Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:52 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 08-5 vừa qua, trong một động thái được dự báo trước, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran. Quyết định trên đã xé bỏ thành quả nhiều năm đàm phán đầy khó khăn giữa I-ran và nhóm P5 + 11, trong đó có Mỹ. Vậy, bản chất của vấn đề này là gì? Hệ lụy của nó ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Đơn phương xé bỏ thành quả đàm phán
Sau hơn một thập kỷ đàm phán căng thẳng, Thỏa thuận hạt nhân I-ran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký vào năm 2015 giữa I-ran với nhóm P5 + 1 và sau đó được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 2231. Mục đích của Thỏa thuận là, cộng đồng quốc tế thông qua nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với I-ran để đổi lấy việc thu hẹp và hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Đây là thỏa thuận mang tầm lịch sử. Bởi, nó không chỉ đảm bảo “cùng thắng” cho tất cả các bên, mà còn mở ra một chương mới trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao. Đối với I-ran, Thỏa thuận đã giúp nước này thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế vốn “siết chặt” trong nhiều năm, tạo môi trường thuận lợi cho Tê-hê-ran hòa nhập với thế giới để phát triển đất nước. Trong khi đó, JCPOA cũng đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ và phương Tây vốn bị loại khỏi thị trường I-ran trong vài thập niên qua. Quan trọng hơn, Thỏa thuận đã tạo bước đột phá trong tháo ngòi nổ căng thẳng giữa Mỹ, phương Tây và I-ran, mở ra một khởi đầu tốt đẹp cho những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Không những thế, Thỏa thuận hạt nhân I-ran được ký kết đã minh chứng cho một chân lý bất hủ: mọi căng thẳng, đối đầu, dù ở cấp độ nào cũng đều có thể hóa giải bằng con đường ngoại giao nếu các bên cùng có thiện chí.
Thực tiễn thời gian qua, kể từ ngày Thỏa thuận được ký kết, bầu không khí căng thẳng, đối đầu giữa Mỹ, phương Tây và I-ran đã được loại bỏ, thay vào đó là dòng vốn đầu tư vào quốc gia Hồi giáo này ngày một tăng; ngành khai thác dầu khí của I-ran từng bước hồi phục, đưa nước này trở lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu mỏ. Điều đáng nói là, việc chấp hành nghiêm túc Thỏa thuận của Chính quyền Tê-hê-ran được quốc tế thừa nhận. Cho đến nay, tất thảy 10 báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - cơ quan quốc tế duy nhất phụ trách giám sát cam kết hạt nhân của I-ran kể từ khi JCPOA có hiệu lực - đều cho thấy, Tê-hê-ran tuân thủ đầy đủ các cam kết.
Thế nhưng, từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Đô-nan Trăm đã muốn xé bỏ JCPOA, vì cho rằng đây là Thỏa thuận “bất lợi” cho nước Mỹ. Đặc biệt gần đây, lấy lý do I-ran thử tên lửa đạn đạo, Mỹ đòi các bên phải đàm phán điều chỉnh nội dung của Thỏa thuận và dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Theo giới phân tích, đây là đòi hỏi phi lý của Mỹ, bởi nội dung Thỏa thuận hạt nhân I-ran chỉ buộc Tê-hê-ran giảm các chương trình làm giàu uranium ở mức không thể chế tạo vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Điều đó có nghĩa là, việc phát triển các loại vũ khí phòng thủ khác của I-ran không hề vi phạm Thỏa thuận và được xuất phát từ nhu cầu chính đáng của Tê-hê-ran, nhất là khi nước này nằm ở giữa các quốc gia có hệ phái tôn giáo đối lập. Vì thế, lúc ban đầu, đòi hỏi trên của Mỹ đã bị chính các đồng minh châu Âu phản đối. Tuy nhiên, ngay sau đó, mặc dù cả Anh, Pháp và Đức cùng đề xuất các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với I-ran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo, nhưng Oa-sinh-tơn vẫn khăng khăng rút khỏi Thỏa thuận. Vậy, hà cớ gì Mỹ phải “dứt áo ra đi”?
