ làm xoay chuyển tình hình ở Xy-ri mà còn đối với cả khu vực Trung Đông. Ngày 20-12-2016, ngoại trưởng 03 nước (Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ) tham dự hội nghị ba bên ở Mát-xcơ-va nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Xy-ri. Ba bên nhất trí thông qua Tuyên bố chung, gồm tám điểm: (1). Tiếp tục khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri với tư cách một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, dân chủ và thế tục; (2). Không áp dụng bất cứ giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Xy-ri; thừa nhận vai trò chủ chốt của Liên hợp quốc trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng này; (3). Ủng hộ nỗ lực chung ở khu vực Đông A-lép-pô để người dân tự nguyện sơ tán và quân nổi dậy vũ trang ra đi có trật tự; (4). Khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng ngừng bắn, cứu trợ nhân đạo không bị cản trở và quyền tự do đi lại của người dân trên toàn lãnh thổ Xy-ri; (5). Sẵn sàng ủng hộ và bảo trợ cho một thỏa thuận giữa chính phủ Xy-ri và phe đối lập, và kêu gọi các nước khác ủng hộ thỏa thuận này; (6). Thúc đẩy nối lại tiến trình chính trị ở Xy-ri; (7). Ghi nhận lời đề nghị của Tổng thống Ca-dắc-xtan về tổ chức các hội nghị có liên quan ở A-xta-na; (8). Quyết tâm phối hợp đấu tranh chống các tổ chức khủng bố. Cùng với đó, hội nghị bộ trưởng quốc phòng của 03 nước cũng được tổ chức ở Mát-xcơ-va. Sau hội nghị này, một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Xy-ri đã được thiết lập từ ngày 30-12-2016 đến nay, về cơ bản vẫn đang được duy trì.

Cùng với đó, kết quả bầu cử tổng thống lần thứ 45 ở Mỹ đã tạo thêm cơ hội để hóa giải cuộc chiến ở Xy-ri. Theo đó, Tổng thống đắc cử Đô-nan Trăm trong chiến dịch tranh cử đã từng nói rằng, IS là sản phẩm từ chính sách sai lầm của Mỹ ở Trung Đông. Vì thế, ông tuyên bố sẽ tham gia liên minh quân sự với Nga và nhà nước Xy-ri để chống IS. Với những chuyển động đó, hy vọng trong năm 2017, cuộc khủng hoảng Xy-ri sẽ bước sang giai đoạn mới, được hóa giải bằng giải pháp chính trị, theo lộ trình ba bước đã được xác định: thành lập chính phủ liên hợp; sửa đổi hiến pháp; tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội ở Xy-ri.

Về vấn đề hạt nhân của I-ran

Theo giới phân tích quốc tế, năm 2016 được coi là năm bản lề thực hiện Thỏa thuận lịch sử của Nhóm P5+11 với I-ran về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Theo đó, thành quả quan trọng nhất của tiến trình thực hiện thỏa thuận là I-ran đã thuyết phục được quốc tế công nhận quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự. Trong khi đó, Nhóm P5+1 tin rằng, họ đã ngăn chặn tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của Tê-hê-ran và trên thực tế I-ran đã từng bước giảm các kho u-ra-ni, vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân nước nặng A-rắc; đồng thời, cho phép Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, dưới tác động của các chuyển động đa chiều, những gì diễn ra trong năm 2016 chứng tỏ, thỏa thuận đó đang đối mặt với những thách thức, rào cản khó có thể vượt qua. Mặc dù thỏa thuận đã bước sang năm thứ 2, nhưng đa số các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ chống I-ran vẫn được duy trì. Thậm chí, cam kết của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran có thể tạo ra hàng tỷ USD đổ vào nền kinh tế nước này đã không diễn ra như mong đợi. Hơn nữa, giữa Mỹ và I-ran vẫn còn những bất đồng khác liên quan tới vấn đề nhân quyền, chương trình tên lửa đạn đạo và khủng bố. Điều đó khiến Tê-hê-ran có lý do để khiếu nại về tính hợp pháp trong các quyết định của Oa-sinh-tơn. Đặc biệt là, những người theo đường lối cực đoan ở I-ran đã tiến hành các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo, điều mà Oa-sinh-tơn kiên quyết phản đối. Đó là chưa kể đến việc Tổng thống Mỹ đắc cử Đô-nan Trăm tuyên bố sẽ thương lượng lại nội dung thỏa thuận của Nhóm P5+1 với I-ran.

Trong khi nội bộ Mỹ vẫn còn có những chuyển động trái chiều đối với I-ran thì Nga và Trung Quốc đang ráo riết tăng cường ảnh hưởng đối với quốc gia này. Điều này được thể hiện rõ nét khi Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga dẫn dắt vừa bật đèn xanh cho việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với I-ran. Còn Trung Quốc, từ lâu đã có chiến lược đầu tư vào I-ran, mà “khai hỏa” là dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD đã hoàn tất thỏa thuận trong năm 2016. Như vậy, thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Tê-hê-ran như một cú huých để các tập đoàn kinh tế của Bắc Kinh thực hiện chiến lược này.

Trước tác động từ những chuyển động đa chiều, tình hình Trung Đông trong năm 2017 sẽ tiếp tục là bức tranh với nhiều mảnh ghép “sáng”, “tối” đan xen. Trong đó, mảnh ghép “sáng” nhất có thể hy vọng là cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri về cơ bản sẽ kết thúc, mở đầu một tiến trình chính trị có thể đem lại hòa bình cho quốc gia này và có tác động tích cực tới không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Đại tá LÊ THẾ MẪU
__________

1 - Gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...