Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:23 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Bức tranh chính trị, quân sự thế giới năm 2023 vẫn đan xen hai gam màu sáng, tối; trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn ra quyết liệt, xung đột ở các khu vực tiếp tục gia tăng cả về cường độ, phạm vi và tính chất, v.v. Song, cũng có nhiều tín hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện nỗ lực kiểm soát bất đồng.
Nga nỗ lực xây dựng trật tự thế giới đa cực
Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Phương Đông (tháng 9/2023), Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, chủ trương xuyên suốt của Nga là cùng với các quốc gia khác xây dựng trật tự thế giới đa cực; trong đó, tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, mô hình kinh tế - xã hội, diện tích lãnh thổ lớn hay nhỏ, tiềm lực quân sự mạnh hay yếu, đều hợp tác cùng có lợi dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chứ không dựa trên “luật lệ” do Mỹ áp đặt. Theo Moscow, toan tính xuyên suốt của Mỹ là buộc Nga phải chịu thất bại chiến lược, khiến Liên bang Nga tan rã, đồng nghĩa với việc xóa bỏ cản trở lớn nhất đối với tham vọng duy trì vai trò lãnh đạo trật tự thế giới đơn cực của Hoa Kỳ. Do vậy, không chỉ hỗ trợ đắc lực cho Ukraine, Mỹ cùng nhiều nước phương Tây đã áp đặt hơn 14 nghìn biện pháp cấm vận nhằm vào Nga với toan tính rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, bởi đa số các nước ngoài phương Tây không đi theo Mỹ cấm vận Nga, trong đó có cả các quốc gia là đồng minh của Mỹ, như: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 7/2023, Moscow tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai, quy tụ phái đoàn từ 49 quốc gia, trong đó có 17 nguyên thủ và nhiều quan chức cao cấp của các nước châu Phi. Đây được cho là kết quả của những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ nhằm khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Với vị thế đó, Nga vẫn đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực, coi đó là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược với mô hình gợi ý là Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Hiện nay, BRICS đã thu hút trên 40 quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia, trong đó có 23 quốc gia đã chính thức đệ đơn xin gia nhập. Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 đánh dấu bước phát triển đột phá với quyết định kết nạp thêm 06 thành viên mới: Ai Cập, Argentina, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ra đời năm 2001 theo sáng kiến của Trung Quốc và Nga, SCO là tổ chức hợp tác Á - Âu, tập trung vào nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị và an ninh. Tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 7/2023, SCO đã kết nạp thêm Iran; còn Afghanistan, Belarus và Mông Cổ tham gia với tư cách quan sát viên; Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka tham dự với tư cách đối tác đối thoại. Như vậy, đến nay SCO đã có 09 thành viên chính thức, gồm: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ, Pakistan và Iran, chiếm 40% dân số thế giới, 60% tổng diện tích của châu Á và châu Âu, đang ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, giữ gìn an ninh và ổn định khu vực. Trong bối cảnh Mỹ đang ra sức duy trì trật tự thế giới do Phương Tây chi phối, SCO nỗ lực xây dựng cơ chế đa phương có hiệu lực và hiệu quả, có thể dịch chuyển từ một tổ chức khu vực thành một cấu trúc mang tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Mỹ ra sức duy trì trật tự thế giới đơn cực
Không chấp nhận hiện thực về trật tự thế giới đa cực đang hình thành rõ nét, trong năm 2023, Mỹ ra sức cứu vớt “sự sụp đổ” trật tự thế giới đơn cực do Washington lãnh đạo. Phát biểu tại Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 9/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ đang xây dựng các liên minh để củng cố nền dân chủ, thúc đẩy nhân quyền và tăng cường phát triển kinh tế. Theo hướng đó, Mỹ ra sức củng cố và mở rộng NATO, làm phá sản chủ trương tự chủ chiến lược của EU, buộc Brussel tiếp tục phụ thuộc toàn diện vào Washington; đồng thời, nỗ lực thiết lập “liên minh các quốc gia dân chủ” trên toàn thế giới để chống lại cái mà Hoa Kỳ coi là “các quốc gia chuyên chế” đứng đầu là Nga, Trung Quốc và Iran. Ngày 28/3/2023, Diễn đàn dân chủ do Mỹ chủ trì được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo 121 quốc gia. Tuy nhiên, chương trình nghị sự của Diễn đàn dân chủ lần này chỉ nhằm cô lập Nga - quốc gia đang đi đầu trong cuộc đấu tranh để xây dựng trật tự thế giới đa cực.
