Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:07 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Đầu tháng 8 vừa qua, trong khi tình hình ở Vê-nê-du-ê-la diễn biến hết sức phức tạp, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố, Hoa Kỳ có thể sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết khủng hoảng ở quốc gia Nam Mỹ này. Động thái đó như “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho mâu thuẫn giữa chính quyền Ca-ra-cát và phe đối lập vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn.
Nguyên nhân mâu thuẫn
Vê-nê-du-ê-la là quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực Nam Mỹ; có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nhất là trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ1. Đây là một trong những lợi thế để Vê-nê-du-ê-la phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhưng đó cũng là “miếng mồi béo bở” khiến nhiều cường quốc, đặc biệt là các nước phương Tây nhòm ngó. Năm 1998, ông Hu-gô Cha-vét (người theo đường lối cánh tả) được bầu làm Tổng thống Vê-nê-du-ê-la. Ngay sau khi lên nắm quyền, Ông đã đề ra đường lối xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa với ba chiến lược cơ bản: (1). Tăng cường sở hữu nhà nước đối với tư liệu sản xuất; (2). Mở rộng trao đổi và phân phối phi thị trường; (3). Quản lý và điều hành đất nước vì lợi ích của nhân dân, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân. Với mục tiêu đó, Quốc hội và Chính phủ Vê-nê-du-ê-la đề ra một loạt chính sách cải cách tiến bộ, như: Luật Đất đai, Luật Đánh cá, Luật Thuế, Luật Thông tin, v.v. Đồng thời, tiến hành quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp then chốt; tăng chi tiêu cho lĩnh vực: nhà ở, y tế, thực hiện chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí cho người nghèo. Nhờ đó, kinh tế Vê-nê-du-ê-la có những bước phát triển ngoạn mục, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, sự độc lập, tự chủ quốc gia ngày càng tăng. Tuy nhiên, kết quả đó không làm Mỹ và các nước phương Tây hài lòng, bởi điều đó đã làm “tổn thương” lợi ích của họ ở khu vực. Chính vì thế, Mỹ và phương Tây coi chính quyền của Tổng thống Hu-gô Cha-vét là “cái gai” cần phải nhổ bỏ ở khu vực - nơi vốn được coi là “sân sau” của Oa-sinh-tơn. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ và phương Tây ráo riết thực hiện các biện pháp chống phá chính quyền Ca-ra-cát trên các lĩnh vực. Về kinh tế, Hoa Kỳ gia tăng các biện pháp bao vây, cấm vận kinh tế, tài chính, thương mại; nhất là lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ vốn là ngành chủ lực của nền kinh tế Vê-nê-du-ê-la (chiếm 30% GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn 50% ngân sách nhà nước). Về chính trị, Mỹ thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để chống chính quyền ở Ca-ra-cát. Theo đó, Nhà Trắng tập trung gây sức ép đối với Ca-ra-cát về “dân chủ”, “nhân quyền”; gây dựng, nuôi dưỡng các đảng phái đối lập làm lực lượng xung kích để giành quyền lực tại cơ quan lập pháp và trong bộ máy chính quyền của Vê-nê-du-ê-la. Ngoài ra, Mỹ còn tiến hành các chiến dịch xuyên tạc, bôi nhọ chính sách kinh tế - xã hội của chính quyền đương nhiệm và coi đó là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế để đánh lạc dư luận. Từ đó, mua chuộc, kích động các phần tử bất mãn, thù nghịch tiến hành “cách mạng đường phố”, “cách mạng mầu” gây mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Về an ninh và đối ngoại, Hoa Kỳ liệt Vê-nê-du-ê-la vào danh sách “các nước tài trợ khủng bố” cần phải đặc biệt quan tâm; lôi kéo các nước, nhất là các nước phương