Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 19/02/2019, 08:21 (GMT+7)
Những chuyển dịch địa chính trị ở khu vực Đông Á và tác động tới an ninh khu vực

Cục diện địa chính trị trên phạm vi toàn cầu đang trải qua những chuyển dịch chưa từng có và chịu sự chi phối của sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Trong đó, Đông Á - khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay cũng đồng thời là khu vực có nhiều mâu thuẫn đan xen cùng các nguy cơ xung đột tiềm ẩn - là một trong những tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU, Ấn Độ và Nhật Bản, đã và đang tạo ra những thay đổi lớn đối với an ninh trong khu vực.

Đông Á - tâm điểm cạnh tranh giữa ba trật tự thế giới mới

Đông Á là nơi hiện diện và cạnh tranh quyết liệt của các cường quốc hàng đầu thế giới, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và khối EU và sẽ định hình chu kỳ thứ tư của sự phát triển kinh tế thế giới. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới theo ba xu hướng khác nhau về bản chất. Tổng thống Đô-nan Trăm chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới mà trong đó Hoa Kỳ sẽ từ bỏ vai trò “cảnh sát toàn cầu” để đóng vai trò “quan tòa của thế giới”, định đoạt mọi điều ước quốc tế theo điều kiện của Oa-sinh-tơn. Còn Trung Quốc chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh” thông qua nhiều kế hoạch chiến lược, trong đó then chốt là sáng kiến “Vành đai và Con đường” và kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Về phía Nga, Tổng thống V. Pu-tin chủ trương xây dựng một trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều cần được tôn trọng và lắng nghe như nhau. Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm từng nhận định rằng, các đời tổng thống Mỹ trước đây đã không sớm nhận ra Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về kinh tế, còn Nga đứng đầu thế giới về quân sự. Vì thế, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm coi Trung Quốc và Nga là “đối tác cạnh tranh toàn diện”.

Biển Đông: tâm điểm cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung

Cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh hai trụ cột chính là kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và đề án chiến lược “Vành đai và Con đường”. Hai trụ cột này đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát 80% thị trường hàng hóa công nghệ cao toàn cầu trong tương lai không xa. Vì thế, chính giới thuộc hai đảng cầm quyền ở Mỹ là Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất quan điểm cho rằng “Vành đai và Con đường” và “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” là hai trụ cột của trật tự thế giới mà Trung Quốc chủ trương xây dựng. Để xây dựng hai trụ cột này, Trung Quốc đã hoạch định chiến lược nhằm đưa Trung Quốc phát triển thành cường quốc biển và đại dương trên cơ sở một định đề của học thuyết địa chính trị ở Anh trong thế kỷ XIX: “Quốc gia nào làm chủ được đại dương thế giới sẽ kiểm soát thương mại toàn cầu. Quốc gia nào kiểm soát được thương mại toàn cầu sẽ kiểm soát kinh tế thế giới và do đó cũng bá chủ thế giới”. Thực hiện chiến lược biển, từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu tiến hành nhiều biện pháp nhằm độc chiếm Biển Đông, trong đó đáng chú ý nhất là từ năm 2013, họ ráo riết cải tạo và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông - điểm khởi đầu “con đường tơ lụa trên biển” trong đề án chiến lược “Vành đai và Con đường”. Chỉ sau 5 năm, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo và đang tăng cường củng cố các cơ sở quân sự tại Biển Đông, biến các đảo nhân tạo thành các “tàu sân bay vĩnh cửu” nhằm kiểm soát tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược đối với dòng thương mại toàn cầu trị giá tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm luân chuyển qua đây.