Nguyên nhân rút khỏi Thỏa thuận
Theo giới quan sát, những nguyên nhân đằng sau động thái này rất phức tạp. Trước hết, quyết định của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm có thể xuất phát từ những cam kết khi tranh cử, nhằm xóa bỏ di sản chính trị của cựu Tổng thống B. Ô-ba-ma. Trên thực tế, trong hơn một năm cầm quyền, chính sách đối nội, đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng hầu hết đã đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm; tức là phản đối những gì mà B. Ô-ba-ma tán thành và ủng hộ những gì mà B. Ô-ba-ma ghét bỏ; trong khi đó, Thỏa thuận hạt nhân I-ran là một trong những điểm nhấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Bên cạnh đó, thông qua quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran, Tổng thống Đô-nan Trăm mong muốn củng cố phe cứng rắn với I-ran trong Đảng Cộng hòa cũng như thể hiện sức mạnh, vị thế của một siêu cường đối với bên ngoài; đồng thời, ủng hộ nhóm lợi ích của các đồng minh thân cận là A-rập Xê-út và I-xra-en,… nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới. Thêm vào đó, việc rút khỏi Thỏa thuận cũng có nguyên do từ kết quả khiêm tốn của ngành công nghiệp quốc phòng, các tập đoàn năng lượng Mỹ trong đầu tư vào I-ran, bởi trong tiềm thức của Chính quyền Tê-hê-ran, Mỹ vẫn là kẻ thù truyền kiếp, v.v.
Tuy nhiên, theo chính giới nhiều nước, căn nguyên chủ yếu mà Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran là nhằm thực hiện một bước quan trọng trong chiến lược Trung Đông mới tuy chưa hình thành một cách hệ thống, nhưng đã manh nha các yếu tố ban đầu. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi cục diện ở Trung Đông đã có nhiều thay đổi, đó là: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã cơ bản bị tiêu diệt; phe đối lập ở Xy-ri ngày càng suy yếu khó có thể hồi phục; vai trò ảnh hưởng của I-ran đối với khu vực từng bước được tăng lên,… đã, đang đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ. Tình hình đó, buộc Mỹ phải tập trung sức lực để giành phần thắng trước các nước lớn, đảm bảo sự cân bằng quyền lực địa chính trị ở khu vực cũng như trên toàn thế giới; trong đó, việc kiềm chế I-ran là nhiệm vụ được Oa-sinh-tơn ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, Mỹ xác định, phải thông qua JCPOA mới có thể vừa củng cố mối quan hệ với các đồng minh thân thiết, theo đuổi lợi ích kinh tế ở khu vực, vừa có thể chèn ép được I-ran. Điều này càng được khẳng định khi Tổng thống Đô-nan Trăm bày tỏ thái độ phản đối Thỏa thuận hạt nhân I-ran trên cả ba khía cạnh. Thứ nhất, theo Oa-sinh-tơn, JCPOA tồn tại “điều khoản hoàng hôn”, nghĩa là, Thỏa thuận chỉ có thể hạn chế I-ran phát triển công nghệ hạt nhân trong thời kỳ nó có hiệu lực, chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn tham vọng hạt nhân của Tê-hê-ran một cách lâu dài. Thứ hai, Thỏa thuận không hạn chế I-ran nghiên cứu, phát triển tên lửa chiến lược, nhất là tên lửa chiến lược tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân, đe dọa an ninh nước Mỹ. Thứ ba, Thỏa thuận đã cho phép I-ran làm giàu “không chính đáng”, tạo nhiều sức mạnh để “tài trợ khủng bố” ở nhiều quốc gia Trung Đông, nâng đỡ đại diện quân sự,… tạo nguồn gốc gây hỗn loạn trong khu vực. Như vậy, Mỹ không những mong muốn ngăn chặn I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân, mà còn muốn chèn ép lợi thế địa lý ngày càng gia tăng của nước này ở khu vực.