Tây bao vây, cô lập nước này. Đồng thời, kích động các vấn đề biên giới, lãnh thổ trên đất liền, trên biển, hòng chia rẽ Vê-nê-du-ê-la với các nước láng giềng. Theo đánh giá của các nhà quan sát, chính những hành động thù địch đó của Mỹ và phương Tây đã gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này; là nguyên nhân chủ yếu khoét sâu mâu thuẫn, bất đồng, bạo lực, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đẩy quan hệ giữa Vê-nê-du-ê-la với Mỹ và các nước phương Tây rơi vào trạng thái “băng giá” nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Người dân Venezuela xếp hàng mua lương thực và đồ gia dụng tại siêu thị ở Caracas, ngày 10-11-2017. Ảnh: TTXVN
Những biến động phức tạp
Kế thừa sự nghiệp của người tiền nhiệm, Tổng thống N. Ma-đu-rô khẳng định, tiếp tục tiến hành cuộc Cách mạng Bô-li-va nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn chồng chất để tiến lên. Theo đó, Chính quyền của Tổng thống N. Ma-đu-rô đẩy mạnh việc chia ruộng đất cho nông dân, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; thành lập các doanh nghiệp nhà nước, các công ty lớn có nhà nước tham gia sản xuất, kinh doanh để phục vụ cộng đồng các khu dân cư. Hiện nay, các hợp tác xã, khu kinh tế cộng đồng, doanh nghiệp nhà nước là động lực phát triển kinh tế của Vê-nê-du-ê-la. Trong đối ngoại, Vê-nê-du-ê-la tăng cường quan hệ hợp tác với các nước thuộc phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ - La tinh, các tổ chức quốc tế, các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống N. Ma-đu-rô đang đứng trước những thách thức “sống còn”; đó là, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá dầu tụt dốc thê thảm, kéo dài, khiến cho nền kinh tế Vê-nê-du-ê-la vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ đang ngày càng bị lún sâu vào khủng hoảng. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát của Vê-nê-du-ê-la đang trong tình trạng “phi mã”. Năm 2016 lạm phát của nước này đã chạm ngưỡng 700%, dự báo năm 2017 ở mức 1.500%. Hiện tại, các khoản nợ nước ngoài của Vê-nê-du-ê-la vào khoảng 60 tỷ USD, trong khi Ngân hàng Trung ương chỉ còn 9,6 tỷ USD. Trước tình hình đó, chính phủ Vê-nê-du-ê-la buộc phải cắt giảm các khoản chi cho những dịch vụ xã hội do nhà nước bao cấp vốn đang trở thành gánh nặng đối với ngân khố quốc gia. Điều này làm cho một bộ phận lớn người dân lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Phe đối lập coi đây là “thời cơ vàng” để lật đổ chính quyền của Tổng thống N. Ma-đu-rô. Thực hiện âm mưu này, họ mở nhiều chiến dịch tuyên truyền, lôi kéo người dân biểu tình phản đối Chính phủ; kích động những hành động cực đoan, gây bạo loạn làm mất ổn định an ninh chính trị. Riêng hai năm gần đây, ở thủ đô Ca-ra-cát và một số thành phố lớn đã xảy ra hàng trăm cuộc đình công, bãi công, biểu tình do phe đối lập phát động. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã làm tê liệt nhiều chính quyền địa phương trong thời gian dài, buộc Chính phủ phải huy động lực lượng cảnh sát, quân đội đến giải quyết. Gần đây, phe đối lập trong Quốc hội Vê-nê-du-ê-la chủ trương thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống N. Ma-đu-rô. Đây là âm mưu rất thâm hiểm - “đảo chính” phi quân sự, nhằm loại bỏ Tổng thống và chính quyền hợp pháp, hợp hiến. Đặc biệt, sau khi Tổng thống N. Ma-đu-rô tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử và triệu tập Quốc hội lập hiến, sửa đổi Hiến pháp để đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, thì mâu thuẫn giữa chính quyền Ca-ra-cát và phe đối lập càng trở nên gay gắt. Cùng với đó, Hoa Kỳ gia tăng các biện pháp chống phá chính quyền Ca-ra-cát đương nhiệm. Sau cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến Vê-nê-du-ê-la ngày 30-7-2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã tuyên bố coi chính quyền Ca-ra-cát là mối đe dọa đến an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ. Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với nhiều quan chức Chính phủ Vê-nê-du-ê-la. Mới đây, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố nếu Tổng thống Vê-nê-du-ê-la N. Ma-đu-rô xúc tiến thành lập Quốc hội lập hiến (cơ quan soạn thảo Hiến pháp) để sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999 thì Mỹ sẽ “trừng phạt kinh tế Ca-ra-cát mạnh mẽ và nhanh chóng”. Thậm chí, người đứng đầu Nhà Trắng còn đe dọa, Mỹ có thể sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Vê-nê-du-ê-la. Nguy hiểm hơn, ngày 13-11-2017, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tổ chức cuộc họp công khai không chính thức bàn về tình hình Vê-nê-du-ê-la. Những động thái đó diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây khiến tình hình ở Vê-nê-du-ê-la chao đảo và biến động rất phức tạp, làm cho tình hình an ninh đất nước, đời sống nhân dân rơi vào tình trạng căng thẳng, bấp bênh và hết sức khó khăn, chưa thể tìm ra lối thoát.
Triển vọng hòa bình cho Vê-nê-du-ê-la
Trước những biến động phức tạp trên chính trường Vê-nê-du-ê-la, chính khách nhiều nước châu Mỹ và thế giới cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Vê-nê-du-ê-la không thể giải quyết bằng các hành động quân sự, dù là từ bên trong hay bên ngoài, nhất là tuyên bố sử dụng sức mạnh quân sự của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đối với Vê-nê-du-ê-la là sự thể hiện của chính sách cường quyền, bá quyền, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của quốc gia có độc lập, chủ quyền, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản nhất trong quan hệ quốc tế. Họ cũng chỉ rõ, hành động đe dọa quân sự của Mỹ không những không giải quyết được vấn đề mà chỉ kích động bạo lực, làm cho mâu thuẫn phe phái ở quốc gia Nam Mỹ này càng sâu sắc. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la N. Ma-đu-rô cho rằng, quan hệ Mỹ - Vê-nê-du-ê-la đang ở mức “thấp nhất trong lịch sử hai nước”. Theo Ông, hai nước cần phải có những cuộc tiếp xúc trực tiếp và chỉ có thông qua đối thoại mới giải quyết được những bất đồng và tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Cuối tháng 10-2017, dưới sự trung gian của Tòa thánh Va-ti-căng, chính phủ và phe đối lập ở Vê-nê-du-ê-la có cuộc tiếp xúc hòa đàm đầu tiên, mở ra hy vọng mong manh trong việc tháo gỡ bế tắc về kinh tế và chính trị của nước này. Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ và phe đối lập ở Vê-nê-du-ê-la là “vừa đàm phán vừa đấu tranh” lâu dài và hết sức cam go, phức tạp. Dư luận mong muốn, các bên liên quan cần nhận thức đúng, tận dụng cơ hội quý báu này để thống nhất tìm giải pháp giải quyết bất đồng, xung đột, lập lại hòa bình cho Vê-nê-du-ê-la. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng đòi Mỹ và các nước phương Tây cần nêu cao vai trò, trách nhiệm quốc tế, tôn trọng quyền tự quyết của người dân Vê-nê-du-ê-la đối với vận mệnh đất nước của họ; không được lợi dụng mâu thuẫn, kích động bạo lực để đạt mục đích chính trị của mình. Chỉ có như vậy, đất nước Vê-nê-du-ê-la nói riêng, khu vực Mỹ - La tinh nói chung mới có được hòa bình, ổn định và phát triển.
KIỀU LOAN _________
1 - Khoảng 296 tỷ thùng, chiếm 18% trữ lượng dầu mỏ thế giới.
Chính trường Vê-nê-du-ê-la,biến động phức tạp
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