Để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, Đạo luật ủy quyền quốc phòng của Mỹ trong năm tài khóa 2018 - 2019 được Tổng thống Đô-nan Trăm phê chuẩn ngày 15-5-2018 xác định nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển này. Đồng thời, Mỹ hối thúc các nước đồng minh tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông. Theo đó, một số quốc gia đồng minh của Mỹ, nhất là Anh và Pháp đã có kế hoạch hành động cùng với Mỹ ngăn chặn hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Đáng chú ý là, Mỹ cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Ô-xtrây-lia hình thành “tứ giác kim cương” để hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Oa-sinh-tơn, nhằm khống chế tham vọng của Trung Quốc trong đề án chiến lược “Vành đai và Con đường”.

Để giảm áp lực từ phía Mỹ, Trung Quốc chấp nhận cùng với các nước Đông Nam Á xúc tiến đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Bắc Kinh trước đây luôn tìm cách trì hoãn (cuộc đàm phán đầu tiên về COC sẽ diễn ra tại Mi-an-ma trong quý 1 - 2019). Tuy nhiên, Trung Quốc đưa vào COC nhiều nội dung, như: cấm các quốc gia bên ngoài Biển Đông tập trận quân sự ở vùng biển này; hạn chế các hãng dầu khí nước ngoài hoạt động thăm dò và khai thác ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước ASEAN sẽ không thể chấp nhận điều kiện của Trung Quốc nên các cuộc đàm phán về COC còn là một quá trình bất định.

Cũng cần phải nói thêm rằng, thời gian qua, hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông phần nào làm lu mờ tranh chấp của họ với Nhật Bản đối với nhóm đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Tô-ky-ô gọi là Xen-ca-kư. Tuy nhiên, Nhật Bản không chỉ lo ngại trước tham vọng của Trung Quốc chiếm đoạt Xen-ca-kư, mà hơn thế nữa là hoạt động của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia, trước hết là an ninh kinh tế của Nhật Bản (do các tuyến đường biển vận chuyển năng lượng và thương mại của Nhật Bản với thế giới chủ yếu đi qua Biển Đông). Vì vậy, năm 2018, Nhật Bản đã gia tăng ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa quân đội, trước hết là hải quân, sẵn sàng vô hiệu hóa thách thức an ninh từ Trung Quốc.

Cạnh tranh Nga - Nhật liên quan tới quần đảo Ku-rin

Trong bối cảnh cục diện thế giới và Đông Á đang thay đổi nhanh chóng, Nga và Nhật Bản rất cần giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Ku-rin (hiện đang thuộc chủ quyền của Nga). Năm 2016, trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga V. Pu-tin, lãnh đạo hai nước nhất trí khởi động các cuộc tham vấn về một cơ chế hoạt động kinh tế chung trên quần đảo Ku-rin và đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán dựa trên cơ sở Tuyên bố chung Xô - Nhật năm 1956. Theo đó, sau khi hai bên ký kết Hiệp ước hòa bình, Liên Xô sẽ trao trả cho Nhật Bản đảo Ha-bô-mai và Xi-cô-tan. Vấn đề tranh cãi hiện nay là sẽ ký kết Hiệp ước hòa bình trước và giải quyết vấn đề chủ quyền sau hay là ngược lại.

Theo Tổng thống V. Pu-tin, Nga và Nhật Bản sẽ sớm ký kết Hiệp ước hòa bình mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Chỉ sau đó, hai bên sẽ đàm phán về yêu cầu của Nhật Bản được Nga trao trả 2 trong số 4 hòn đảo trong quần đảo Ku-rin. Điều Mát-xcơ-va lo ngại nhất là, sau khi trao trả, những hòn đảo đó sẽ biến thành căn cứ quân sự của Mỹ, đe dọa an ninh của Nga ở Viễn Đông. Để xóa bỏ sự hoài nghi này, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-be đã từng cam kết việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nga. Tuy nhiên, Nga đã có bài học nhãn tiền là Mỹ từng cam kết sẽ không mở rộng NATO nếu Liên Xô đồng ý dỡ bỏ bức tường Bec-lin và thống nhất nước Đức, nhưng sau đó NATO đã không chỉ kết nạp thêm nhiều thành viên mới mà còn đưa căn cứ quân sự tiến sát biên giới Nga.

