Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:47 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Đặc điểm nổi bật của cục diện chính trị - quân sự thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI là chiến tranh và xung đột bùng phát với tần suất cao, sự thăng trầm của các cường quốc hàng đầu dẫn tới quá trình tái cấu trúc trật tự thế giới. Tương lai, trật tự thế giới như thế nào? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Chiến tranh và xung đột bùng phát với tần suất cao
Cách đây 30 năm, cường quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới tan rã (25/12/1991) kéo theo sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Nhận định về sự kiện này, Hoa Kỳ cho rằng, họ và phương Tây đã “giành chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh và chủ trương xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát. Do không còn vai trò kiềm chế của Liên Xô, với sức mạnh quân sự vượt trội không quốc gia nào sánh kịp, Hoa Kỳ đơn phương phát động hàng loạt cuộc chiến tranh để “bảo vệ tự do”, “xúc tiến dân chủ” và “bảo vệ nhân quyền” trên khắp thế giới.
Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập (1949 - 1999), NATO do Hoa Kỳ đứng đầu phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư với danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”, không cần sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bằng cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư, NATO mở đầu “cuộc thập tự chinh” của Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI. Năm 2001, Hoa Kỳ tập hợp lực lượng liên quân của 43 quốc gia do NATO làm nòng cốt phát động cuộc chiến tranh mang tên “Tự do bền vững” tại Afghanistan chống lại Phong trào Taliban mà Washington cho là chứa chấp trùm khủng bố Osma Bin Laden - chủ mưu gây ra vụ tấn công ngày 11/09/2001. Sau gần 20 năm, người dân quốc gia Trung Á này vẫn chưa được tự do, còn chiến sự vẫn diễn ra hằng ngày. Tiếp theo cuộc chiến ở Afghanistan, năm 2003, Hoa Kỳ phát động cuộc chiến tranh với sứ mệnh được tuyên bố là “Tự do cho Iraq” mượn cớ “giải giáp vũ khí hóa học” - một cuộc chiến không chỉ bị Nga và Trung Quốc mà cả các đồng minh của Mỹ trong NATO là Pháp và Đức phản đối. Đến nay, Mỹ vẫn bị sa lầy tại đây. Đầu tháng 5/2008, NATO do Mỹ đứng đầu đã trang bị và huấn luyện cho Quân đội Gruzia tiến hành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Osetia. Trong cuộc chiến này, Gruzia đã bị Nga đánh trả và thất bại thảm hại - dấu hiệu về sự sụp đổ vị thế của Mỹ và sự trỗi dậy của nước Nga sau Chiến tranh lạnh. Năm 2011, Hoa Kỳ đứng đầu NATO kích động các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân Arab” ở Trung Đông - Bắc Phi, dẫn tới cuộc chiến tranh xâm lược Libya mang tên “Bình minh Odyssey” tiêu diệt nhà lãnh đạo M. Gaddafi. “Mùa Xuân Arab” còn dẫn tới cuộc chiến tranh Syria kéo dài tới nay chưa có hồi kết và được giới phân tích đánh giá như “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ” với sự tham gia của lực lượng đến từ gần 90 quốc gia hay cuộc chiến tranh ở Mali (2012), Yemen (2015) và hàng loạt các cuộc chính biến làm suy yếu các nước Trung Đông - Bắc Phi.
Một trong những biến thể của phương thức chiến tranh phức hợp trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI là hình thức can thiệp mới mang tên “cách mạng màu”. Trong đó, các lực lượng đối lập nhận được sự ủng hộ toàn diện về kinh tế, chính trị, thậm chí cả quân sự từ bên ngoài dưới danh nghĩa “các tổ chức phi chính phủ” để kích động và tiến hành cuộc chiến tranh bạo loạn nhằm lật đổ chính thể ở nhiều nước. Điển hình của loại hình chiến tranh phức hợp này là cuộc “cách mạng màu” ở Nam Tư trong năm 2000 để lật đổ chính thể của Tổng thống S. Milosevic; ở Gruzia năm 2003 để đưa M. Saakashvili - nhân vật thân Mỹ lên làm tổng thống; ở Ukraine năm 2004 để đưa V. Yushenko - một chính khách thân Mỹ lên cầm quyền và năm 2014 để loại bỏ Tổng thống V. Yanukovych - chính khách thân Nga; ở Kyrgyzstan năm 2005 để lật đổ Tổng thống A. Akayev thân Nga; ở Venezuela năm 2015 và 2019 nhằm loại bỏ Tổng thống N. Maduro và ở Belarus năm 2020 nhằm loại bỏ Tổng thống A. Lukashenco. Tuy nhiên, các cuộc cách mạng màu ở Venezuela và Belarus đều thất bại.
Sự thăng trầm của các cường quốc hàng đầu
Do những sai lầm chiến lược của giới cầm quyền Mỹ cả trong chính sách đối nội và đối ngoại, kể từ năm 2008, Hoa Kỳ lâm vào khủng hoảng mang tính hệ thống dẫn tới vị thế của họ bắt đầu suy giảm toàn diện. Bên trong nước Mỹ là cuộc khủng hoảng mô hình phát triển theo chủ nghĩa tư bản tài chính được hình thành từ Hiệp định Bretton - Woods vào năm 1944, trong đó sức mạnh của Hoa Kỳ dựa chủ yếu vào “nền kinh tế ảo” với dịch vụ chiếm tới 80% GDP, còn sản xuất thực chỉ chiếm 20%. Bên ngoài là cuộc khủng hoảng trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh do sự suy giảm sức mạnh toàn diện của Mỹ cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và sự phục hưng của Nga. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Mỹ trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới, đây là đòn tấn công chí mạng vào vị thế của Hoa Kỳ.
