Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 27/10/2014, 11:25 (GMT+7)
Những chuyển dịch quan trọng trong cục diện địa - chính trị Đông Á hiện nay

Với đặc điểm địa lý, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Đông Á đang là khu vực có sức sống năng động nhất thế giới hiện nay. Đồng thời, đó còn là khu vực có nhiều mâu thuẫn đan xen cùng các tiềm ẩn về nguy cơ xung đột. Vì thế, nghiên cứu về sự chuyển dịch địa - chính trị khu vực Đông Á đang là mối quan tâm của quốc tế. 

Những năm gần đây, dưới tác động của nhiều nhân tố, cả ở bên trong và bên ngoài, sự cạnh tranh, tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các nước Đông Á ngày càng gia tăng, gay gắt. Trong đó, vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Hoa Đông, Biển Đông cùng các thách thức an ninh phi truyền thống, như: an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia,… đã, đang có tác động mạnh mẽ làm chuyển dịch cục diện địa - chính trị khu vực.

Trung Quốc - quốc gia chiếm ưu thế vượt trội ở khu vực đang vươn lên giành vị thế cường quốc thế giới

Theo mục tiêu chiến lược đề ra tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến năm 2020, Bắc Kinh sẽ tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 4 lần so với năm 2000; đồng thời, xây dựng Quân đội theo tiêu chuẩn hiện đại nhất, mà theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: đó là đội quân “khi cần sẽ có mặt, xuất binh là có thể chiến đấu, chiến đấu là chiến thắng”. Đây là sự phát triển tư duy về Quân đội Trung Quốc để “sẵn sàng giành chiến thắng trong cuộc chiến cục bộ công nghệ cao” kể từ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh Péc-xích năm 1991. Đặc biệt gần đây, Trung Quốc bắt đầu có các động thái cứng rắn đối với các nước trong khu vực, như: đơn phương thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” trên Biển Hoa Đông, trong đó bao hàm cả quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản (năm 2013); ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (tháng 5-2014); tái tuyên bố chủ quyền về “đường lưỡi bò” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, v.v. Đây được coi là một trong những chuyển dịch địa - chính trị lớn nhất, có tác động sâu sắc, toàn diện nhất tới toàn khu vực và thế giới.

Cùng với đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga cũng có những chuyển dịch quan trọng, tác động không nhỏ đến cục diện khu vực. Điều đó được thể hiện rõ nét khi Nga trở thành quốc gia số một mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn trong chuyến công du đối ngoại đầu tiên sau khi nhậm chức vào năm 2013. Theo giới quan sát, chuyến thăm nhằm đạt 3 mục tiêu chủ yếu: (1) củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Nga để ngăn chặn và kiềm chế trục Mỹ - Nhật Bản; (2) thảo luận vấn đề hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; (3) tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ đối đầu giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) với Nga đang diễn ra quyết liệt do liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị ở U-crai-na thì quan hệ Trung Quốc - Nga đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất, nhằm tạo sự đối trọng với Mỹ và EU trong trật tự thế giới mới đang hình thành. Đặc biệt, tháng 4-2014, với thỏa thuận về năng lượng trị giá 400 tỷ USD được ký giữa hai nước, Nga đã ghi dấu ảnh hưởng đáng kể của mình đối với khu vực Đông Á. Như vậy, cùng với quan hệ với các nước lớn khác, sự dịch chuyển trong quan hệ Trung Quốc - Nga đã có tác động lớn tới cục diện khu vực trên cả ba phương diện: an ninh, kinh tế và chính trị. Đồng thời, mở ra cơ hội để Nga phát triển khu vực Viễn Đông và Đông Xê-bê-ri đầy tiềm năng và dần trở thành cầu nối không gian kinh tế thống nhất Á - Âu theo ý đồ chiến lược hướng tới Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) của Nga.

Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu tới CA-TBD

Mặc dù không thuộc khu vực Đông Á, nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn là một bên tham gia chính trong khu vực. Với những lợi ích cốt lõi của mình ở khu vực, Mỹ nhận thấy, có trách nhiệm tái cân bằng cán cân chiến lược để duy trì vị thế đã được xác lập trước đây nhưng nay đang bị mai một tại khu vực CA-TBD. Đầu năm 2011, Mỹ tuyên bố điều chỉnh trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực CA-TBD, trong đó có Đông Á, nhằm nhiều mục đích. Thứ nhất, tăng cường các quan hệ liên minh với các nước trong khu vực, trước hết là với hai đồng minh ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ hai, tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực để tái lập cân bằng cán cân chiến lược tại CA-TBD nói chung và tại Đông Á nói riêng đang bị đe dọa do sự trỗi dậy với các động thái cứng rắn ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thứ ba, khai thác tiềm năng của khu vực Đông Á nói riêng, khu vực CA-TBD nói chung phục vụ sự phát triển của Mỹ, mà Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một điển hình đang được Oa-sinh-tơn xúc tiến. Việc tăng cường can dự của Mỹ vào khu vực còn được thể hiện trong chuyến thăm hồi tháng 4 vừa qua của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tới một số nước khu vực CA-TBD. Trong đó, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Xên-ca-cư/Điếu Ngư và tuyên bố tăng cường liên minh quân sự với Phi-líp-pin. Đây là một trong những trọng tâm của sự chuyển dịch trong cục diện địa - chính trị Đông Á, buộc nhiều nước phải điều chỉnh chiến lược của họ.