Chuyển dịch địa chính trị chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên

Năm 2018, thế giới còn chứng kiến sự chuyển dịch địa chính trị chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên, trong đó hai miền Triều Tiên cũng như Mỹ và Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình lâu dài. Cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã mở ra một chương hoàn toàn mới trong quan hệ hai nước. Dự kiến trong năm 2019, các cuộc đàm phán giữa Oa-sinh-tơn và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục và có thể tạo thêm bước tiến mới trong tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Trong thông điệp năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Mun Giây-in cam kết tiến trình hướng tới hòa bình sẽ không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên. Trong diễn văn chào năm mới 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố sẵn sàng tiến hành cuộc đàm phán thứ 2 với Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Hi vọng, trong năm 2019 sẽ có những chuyển biến mới tích cực theo hướng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ liên Triều sẽ có bước cải thiện mới đáng kể.

Nga, EU và Ấn Độ đều điều chỉnh chiến lược hướng tới Đông Á

Trong bối cảnh châu Á nói chung, Đông Á nói riêng đang nổi lên như một tâm điểm cạnh tranh địa chính trị của thế giới, các cường quốc Nga, Ấn Độ và khối EU đều có chiến lược hướng tới Đông Á. Theo đó, Nga đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Phương Đông - nơi được coi là “Diễn đàn Đa-vôt của Nga” để phát triển khu vực Viễn Đông giàu tiềm năng. Năm 2018, Nga nâng cấp quan hệ Nga - ASEAN từ đối tác thành đối tác chiến lược. Nga cũng là quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp với cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Ấn Độ điều chỉnh Chiến lược hướng Đông thành Hành động hướng Đông, nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh với các nước Đông Á. Năm 2018, EU triển khai chiến lược kết nối châu Á như một đối trọng với đề án chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang tạo ra cục diện hoàn toàn mới ở Đông Á, trong đó ẩn chứa nhiều yếu tố bất định và rất khó dự đoán. Lý do bởi, khác với châu Âu - nơi có các thể chế an ninh đa phương đã từng tồn tại nhiều thập kỷ, như: NATO, Tổ chức an ninh hợp tác châu Âu, Tổ chức hợp tác an ninh tập thể,… thì ở châu Á nói chung và Đông Á nói riêng, chưa có khuôn khổ cho một cấu trúc an ninh chung. Hơn nữa, lẽ ra cần tập trung lực lượng các đồng minh truyền thống và các đối tác mới vào mục tiêu đối phó với “kẻ thù số 1 của Mỹ” là Trung Quốc, thì Tổng thống Đô-nan Trăm lại có những quyết định khiến các đồng minh cảm thấy như thể bị Oa-sinh-tơn xa lánh, như: rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên chiến thương mại với cả các đồng minh then chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lại bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Xy-ri và bỏ mặc các đồng minh phải đối mặt với cuộc chiến chống khủng bố, cũng khiến các đồng minh ở Đông Á phải đặt dấu hỏi nghi vấn. Trong điều kiện đó, các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ đều phải cân nhắc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Với cục diện chính trị bất ổn và bất định như vậy, ASEAN hiện đang nổi lên như là trung tâm của cấu trúc an ninh và hợp tác chung đang định hình ở Đông Á. Chính vì thế, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới nhận thấy Hội nghị thượng đỉnh hằng năm của ASEAN mà bên lề có Diễn đàn Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN với các nước đối tác (ADMM+) - một cơ chế hợp tác năng động, đặc thù, góp phần quan trọng vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là nơi các nước lớn gặp nhau để cùng tìm tiếng nói chung nhằm thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột và tìm kiếm cơ hội hợp tác, loại bỏ các yếu tố bất ổn, hóa giải các yếu tố bất định, hướng tới xây dựng khu vực Đông Á hòa bình và phát triển.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...