Trái lại với sự suy giảm vị thế của Mỹ, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một hiện tượng hiếm có trong lịch sử kinh tế - chính trị thế giới, có tác động làm thay đổi căn bản cục diện thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Từ một quốc gia đang phát triển ở mức thấp, Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Trung Quốc coi cuộc khủng hoảng ở Mỹ năm 2008 là dấu hiệu chấm dứt vị thế siêu cường duy nhất của Hoa Kỳ và là cơ hội lịch sử của Trung Quốc. Chính vì thế, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từ chối đề nghị của Tổng thống B. Obama hình thành Nhóm G2 để “quản trị thế giới”. Với chương trình “Made In China 2025” và Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc theo đuổi sẽ xây dựng trật tự thế giới mới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh”.
Bên cạnh đó, qua hai thập kỷ cầm quyền kể từ năm 2000, trong điều kiện bị bao vây và cấm vận, Tổng thống V. Putin đã đưa nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện sau những năm cầm quyền của người tiền nhiệm B. Yeltsin khi Liên Xô tan rã. Nước Nga đã hồi sinh và trở thành cường quốc mới có ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới. Về kinh tế, Moscow đã xác định rõ con đường phát triển theo mô hình kinh tế thị trường, năm 2020, GDP của Nga được xếp vị trí thứ 11 thế giới. Về quân sự, Nga hoàn thành cải cách quân đội, tái lập thế cân bằng chiến lược với Mỹ bằng nhiều loại vũ khí “độc nhất vô nhị” có khả năng đáp trả bất kỳ hành động xâm lược nào theo mọi phương thức.
Theo các chuyên gia, sự thăng trầm của các cường quốc hàng đầu đang dẫn tới quá trình tái cấu trúc trật tự thế giới. Theo đó, trật tự thế giới đơn cực đứng trước nguy cơ sụp đổ và hình thành trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm. Đứng trước nguy cơ đó, Mỹ ra sức ngăn chặn sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do họ kiểm soát; Trung Quốc toan tính xây dựng trật tự thế giới “cùng chung vận mệnh” mà thực chất là xây dựng trật tự thế giới “theo sự đồng thuận Bắc Kinh”; Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo và đấu tranh để được các cường quốc công nhận là thành viên bình đẳng trong cục diện chính trị toàn cầu. Còn EU vẫn chưa sẵn sàng đóng vai trò mới trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc mà chỉ đang thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của Mỹ.
Dự báo cục diện chính trị - quân sự thế giới trong thập niên thứ ba
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 và lan tỏa khắp toàn cầu tới nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, được giới phân tích quân sự - chính trị nhận định là biến thể của cuộc chiến tranh thế giới phức hợp giữa các cường quốc. Trong báo cáo dự báo cục diện chính trị thế giới trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với tiêu đề “Covid-19: cuộc tái cấu trúc vĩ đại”, giáo sư K. Schwab - Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra nhận định: Covid-19 đánh dấu bước ngoặt của lịch sử loài người và phân chia thế giới thành hai kỷ nguyên: trước và sau Covid-19. Trong kỷ nguyên sau Covid-19, không chỉ Mỹ và toàn bộ chủ nghĩa tư bản thế giới phải thay đổi mô hình phát triển mà còn hình thành trật tự thế giới mới. Trong đó, dự báo đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc vào dịp kỷ niệm 100 thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong khi đó, theo tân Tổng thống Joe Biden, Mỹ sẽ ra sức “tái xây dựng đất nước” và tập hợp liên minh để chống lại các chế độ mà Hoa Kỳ coi là “độc tài” ở Trung Quốc và Nga. Vì vậy, cuộc cạnh tranh giữa một bên là Mỹ và đồng minh với bên kia là Trung Quốc và Nga sẽ là kịch bản chủ yếu chi phối toàn bộ cục diện chính trị - quân sự thế giới trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Trong điều kiện đó, các cuộc chiến tranh phức hợp trên thế giới giữa các cường quốc sẽ quyết liệt hơn. Hệ quả là, trong khi các điểm nóng cũ, như: Triều Tiên, Iran, Venezuela, Syria, Yemen, Afghanistan, Ukraine,... chưa thể được hóa giải, có thể sẽ xuất hiện nhiều điểm nóng mới có tác dụng như những “chiếc van giảm áp” từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Vì thế, hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần phối hợp đấu tranh để bảo vệ, duy trì, củng cố Hiến chương Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, nhằm phát huy vai trò “cầm cân nảy mực”, xây dựng một trật tự thế giới mới hướng tới mục tiêu hòa bình, hợp tác cùng phát triển bền vững. Với mục tiêu đó, Tổng thống Nga V. Putin đã đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị nguyên thủ của năm quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh) để cùng bàn thảo về cách thức hóa giải các nguy cơ mang tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được. Theo các chuyên gia, nếu sáng kiến này thành công, Hội nghị sẽ bàn thảo về cách thức kết thúc cuộc chiến tranh thế giới phức hợp giữa các cường quốc để xây dựng cấu trúc trật tự thế giới mới trong kỷ nguyên hậu Covid-19. Vì thế, Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng tương tự như Hội nghị Yalta của nguyên thủ ba cường quốc đồng minh là Liên Xô, Mỹ và Anh tổ chức trong tháng 02/1945 để bàn thảo về cách thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và xây dựng cấu trúc chính trị - an ninh sau chiến tranh.
Mặc dù, cục diện chính trị - quân sự thế giới diễn biến như thế nào, Việt Nam vẫn nhất quán quan điểm đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Đồng thời, thực hiện nghiêm bốn không trong quan hệ quốc tế: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Đại tá, TS. PHẠM QUỐC LƯƠNG
cục diện chính trị - quân sự,thế kỷ XXI
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