Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 25/10/2021, 08:44 (GMT+7)
“NATO châu Á” và những tác động đến ASEAN

Thời gian gần đây, hoạt động của nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) được đẩy lên cao độ và giữ vai trò trụ cột trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Do đó, trong tương lai nhóm “Bộ Tứ” có thể trở thành “NATO châu Á” hay không và tác động đến ASEAN ra sao đang là câu hỏi của dư luận.

Khả năng nhóm “Bộ Tứ” trở thành “NATO châu Á”

Ý tưởng ra đời nhóm “Bộ Tứ”, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ tháng 8/2007, đề xuất kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương thành khu vực châu Á rộng lớn hơn. Sau đó, ông kêu gọi Mỹ, Australia, Ấn Độ cùng Nhật Bản phối hợp, trao đổi về các vấn đề an ninh mà các bên có chung lợi ích. Ngay khi công bố những ý tưởng đầu tiên về một tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lấy “Bộ Tứ” làm hạt nhân để tập hợp lực lượng, thắt chặt quan hệ với các đối tác nhằm duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự, ngoại giao của Hoa Kỳ.

Sau nhiều năm hình thành và phát triển, hiện nay các nội dung hợp tác của nhóm “Bộ Tứ” ngày càng đa dạng, linh hoạt, chặt chẽ và bao quát toàn diện các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, an ninh (gồm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống) đến quốc phòng, kinh tế và khả năng mở rộng thêm các thành viên mới. Mặc dù, cấu trúc của nhóm “Bộ Tứ” hiện nay mới chỉ là một cơ chế hợp tác giữa các nước có cùng chung quan điểm, lợi ích tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng không loại trừ khả năng trong tương lai nó có thể trở thành một liên minh quân sự như kiểu Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Á - “NATO châu Á”. Ngày 12/3/2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên, nhóm “Bộ Tứ” đã chỉ rõ phương hướng hoạt động là tập trung vào các vấn đề liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà trực tiếp là vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong bối cảnh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang triển khai chính sách đối ngoại “nước Mỹ trở lại”, Washington sẽ đóng vai trò tích cực và tham gia sâu rộng hơn vào hệ thống quốc tế, coi trọng chủ nghĩa đa phương, tham vấn các đồng minh, đối tác trong xử lý các vấn đề quốc tế. Trong đó, Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy vai trò của các cơ chế khu vực và đa phương, gồm: NATO và nhóm “Bộ Tứ”, hình thành tập hợp lực lượng từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương để gây ảnh hưởng trong khu vực. Đối với Nhật Bản, Mỹ cam kết sẽ bảo vệ và tăng cường hợp tác với nước này trong việc triển khai thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ủng hộ tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc tại khu vực Biển Hoa Đông, cũng như vấn đề Đài Loan và Hồng Kông. Mặc dù, Mỹ là nước đóng vai trò chủ đạo trong nhóm “Bộ Tứ”, nhưng do chiến lược mới của Hoa Kỳ có xu hướng từ bỏ trạng thái đơn cực, nâng cao vai trò của đồng minh, nên vai trò của Nhật Bản ngày càng tăng. Nhật Bản đang nỗ lực thay đổi vai trò từ nước điều phối trở thành nước chủ động hành động và dẫn dắt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thời gian qua, Nhật Bản tăng cường tổ chức tập trận chung với Mỹ và một số nước khác, như: Anh, Pháp, Đức, Australia tại khu vực. Tuy nhiên, với những lợi ích kinh tế chặt chẽ trong hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản chắc chắn chưa muốn biến mình trở thành “tiền đồn” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự.

Quốc gia thứ ba trong nhóm “Bộ Tứ” là Ấn Độ đang tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nhật Bản và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Australia. Ấn Độ coi đây là trọng tâm trong việc định hình một cấu trúc kinh tế và an ninh trong khu vực, dựa trên hợp tác của nhóm “Bộ Tứ”. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng, Ấn Độ là mắt xích yếu nhất trong nhóm “Bộ Tứ” do sự chần chừ của nước này về mức độ sẵn sàng xử lý những vấn đề trong khu vực, nhưng thời gian qua, Ấn Độ đã chứng minh điều ngược lại bằng việc làm cụ thể trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quan điểm trong xử lý những vấn đề của khu vực.

Là đồng minh truyền thống và thân cận, Australia tiếp tục cam kết ủng hộ Hoa Kỳ trong các chính sách tại khu vực, đặc biệt là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngày 01/7/2020, Australia công bố chiến lược quốc phòng mới, theo đó, lực lượng quốc phòng nước này sẽ chuyển trọng tâm sang nâng cao sức mạnh quân sự trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thời gian qua, Australia đã có nhiều hoạt động cả trên thực địa và bình diện pháp lý, nhằm chống lại các hoạt động cường quyền tại khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, Australia cho rằng, “Bộ Tứ” là một cơ chế đối thoại nhằm giúp các nước tham gia thống nhất trong các vấn đề có lợi ích chung liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nên Nhóm chỉ dừng ở một dạng liên minh “mềm” để tham vấn về các vấn đề an ninh chung, thay vì là một liên minh quân sự “cứng” để thách thức với những hành động cường quyền tại khu vực.

