Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:26 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2022, thế giới tiếp tục chứng kiến sự biến chuyển ở từng khu vực và toàn cầu theo hướng đa cực, đa trung tâm, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Đặc biệt, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang,... tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn. Điều đó đã, đang tác động mạnh mẽ, tạo sự chuyển dịch chính trị - quân sự lớn trên thế giới, được dư luận hết sức quan tâm.
Đàm phán Mỹ - Nga và NATO - Nga về bảo đảm an ninh thất bại
Từ ngày 10 đến 12/01/2022, theo đề xuất của Nga, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành các cuộc đàm phán về dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ - Nga và NATO - Nga để đi đến ký kết các thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý, nhằm xây dựng cấu trúc an ninh toàn diện, công bằng, ổn định lâu dài ở châu Âu. Trong số các yêu cầu của Nga về bảo đảm an ninh, có nội dung yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, không được bố trí hệ thống vũ khí tiến công trên lãnh thổ các nước thành viên có biên giới giáp với Nga. Tuy nhiên, sau 03 ngày đàm phán, Mỹ và NATO hoàn toàn bác bỏ các yêu cầu của Nga và tuyên bố, các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh và sự mở rộng NATO đã và vẫn là nền tảng trong việc truyền bá tự do và dân chủ ở châu Âu. Theo Moscow, việc NATO kết nạp Ukraine làm thành viên là nhằm mục đích biến lãnh thổ quốc gia này thành căn cứ quân sự chống phá Nga. Đến đầu năm 2022, tuy Ukraine chưa gia nhập NATO nhưng Mỹ đã triển khai 10 căn cứ quân sự và xây dựng cơ sở hạ tầng để bố trí vũ khí siêu vượt âm trên lãnh thổ quốc gia này. Vì thế, phía Nga cho rằng, việc NATO kết nạp Ukraine sẽ là “lằn ranh đỏ” không được vượt qua. Tổng thống Putin tuyên bố, nếu Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương kết nạp Ukraine vào NATO thì Nga sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự và kỹ thuật quân sự. Phát biểu tham luận tại Hội nghị An ninh Munich năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước phương Tây tôn trọng những quan ngại an ninh của Nga. Theo đó, Ukraine nên là cây cầu nối giữa Đông và Tây chứ không phải là chiến tuyến chia cắt hai bên và lối thoát duy nhất là tất cả các bên cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác nhận. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky chính thức xóa bỏ Thỏa thuận Minsk vì cho rằng Thỏa thuận này “phá hoại Ukraine”.
Ukraine - tâm điểm cuộc chiến giữa hai trật tự thế giới
Sau khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/02/2022, Tổng thống Mỹ Biden nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine là bước ngoặt của lịch sử và sẽ dẫn tới một “trật tự thế giới mới”. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov cho rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là trận chiến có ý nghĩa thời đại sẽ khai sinh trật tự thế giới mới. Tuy cả hai người đều nói về “trật tự thế giới mới” nhưng hàm ý của ông Biden và ông Lavrov lại khác nhau về bản chất. Bằng cách dồn Nga vào thế không còn đường lùi, buộc phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ theo đuổi toan tính sẽ cáo buộc “Nga xâm lược” và vận động thế giới bao vây, cấm vận toàn diện Nga, đẩy Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và thất bại. Bằng cách đó, Mỹ sẽ xóa bỏ được cản trở lớn nhất đối với tham vọng tiếp tục duy trì trật tự thế giới đơn cực đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tổng thống Nga Putin đã từng tuyên bố tại Hội nghị An ninh Quốc tế Munich năm 2007 rằng, Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối và sẽ cùng với các nước xây dựng trật tự thế giới mới đa cực. Kể từ đó, Mỹ cho rằng Nga là “quốc gia phá hoại trật tự thế giới” và tìm mọi cách chống phá Nga, thậm chí muốn “xóa sổ vĩnh viễn” nước Nga trên bản đồ thế giới.
Tính từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea đến nay, Mỹ và phương Tây đã áp đặt gần 10.000 biện pháp cấm vận, nhưng đã không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga, không thể đưa Nga lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông năm 2022, Tổng thống Putin tuyên bố: “Chiến tranh cấm vận của Mỹ và đồng minh chống Nga đã hoàn toàn thất bại”. Theo Putin, kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực sẽ phải kết thúc, Nga cùng với Trung Quốc và nhiều nước sẽ nỗ lực xây dựng trật tự thế giới đa cực, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo và không phân biệt chế độ chính trị đều phải được tôn trọng như nhau.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải trước vận hội lịch sử mới
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 22 được tổ chức tại Samarkand (Uzbekistan) ngày 15/09/2022, trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều chuyển dịch địa chính trị lớn. Xuất thân từ Nhóm Thượng Hải năm 1996 gồm 05 thành viên (Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan), năm 2001 sau khi kết nạp Uzbekistan, Nhóm Thượng Hải - 5 đổi tên thành SCO, đến năm 2015 kết nạp Ấn Độ và Pakistan. Tại Hội nghị SCO 2022, Iran trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Trung Đông ký bản ghi nhớ thực hiện nghĩa vụ để trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này. Hội nghị cũng khởi động quá trình kết nạp Belarus với tư cách thành viên đầy đủ, cấp và chuẩn bị cấp quy chế đối tác đối thoại cho các nước Ai Cập, Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Kuwait, Maldives, Myanmar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); trong đó, nhiều nước là đồng minh của Mỹ. Đến nay, SCO là một trong số các tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu, 40% dân số thế giới và gần 2/3 diện tích lục địa Á - Âu. Theo Tổng thống Nga Putin, SCO là hình mẫu của trật tự thế giới đa cực dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc; trong đó, kết nối các quốc gia có thể chế chính trị - xã hội khác nhau, vì mục tiêu chung là hợp tác cùng có lợi và nỗ lực hóa giải các nguy cơ và thách thức có tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể thực hiện được.
