Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 29/05/2023, 08:11 (GMT+7)
NATO điều chỉnh chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã, đang nổi lên và trở thành một trong những khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới nên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc cũng như tổ chức quốc tế lớn, trong đó có NATO. Theo đó, tổ chức này đang xúc tiến quá trình hình thành “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” với những bước đi cụ thể. Đây là động thái được đánh giá là gây ảnh hưởng lớn đến an ninh khu vực và thế giới, tạo sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế.

Bối cảnh

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời trong “kỷ nguyên” Chiến tranh lạnh, nhằm tăng cường hợp tác toàn diện giữa các nước tư bản Tây Âu, ngăn chặn ảnh hưởng và sự lan tỏa của hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Để tạo đối trọng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng thành lập khối Warszawa. Sau khi kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh, nước Nga từ bỏ chủ nghĩa xã hội và “tình nguyện” hội nhập vào thế giới phương Tây, với mong muốn xây dựng “Ngôi nhà chung châu Âu”, hình thành không gian hòa bình và hợp tác trên toàn lục địa Âu - Á. Vì thế, Liên minh phòng thủ Warszawa tuyên bố tự giải thể. Trong bối cảnh đó, lẽ ra NATO cũng không còn lý do để tồn tại. Thế nhưng, tổ chức này không những tiếp tục tồn tại, phát triển, hiện đại hóa,... mà còn mở rộng từ 15 quốc gia thành viên (thời Chiến tranh lạnh) thành 31 quốc gia đến thời điểm hiện tại và dự kiến sẽ kết nạp nhiều thành viên mới, với lý do “đối phó với nguy cơ xâm lược từ Nga”!.

Điều đáng quan tâm là, Chiến lược của NATO đến năm 2030 xác định Nga là “nguy cơ trực tiếp”, còn Trung Quốc là “mối đe dọa mang tính hệ thống đối với toàn bộ thế giới phương Tây”. Đồng thời, NATO coi phạm vi ảnh hưởng cũng như hành động của Trung Quốc đặt ra những thách thức mới đối với các nền dân chủ phương Tây. Theo NATO, Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Bắc Cực, phát triển tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom tầm xa, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân tấn công có khả năng hoạt động trên khắp các đại dương và đang thực hiện hàng loạt dự án chiến lược, như: Sáng kiến “Vành đai và con đường”, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành cường quốc số một thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đến năm 2049 là siêu cường công nghệ số một thế giới.

Như vậy, nếu trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, NATO chỉ kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô - quốc gia đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa, thì hiện nay liên minh này không chỉ nhằm kiềm chế Nga mà trong triển vọng dài hạn còn hướng vào kiềm chế Trung Quốc. Theo định hướng đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ bắt đầu điều chỉnh Chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương (từ thời cựu Tổng thống Barack Obama) thành Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thành lập Nhóm Bộ tứ gồm các nước: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Sau khi lên cầm quyền vào đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden cho rằng, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tạo điều kiện cho Mỹ lãnh đạo “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” để phục vụ mục đích phát triển thịnh vượng và ổn định, còn nếu quyền lãnh đạo này nằm trong tay quốc gia khác (ám chỉ Trung Quốc) thì thế giới sẽ trở nên “hỗn loạn”. Nhận định này của ông chủ Nhà Trắng là nhằm chống lại chủ trương của Trung Quốc xây dựng “cộng đồng thế giới cùng chung vận mệnh”. Theo chủ thuyết này, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị và hai hệ tư tưởng đối kháng.

Nội dung điều chỉnh

Để hiện thực hóa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ chủ trương xây dựng “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, tương tự như cách NATO ngăn chặn ảnh hưởng của Nga ở châu Âu. Cấu trúc của “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được định hình từ Hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) ký kết vào ngày 15/9/2021 để tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm “hóa giải các thách thức trong thế kỷ XXI” mà trên thực tế là kiềm chế Trung Quốc. Tuyên bố chung Mỹ - Anh - Australia về thành lập AUKUS nêu rõ, AUKUS được định hướng bởi lý tưởng lâu dài và cam kết chung đối với “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Tất nhiên, “luật lệ” ở đây chủ yếu do Mỹ đặt ra và chi phối. Do đó, đối với Mỹ, AUKUS là bước đi quan trọng của Washington theo hướng điều chỉnh NATO từ châu Âu sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự điều chỉnh này không còn dừng lại ở những cam kết chính trị chung chung, mà được nâng cấp lên tầm cao hơn, ở mức ký kết các hiệp định và thỏa thuận có giá trị ràng buộc về pháp lý. Theo người phát ngôn của chính quyền Mỹ, trên cơ sở AUKUS, Washington cam kết sẽ tăng cường quan hệ song phương với các đồng minh và đối tác an ninh truyền thống ở châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và phát triển tương tác với các đối tác mới trong khu vực. Như vậy, có thể thấy rõ rằng, AUKUS ra đời là động lực thúc đẩy sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của NATO tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sau khi thành lập AUKUS, NATO đã có bước đi đầu tiên hiện thực hóa dự án xây dựng “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong năm 2022, NATO đã mời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách quan sát viên. Đây là những nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên tham dự một hội nghị thượng đỉnh của NATO. Tiếp đến, từ ngày 29/01 đến ngày 01/02/2023, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoàn thành chuyến thăm hai đồng minh then chốt của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong chuyến thăm này, ông Jens Stoltenberg tuyên bố, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu là không thể tách rời; trong khi NATO sẽ vẫn ưu tiên tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ, các thành viên của liên minh này cũng cần giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, trong đó có thách thức từ Trung Quốc và để làm được điều đó, cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực này. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng của NATO đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua việc thường xuyên tham gia các hội nghị thượng đỉnh của NATO, thậm chí Nhật Bản sẽ thành lập phái đoàn thường trực tại trụ sở NATO trong năm 2023 để thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể. Không những thế, trong khuôn khổ chuyến thăm này, Nhật Bản và NATO đã ký thỏa thuận hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh mạng, an ninh hàng hải và mở rộng lực lượng tham gia các cuộc tập trận của hai bên.

