Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:22 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trước các mối đe dọa từ bên ngoài và bên trong, “bao gồm cả các hành động không thân thiện của nước ngoài”, ngày 02/7/2021, Nga công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới. Chiến lược đề cập nhiều vấn đề, trong đó ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia của công dân Nga cả ở trong và ngoài nước.
Xác định rõ một số nguy cơ
Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga đưa ra nhận định, tình hình thế giới hiện nay đặc trưng ở sự hình thành các trung tâm quyền lực mới trên toàn cầu và khu vực, làm trầm trọng thêm các cuộc chiến giành phạm vi ảnh hưởng; sức mạnh quân sự ngày càng được các chủ thể trong quan hệ quốc tế sử dụng để đạt được các mục đích địa chính trị. Các hiểm họa và mối đe dọa quân sự gia tăng đối với Nga, các đồng minh và đối tác của Nga thông qua việc NATO xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự sát biên giới, tăng cường các hoạt động tình báo, huấn luyện sử dụng các đội quân lớn và cả vũ khí hạt nhân chống lại Nga. Trong bối cảnh gia tăng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, Mỹ đang theo đuổi mục tiêu từ bỏ các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, ráo riết triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đe dọa ổn định chiến lược và an ninh quốc tế. Cùng với đó, do sự suy yếu các chuẩn mực và nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế thừa nhận, sự suy giảm và xói mòn các thể chế luật pháp quốc tế hiện có, hệ thống các hiệp ước và thỏa thuận kiểm soát vũ khí đang dần bị loại bỏ đã làm gia tăng căng thẳng chính trị, quân sự ở các khu vực giáp biên giới quốc gia của Nga. Một số nước đang toan tính thúc đẩy các hoạt động gây chia rẽ mối quan hệ của các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và phá hoại quan hệ của Nga với các đồng minh truyền thống, họ coi Nga là “mối đe dọa”, là “đối thủ quân sự”, v.v. Trong bối cảnh đó, nổi lên nguy cơ ngày càng tăng về xung đột vũ trang leo thang thành các cuộc chiến tranh cục bộ và khu vực, lôi kéo sự tham gia của các cường quốc hạt nhân; căng thẳng tiếp tục leo thang tại một số khu vực đang có xung đột trong không gian hậu Xô Viết, Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan và bán đảo Triều Tiên. Hệ thống an ninh toàn cầu và khu vực suy yếu tạo điều kiện cho sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan. Tất cả diễn biến này đều có tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến an ninh quốc gia của Liên bang Nga.
Để thực hiện sách lược “nội công, ngoại kích”, “các quốc gia không thân thiện” đang tìm cách lợi dụng những khó khăn về kinh tế - xã hội ở Liên bang Nga để phá hoại đoàn kết nội bộ, xúi giục, cực đoan hóa phong trào biểu tình, ủng hộ các nhóm bên lề và gây chia rẽ xã hội Nga; kích động, làm trầm trọng thêm xung đột sắc tộc và tôn giáo, thao túng trong lĩnh vực thông tin. Các tổ chức khủng bố và cực đoan quốc tế tìm cách tăng cường tuyên truyền và tuyển dụng người dân Nga, lập các ổ nhóm bí mật của chúng trên lãnh thổ Nga và lôi kéo thanh niên Nga tham gia các hoạt động bất hợp pháp. Các công ty Internet toàn cầu được sử dụng rộng rãi để lan truyền thông tin không chính xác và tổ chức các hành động bất hợp pháp.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông làm gia tăng các mối đe dọa đối với an ninh của người dân, xã hội và Nhà nước Nga. Trong điều kiện đó, việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, phá hoại chủ quyền và xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế ngày càng gia tăng, số vụ tấn công máy tính vào các tài nguyên thông tin của Nga ngày càng lớn. Trong khi các cơ quan tình báo nước ngoài tăng cường các hoạt động trong không gian thông tin của Nga, thì lực lượng vũ trang của họ tiến hành các hoạt động nhằm vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Liên bang Nga. Hầu hết các cuộc tấn công này đều được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Nga. Trong khi đó, các sáng kiến đảm bảo an ninh thông tin quốc tế của Liên bang Nga lại đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số nước - các nước đang tìm cách thống trị không gian thông tin toàn cầu.
Giải pháp ngăn ngừa
Để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga xác định nhiều giải pháp, tập trung vào các nội dung, như: dự báo nguy cơ chiến tranh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, hoàn thiện hệ thống lập kế hoạch quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, v.v.