BRICS hướng tới kỷ nguyên mới
Ngày 23/6/2022, diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 của nguyên thủ các quốc gia có nền kinh tế mới nổi (BRICS) với chủ đề “Nâng cao chất lượng đối tác trong kỷ nguyên mới phát triển toàn cầu”. Hội nghị BRICS 2022 tái khẳng định lập trường của các quốc gia thành viên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia; nhấn mạnh cam kết giải quyết hòa bình các khác biệt và tranh chấp; cam kết mạnh mẽ về giải trừ hạt nhân; ủng hộ xây dựng Afghanistan thành quốc gia hòa bình, an ninh, ổn định, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết dân tộc, không trở thành địa bàn để đe dọa, tấn công các quốc gia khác hoặc nơi trú ẩn của các tổ chức khủng bố; ủng hộ các cuộc đàm phán để khôi phục Thỏa thuận của Nhóm P5+11 với Iran; ủng hộ các cuộc đàm phán song phương và đa phương để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên; tiếp tục vận động cải tổ toàn diện Liên hợp quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an, nhằm tăng cường sự đại diện của các nước đang phát triển trong tổ chức này; kêu gọi bảo tồn và củng cố hệ thống kiểm soát vũ khí. Theo nhiều chuyên gia, thế giới đang bước vào kỷ nguyên xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó BRICS đang dẫn đầu tiến trình này. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế của nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) đang đứng trước nguy cơ suy thoái, BRICS rất có thể sẽ sớm vượt qua G-7.
NATO thông qua chiến lược với tầm nhìn tới năm 2030
Trong tháng 6/2022, Hội nghị thượng đỉnh NATO thông qua chiến lược mới của liên minh với tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược mới xác định các đe dọa đối với NATO; trong đó, Nga là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất, còn Trung Quốc là thách thức có tính hệ thống đối với toàn bộ thế giới phương Tây. Chiến lược mới xác định các biện pháp tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ. Theo đó, NATO sẽ tăng lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao từ 40.000 lên hơn 300.000 quân; phấn đấu đạt hoặc vượt mức chi tiêu cho quốc phòng là 2% GDP vào năm 2024. Về chính sách “cánh cửa mở”, NATO cam kết sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, kết nạp các thành viên mới, chính thức chấp nhận đơn gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Lần đầu tiên, NATO mời các đối tác Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự, đánh dấu giai đoạn mở rộng liên minh này sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới
Ngày 12/10/2022, Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Joe Biden, nhằm mục tiêu xuyên suốt là tăng cường sức mạnh toàn diện của Mỹ để duy trì vai trò lãnh đạo trong “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” do Washington chi phối. Giải thích mục tiêu này, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Trật tự dựa trên luật lệ sẽ vẫn là nền tảng của hòa bình thế giới; trong đó, Hoa Kỳ sẽ tăng cường đầu tư cho khả năng cạnh tranh để thu hút những quốc gia theo đuổi giấc mơ Mỹ và đấu tranh cho ước mơ đó từ khắp nơi trên thế giới”. Nhiều chuyên gia nhận định, lập luận của Mỹ về trật tự thế giới dựa trên luật lệ là khá mơ hồ và mang tính áp đặt. Minh chứng là, kể từ khi xây dựng “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã ngang nhiên tiến hành chiến tranh can thiệp vào Nam Tư (năm 1999) núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”, Iraq (năm 2003) mượn cớ quốc gia này “tàng trữ vũ khí hóa học”, Libya (năm 2011) núp dưới chiêu bài “thiết lập vùng cấm bay”. Hiện nay, Mỹ vẫn duy trì hơn 800 căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Ngoài ra, Mỹ đơn phương rút khỏi nhiều hiệp ước và hiệp định mà Washington đã từng ký kết, như: Hiệp định phòng chống tên lửa vô thời hạn, ký với Liên Xô mà nước Nga được kế thừa, Hiệp ước về hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu, Hiệp ước bầu trời mở, Kế hoạch hành động chung toàn diện về Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran. Mỹ còn đơn phương cấm vận Nga, Cuba, Iran, Triều Tiên và Venezuela, làm xói mòn nền tảng của Tổ chức Thương mại thế giới. Vì thế, nhiều chính khách trên thế giới bày tỏ quan điểm rằng, thế giới cần phải từ bỏ cái gọi là “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” do Mỹ khởi xướng, bởi trật tự đó không dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc mà chỉ dựa trên các quy tắc do Washington áp đặt.
Năm 2022 đi qua với nhiều sự dịch chuyển chính trị và quân sự lớn trên thế giới. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine đã biến thành cuộc chiến tranh toàn diện của tập thể phương Tây do Mỹ đứng đầu diễn ra trong tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quân sự để chống phá Nga. Theo nhận định của giới phân tích chính trị và chính khách ở phương Tây, cuộc chiến này là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thế giới hướng tới trật tự đa cực, còn theo Tổng thống Nga Putin, thập kỷ tới sẽ là thập kỷ hình thành trật tự thế giới đa cực. Đây có thể là quá trình đau đớn, bất ổn, tiềm ẩn nhiều xung đột, nhưng tất yếu dẫn tới một thế giới hòa bình, ổn định và hợp tác.
Đại tá LÊ THẾ MẪU _______________
1 - Gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức.
LÊ THẾ MẪU
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