Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 13/04/2017, 08:39 (GMT+7)
NATO tăng cường lực lượng ở châu Âu - hiểm họa khó lường

Những năm gần đây, Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ráo riết tăng cường lực lượng quân sự ở châu Âu theo hai hướng: triển khai thêm lực lượng và gia tăng tần suất, quy mô các cuộc tập trận. Đáng chú ý là, những hoạt động này được diễn ra sát biên giới Nga, đã và đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.

Cùng với tình hình chính trị phức tạp ở một số nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi, sự xuất hiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã trở thành hiểm họa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ XX. Đây là vấn đề mà cộng đồng quốc tế cần tập trung nỗ lực cao độ để giải quyết, nhằm duy trì hòa bình về an ninh khu vực và thế giới. Cũng như Liên Xô trước đây đã từng đi đầu trong liên minh quốc tế chống chủ nghĩa phát xít, ngày nay, nước Nga vẫn tiếp tục phát huy tinh thần đó, đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri, trước hết là đánh bại IS. Tuy nhiên, hoạt động đó được đáp lại bằng việc NATO liên tục phát triển lực lượng ở châu Âu - nơi chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành, lấy cớ là nhằm chống “nguy cơ xâm lược từ Nga”.

Cánh quân phía Đông của NATO. (Ảnh: rusjev.net)

Tăng cường lực lượng và hoạt động quân sự ở châu Âu

Sau khi Mỹ liên tiếp đưa nhiều vũ khí tới các nước thành viên NATO sát biên giới Nga, như: Lát-vi-a, Lít-va và Ét xtô-ni-a, thì trong năm 2015, NATO đẩy nhanh quá trình thành lập Lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao và phản ứng nhanh (VJTF) với 5.000 quân, triển khai ở Ba Lan và các nước vùng Ban-tích; đồng thời, thiết lập trung tâm chỉ huy ở các nước thành viên NATO mà trước đây họ là đồng minh của Liên Xô, gồm: Bun-ga-ri, Ba Lan và Ru-ma-ni. Đặc biệt, ngày 10-11-2016, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pi-tơ - Cúc thông báo, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch đã xây dựng với NATO để tăng cường lực lượng quân sự tại châu Âu. Theo kế hoạch này, tháng 02-2017, Mỹ bắt đầu triển khai một lữ đoàn tác chiến bổ sung cho châu Âu, nâng quân số của Mỹ tại khu vực này lên ba lữ đoàn. Trước đó, ngày 24-01-2017, NATO công bố thành lập Lực lượng hỗn hợp trực thuộc (NFIU), trước mắt đóng quân tại doanh trại Vai-nô-ri, gần thủ đô Bra-xti-xla-va của Cộng hòa Xlô-va-ki-a. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Xlô-va-ki-a, ông P. Gai-đô, NFIU sẽ tham gia các hoạt động phòng thủ tập thể tại châu Âu, hỗ trợ các cuộc tập trận và huấn luyện chung. Cùng ngày, nhằm thực hiện một phần trong kế hoạch tăng cường lực lượng tại sườn phía Đông (khu vực sát biên giới Nga), NATO đã triển khai một lực lượng gồm 1.200 quân tại căn cứ hải quân Ca-li-pê-đa của Cộng hòa Lít-va. Ngoài ra, hơn 100 binh sĩ Bỉ cùng với khoảng 60 trang thiết bị quân sự sẽ được điều tới căn cứ hải quân này trong thời gian tới.