Sự điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật Bản

Ngày 01-7-2014, nội các Nhật Bản đã chính thức thông qua việc diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp hòa bình của nước này. Theo đó, thay vì chỉ phòng vệ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như quy định trước đây, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được quyền tham gia sứ mệnh phòng thủ tập thể bên ngoài lãnh thổ. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật Bản, nhằm đưa nước này trở thành một “quốc gia bình thường” trên thế giới.

Theo Thủ tướng Xin-dô A-bê, cùng với diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp, nước này đã xây dựng 4 phương án để thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Phương án 1: sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ. Phương án 2: triển khai Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) khi các tàu của đồng minh bị tấn công ở các vùng biển xa. Phương án 3: sử dụng các Lực lượng phòng vệ (JSF) để thực hiện một cuộc phản công nếu một Bộ chỉ huy liên quân có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia khác tấn công ở lãnh thổ nước ngoài. Phương án 4: sử dụng lực lượng quân sự để loại bỏ những trở ngại đối với nước này trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bốn phương án trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ cũng như bảo đảm lợi ích an ninh của Nhật Bản. Như vậy, theo cách giải thích này, Nhật Bản vẫn tuân thủ chủ trương phòng vệ chứ không phải tiến công, kể cả khi phải đối phó với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp liên quan tới quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản còn ngỏ ý tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực, như: Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Phi-li-pin và các nước ASEAN khác, nhằm tạo một hệ thống an ninh mới có thể đối phó với mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Đây cũng là một trong sự dịch chuyển mới, đáng chú ý trong cục diện địa - chính trị Đông Á hiện nay.

Cuộc chạy đua vũ trang khác thường Đông Á

Kể từ đầu thế kỷ XX tới đầu thế kỷ XXI, thế giới từng chứng kiến nhiều cuộc chạy đua vũ trang nối tiếp nhau trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng khu vực. Trong đó, cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á trong những năm gần đây đã thể hiện các mâu thuẫn đan xen cực kỳ phức tạp giữa các nước và nhóm nước với nhau. Đó là mâu thuẫn ý thức hệ giữa một bên là Trung Quốc và Triều Tiên với bên kia là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc; mâu thuẫn địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ, giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc; giữa Nga với Mỹ; giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, v.v.

Từ phức hợp các mâu thuẫn đó đã đưa Đông Á trở thành khu vực có các mối quan hệ liên minh và đối tác rất phức tạp. Trong khi Mỹ có cả hệ thống liên minh quân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác ở châu Á, thì Trung Quốc chỉ có quan hệ liên minh với Triều Tiên và quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Trong khi Triều Tiên mâu thuẫn đối kháng với Hàn Quốc và Nhật Bản, thì Trung Quốc tuy là liên minh với Triều Tiên nhưng lại thiết lập quan hệ kinh tế và thị trường gắn bó với Hàn Quốc và Nhật Bản. Thậm chí, ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã quyết định thanh toán thương mại song phương bằng đồng nội tệ mà không cần thông qua vai trò trung gian của đồng USD Mỹ. Tuy nhiên, sự hợp tác này đang bị lung lay bởi tác động của các cuộc tranh chấp lãnh thổ bùng phát gay gắt trong mấy năm gần đây giữa Trung Quốc với Nhật Bản và giữa Nhật Bản với Hàn Quốc.

Tất cả những vấn đề trên đã làm cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á có tính khác thường về nội dung trên cả hai lĩnh vực: vũ khí hạt nhân (VKHN) và vũ khí thông thường. Trong lĩnh vực VKHN, nếu Triều Tiên chủ trương phát triển loại vũ khí này và coi đó là công cụ răn đe mọi sự can thiệp vào đất nước họ, thì Nhật Bản và Hàn Quốc lại cam kết không phát triển VKHN và buộc phải chấp nhận núp dưới “ô an ninh” của Mỹ. Vì thế, để có thể tiến tới phi hạt nhân hóa bản đảo Triều Tiên, trước hết, Mỹ và Triều Tiên phải ký kết một Hiệp ước hòa bình; trong đó, cam kết không tấn công lẫn nhau, nếu không thì mọi biện pháp cấm vận để ngăn chặn nỗ lực của Triều Tiên phát triển VKHN sẽ khó mang lại kết quả. Còn Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển “bộ ba chiến lược” của họ (gồm tên lửa hạt nhân xuyên lục địa, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân) và chưa tham gia hiệp ước cắt giảm VKHN với lý do nước này chưa đạt được sự cân bằng hạt nhân chiến lược với Mỹ và Nga. Trong khi đó, Mỹ tuy đã ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược với Nga nhưng lại đang ráo riết xây dựng lá chắn tên lửa ở Đông Á, châu Âu và Trung Đông để giành ưu thế hạt nhân chiến lược đối với Trung Quốc và Nga. Các động thái trên đã, đang tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm giải pháp hướng tới một thế giới không có VKHN.

Trong lĩnh vực vũ khí thông thường, các bên đều chú trọng hiện đại hóa hải quân và không quân - xu hướng tất yếu trong một khu vực mà tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài ra, các bên đặc biệt chú ý phát triển vũ khí tiến công mạng thông tin, nhằm: đánh cắp bí mật quân sự và công nghệ của nước khác (trong thời bình); làm tê liệt các cơ quan chỉ huy đầu não của đối phương (khi chiến tranh xảy ra). Đây là hiện tượng rất mới trong cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á. Với tính chất khác thường này, giới quân sự trên thế giới dự báo, Đông Á sẽ là một trong những “điểm nóng” có thể châm ngòi cho các cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ XXI.

MINH HOÀNG

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...