Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:24 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2021 để lại dấu ấn đậm nét về những chuyển dịch lớn trong cục diện chính trị, quân sự thế giới. Nguyên nhân của những chuyển dịch này xuất phát từ sự điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và trung tâm quyền lực, làm nảy sinh trạng thái bất định, bất ổn và khó đoán định.
Kết thúc 20 năm cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan
Ngày 15/8/2021, sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, phong trào Taliban - một tổ chức từng bị Washington truy lùng để tiêu diệt trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố đã giành được quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia ngay trong lúc các lực lượng cuối cùng của Mỹ rút lui khỏi thủ đô Kabul. Cùng với đó, Tổng thống Joe Biden quyết định rút bớt các lực lượng quân sự của Mỹ khỏi Trung Đông và chỉ duy trì lực lượng ở mức độ cần thiết để ngăn chặn các mạng lưới khủng bố quốc tế, kiềm chế “sự xâm lược” của Iran và bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ. Theo tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, quyết định rút quân khỏi Afghanistan và Trung Đông đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô lớn ở nước ngoài mà không thể tái thiết các quốc gia đó. Francis Fukuyama - Giáo sư kinh tế, chính trị quốc tế của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), người đã từng đưa ra dự báo rằng thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ Mỹ” sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, đã phải cay đắng thừa nhận, quyết định rút quân khỏi “vũng lầy” trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài cảnh báo không chỉ là sự suy yếu mà còn có thể là sự sụp đổ vị thế toàn cầu của Mỹ.
Mỹ điều chỉnh chính sách quân sự
Chính sách quân sự của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden được xây dựng và triển khai trên cơ sở “Định hướng chiến lược an ninh quốc gia” công bố ngày 03/3/2021. Trong đó đưa ra nhận định, Mỹ phải đương đầu với sự thay đổi căn bản cán cân quyền lực trên thế giới đang tạo ra những mối đe dọa mới, trước hết là từ Trung Quốc và Nga đang quyết tâm gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Triển khai định hướng chiến lược này, Lầu Năm Góc đánh giá lại quy mô, cấu trúc và khả năng của quân đội Mỹ, kiên quyết loại bỏ các hệ thống vũ khí thế hệ cũ để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển thế hệ vũ khí dựa trên công nghệ quân sự mới, đảm bảo cho quân đội luôn được huấn luyện và trang bị tốt nhất thế giới. Mỹ sẽ không do dự khi phải đưa ra quyết định sử dụng vũ lực nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ các lợi ích quốc gia sống còn. Tuy nhiên, Washington coi sử dụng sức mạnh quân sự chỉ là biện pháp cuối cùng và đặt lên hàng đầu các biện pháp chính trị, ngoại giao và kinh tế. Học thuyết quân sự của Mỹ tầm nhìn đến năm 2030 xác định, Hoa Kỳ sẽ giành lại ưu thế trong lĩnh vực vũ khí thông thường công nghệ cao, như: vũ khí siêu vượt âm, vũ khí tự hoạt được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo và sẽ giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân.
Thế ổn định chiến lược mong manh trong quan hệ Mỹ - Nga
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneve ngày 16/6/2021, hai bên ra Tuyên bố chung về sự ổn định chiến lược. Trong đó nêu rõ, Mỹ và Nga cần duy trì quan hệ trong trạng thái có thể dự đoán được về chiến lược vì cả hai đều là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới xét về số lượng đầu đạn, trình độ công nghệ cũng như chất lượng vũ khí hạt nhân. Cả hai nước đều nhận thức rõ sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vì thế, Tổng thống Joe Biden quyết định gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) và sẽ thúc đẩy đàm phán để ký các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới toàn diện hơn. Tuy nhiên, thế ổn định chiến lược trong quan hệ Mỹ - Nga không bền vững khi hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về việc hóa giải các “điểm nóng”, như: cuộc chiến ở Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine. Đối với Ukraine, Mỹ cam kết ủng hộ chủ trương của Tổng thống Volodymyr Zelensky sử dụng sức mạnh quân sự để “thu hồi” Crimea và “giải phóng” hai tỉnh ở miền Đông: Lugansk và Donetsk. Do đó, trong năm 2021, Mỹ và NATO tiến hành cuộc tập trận mang tên “Sea Breeze 2021” trên khu vực Biển Đen với sự tham gia của Hạm đội 6 cùng lực lượng của 30 quốc gia thành viên NATO theo kịch bản giúp Ukraine “giải phóng” Crimea.
Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh số 1 của Mỹ
Sau khi bước vào Nhà Trắng tháng 01/2021, Tổng thống Joe Biden đánh dấu sự thay đổi căn bản trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Định hướng chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ xác định, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có tiềm năng toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự, tạo ra thách thức nghiêm trọng nhất và lâu dài đối với Hoa Kỳ. Vì thế, Tổng thống Joe Biden chủ trương thành lập liên minh các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới để hóa giải thách thức từ Trung Quốc. Để hiện thực hóa chủ trương này, Tổng thống Joe Biden đã biến tuyên bố của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump về cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh thành một học thuyết chống Trung Quốc, tạo sự thay đổi có tính bước ngoặt lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong 05 thập kỷ kể từ khi cựu Tổng thống Richard Nixon đến thăm Bắc Kinh năm 1972. Cạnh tranh với Trung Quốc là một trong những lý do thúc đẩy Tổng thống Joe Biden đề xuất tổ chức cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga ở Geneve, nhằm tìm cách giảm bớt sự liên kết, thậm chí chia rẽ quan hệ Nga - Trung Quốc với lập luận rằng, đối với Nga, thách thức từ Trung Quốc nghiêm trọng hơn thách thức từ Mỹ.