Dự báo nguy cơ chiến tranh, Chiến lược xác định, cần kịp thời phát hiện các hiểm họa quân sự và nguy cơ chiến tranh hiện có cũng như tiềm tàng. Đồng thời, nghiên cứu các xu hướng thay đổi tính chất chiến tranh và xung đột vũ trang hiện đại. Duy trì đủ tiềm lực răn đe hạt nhân, chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga xác định rõ các nguy cơ chiến tranh xâm lược mà nước này đang phải đương đầu. Đó là, kẻ xâm lược tiềm tàng triển khai các lực lượng vũ trang thông thường tại các vùng lãnh thổ, vùng biển tiếp giáp biên giới Nga và các đồng minh của Nga, trong đó có vũ khí hạt nhân; triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, vũ khí phi hạt nhân và vũ khí siêu vượt âm, các khí tài bay không người lái và vũ khí năng lượng định hướng; triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và tấn công trong vũ trụ; đưa vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt vào trang bị sẵn sàng sử dụng để tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga hoặc đồng minh của Nga. Để thực hiện thành công chính sách răn đe hạt nhân mới, trong điều kiện ngân sách quốc phòng hạn hẹp, Nga đã nghiên cứu phát triển thành công và đưa vào trang bị các loại vũ khí dựa trên nguyên lý khoa học mới, hoàn toàn có thể vượt qua mọi lá chắn tên lửa hiện có và trong tương lai trung hạn của các đối thủ tiềm tàng, sẵn sàng giáng đòn đáp trả hạt nhân một khi bị xâm lược.
Nâng cao chất lượng lập kế hoạch quân sự. Nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đang diễn biến hết sức phức tạp, Nga sẽ tập trung phát triển và thực hiện tổng hợp các kế hoạch, phương án, biện pháp chính trị, quân sự, kỹ thuật, ngoại giao, kinh tế, thông tin,… để ngăn chặn các hoạt động sử dụng vũ lực tấn công họ, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong bối cảnh tình hình chính trị, quân sự bất ổn và rất khó dự báo như hiện nay, Chiến lược An ninh quốc gia mới đề ra yêu cầu, hơn lúc nào hết Nga cần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, nhất là các binh chủng, tập đoàn quân và cơ quan quân đội. Duy trì ở mức cao trạng thái sẵn sàng về chính trị, tinh thần, tâm lý, trật tự và kỷ luật quân sự, tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ nhất khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang Nga. Để đối phó với cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai, Nga tập trung phát triển cân đối các thành phần, tổ chức quân sự của nhà nước, cả lực lượng chính quy và lực lượng không chính quy, cả lực lượng phòng thủ quốc gia và lực lượng phòng thủ dân sự. Không để bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang cực kỳ tốn kém, song Nga vẫn có thể đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển, chế tạo và đưa vào trang bị các loại vũ khí mới theo nguyên lý mới và đặc chủng, thậm chí là độc nhất vô nhị trên thế giới để cung cấp cho lực lượng vũ trang. Kịp thời cập nhật và duy trì đủ tiềm lực kỹ thuật quân sự cho các tổ chức quân sự của nhà nước. Đồng thời, đảm bảo vị thế độc lập về công nghệ và khả năng phát triển sáng tạo của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Nâng cao khả năng động viên cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chiến lược mới nêu rõ, cần hoàn thiện việc hoạch định và triển khai các biện pháp cần thiết để chuẩn bị khả năng động viên và sẵn sàng động viên, chuẩn bị phòng thủ, bảo vệ người dân, bảo vệ các giá trị vật chất, văn hóa trước nguy cơ phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự hoặc do hậu quả của các cuộc xung đột quân sự; chuẩn bị về kinh tế của Nga, của các chủ thể của Liên bang Nga các cấp thành phố. Các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức, lực lượng vũ trang Nga và các lực lượng khác luôn ở trạng thái sẵn sàng bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị tấn công vũ trang, đáp ứng nhu cầu của đất nước và người dân trong điều kiện thời chiến. Kế thừa bài học từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Chiến lược An ninh quốc gia mới xác định rõ nhiệm vụ cần tăng cường hoạt động giáo dục tinh thần yêu nước cho công dân Nga, trước hết là thế hệ trẻ, chuẩn bị cho công dân sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong bối cảnh các giá trị tinh thần, đạo đức, văn hóa và lịch sử truyền thống của Nga đang bị các thế lực thù địch chống phá, hơn lúc nào hết, Nga cần giáo dục tinh thần yêu nước, đề cao và bảo vệ các giá trị truyền thống, niềm tin và đức tin của dân tộc. Không ngừng cải thiện hệ thống bảo đảm chế độ, chính sách cho quân nhân, các thành viên gia đình quân nhân, công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cải thiện điều kiện phục vụ nghĩa vụ quân sự, coi phục vụ trong quân đội là nghĩa vụ cao quý nhất của công dân Nga, v.v.
Có thể thấy, Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga đã xác định rõ một số nguy cơ gây ra chiến tranh; chủ động chuẩn bị đất nước về mọi mặt nhằm ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia - dân tộc và người dân Nga trong điều kiện mới.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Chiến lược An ninh quốc gia,Liên bang Nga,ngăn ngừa chiến tranh
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