Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 28/08/2023, 07:31 (GMT+7)
Mỹ và Philippines thắt chặt quan hệ đồng minh

Sau nhiều thăng trầm, sợi dây liên kết giữa hai đồng minh Mỹ và Philippines đã khăng khít trở lại dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Điều này phản ánh tầm quan trọng của liên minh đối với cả hai quốc gia trong bối cảnh an ninh khu vực đang có những biến động mạnh mẽ và đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Lựa chọn tối ưu

Chuyến thăm của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tới Mỹ hồi đầu tháng 5/2023 đặt một dấu mốc mới cho quan hệ giữa hai nước. Được biết đến là hai đồng minh truyền thống, nhưng trong 10 năm qua, ông Ferdinand Marcos Jr là tổng thống đầu tiên của Philippines đến thăm Mỹ. Cuộc hội đàm cởi mở, thân tình giữa Ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden với sự đồng thuận trong nhiều vấn đề hợp tác đã chính thức mở ra một chương mới, nồng ấm của liên minh Mỹ - Philippines. Chuyến công du rất được dư luận quan tâm này diễn ra trong bối cảnh bầu không khí quan hệ hai nước có những bước chuyển đáng kể sau khi ông Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền vào tháng 6/2022. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, hàng loạt thỏa thuận hợp tác giữa Manila và Washington, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng đã được ký kết cho thấy hai nước xác định nền tảng an ninh tiếp tục là trụ cột để củng cố liên minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự nồng ấm trong quan hệ giữa hai nước là việc Philippines nhất trí mở rộng Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký với Mỹ năm 2014. Theo đó, Mỹ được phép tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự của Philippines (ngoài 05 cơ sở sẵn có theo cam kết trong khuôn khổ EDCA). Những địa điểm mới được đánh giá là có vị trí chiến lược quan trọng, gồm: căn cứ hải quân Camilo Osias, sân bay Lal-lo ở tỉnh Cagayan, căn cứ Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela và căn cứ Balabac ở tỉnh Palawan. Như vậy, Mỹ sẽ có 09 căn cứ quân sự cho phép binh sĩ của họ đồn trú luân phiên tại Philippines. Cú hích tiếp theo cho lộ trình mở rộng hợp tác an ninh giữa hai nước là việc nối lại đối thoại 2+2 giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của hai bên sau 07 năm gián đoạn, điều này thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong quan hệ liên minh Mỹ - Philippines. Không dừng lại ở những tuyên bố trên giấy, hai đồng minh đã lên kế hoạch cho hơn 500 hoạt động quân sự chung trong năm 2023 - nhiều hơn bất kỳ đồng minh và đối tác nào của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có việc nối lại tuần tra hàng hải chung tại Biển Đông và tổ chức cuộc tập trận thường niên Balikatan lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Việc Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đích thân tới thị sát cuộc diễn tập đánh chìm tàu ở Biển Đông trong khuôn khổ Balikatan đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Đây là lần đầu tiên sau hơn một thập niên, một Tổng thống Philippines tham dự sự kiện này và điều đó cũng gửi đi một tín hiệu rõ ràng về quyết tâm khôi phục liên minh quân sự đã kéo dài 72 năm giữa Mỹ và Philippines.