NATO nỗ lực thoát khỏi trạng thái “chết não”
Nhằm giúp NATO thoát khỏi trạng thái “chết não” (trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Donald Trump), trong chuyến công du dài ngày đầu tiên tới châu Âu, Tổng thống Joe Biden tham dự và trực tiếp chỉ đạo chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh NATO, tổ chức vào ngày 14/6/2021, tại Brussels, nhằm củng cố và tăng cường sự đoàn kết giữa các nước thành viên. Với sự đồng thuận cao, Hội nghị thông qua Tuyên bố chung và lần đầu tiên trong lịch sử, NATO xác định Trung Quốc là nguy cơ hệ thống chủ yếu đối với phương Tây. Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các quốc gia thành viên thống nhất nội dung Chiến lược của NATO đến năm 2030. Trong đó, đưa ra nhận định, đánh giá môi trường an ninh hiện tại và tương lai, xác định cách tiếp cận của NATO đối với các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu cũng như các mục tiêu an ninh dài hạn và định hướng chính trị, quân sự trong 10 năm tới. Đồng thời, xác định tính chất và các nhiệm vụ cơ bản để xây dựng, phát triển lực lượng quân sự của liên minh, nhằm đối phó với những thách thức an ninh mới. Theo đó, để thích ứng với môi trường chính trị và an ninh mới, Chiến lược của NATO đến năm 2030 xác định hoạt động của liên minh sẽ diễn ra theo ba hướng: (1). Tăng cường và duy trì sức mạnh quân sự bằng cách gia tăng đầu tư để hiện đại hóa lực lượng dựa trên cơ sở công nghệ hiện đại, xác định an ninh là nền tảng cho sự thịnh vượng của các quốc gia thành viên; (2). Hướng tới một tổ chức thống nhất về mặt chính trị khi nhận định và đánh giá các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của các đồng minh, như: tình hình ở các “điểm nóng”, kiểm soát vũ khí toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu; (3). Hướng tới một cách tiếp cận mang tính toàn cầu hơn. Nếu chủ trương toàn cầu hóa các chức năng của liên minh trong hai thập kỷ vừa qua liên quan đến yêu cầu của NATO phát huy ảnh hưởng ra ngoài ranh giới trách nhiệm địa lý khu vực và chống khủng bố quốc tế, thì hiện nay nội hàm toàn cầu hóa xuất phát trước hết từ yêu cầu phải đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Do đó, việc bảo vệ các giá trị và thể chế dân chủ đến năm 2030 đòi hỏi NATO phải tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh bên ngoài châu Âu, như: Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản trong các lĩnh vực: hàng không - vũ trụ, không gian mạng, công nghệ mới và kiểm soát vũ khí. Đây không phải là sự hiện diện của NATO trên phạm vi toàn cầu mà là một cách tiếp cận toàn cầu.
Mỹ tăng cường quan hệ với đồng minh và đối tác ngoài NATO
Theo Định hướng chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, xuất phát từ lợi ích sống còn của mình, Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, Hoa Kỳ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, New Zealand, Singapore và các quốc gia ASEAN khác. Ở Tây Bán cầu, Mỹ sẽ mở rộng quan hệ đối tác chủ yếu với Canada và Mexico. Khu vực Trung Đông, Mỹ sẽ củng cố, tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Để tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác ngoài NATO, tháng 3/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken hoàn thành chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản. Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm Mỹ - Nhật Bản khẳng định, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hữu, tạo ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Ngày 15/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mang tên AUKUS để tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm hóa giải các thách thức trong thế kỷ XXI. Tuyên bố chung Mỹ - Anh - Australia nêu rõ, AUKUS được định hướng bởi chiến lược dài hạn và cam kết chung đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và là cơ chế tăng cường quan hệ đối tác an ninh ba bên. Theo đó, Mỹ, Anh và Australia cam kết sẽ cùng với các đối tác quyết tâm tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông qua AUKUS, Mỹ, Anh và Australia sẽ tăng cường khả năng của mỗi bên trong việc bảo đảm các lợi ích an ninh và quốc phòng chung, xây dựng mối quan hệ song phương lâu dài và bền vững; cùng chia sẻ thông tin và công nghệ sâu rộng hơn; đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Trong đó, các bên đặc biệt chú ý hợp tác sâu rộng hơn về an ninh và quốc phòng để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một trong những nội dung cam kết của AUKUS là Mỹ và Anh sẽ giúp Australia sở hữu và đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để trang bị cho Hải quân. AUKUS thể hiện quyết tâm cao nhất của Mỹ nhằm hóa giải thách thức ngày càng gia tăng đang gây cản trở quyền tự do hàng hải ở Biển Đông - nơi hội tụ các tuyến đường huyết mạch của giao thương quốc tế.
Như vậy, có thể nói, năm 2021 đi qua với nhiều sự dịch chuyển chính trị và quân sự lớn trên thế giới làm cho trạng thái của thế giới vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Đây cũng là hệ quả của các cuộc điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên từng khu vực và toàn cầu đã, đang tác động không nhỏ tới từng quốc gia, khu vực và thế giới.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Năm 2021,chuyển dịch,cạnh tranh chiến lược,cục diện chính trị,quân sự
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