Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 10/12/2020, 13:58 (GMT+7)
Nagorno-Karabakh, cuộc xung đột chưa có hồi kết

Sau 04 năm đình chiến, cuối tháng 9/2020 vừa qua, xung đột lại bùng phát tại Nagorno-Karabakh, khu vực tồn tại tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia trong suốt nhiều thập kỷ qua. Hai thỏa thuận ngừng bắn được ký kết dưới sự trung gian của Nga đều bị các bên vi phạm khi còn chưa ráo mực. Nếu hai bên chưa thể giải quyết được gốc rễ của các mâu thuẫn, thì cuộc xung đột khó có thể chấm dứt.

Vùng đất nóng

Cuộc xung đột dữ dội giữa Azerbaijan và các lực lượng được Armenia hậu thuẫn tại Nagorno-Karabakh ngày 27/9/2020 đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. Cả Azerbaijan và Armenia đều cáo buộc lẫn nhau khơi mào màn bạo lực khủng khiếp nhất trong gần 30 năm qua. Việc hai bên điều động vũ khí hạng nặng tham chiến là minh chứng cho một cuộc chiến tranh toàn diện với cường độ cao. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc xung đột duy nhất tại Nagorno-Karabakh. Trong gần 08 thập kỷ qua, cùng với những biến chuyển của lịch sử, vùng đất này cũng đã trải qua không ít những thăng trầm.

Giao tranh tại Nagorno-Karabakh (Ảnh: Internet)

Nagorno-Karabakh có diện tích 4.400 km2, nằm ở phía Tây Azerbaijan với hơn 90% cư dân là người Armenia. Vào tháng 7/1918, Nghị viện Armenia đầu tiên của Nagorno-Karabakh tuyên bố khu vực này tự quản và thành lập Quốc hội, Chính phủ. Sau khi Armenia và Azerbaijan được tiếp quản bởi lực lượng Bolshevik vào năm 1921, thì đến ngày 07/7/1923, lãnh đạo Liên bang Xô Viết chính thức tuyên bố thành lập Khu tự trị Nagorno-Karabakh trên lãnh thổ Azerbaijan và giao cho chính quyền Azerbaijan quản lý.

Xung đột lắng dịu trong thời kỳ Liên bang Xô Viết lãnh đạo dù ngọn lửa “phục quốc” vẫn âm ỉ cháy trong không ít người Armenia. Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc ở Liên Xô, sự bất đồng giữa người Armenia và người Azerbaijan bắt đầu dâng cao. Đỉnh điểm là năm 1988, Nagorno-Karabakh bỏ phiếu chọn ly khai khỏi Azerbaijan và gia nhập Armenia. Hành động này đương nhiên bị chính quyền Moscow bác bỏ.

Sự tan rã của Liên Xô vào cuối năm 1991 là bước ngoặt lớn đối với khu vực Nagorno-Karabakh. Ngày 26/11/1991, khoảng 01 tháng trước khi lá cờ của Liên Xô bị hạ xuống ở Điện Kremlin, Azerbaijan bãi bỏ quy chế của Khu tự trị Nagorno-Karabakh, sắp xếp lại khu vực hành chính và đặt vùng lãnh thổ này dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương. Đáp lại, trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 10/12/1991, người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã lựa chọn thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR) độc lập và thể hiện rõ mong muốn hợp nhất với Armenia, xung đột bùng phát trở lại. Nỗ lực thương thảo của các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đều thất bại, không đưa ra được một giải pháp đáp ứng yêu cầu của cả hai bên. Đến đầu năm 1993, các lực lượng Armenia giành quyền kiểm soát phần lớn khu vực nằm phía ngoài Karabakh bên cạnh việc thôn tính thêm khoảng 09% lãnh thổ Azerbaijan. Chiến sự chỉ kết thúc khi một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian được ký vào ngày 12/5/1994, theo đó, một khu phi quân sự được thiết lập tại vùng tranh chấp. Liên hợp quốc vẫn khẳng định chủ quyền của Azerbaijan đối với toàn bộ Nagorno-Karabakh trong khi Armenia không công nhận chính phủ Cộng hòa Nagorno-Karabakh song vẫn đứng sau ủng hộ. Các nỗ lực thúc đẩy đàm phán giữa Azerbaijan và Armenia nhằm mang lại hòa bình cho khu vực dưới sự trung gian của OSCE vẫn được thực hiện kể từ đó đến nay, nhưng chưa mang lại kết quả nào đáng kể.