Trong một động thái khác, ngày 12-5-2016, Mỹ khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao, giai đoạn cuối (ABM) tại Ru-ma-ni. Đây là một trong những thành phần then chốt trong hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ được bố trí ở nhiều căn cứ trên thế giới, có chức năng vô hiệu hóa khả năng tấn công trả đũa của đối phương, một khi Oa-sinh-tơn quyết định tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào họ, từ đó Mỹ sẽ chiếm ưu thế quân sự toàn diện và giành quyền bá chủ thế giới. Theo ông Rô-béc Ben (Đặc phái viên của Mỹ tại NATO), quyết định này là nhằm “tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ các nước đồng minh NATO ở châu Âu “không có năng lực chống lại Nga”. Đặc biệt, ngày 08-7-2016, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Vác-xa-va (Ba Lan), lãnh đạo 28 quốc gia thành viên NATO đã quyết định triển khai 04 tiểu đoàn ở các quốc gia vùng Ban-tích và Ba Lan. Đây là một hành động thách thức Nga chưa từng có, kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Cùng với đó, Mỹ và NATO tăng cường các cuộc tập trận với quy mô ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2014, Mỹ tiến hành cuộc tập trận mang tên chiến dịch “Giải pháp Đại Tây Dương” và đã đưa nhiều vũ khí, khí tài hiện đại tới các nước thành viên NATO sát biên giới Nga, như: Lát-vi-a, Lít-va và Ét-xtô-ni-a. Hơn nữa, năm 2015, NATO triển khai nhiều cuộc tập trận có quy mô và phạm vi khác nhau, sát biên giới nước Nga; trong đó, có cuộc tập trận mang tên “Joint Viking” ở vùng Lác-xen và An-ta của Na-uy (tháng 3-2015), với 5.000 binh sĩ tham gia cùng tất cả các loại vũ khí đã được đưa ra sử dụng. Tiếp đó, tháng 6-2015, NATO lại tiến hành cuộc tập trận về khả năng triển khai nhanh quân từ Đức, Hà Lan, Na-uy và Cộng hòa Séc tới khu vực huấn luyện Da-gan ở miền Tây Ba Lan. Đặc biệt, vào tháng 10 và 11, tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, NATO tiến hành cuộc tập trận lớn, với sự tham gia 25.000 quân của hầu hết các nước thành viên trong khối. Bước sang năm 2016, NATO tiến hành một loạt các cuộc tập trận với quy mô ngày càng lớn hơn, như: “Anakonda-2016”, “Swift Response”, “Saber Strike”,… trên lãnh thổ Ba Lan, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Lát-vi-a, Lít-va, Ét-xtô-ni-a. Điều đáng lưu ý là, mục tiêu tấn công giả định của các cuộc tập trận đó chính là Nga. Không dừng lại ở đó, trong cuộc tập trận “Anakonda-2016” - đây vốn là cuộc tập trận của lực lượng vũ trang Ba Lan - nhưng đã được quốc tế hóa và đưa vào kế hoạch tập trận của NATO. Cuộc tập trận này có quy mô lớn, với sự tham gia của khoảng 31.000 binh sĩ đến từ 24 quốc gia và 3.000 trang thiết bị kỹ thuật quân sự, nhằm hoàn thiện khả năng hợp tác giữa các cơ quan chỉ huy và binh sĩ các nước đồng minh, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa chiến tranh và bảo vệ sườn phía Đông của NATO. Hơn nữa, nó lại được diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của NATO tổ chức tại Ba Lan (tháng 7-2016), để tạo bối cảnh cho liên minh quân sự lớn nhất thế giới này thông qua chiến lược quân sự mới. Cùng với đó, NATO tiến hành một số cuộc tập trận khác nhằm đánh giá khả năng phản ứng, tiến công chớp nhoáng vào đối phương giả định, sau đó đánh chiếm lãnh thổ, cũng như thử thách khả năng đối phó với một loạt các mối nguy cơ an ninh mới của các nước thành viên trong khối.

Các nhà phân tích cho rằng, với việc tăng cường lực lượng, gia tăng các cuộc tập trận ngày càng lớn của NATO tại châu Âu, với mục tiêu mà các nhà chức trách quân sự Mỹ đưa ra là ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Nga ở khu vực này, đã đẩy tình hình nơi đây vốn đã nóng lại càng nóng hơn, thậm chí có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực.

Hiểm họa khôn lường

Mặc cho Mát-xcơ-va tuyên bố Nga chưa và sẽ không bao giờ xâm lược bất cứ quốc gia nào, nhưng các hoạt động quân sự ráo riết của NATO ở châu Âu lại được cho là nhằm đối phó với “nguy cơ xâm lược từ Nga”, đã và đang làm chệch hướng mọi nỗ lực của quốc tế, trước hết là nỗ lực của các nước trên châu lục này trong cuộc chiến chống khủng bố, nhằm đánh bại IS. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm chệch hướng mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng di cư bất hợp pháp lớn nhất từ trước đến nay, mà nguyên nhân được xác định là từ cuộc chiến tranh khủng bố do IS tiến hành. Đồng thời, hoạt động quân sự ráo riết của NATO ở châu Âu đang đẩy châu lục này nói riêng và thế giới nói chung tới trước hiểm họa cuộc chiến tranh thế giới mới, nhằm làm tan rã nước Nga - vật cản lớn nhất đối với tham vọng của một số thế lực đang mưu toan duy trì trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường duy nhất bá chủ.

