Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:52 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Nam Á có vị trí địa chiến lược quan trọng của châu Á và thế giới. Vì thế trong chiến lược của mình, các nước lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) đều có những toan tính tìm kiếm lợi ích của mình, gây tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến tình hình an ninh khu vực.
Đối với Mỹ, sau “Chiến tranh lạnh”, Oa-sinh-tơn thực hiện Chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, nhằm chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan, kiềm chế Trung Quốc và Nga. Để phục vụ Chiến lược này, Mỹ tranh thủ vị thế của Ấn Độ - nước lớn trong khu vực; đồng thời, điều chỉnh chính sách đối với khu vực Nam Á theo hướng ngày càng coi trọng và ưu tiên hơn. Theo đó, sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ tự cho mình quyền tiến hành chiến tranh can thiệp vào Áp-ga-ni-xtan, với lý do tiêu diệt trùm khủng bố Ô-sa-ma Bin La-đen, lực lượng An Kê-đa và Chính phủ Ta-li-ban. Tuy nhiên, mục đích thật sự của Mỹ là đặt chân vào khu vực Nam Á, khống chế Trung Á - nơi có nguồn dầu lửa lớn thứ hai thế giới, sau Trung Đông, kiềm chế Trung Quốc, thu hẹp không gian chiến lược của Nga, phá vỡ liên minh Nga - Trung - Ấn trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Cùng với mục tiêu chính, Mỹ không quên tăng cường quan hệ với Pa-ki-xtan để thực hiện nhiều đích ngầm: lôi kéo nước này vào cuộc chiến chống khủng bố; xây dựng vành đai “thân Mỹ”, phục vụ mục đích chiến lược của Mỹ tại khu vực Nam Á - Tây Á; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Cùng với đó, Mỹ tăng cường quan hệ với Ấn Độ cả trong khuôn khổ song phương và đa phương, nhằm: (1) Tranh thủ vị thế nước lớn để thực hiện Chiến lược “xoay trục” tại châu Á - Thái Bình Dương. (2) Phục vụ lợi ích an ninh trên biển, khu vực Viễn Đông, Đông Nam Á. (3) Lợi dụng “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ để duy trì tự do hàng hải, thương mại trên Biển Đông; mở rộng không gian chiến lược vùng Viễn Đông và Đông Nam Á. (4) Tìm kiếm lợi ích kinh tế.
Về phía Nga cũng đang hướng ưu tiên về khu vực Nam Á và tập trung vào 3 trọng tâm chính: (1) Tăng cường quan hệ với Ấn Độ. (2) Can dự vào công cuộc tái thiết Áp-ga-ni-xtan. (3) Lôi kéo lực lượng và xây dựng vành đai an ninh tại các nước Trung Á, giảm thiểu hệ lụy của cuộc chiến chống khủng bố tại Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Với Ấn Độ, Nga chia sẻ nhiều điểm tương đồng và lợi ích chung, như: hai nước có lịch sử quan hệ truyền thống tốt đẹp; chung mục tiêu đấu tranh vì một trật tự thế giới đa cực; chống chủ nghĩa ly khai, khủng bố, tôn giáo cực đoan. Hơn nữa, Ấn Độ còn là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Bởi 60% - 70% trang thiết bị quốc phòng của Ấn Độ được nhập từ Liên Xô (trước đây), Nga hiện nay, v.v.
Ngoài ra, Nga rất quan tâm đến Áp-ga-ni-xtan, bởi nước này không những có chung biên giới, mà còn có lực lượng của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồn trú, trong đó có quân Mỹ. Trong lúc Nga đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhưng Mát-xcơ-va không những hào phóng xóa nợ 12 tỷ USD, mà còn tiếp tục cung cấp trang thiết bị quân sự, đào tạo cán bộ và trợ giúp nhân đạo cho nước này. Đổi lại, duy trì quan hệ thân thiện với Pa-ki-xtan sẽ tạo tiền đề quan trọng để Nga quan hệ với thế giới đạo Hồi. Hiện nay, theo các số liệu thống kê, quy nợ đầu tư của Nga vào Nam Á rất lớn, đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào khu vực này.