NATO tiếp tục mở rộng từ châu Âu tới châu Á
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 có ý nghĩa quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh do có sự tham dự của Phần Lan - thành viên thứ 31. Đây là hệ quả trực tiếp đầu tiên của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đối với cấu trúc an ninh châu Âu, bởi Phần Lan từng duy trì chính sách trung lập trong suốt nhiều thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một trong những chủ đề quan trọng hàng đầu của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 là hóa giải sự chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine và việc kết nạp Thụy Điển. Với việc kết nạp Thụy Điển làm thành viên thứ 32 của NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Ankara không còn phản đối Stockholm và sẽ khuyến nghị Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sớm phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Ngoài ra, NATO cũng nhất trí về kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ chưa từng có kể từ thời Chiến tranh lạnh với chủ trương sẽ kết nạp Ukraine - điều mà Nga luôn coi là “lằn ranh đỏ”. Tại Hội nghị NATO lần này, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), gồm: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Anh đề xuất sáng kiến đa phương nhằm cung cấp vũ khí và trang bị hiện đại cho Ukraine và tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Việc lãnh đạo các nước này tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO là dấu hiệu rõ ràng về chủ trương “Đông tiến” của liên minh này. Theo đó, Mỹ chủ trương mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo và tăng cường liên minh Mỹ - Nhật - Hàn. Theo Thủ tướng Nhật Bản Kishida, việc lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên trong năm 2023 mở ra “một trang sử mới” trong quan hệ giữa Nhật Bản và các đồng minh.
Trung Đông nóng lên vì xung đột Israel - Hamas
Cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas nhằm vào Israel ngày 07/10/2023 và phản ứng đáp trả quyết liệt của Israel không chỉ khiến quan hệ Israel - Palestine trở nên phức tạp chưa từng có, mà còn làm thay đổi toàn bộ tình hình chính trị, quân sự khu vực Trung Đông. Mục tiêu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu là “đáp trả cuộc tấn công của Hamas” để thực hiện chiến lược lâu dài xây dựng Nhà nước lớn Đại Israel (Greater Israel), khiến chủ trương của Mỹ giảm leo thang trong khu vực rơi vào bế tắc, đặt chính phủ các nước Arab và Iran rơi vào tình thế khó khăn. Trong ba năm qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạn chế can thiệp vào khu vực Trung Đông để tập trung hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua hành lang phía Đông kết nối Ấn Độ với các quốc gia Vùng Vịnh và hành lang phía Bắc kết nối các quốc gia Vùng Vịnh với châu Âu thông qua Jordan và Israel.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, Mỹ phải giảm căng thẳng ở Trung Đông bằng cách thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, đồng thời giảm thiểu xung đột với Iran. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hamas đã “đóng băng” tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel – Saudi Arabia; ngăn cản việc ký kết một thỏa thuận an ninh khu vực, buộc Mỹ phải đảo ngược chính sách giảm hiện diện quân sự sau khi kết thúc cuộc chiến chống tổ chức khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hiện nay, với nỗ lực răn đe các bên để ngăn chặn leo thang xung đột khu vực, Lầu Năm Góc triển khai 02 tàu sân bay với hơn 100 máy bay chiến đấu, nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm trang bị tên lửa Tomahawk tới Trung Đông. Trước khi xảy ra xung đột Israel - Hamas, Mỹ muốn giảm căng thẳng với Iran bằng thỏa thuận trao đổi tù nhân và giải phóng 06 tỉ USD tài sản của Iran bị phong tỏa, với kỳ vọng sẽ kiềm chế các lực lượng do Iran hậu thuẫn tại Syria và Iraq tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas leo thang, các nhóm vũ trang thân Iran ở Syria và Iraq tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh khu vực khác ở Trung Đông. Tình hình này tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc phát huy ảnh hưởng khi họ kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức và quy trách nhiệm cho Mỹ về cuộc xung đột leo thang gây thương vong lớn cho dân thường. Nhìn chung, Mỹ đang gặp những bất lợi nhất định tại chiến trường Trung Đông và buộc phải hạn chế chi viện cho Ukraine, nên cũng khó kiểm soát tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mỹ và Trung Quốc nỗ lực kiểm soát bất đồng
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố năm 2022 xác định Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài nhất. Để hóa giải điều này, trong năm 2023, Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nâng cao năng lực và phối hợp với các đồng minh, đối tác, củng cố khả năng hiệp đồng tác chiến. Theo đó, Mỹ khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Philippines, thường xuyên duy trì từ 02 đến 04 cụm tàu sân bay, điều động nhiều phương tiện quân sự hiện đại như máy bay chiến đấu F-22, máy bay ném bom chiến lược B-1B tham gia các cuộc tập trận chung cùng đồng minh, đối tác tại khu vực. Số lượng các cuộc tập trận song phương và đa phương của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có xu hướng gia tăng trong năm 2023.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chủ trương kiểm soát bất đồng với Trung Quốc trong khi đang phải đối đầu toàn diện với Nga ở Ukraine và không để Trung Quốc phát triển quan hệ đối tác chiến lược không giới hạn với Nga thành quan hệ liên minh. Mặt khác, Trung Quốc cũng nhận thấy sự phát triển của họ như hiện nay cũng là nhờ hợp tác với Mỹ kể từ khi cải cách mở cửa năm 1979. Do vậy, trong năm 2023, Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều động thái để nỗ lực kiểm soát bất đồng, mà tiêu biểu là ngày 15/11/2023, hai bên đã tổ chức buổi gặp thượng đỉnh bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sau khoảng một năm, trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc cần quản lý cạnh tranh giữa hai nước một cách có trách nhiệm, không để cạnh tranh biến thành xung đột. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, việc hai nước quay lưng lại với nhau không phải một lựa chọn và sẽ phi thực tế khi một bên tìm cách định hình lại bên kia.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Thế giới năm 2023,cục diện chính trị,quân sự,cạnh tranh chiến lược,thế giới đa cực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