Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 26/04/2021, 08:19 (GMT+7)
Nguy cơ mở rộng vòng cung bất ổn Á - Âu

Trật tự thế giới đang thay đổi sâu sắc với xu hướng bất ổn ngày càng gia tăng. Tham vọng duy trì và mở rộng ảnh hưởng của các cường quốc đã tạo ra những cạnh tranh quyết liệt, gây biến động lớn tại nhiều khu vực, trong đó có vòng cung Á - Âu.

Những bất ổn trong vòng cung Á - Âu

Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, điều kiện cần thiết để trở thành thủ lĩnh toàn cầu là phải giành được quyền kiểm soát lục địa Á - Âu. Vì vậy, trong nhiều năm qua, cuộc chiến nhằm gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc tại một số khu vực thuộc lục địa Á - Âu không hề suy giảm. Tuy nhiên, do quá trình toàn cầu hóa gia tăng, khuynh hướng cạnh tranh chiến lược trong không gian rộng lớn, kéo dài từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương ngày càng khốc liệt, tạo một vòng cung bất ổn. Trên thực tế, vòng cung này gồm một khu vực địa lý rộng lớn và được chia thành các khu vực: Trung Đông, Nam Á, Đông Á, Trung Á, Đông Âu, Tây Âu, Caucasus và Bắc Cực.

Hiện tại, Trung Đông được coi là khu vực nóng nhất của vòng cung bất ổn này. Mâu thuẫn địa chiến lược giữa những nhân tố quan trọng trên trường quốc tế cùng lực lượng ủy nhiệm và quân đội chính quy đã cuốn nhiều quốc gia vào vòng xoáy xung đột khó tìm được điểm dừng, nhất là tại Syria. Năm 2021, là năm đánh dấu cuộc nội chiến tại nước này kéo dài một thập kỷ. Các cuộc đối thoại gần đây giữa chính quyền Syria và phe đối lập nhằm thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở tiến trình chính trị theo Nghị quyết số 2254, ngày 18/12/2015 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn được tiến hành, song chưa đạt được kết quả mang tính đột phá. Mặc dù, chính quyền Damascus đã kiểm soát khoảng 70% lãnh thổ, nhưng tình hình an ninh, chính trị nơi đây vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các cuộc giao tranh vẫn xảy ra. Dư luận quốc tế cho rằng, cuộc khủng hoảng Syria nếu không sớm tìm ra lối thoát, rất có thể quốc gia này một lần nữa đối mặt với nguy cơ nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy, đe dọa trực tiếp đến an ninh, ổn định của Syria nói riêng, khu vực nói chung.

Vấn đề hạt nhân Iran cũng không mấy sáng sủa. Sau một năm đầy căng thẳng với chính sách gây áp lực tối đa cả về chính trị, kinh tế và quân sự của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Iran đã không ngần ngại cắt giảm tối đa việc thực hiện một số cam kết, trong đó có việc tuân thủ các giới hạn đối với chương trình làm giàu urani trong Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Tuy tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có quan điểm cởi mở hơn đối với vấn đề này, song cái khó hiện nay là giữa Tehran và Washington, không bên nào chịu phát đi tín hiệu “xuống thang” trước. Tehran thì ra điều kiện, Washington phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và quay trở lại với các cam kết quốc tế trước khi tiến hành các cuộc thảo luận. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Nhà Trắng cũng yêu cầu Iran phải tuân thủ nghiêm các cam kết trong JCPOA.

Với tiến trình hòa bình Israel - Palestine, “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” dài 80 trang gây tranh cãi do cựu Tổng thống Donald Trump “đạo diễn” sẽ là một “di sản” nặng nề với người kế nhiệm Joe Biden. Kế hoạch này từng được coi là đòn “chí mạng” giáng vào tiến trình hòa bình Israel - Palestine, hủy hoại giải pháp hai nhà nước; đồng thời, cũng sẽ lấy đi bất kỳ cơ hội nào về thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Do đó, chính quyền Palestine đã tuyên bố chấm dứt “Hiệp ước hòa bình Oslo” được ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine, trong đó gồm các thỏa thuận hợp tác an ninh cũng như các quan hệ dân sự với Israel.