Trong chiến lược của Ấn Độ, mục tiêu là củng cố vị trí cường quốc trong khu vực và xa hơn là trở thành trung tâm quyền lực thế giới. Theo đó, Ấn Độ không ngừng thực hiện chính sách can dự tích cực và ngoại giao kinh tế, nhằm duy trì ảnh hưởng ở Nam Á. Hiện tại, Ấn Độ có sự ảnh hưởng đáng kể ở Nê-pan, Bu-tan, Man-đi-vơ; tích cực giải quyết bất đồng, tranh chấp với Băng-la-đét; thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình với Pa-ki-xtan; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, thông qua các cơ chế hợp tác, như: “Sáng kiến hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành ở vịnh Ben-gan” (BIMSTEC), “Hiệp hội hợp tác các nước khu vực Nam Á” (SAARC), “Hiệp định khu vực thương mại tự do” (SAFTA), v.v.
Cùng với đó, Ấn Độ coi trọng việc điều chỉnh chính sách nhằm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với các nước lớn. Với Mỹ, Niu Đê-li thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, nhằm tạo thế quan hệ nước lớn, tranh thủ thị trường, vốn và khoa học công nghệ, có điều kiện tiếp cận kho nhiên liệu và kỹ thuật hạt nhân khổng lồ của nước này. Từ đó, mở rộng hợp tác năng lượng hạt nhân với các nước có tiềm năng hạt nhân, kiềm chế Pa-ki-xtan và đối phó với mối đe dọa từ các đối thủ tiềm tàng. Với Trung Quốc, Ấn Độ thực hiện chính sách vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa thúc đẩy trao đổi kinh tế - thương mại. Đồng thời, tăng cường quan hệ với Nga trên nhiều lĩnh vực; nhất là hợp tác năng lượng, an ninh và quốc phòng, trên cơ sở hai nước có một số điểm tương đồng về lợi ích kinh tế - chính trị, an ninh và truyền thống. Ngoài ra, Ấn Độ còn tích cực, chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, như: Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Cấp cao Đông Á,… nhằm phát huy vị thế, vai trò trong khu vực và quốc tế. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế của Ấn Độ có bước phát triển ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,2%/năm, quy mô nền kinh tế ước đạt trên 2.000 tỷ USD, chiếm khoảng 80% tổng GDP toàn khu vực. Về năng lực quốc phòng, Ấn Độ hiện đã sở hữu công nghệ tên lửa hạt nhân, có công nghệ vệ tinh hiện đại, lực lượng hải quân mạnh và nền công nghiệp quốc phòng phát triển.
Đối với Trung Quốc, Nam Á là địa bàn nằm sát khu vực Tây Nam của nước này, nên có tác động trực tiếp đến sự ổn định, an ninh và phát triển của Bắc Kinh. Vì thế, chiến lược ở Nam Á mà Trung Quốc hướng tới là mở rộng không gian chiến lược, tranh giành ảnh hưởng và thiết lập vành đai bao vây, kiềm chế Ấn Độ.
Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, những năm gần đây, Trung Quốc thúc đẩy giải quyết các vấn đề biên giới với 14 nước; đồng thời, đẩy mạnh quan hệ với các nước Nam Á, thông qua hai “gọng kìm” ở đất liền và trên Ấn Độ Dương, nhằm mở rộng không gian địa - chiến lược ở khu vực này.
Trong quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc mong muốn hai nước sát cánh bên nhau đấu tranh vì một thế giới “đa cực”, cải tổ toàn diện Liên hợp quốc và chia sẻ điểm tương đồng. Tuy nhiên, mục tiêu tổng quát của Bắc Kinh là thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới, làm chuyển dịch trung tâm kinh tế từ Tây sang Đông và giải quyết các vấn đề toàn cầu, như: biến đổi khí hậu, khủng bố, dịch bệnh, v.v. Do đó, Trung Quốc không muốn Ấn Độ trở thành một trong các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như giành “vé” khai thác tài nguyên ở khu vực này. Với Pa-ki-xtan, Trung Quốc chủ trương thiết lập mối “quan hệ đặc biệt” trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quốc phòng và luôn coi đó là quan hệ đồng minh, bạn bè truyền thống “đã qua thử thách thời gian”. Trong đó, việc duy trì mối quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ và hỗ trợ phát triển kinh tế cho Pa-ki-xtan luôn được Trung Quốc ưu tiên, coi trọng.