Để biện minh cho chủ trương này, Mỹ và NATO đang ráo riết triển khai cuộc chiến tranh thông tin xuyên tạc lịch sử trên quy mô toàn cầu, nhằm mục đích: (1) Hạ thấp, thậm chí bác bỏ công lao của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh; (2) Biến Liên Xô từ vai trò quốc gia đi đầu trong cuộc đấu tranh chống phát xít thành “kẻ xâm lược” các nước châu Âu để tô đậm thêm những lập luận dối trá về cái gọi là “nguy cơ xâm lược từ Nga”, rằng “Nga là nguy cơ lớn nhất đối với an ninh của thế giới”; (3) Tôn vinh những kẻ đi theo phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ II là những “người anh hùng”, “những chiến sĩ giải phóng”. Tiếp theo là việc luật hóa chiến lược chống Nga. Ngày 04-12-2015, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 758, trong đó có nội dung cáo buộc Nga là “nhà nước xâm lược”. Đây là lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ coi Nga là “kẻ xâm lược”. Thậm chí, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma còn coi “nguy cơ xâm lược từ Nga” là một trong ba hiểm họa đối với thế giới, cùng với đại dịch Ê-bô-la và IS.

Trước tình hình đó, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã tuyên bố rằng, nước Nga đã, đang chuẩn bị tăng cường lực lượng quốc phòng trên nhiều hướng để không bị bất ngờ như trong năm 1941 - thời điểm lịch sử mà khi đó Hít-le đã bất ngờ xé bỏ Hiệp ước không tấn công lẫn nhau được ký giữa Đức với Liên Xô, mở chiến dịch chớp nhoáng mang tên “Bác-ba-rốt-xa” nhằm tiến thẳng tới Mát-xcơ-va. Theo đó, hoạt động chuẩn bị của nước Nga được triển khai trên nhiều hướng. Thứ nhất, điều chỉnh học thuyết quân sự theo hướng sẵn sàng sử dụng tất cả các loại vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công xâm lược. Thứ hai, triển khai chương trình hiện đại hóa quân đội, theo đó các lực lượng vũ trang của Nga được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất. Thứ ba, nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến lược mới, hoàn toàn có khả năng vượt qua mọi lá chắn tên lửa của đối phương, sẵn sàng thực hiện đòn tấn công đáp trả một khi bị tấn công hạt nhân phủ đầu. Thứ tư, thực hiện các cuộc diễn tập quân sự ở mọi cấp độ chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, đồng thời bố trí lại thế trận và lực lượng trên toàn lãnh thổ. Theo đó, Mát-xcơ-va đã triển khai tên lửa chiến dịch - chiến thuật thế hệ mới “It-kan-đơ” tới vùng Ka-li-nin-grát, sát biên giới các nước Ban-tích là thành viên NATO. Thứ năm, thực hiện chiến dịch tuyên truyền rộng khắp chống lại sự xuyên tạc lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II để nâng cao cảnh giác cho người dân trong nước cũng như trên thế giới, nhằm làm thất bại mọi toan tính của một số thế lực phát động cuộc chiến tranh thế giới mới. Thứ sáu, nỗ lực cùng với các nước khác trong liên minh chống khủng bố để đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Xy-ri - một mặt trận có mối liên quan mật thiết với các hoạt động tăng cường lực lượng của NATO ở châu Âu.

Như vậy, sau hơn 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, cộng đồng quốc tế lại đứng trước một cuộc “chiến tranh thế giới mới” tiềm tàng, mà ban đầu diễn ra như là một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu. Dư luận quốc tế cho rằng, các động thái về tăng cường lực lượng của NATO tại châu Âu không những không bảo vệ được “ngôi nhà chung châu Âu”, mà còn tạo ra những hiểm họa khôn lường đối với chính lục địa già và toàn thế giới.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...