Ở khu vực Nam Á, dù chưa thể so sánh với Trung Đông về sự rối ren và biến động, nhưng lịch sử tranh chấp lãnh thổ (khu vực Kashmir) căng thẳng và kéo dài giữa Ấn Độ - Pakistan không khác gì “quả bom hẹn giờ” và có thể biến khu vực này thành “chảo lửa” bất cứ lúc nào. Đây có thể là một trong những nguyên nhân thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang, thậm chí kéo hai quốc gia này vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Nếu điều đó xảy ra, thì sẽ là “cơn ác mộng” đối với hòa bình thế giới.

Vòng cung bất ổn tại khu vực Đông Á bắt đầu từ Nga qua quần đảo Kuril (Nhật Bản), biển Hoa Đông tới Biển Đông. Ngoài tranh chấp chủ quyền tồn tại giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Nhật Bản với Hàn Quốc và tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đông, thì vấn đề tác động mạnh nhất đến an ninh, chính trị khu vực Đông Á thời gian vừa qua chính là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu như Washington có dự án “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thì Bắc Kinh có sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Thời gian tới, khu vực này chắc chắn sẽ tiếp tục bị tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc với nhiều hệ lụy khó lường trước được.

Ở những khu vực khác, các nguy cơ mới về an ninh, chính trị liên tục nổi lên trong những năm gần đây sẽ là những thách thức không nhỏ mà lục địa Á - Âu phải đối diện trong thế kỷ XXI. Ví như: cuộc khủng hoảng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2008 đã và đang gây bất ổn về kinh tế, chính trị cũng như tạo sự chia rẽ đáng lo ngại ở cả Đông và Tây Âu. Năm 2020, căng thẳng âm ỉ kéo dài tại Caucasus đã dẫn đến xung đột vũ trang giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh. Xung đột này nếu không được kiểm soát kịp thời, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước, đồng thời kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực. Tại Bắc Cực, khu vực giàu nguồn hải sản và khoáng sản - “nguồn tài nguyên dành cho tương lai” sẽ là nơi cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, nhất là tranh chấp về lãnh thổ giữa các cường quốc. Điểm nóng này nếu tiếp tục mở rộng về quy mô sẽ làm gia tăng nguy cơ kết nối thành chuỗi bất ổn, không chỉ làm rung chuyển lục địa Á - Âu mà còn lan ra phạm vi toàn thế giới.

Ngoài ra, đại đa số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều tập trung ở lục địa Á - Âu như: Pháp, Nga, Israel, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên. Yếu tố này không khỏi gợi lên những mối lo tiềm tàng khi vòng cung bất ổn không được kiểm soát một cách triệt để.

Cuộc đua không dừng lại và sự hình thành “cơn bão” địa chiến lược của thế kỷ XXI

Từ thế kỷ thứ XVIII, khái niệm “Bàn cờ lớn” đã được đưa ra để mô tả cuộc cạnh tranh chiến lược, giành quyền kiểm soát và vai trò ảnh hưởng giữa các cường quốc tại lục địa Á - Âu. Đến thế kỷ XXI, cuộc cạnh tranh tại khu vực này không hề giảm nhiệt, thậm chí còn gia tăng về cường độ khi nhiều quốc gia coi việc “lấy ưu thế” trên bàn cờ làm cơ sở cho việc giành vị thế trên trường quốc tế. Điểm chung trong chiến lược của các nước lớn là, nhận diện các quốc gia năng động về kinh tế, chính trị, có khả năng tạo ra sự chuyển đổi quan trọng trong việc phân bổ quyền lực toàn cầu, sau đó gia tăng ảnh hưởng, khả năng kiểm soát để duy trì và thúc đẩy những lợi ích sống còn.