Ngoài ra, Trung Quốc còn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nước: Xri Lan-ca, Áp-ga-ni-xtan, Băng-la-đét. Đồng thời, là nước viện trợ và cung cấp vũ khí lớn nhất cho Xri Lan-ca, kể từ năm 2006 đến nay. Trung Quốc còn tập trung đầu tư xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt ngoài khơi Mi-an-ma đến Vân Nam; hệ thống đường bộ, sân bay, cảng biển, vị trí quân sự,… nối liền từ Vịnh Ben-gan tới tỉnh Vân Nam, tạo ra mạng lưới liên kết các nước vùng Vịnh Ben-gan và nối liền tiểu vùng Vịnh Ben-gan với Trung Quốc.
Những tác động chính trị - an ninh khu vực
Như vậy, sự đan xen chồng chéo trong quan hệ chiến lược của các nước nói trên sẽ tạo ra sự cạnh tranh địa - chiến lược ở Nam Á, tác động không nhỏ đến tình hình chính trị - an ninh tại khu vực này. Dưới góc độ tích cực, trước hết, nó giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước lớn với các nước trong khu vực. Thông qua hợp tác chống khủng bố, Mỹ đã thiết lập được quan hệ đồng minh với Pa-ki-xtan, tạo thế đứng chân vững chắc ở khu vực.
Những năm gần đây, quan hệ Mỹ - Ấn Độ có chiều hướng xích lại gần nhau và cùng cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mới, nhằm thúc đẩy hợp tác chia sẻ trách nhiệm về các vấn đề kinh tế, chính trị tại Nam Á, Đông Nam Á. Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ và Trung Quốc - Pa-ki-xtan cũng có bước phát triển. Trong đó, hợp tác truyền thống Trung Quốc - Pa-ki-xtan ngày càng trở nên khăng khít hơn. Trung Quốc đang muốn tranh thủ Pa-ki-xtan trong việc triển khai sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, mở đường sang Ấn Độ Dương, thiết lập tuyến vận chuyển năng lượng mới và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố ở phía Tây Trung Quốc, nhất là vùng Tân Cương. Trong khi Pa-ki-xtan cũng muốn tranh thủ nguồn vốn to lớn và công nghệ của Trung Quốc, tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, chống khủng bố, củng cố tiềm lực quốc phòng trước Ấn Độ và thực hiện “Giấc mơ con hổ châu Á” của mình. Đáng chú ý, hai bên đã thiết lập “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong mọi điều kiện” - mối quan hệ đồng minh duy nhất của Trung Quốc trên thế giới. Quan hệ Ấn Độ - Nga có bước chuyển biến mới. Gần đây, hai bên đang triển khai các dự án công nghiệp quốc phòng, công nghệ vũ trụ, khai thác dầu khí, v.v. Trên các diễn đàn quốc tế, hai bên cam kết cùng thúc đẩy vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc, sự cần thiết cải tổ Hội đồng Bảo an, thúc đẩy xây dựng một thế giới đa cực, chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong việc xử lý các vấn đề quốc tế, môi trường.
Có thể thấy, cuộc cạnh tranh địa - chiến lược giữa các nước lớn tại Nam Á có tác động mạnh mẽ đến khu vực này. Thông qua lợi ích chiến lược của các nước lớn, các nước trong khu vực cũng tận dụng cơ hội này để phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc của riêng mình. Trong mối quan hệ cân bằng lợi ích, không bên nào bị ràng buộc quá chặt vào một nước lớn nhất định. Trên cơ sở đó, có thể tạo cho các nước trong khu vực phát triển một cách độc lập, tự chủ hơn.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, các động thái quan hệ mang tính cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nước lớn khiến môi trường khu vực trở nên căng thẳng hơn. Sự cọ xát lợi ích giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, gay gắt hơn, đặt các nước Nam Á trước không ít thách thức trong việc tranh thủ mặt hợp tác, hạn chế tác động tiêu cực, để không bị lôi cuốn hoặc trở thành “con bài” trao đổi giữa các nước lớn, khiến môi trường an ninh khu vực trở nên căng thẳng và nguy cơ mất ổn định là không loại trừ.
Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN SINH, Phó Viện trưởng Viện B70, Tổng cục II
Nam Á,bàn cờ chiến lược
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