Cuộc đối đầu không khoan nhượng

Mỗi thỏa thuận ngừng bắn được thông báo chỉ tạm vơi đi nỗi lo bạo lực. Gốc rễ xung đột chưa được giải quyết thì bất kỳ một cam kết đình chiến nào cũng trở nên mong manh, đặc biệt khi Nagorno-Karabakh có ý nghĩa sống còn đối với cả Azerbaijan và Armenia.

Với Azerbaijan, miền đất này về pháp lý và lịch sử là hoàn toàn thuộc về họ. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế cũng công nhận đây là vùng lãnh thổ không tách rời của Azerbaijan. Baku chắc chắn có động lực để thay đổi hiện trạng với mục đích cuối cùng là khôi phục quyền kiểm soát thực tế đối với Nagorno-Karabakh. Chính phủ Azerbaijan đã tính đến chuyện trao quyền tự trị mức độ cao cho Nagorno-Karabakh để đổi lại việc khu vực là một bộ phận lãnh thổ thực sự của nước này. Bên cạnh đó, Tổng thống IIham Aliyev hứa sẽ lấy lại vùng đất trên kể từ khi lên nắm quyền (năm 2000) hoặc chí ít Azerbaijan phải được trả lại vùng đệm quanh Nagorno-Karabakh mà phía Armenia đã chiếm. Ngược lại, Armenia có xu hướng muốn duy trì hiện trạng và kiên quyết bảo vệ cộng đồng người Armenia tại đây. Yerevan thậm chí tuyên bố nếu chiến sự tại vùng tranh chấp không dừng lại, Armenia sẽ công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nagorno-Karabakh. Sự kiên quyết từ cả hai phía cho thấy không bên nào chịu nhường bước trong cuộc đối đầu này.

Bên cạnh vấn đề pháp lý thì sự xung đột của hai dân tộc còn xuất phát từ những hiềm khích sâu nặng. Cho dù là một quốc gia độc lập, nhưng người Azerbaijan là một dân tộc nói tiếng Thổ và có liên hệ văn hóa gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, nỗi đau về cuộc thảm sát người Armenia thiểu số sống tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi Đế quốc Ottoman trong Chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn chưa nguôi ngoai và là nguồn cơn nỗi hận thù sâu sắc của người Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đáng nói là, sự căm giận này đã được chuyển sang những người Azerbaijan một cách tự nhiên tạo nên một sự thù địch rất khó hóa giải.

Tuy nhiên, người Azerbaijan cũng có uẩn khúc của riêng mình. Cho đến nay, họ vẫn kể lại những câu chuyện về thời kỳ bạo lực khủng khiếp sau khi Liên Xô sụp đổ kèm theo lời cáo buộc Armenia đã đánh chiếm và thực hiện cái gọi là chiến dịch thanh lọc sắc tộc, khi trục xuất gần 01 triệu người Azerbaijan khỏi làng mạc xung quanh Nagorno-Karabakh. Có những thông tin cho rằng, khoảng 30.000 người Azerbaijan đã bị tàn sát trong giai đoạn này.

“Sàn đấu” quyền lực quốc tế

Sự phức tạp về tranh chấp địa lý cùng mối quan hệ chồng chéo khiến vấn đề Nagorno-Karabakh vượt qua phạm vi của một xung đột mang tính địa phương. Một số yếu tố bên ngoài liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đang biến Nagorno-Karabakh thành một điểm nút trong các cuộc cạnh tranh quốc tế. Phe ly khai ở vùng đất này có sự ủng hộ của Armenia trong khi Azerbaijan lại được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Ngoài ra, Armenia có mối quan hệ truyền thống gần gũi với Nga, cùng với đó Iran - nước có chung đường biên giới với cả Azerbaijan và Armenia lại có xu hướng đứng về phía Armenia do muốn làm giảm vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực.