Thực tế cho thấy, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr chủ trương thực thi một chính sách đối ngoại có sự tương phản rõ nét so với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thể hiện rõ lập trường xa rời Mỹ, từ chối cho phép Mỹ tích trữ các hệ thống vũ khí, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận quân sự luân phiên tới các căn cứ có vị trí chiến lược gần Biển Đông theo EDCA, chấm dứt hầu hết các cuộc tập trận chung quy mô lớn và hạ thấp mối quan hệ với đồng minh bên kia bờ Thái Bình Dương. Trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm, ngay trong những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr “tránh xa” mọi lời chỉ trích về Washington trong bất kỳ bài phát biểu quan trọng nào. Ông nhanh chóng có sự điều chỉnh chiến lược và dần nghiêng về đối tác lịch sử của mình. Sự chuyển hướng này xuất phát từ nhận thức của nhà lãnh đạo 65 tuổi rằng, Philippines đang ở trong khu vực có tình hình địa chính trị phức tạp nhất thế giới, bắt nguồn từ những tranh chấp cả công khai và âm ỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Philippines cũng nhiều lần phàn nàn về các hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này. Ngay cả trong giai đoạn nắm quyền của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte - người chủ động duy trì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, thì căng thẳng tại Biển Đông vẫn không được cải thiện, thậm chí có xu hướng leo thang khiến ông chịu áp lực nặng nề từ dư luận trong nước và buộc phải trì hoãn việc chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines. Sự kỳ vọng của dân chúng về một nhà lãnh đạo có thể ứng phó với những vấn đề chủ quyền là một trong những lý do đưa ông Ferdinand Marcos Jr đến chiếc ghế tổng thống khi ông cam kết sẽ thực thi một chính sách đối ngoại cân bằng hơn nếu giành chiến thắng. Từng khẳng định Philippines sẽ không nhượng bộ “dù chỉ một inch lãnh thổ”, việc Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tìm kiếm những bảo đảm an ninh mới với cường quốc quân sự số một thế giới thông qua những động thái dồn dập nhằm nâng cấp liên kết quốc phòng với Mỹ thể hiện rõ quyết tâm trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Trên thực tế, việc Philippines thiết lập một mối quan hệ thân thiết hơn với Mỹ hoàn toàn là sự lựa chọn “tự nhiên”. Cho đến nay, Washington là đối tác quốc phòng quan trọng bậc nhất đối với Manila, nơi mà các cam kết về an ninh đã trở thành trụ cột chính. Hai nước chia sẻ những thỏa thuận quân sự quan trọng và Mỹ là nhà tài trợ cho nhiều dự án hiện đại hóa quân đội Philippines. Cường quốc số một thế giới cũng là quốc gia duy nhất trên hành tinh gắn kết với Philippines bằng Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký từ năm 1951. Sự chuyển đổi của ông Ferdinand Marcos Jr trong cách tiếp cận với Mỹ cũng tương đối thuận lợi khi hai nước có mối quan hệ thân thiết trong nhiều thập niên. Trong nền chính trị Philippines, mong muốn thân Mỹ và duy trì liên minh chặt chẽ với Mỹ dù trong mỗi thời kỳ có khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế, khu vực, nhưng nhìn chung vẫn là xu hướng chủ đạo. Đặc biệt, khi môi trường an ninh tại khu vực đang bị thách thức thì quan điểm “cảnh giác” trong quan hệ với Mỹ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte càng trở nên nhạt nhòa. Chính giới và dư luận Philippines dường như đã giảm niềm tin vào những nỗ lực ngoại giao đơn lẻ để giải quyết những vấn đề ở Biển Đông và nhìn nhận việc củng cố hợp tác quốc phòng với Mỹ là sự bảo đảm hiệu quả hơn, đồng thời sẽ tăng cường sức mạnh của nước này nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ngoài vấn đề an ninh quốc gia, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông cũng nắm giữ những lợi ích to lớn về tài nguyên thiên nhiên. Khi cuộc xung đột quân sự tại Ukraine nổ ra dẫn tới những khó khăn về năng lượng toàn cầu, Manila mong muốn sớm tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác những mỏ khí đốt ở vùng biển của mình nhưng điều đó không hề dễ dàng trong bối cảnh phức tạp hiện nay tại khu vực.