Sở dĩ nhiều nhận định cho rằng, cuộc cạnh tranh tại lục địa Á - Âu trong thời gian tới sẽ khốc liệt hơn là do những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương theo hướng mà Mỹ không mong muốn. Điều này buộc “chú Sam” phải điều chỉnh chiến lược, thực hiện “Xoay trục”, “Tái cân bằng”, nhằm tăng cường can dự vào châu Á trước khi quá muộn. Ngoài ra, các nước lớn như Nga và Ấn Độ đều có chiến lược hướng tới khu vực châu Á. Trong khi Nga hoạch định chiến lược đối tác Á - Âu, nhằm kết nối nền tảng của Liên minh kinh tế Á - Âu với Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nâng cấp quan hệ Nga - ASEAN từ “đối tác” thành “đối tác chiến lược”, thì Ấn Độ cũng điều chỉnh Chiến lược “Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông” nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh với các quốc gia Đông Á. Ở cực Tây lục địa Á - Âu, hai quốc gia năng động là Pháp và Đức đều bị thúc đẩy bởi cách nhìn về một châu Âu thống nhất. Đây là hai quốc gia mạnh, đủ khả năng quyết đoán cũng như phát huy tầm ảnh hưởng trong một khu vực rộng lớn. Pháp không chỉ tìm kiếm vai trò là một trung tâm chính trị ở châu Âu thống nhất, mà còn tự coi mình là hạt nhân của nhóm các nước Địa Trung Hải - Bắc Phi. Trong khi đó, Đức ngày càng nhận thức được vị thế đặc biệt của mình: là quốc gia quan trọng hàng đầu, trụ cột của châu Âu, đầu tầu kinh tế của EU cũng như khu vực. Ngoài ra, những năm gần đây, EU cũng đã chủ động điều chỉnh chiến lược trong quan hệ với các nước châu Á trên cơ sở Chiến lược toàn cầu thế kỷ XXI và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vladimir Kolotov thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Nga): sự cạnh tranh khốc liệt trên cuộc đua giành quyền kiểm soát lục địa Á - Âu là nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn khó hóa giải giữa các nước lớn. Thời gian vừa qua, xu thế rời khỏi các thỏa thuận, hiệp ước quốc tế của các cường quốc ngày càng gia tăng. Cùng với việc Liên minh châu Âu có ý định thành lập quân đội riêng thì tại các quốc gia nằm trong vòng cung bất ổn Á - Âu cũng đã xuất hiện những dòng người di cư, người dân bản địa bị thay thế bởi những người dân ở khu vực khác; nền văn hóa dân tộc, cơ sở hạ tầng của các quốc gia này đang bị phá hủy; danh tính của các tôn giáo đang bị thay đổi. Sự bất ổn cũng được dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, điển hình là những phần tử cực đoan từ Trung Đông chuyển đến Đông Nam Á - khu vực chưa có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ này. Bên cạnh đó, quyền kiểm soát trực tiếp các nguồn tài nguyên chiến lược đang được thiết lập, những “tay chơi chính” trên bàn cờ quốc tế đều nỗ lực thay đổi tương quan lực lượng tại một số khu vực chiến lược quan trọng nhằm mở rộng ảnh hưởng ra không gian rộng lớn hơn và không để rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, những mâu thuẫn chính trị nội bộ tại một số quốc gia trong lục địa Á - Âu trở nên gay gắt hơn, một vòng cung mới của cuộc chạy đua vũ trang đã hình thành. Hiện có sự cạnh tranh trong việc xây dựng các căn cứ quân sự, áp lực cao hơn so với thời Chiến tranh Lạnh. Đây là lý do vì sao những biến động ở lục địa Á - Âu hiện nay là đáng lo ngại.

Lục địa Á - Âu với hơn 05 tỷ người đang sinh sống, nếu như khu vực này trở nên bất ổn, thì nhân loại sẽ bị tác động không nhỏ. Hiện những bất ổn tại vòng cung Á - Âu được ví như những cơn “áp thấp nhiệt đới” đang mạnh dần lên thành bão. Trận cuồng phong lớn chưa hình thành, nhưng nó đang phát triển theo chiều hướng cần đặt trong chế độ cảnh báo cao để tránh một cục diện vượt tầm kiểm soát của khu vực cũng như thế giới.

LÂM PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...