Đồng tình với những phân tích trên, các chuyên gia về Trung Đông cũng cho rằng, Oa-sinh-tơn có những động cơ ngầm khi làm căng với Tê-hê-ran, mà Thỏa thuận hạt nhân I-ran chỉ là cái cớ để khêu ngòi. Cái Mỹ luôn muốn là: một I-ran không có thực lực, không có phòng vệ đầy đủ để nước này tùy ý tấn công. Vì thế, không khó để thấy rằng, thực chất cuộc “khủng hoảng Thỏa thuận hạt nhân I-ran” là Mỹ dựa vào bãi bỏ JCPOA để kiềm chế Tê-hê-ran, điều chỉnh sự cân bằng chiến lược trong khu vực, củng cố liên minh, thu lợi và giữ vững quyền chủ đạo ở Trung Đông. Phải chăng, đây mới là nguyên nhân đích thực khiến Mỹ khăng khăng đòi xé bỏ Thỏa thuận ngay cả khi Anh, Pháp, Đức - những đồng minh chủ chốt trong nhóm P5 + 1 ra sức ngăn cản.
Hệ lụy khó lường
Theo đánh giá của các nhà quan sát, việc Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran sẽ là đòn giáng mạnh vào nền hòa bình và an ninh quốc tế, trực tiếp là đối với khu vực Trung Đông, với nhiều hệ lụy khó lường. Theo đó, động thái của Oa-sinh-tơn có thể mở ra thời kỳ bất ổn ở Trung Đông, mà trước hết, làm gia tăng đối đầu giữa hai cựu thù là I-xra-en và I-ran. Trên thực tế, I-xra-en và I-ran từ lâu vẫn gián tiếp đối đầu nhau thông qua lực lượng dân quân trong khu vực và hiện tại trên chiến trường Xy-ri. Vì thế, chỉ 2 ngày sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran (ngày 10-5), người phát ngôn Quân đội I-xra-en, Trung tướng Giô-na-than Cô-ri-cút (Jonathan Conricus) thông báo: Quân đội nước này đã đánh trúng hàng loạt mục tiêu quân sự của I-ran tại Xy-ri. Động thái này diễn ra sau vụ nã tên lửa nhằm vào các lực lượng I-xra-en mà theo nước này là do I-ran tiến hành, khiến căng thẳng leo thang đột ngột. Ngoài ra, việc Mỹ xé bỏ thỏa thuận hạt nhân I-ran, sẽ gieo rắc mối bất đồng giữa các quốc gia trong khu vực, nhất là các nước đồng minh của Mỹ vốn có mâu thuẫn về lợi ích đối với I-ran, khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng, bạo lực và bất ổn có thể bước vào một vòng xoáy mới.
Cùng với đó, hậu quả của việc từ bỏ Thỏa thuận trên có thể làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở khu vực. Hiện tại, I-ran vẫn muốn nhanh chóng đàm phán với các bên tham gia ký kết còn lại để “thẩm định” xem các đối tác này có tiếp tục cam kết đối với các lợi ích của I-ran (sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận) hay không. Đồng thời, cảnh báo khả năng tái khởi động chương trình hạt nhân (vốn đã có từ trước khi Thỏa thuận được ký kết), thậm chí với tốc độ nhanh hơn khi JCPOA “của P4 + 1” không đem lại lợi ích gì đối với nước này. Điều đó nếu xảy ra sẽ kích thích sự mở đường cho việc nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử của các nước trong khu vực cũng như kéo theo những mối đe dọa quân sự, kể cả từ phía I-xra-en.
Hơn nữa, do quy mô, tầm vóc của Thỏa thuận hạt nhân I-ran rất lớn, không phải chuyện riêng giữa Mỹ và I-ran nên quyết định đơn phương rút khỏi Thỏa thuận này không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh, uy tín của Mỹ trong các vấn đề đối ngoại, gây rạn nứt trong quan hệ giữa các nước phương Tây, mà quan trọng hơn là làm phương hại đến niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với việc giải quyết các vấn đề tương tự thông qua đàm phán. Theo lô gic đó, hậu quả của nó gây ra đối với khu vực và toàn cầu sẽ lớn hơn rất nhiều so với những toan tính lúc đầu của Mỹ, với những “công phá” không thể lường hết được.
Thượng tá ĐINH VĂN HƯNG, Học viện Kỹ thuật Quân sự _________________
1 - Gồm: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức.
Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm,thỏa thuận hạt nhân I-ran
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