Lá bài chiến lược

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, việc khôi phục liên minh Mỹ - Philippines không chỉ là thành quả của chính quyền mới ở Manila, mà còn là một thắng lợi lớn của Washington. Thông qua việc nâng cấp hợp tác quân sự với Philippines, Mỹ tiếp tục mở rộng dấu ấn mạnh mẽ tại Đông Nam Á - khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong việc triển khai Chiến lược xoay trục về châu Á được khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Barack Obama vào những năm 2010. Thời điểm đó đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trong tính toán chiến lược của Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama thể hiện lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông. Tiếp theo đó, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump chính thức bác bỏ yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Bước vào nhiệm kỳ của mình, cùng với việc quan hệ Mỹ - Trung Quốc không hề có sự khởi sắc, Tổng thống Joe Biden đã dành ưu tiên cho việc củng cố các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ. Thông qua thúc đẩy các đối thoại an ninh chiến lược, đầu tư vào nhiều sáng kiến ngoại giao, quân sự và kinh tế, Mỹ đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết khôi phục sự lãnh đạo của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một phần cốt lõi của chính sách hướng về châu Á. Đây cũng là nơi đang nổi lên như một khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng thu hút sự quan tâm và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc lâu đời và mới nổi trên thế giới.

Dư luận quốc tế cho rằng, trong bối cảnh những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống khiến khu vực này luôn tiềm ẩn những bất ổn khôn lường, việc củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines có tầm quan trọng đặc biệt với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Washington đang theo đuổi. Với nhiều ưu thế, Philippines chính là “chìa khóa” cho những toan tính của Mỹ. Về địa lý, quốc gia này nằm ở vùng cốt lõi của chuỗi đảo thứ nhất trong chiến lược 03 chuỗi đảo của Mỹ ở khu vực nhằm kiềm chế đối thủ. Về cấp độ chiến lược, Mỹ xác định Philippines là điểm tựa quan trọng cho hợp tác đa phương quy mô nhỏ, sử dụng như một “căn cứ tiền tuyến” để xây dựng nhiều nền tảng hợp tác, nhằm ứng phó với những biến động an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, trong phiên bản hợp tác mới, quan hệ Washington - Manila đang phát triển từ mô hình truyền thống “trung tâm và vệ tinh” trong mạng lưới liên minh của Mỹ sang một cấu trúc hiện đại hơn với sự tham gia của các đồng minh của Washington tại khu vực. Hiện Philippines đã nhất trí việc thắt chặt quan hệ hợp tác ba bên với Nhật Bản, Australia và triển vọng về tuần tra chung giữa các nước là hoàn toàn khả thi trong tương lai gần.

“Chuyến trở lại” Philippines đầy lạc quan của Mỹ lần này còn cho thấy sự thay đổi trong chính sách của cường quốc số một thế giới ở Biển Đông theo hướng tăng cường khả năng răn đe. Sau nhiều năm tương đối “bị động” trong các vấn đề ở vùng biển này, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện một cách ngoạn mục và xây dựng một chiến thuật tiếp cận mới. Theo đó, việc đồn trú binh sĩ rầm rộ và xây dựng 02 căn cứ quân sự lớn tại Clark Field, tỉnh Pampanga và Vịnh Subic, tỉnh Zambales của Philippines không còn là lựa chọn phù hợp. Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung đầu tư vào những căn cứ nhỏ để dễ dàng triển khai các hoạt động “nhẹ nhàng và linh hoạt” như cung ứng và giám sát. Thế nên, việc nâng số căn cứ được tiếp cận tại Philippines như cam kết mới là phương án tối ưu. Cho dù những tiến bộ công nghệ có thể làm giảm tầm quan trọng của nhiều căn cứ quân sự nhưng chúng vẫn có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ ở ngoại vi châu Á do khoảng cách rộng lớn của Thái Bình Dương.

Sau Chiến tranh lạnh, số lượng các căn cứ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương giảm đi, kéo theo sự hiện diện của các lực lượng Mỹ suy giảm đến mức các đồng minh có sự nghi ngờ về nghĩa vụ của Washington đối với các đối tác. Do đó, việc nâng cấp quan hệ với Philippines cho thấy Mỹ đã đưa những cam kết với khu vực lên một tầng nấc mới và sẽ tiếp tục những nỗ lực để khẳng định vị thế lãnh đạo của một siêu cường. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cũng cho rằng, điều này có thể đẩy tình hình ở khu vực vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực và toàn cầu.

VÂN KHANH – ĐỨC MẠNH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...