Nhìn chung, việc hình thành nhóm “Bộ Tứ” cơ bản đáp ứng các đòi hỏi chiến lược của cả bốn nước thành viên trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, nhóm “Bộ Tứ” có thể trở thành “NATO châu Á” hay không còn phụ thuộc vào tính toán chiến lược cũng như quyết tâm chính trị của từng nước thành viên. Hiện tại, trong bối cảnh các nước đều đang gặp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhu cầu hợp tác giữa các nước trong “Bộ Tứ” và từng nước vẫn đóng vai trò chi phối, các nguy cơ dẫn tới đối đầu quân sự đều sẽ trong tầm kiểm soát và chưa một quốc gia riêng lẻ nào muốn vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Những tác động đến ASEAN

Đông Nam Á là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ. Do đó, sự hình thành và phát triển của nhóm “Bộ Tứ” cũng như khả năng nhóm này trở thành “NATO châu Á” đều có những tác động đến ASEAN.

Về cơ hội, nếu nhóm “Bộ Tứ” giữ mức độ hợp tác như hiện nay, đã là một sự hiện diện quan trọng, góp phần kiềm chế những hoạt động tác động trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông - nơi 4/10 nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền. Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông luôn là chủ đề nóng nhất trên bàn nghị sự trong các cuộc họp của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, việc nhóm “Bộ Tứ” tuyên bố tăng cường hiện diện ở khu vực này sẽ góp phần đảm bảo an ninh hàng hải, kiềm chế các hành động bất chấp luật lệ quốc tế độc chiếm Biển Đông. Đặc biệt, nhóm “Bộ Tứ” ủng hộ lập trường của ASEAN giải quyết các vấn đề liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vì vậy, các nước trong khu vực có thể tận dụng sự ủng hộ đó trong xử lý tình hình tại Biển Đông.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự can dự của nhóm “Bộ Tứ” vào khu vực. Trước hết, một khi nhóm “Bộ Tứ” hoạt động tích cực hơn có thể thách thức vị trí trung tâm của ASEAN, lấn lướt vai trò ngoại giao trung tâm ở Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hơn nữa, nếu nhóm “Bộ Tứ” ngày càng gắn kết và hoạt động mạnh mẽ hơn theo mô hình của một liên minh quân sự cứng sẽ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xung đột, chạy đua vũ trang ở khu vực Biển Đông. Thời gian qua, các nước trong nhóm “Bộ Tứ” đã có nhiều hoạt động trên thực địa và trên bình diện pháp lý, không những gây áp lực, mà còn thể hiện sức mạnh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là trên Biển Đông. Đồng thời, kêu gọi các nước chủ chốt trong NATO (Anh, Pháp, Đức, Canada) tham gia tập trận, mở rộng đối thoại ngoại giao thành đối thoại ngoại giao quốc phòng và tích cực chia sẻ thông tin tình báo. Vì vậy, khi các bên liên quan tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm và xung đột tại khu vực chiến lược vốn đã diễn biến phức tạp về an ninh này. Khi có các hoạt động leo thang căng thẳng thì việc nhóm “Bộ Tứ” chuyển từ liên minh “phi chính thức” thành “liên minh quân sự” sẽ là hiện thực và tác động tiêu cực đến an ninh khu vực.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đứng trước nguy cơ bị lôi kéo vào tập hợp lực lượng dưới dạng liên minh quân sự cứng. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều duy trì và phát triển quan hệ với cả 04 nước thuộc nhóm “Bộ Tứ”, với các khung quan hệ khác nhau. Trong hợp tác quốc phòng song phương giữa các nước trong khu vực với từng nước “Bộ Tứ” đều có những bước phát triển tích cực và các quốc gia trong nhóm “Bộ Tứ” đều bày tỏ sự ủng hộ và tăng cường hợp tác quốc phòng với từng quốc gia Đông Nam Á nói riêng và cả ASEAN nói chung. Việc nhóm “Bộ Tứ” có cơ chế mở, sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực sẽ tạo ra những nguy cơ về an ninh, quốc phòng. Nếu các nước trong khu vực (trừ những đồng minh của Mỹ, như: Thái Lan, Philippines) tham gia hợp tác quốc phòng với từng nước trong nhóm “Bộ Tứ” ở các lĩnh vực nhạy cảm, như: tuần tra, tập trận chung, thì có thể bị xem là đang tham gia vào nhóm “Bộ Tứ” một cách không chính thức và sẽ tác động đến chính sách cân bằng nước lớn mà các nước trong khu vực đang theo đuổi.

Tóm lại, dù nhóm “Bộ Tứ” rất quan tâm đến vai trò địa chiến lược của khu vực Đông Nam Á và muốn lôi kéo các nước này vào một liên minh quân sự cứng, song các nước trong khối ASEAN vẫn phải có cách tiếp cận riêng, phù hợp với chính sách cân bằng nước lớn của mỗi quốc gia, không tác động trực tiếp đến quan hệ với các nước khác trong khu vực. Vì vậy, việc lựa chọn lĩnh vực hợp tác với nhóm “Bộ Tứ” để vừa có thể tận dụng được nguồn lực phát triển đất nước, vừa tạo được thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, phục vụ xây dựng và bảo vệ đất nước vẫn là bài toán mà các quốc gia trong khu vực phải giải quyết hài hòa trong thời gian tới.

Trung tá NGUYỄN HỮU TÚC, Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...