Phản ứng của các bên

Nhận định về AUKUS, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev cho rằng, cấu trúc này là biến thể của một liên minh quân sự nhằm kiềm chế cả Trung Quốc và Nga ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực có ý nghĩa địa chính trị và kinh tế tương tự như châu Âu trong thế kỷ XIX và XX. Theo các nhà phân tích, do nhiều nước thành viên NATO ở châu Âu không muốn xung đột với Trung Quốc nên Mỹ và Anh phải tạo dựng “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để thực hiện mục tiêu này. Thời gian tới, có thể AUKUS sẽ dần được mở rộng với các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo báo Guardian (Anh), hiện tại quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang ở mức thấp. Trong khi đó, Mỹ, Anh và Australia đang tìm cách đối phó với thách thức từ sự mở rộng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Rizal Hidayat - chuyên gia an ninh quốc tế từ Đại học Al Azhar của Indonesia nhận định, AUKUS nhắm đến việc thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả và hiệu lực giữa các thành viên của liên minh tình báo thuộc “Nhóm Ngũ nhãn”, gồm: Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, AUKUS còn nhằm nâng cao hiệu quả của Hiệp ước phòng thủ 05 nước, gọi tắt là FPDA, gồm: Australia, Anh, New Zealand, Singapore và Malaysia dựa trên nguyên tắc bảo vệ lẫn nhau. Theo đó, nếu một quốc gia thành viên FPDA bị nước ngoài tấn công, các thành viên khác phải có trách nhiệm bảo vệ, tương tự như Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO từ thời Chiến tranh lạnh. Hãng thông tấn Anh BBC đăng bài viết bình luận: “AUKUS chứng tỏ Anh, Mỹ và Australia thông qua một quyết định có ý nghĩa lịch sử - thành lập một liên minh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc”. Chuyên gia phân tích Pranab Dhal Samanta (Ấn Độ) cho rằng AUKUS sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các quốc gia thành viên Nhóm Ngũ nhãn và Nhóm Bộ tứ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Do nhận thấy định hướng chống Trung Quốc của AUKUS, ngay lập tức Bắc Kinh đã có phản ứng về sự kiện này. Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ coi AUKUS là liên minh ba bên chống Trung Quốc và kêu gọi các bên tham gia liên minh này từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh và các định kiến ​​về ý thức hệ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, quyết định của Mỹ, Anh và Australia thành lập AUKUS là “cực kỳ vô trách nhiệm”, là hành động “phá hoại nghiêm trọng hòa bình khu vực và làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang”.

Bình luận về chuyến thăm hai nước châu Á của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói: “Đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng Thư ký NATO luôn cổ súy cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” và gieo rắc bất hòa giữa các nước trong khu vực. Trung Quốc cam kết vì hòa bình và ổn định trên thế giới. Chúng tôi không tham gia vào các cạnh tranh địa chính trị và không có ý định thách thức hay đe dọa bất kỳ quốc gia nào. Hòa bình, hợp tác, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành hiện thực nhờ những nỗ lực chung của các quốc gia trong khu vực. Khu vực này không hoan nghênh tâm lý Chiến tranh lạnh và sự đối đầu giữa các phe. NATO cần suy nghĩ về vai trò của họ đối với an ninh châu Âu. Chúng tôi đã chứng kiến ​​những gì NATO đã làm với châu Âu và họ không nên tìm cách tàn phá khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay những nơi khác trên thế giới”.

Có thể thấy, việc mở rộng tầm ảnh hưởng của NATO sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang gây ra không ít quan ngại cho các nước trong khu vực, bởi nó làm tăng nguy cơ xảy ra bất ổn khi việc cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng trở nên gay gắt hơn. Đây chính là điều đã được các chuyên gia phân tích và bình luận quốc tế dự báo.

ANH TUẤN - THÙY DƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...