Xét về nhiều khía cạnh, Thổ Nhĩ Kỳ - hậu duệ của Đế quốc Ottoman xưa có đủ lý do để đứng về phía Azerbaijan bởi hai nước không chỉ chung tín ngưỡng, tôn giáo mà còn xuất phát từ lòng thù hận sâu sắc kéo dài hàng thế kỷ với người Armenia. Thế nhưng, đó chưa phải là lý do quan trọng nhất. Đằng sau lời cam kết ủng hộ hoàn toàn Baku của Tổng thống Recep Tayyiv Erdogan còn là một kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài của Ankara. Với vị trí địa lý gần gũi, việc duy trì mối quan hệ thân thiết với Azerbaijan thông qua sự can dự vào cuộc chiến Nagorno-Karabakh có ý nghĩa quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ về cả chính trị lẫn kinh tế. Trước hết, việc hỗ trợ Baku giúp củng cố hình ảnh của Tổng thống R. Erdogan ở trong nước vào thời điểm cử tri đang mất dần niềm tin vào đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Chưa kể, bước đi này sẽ giúp nhà lãnh đạo kỳ cựu chinh phục được sự ủng hộ của cộng đồng người Azerbaijan rất đông đảo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Về kinh tế, đất nước giàu năng lượng như Azerbaijan có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi có một đồng minh như Baku đồng nghĩa với việc Ankara có thể kiểm soát đường ống dẫn dầu nối liền Azerbaijan, Gruzia đến thành phố Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo một quan chức Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, đây là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế đang muốn cất cánh của nước này. Dẫu vậy, lợi ích đó chưa phải là mục tiêu tối thượng đối với đất nước nằm ở hai lục địa Á - Âu. Thời gian qua, chính quyền Tổng thống R. Erdogan đã có những hành động quyết đoán trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia có sức nặng trên bàn cờ chính trị thế giới. Vì vậy, những gì diễn ra tại Nam Caucasus chắc chắn không thể nằm ngoài mối quan tâm của Ankara. Thông qua việc ủng hộ Azerbaijan trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, qua đó thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc mới, từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Đặc biệt, sự hiện diện ở Nam Caucasus, sát sườn với nước Nga cũng là lá bài quan trọng giúp Ankara giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh sức mạnh với Moscow tại chính vùng đất này và các chiến trường khác từ Syria đến Libya.

Với Nga, Nam Caucasus không chỉ là không gian ảnh hưởng truyền thống mà còn là vùng đệm chiến lược ngăn cách nước này với Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi liên minh quân sự lớn nhất thế giới chưa ngừng kế hoạch Đông tiến, áp sát nước Nga thì việc phải giữ cho được hàng rào an ninh này là vấn đề sống còn. Đây là lý do khiến Moscow duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Yerevan, hậu thuẫn Armenia về quân sự. Ngoài ra, nước này còn nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Nga khi là thành viên của Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và hiện vẫn là nơi đồn trú của khoảng 5.000 binh sĩ Nga.

Dẫu vậy, Moscow cũng chủ trương tránh đối đầu trực diện với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giữ thế cân bằng chiến lược, đồng thời bảo đảm sự an toàn của hệ thống an ninh không gian hậu Xô Viết và lôi kéo Ankara xa dần phương Tây. Trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, Nga luôn đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải và có lợi ích trong việc giữ cho bạo lực không vượt quá tầm kiểm soát. Do vậy, chiến sự đang diễn ra thực sự ác liệt cũng không thể lan rộng ra ngoài biên giới Nagorno-Karabakh. Điều đó không chỉ vượt qua “giới hạn” Điện Kremlin đặt ra, mà còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh Nga - quốc gia bảo đảm an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, phản ứng được xem là thiếu quyết liệt của Moscow trong giai đoạn đầu của xung đột vừa qua lại gửi đi một thông điệp khác từ chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Có những nhận định cho rằng, “đám cháy” lần này không thể bùng phát mạnh đến thế nếu Nga thực sự muốn “dập lửa”. Thế nên, sự chần chừ của Moscow cũng hoàn toàn là một tính toán có chủ đích. Cho dù mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Armenia là bất biến, nhưng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan lên nắm quyền thông qua Cuộc cách mạng Nhung năm 2018 và có những đường lối cải cách kiểu phương Tây, một hình mẫu mà Nga không ưa thích. Vì vậy, sự kiện mới nhất được xem như lời nhắc nhở của Moscow với Yeveran về những hệ quả có thể gặp phải nếu xa rời quỹ đạo của Nga.

Giống như quá khứ, cuộc chiến đang diễn ra, nhiều khả năng sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, kịch bản phù hợp với mong muốn của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi đã trở thành “sàn đấu” quyền lực quốc tế thì việc tìm giải pháp rốt ráo cho vấn đề Nagorno-Karabakh lại không phải là ưu tiên đối với những nhà bảo trợ chính. Vì thế, dù bạo lực có lắng xuống thì cũng chỉ như những “giờ nghỉ giải lao” trong lúc chờ đợi “cao trào mới”. Cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề Nagorno-Karabakh thực sự là một cuộc xung đột chưa tìm được hồi kết.

VÂN KHANH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...