Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:49 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 20-10-2018, Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà nước này đã ký với Liên Xô năm 1987. Vì sao Mỹ lại muốn rút khỏi INF và hệ lụy của nó đối với an ninh thế giới là những vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm.
Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Goóc-ba-chốp ký ngày 08-12-1987, có hiệu lực từ ngày 01-6-1988. Mục tiêu của Hiệp ước là tạo dựng cơ chế ràng buộc pháp lý, nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu bằng tên lửa phóng từ mặt đất tầm ngắn và tầm trung ở khu vực châu Âu. Theo đó, hai cường quốc hạt nhân này đã cam kết loại bỏ và vĩnh viễn không sử dụng tất cả các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Thực hiện Hiệp ước này, Mỹ và Nga đã tiêu hủy lần lượt 846 và 1.846 tên lửa tầm ngắn, tầm trung1 trong kho vũ khí của mình. Các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong hơn ba thập niên qua, INF được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, rào cản đối với cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ, duy trì sự cân bằng chiến lược ở khu vực châu Âu. Vậy mà, do bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ ở thời điểm hiện tại và cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược giữa các cường quốc,… đã dẫn đến sự thay đổi “số phận” của Hiệp ước quan trọng vốn đã tồn tại bấy lâu này.
Mỹ tuyên bố rút khỏi INF và phản ứng của Nga
Ngày 20-10-2018, Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với lý do: trong nhiều năm qua, Nga đã vi phạm Hiệp ước này và nhiều cường quốc không tham gia INF đã phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất tầm trung, “không kiểm soát được”. Theo ông Đô-nan Trăm, những vi phạm đó đã phủ nhận - “vô hiệu hóa” Hiệp ước INF. Bảo vệ quan điểm này, một số quan chức Lầu Năm Góc lý giải, từ nhiều năm nay, Nga đã “bí mật” đầu tư phát triển các tên lửa tiên tiến thế hệ mới; trong đó, có một số loại tên lửa hành trình mà họ dự đoán là có khả năng “chọc thủng” các lá chắn phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ ở châu Âu, khiến cho Mỹ và NATO lo ngại. Về phía Mỹ, do bị ràng buộc, hay nói cách khác là phải thực hiện các cam kết của INF, nên nước này không nghiên cứu, chế tạo và triển khai hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất tầm trung và tầm ngắn. Trong khi đó, các cường quốc tên lửa hạt nhân khác, như: Trung Quốc, I-ran,... vì không tham gia Hiệp ước nên được tự do phát triển các tên lửa cùng loại với trình độ ngày càng tiên tiến, hiện đại. Trong bối cảnh năng lực hạt nhân của các “đối thủ tiềm tàng” ngày càng được củng cố, nâng cao, nếu Mỹ không kịp thời điều chỉnh, hợp lý chính sách vũ khí hạt nhân, thì rất có thể sẽ bị “tụt hậu” trong lĩnh vực tên lửa phóng từ mặt đất và chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi cho tác chiến tại các chiến trường trọng yếu trên thế giới khi có xung đột. Với những luận giải trên, Mỹ cho rằng, Hiệp ước INF đã “lỗi thời”, không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Ở chiều ngược lại, Nga phản đối những cáo buộc của Mỹ về việc nước này vi phạm INF và cho rằng: những cáo buộc “trắng trợn” đó về bản chất chỉ là bình phong, lá chắn, che giấu cho mưu đồ hiện thực hóa mục tiêu chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Theo Mát-xcơ-va, INF được thiết kế không phải để giải quyết tất cả mọi vấn đề giữa Mỹ và Nga, mà chỉ là đề ra và thống nhất các biện pháp nhằm ổn định thế chiến lược trên lục địa châu Âu. Và trên thực tế, những năm qua, cả hai nước đã tiêu hủy có kiểm chứng, giám sát hàng nghìn tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong kho vũ khí của mình. Điều đó, một mặt, thể hiện trách nhiệm của hai nước đối với việc tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thế cân bằng chiến lược ở châu Âu; mặt khác, góp phần điều tiết và làm giảm nguy cơ nổ ra một cuộc tấn công hạt nhân ở lục địa này. Tuy nhiên, Điện Krem-li cũng chỉ rõ, bất chấp các kết quả đáng khích lệ đó, chính quyền Mỹ vẫn coi Nga là “đối thủ tiềm tàng” và đẩy mạnh chính sách ngăn chặn, kiềm chế. Điển hình là năm 2001, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký với Liên Xô năm 1972, để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) và hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD), với mục tiêu nhằm vô hiệu hóa hệ thống tên lửa của Nga. Khi lên cầm quyền, viện mọi lý do, như: cáo buộc Mát-xcơ-va liên quan tới cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, kích động xung đột tại Xy-ri, can thiệp bầu cử ở Mỹ, đầu độc cựu điệp viên “hai mang” ở Anh,… chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã gia tăng các biện pháp trừng phạt cả về kinh tế, tài chính và bao vây quân sự, nhằm gây sức ép mạnh mẽ đối với Nga. Đồng thời, Mỹ đẩy mạnh chiến lược “Đông tiến”, mở rộng NATO tiến sát biên giới của Nga; tổ chức nhiều cuộc tập trận chung quy mô lớn với NATO, nhằm phô trương sức mạnh, răn đe Mát-xcơ-va. Ngoài ra, Mỹ còn ráo riết xây dựng cơ sở vật chất để triển khai các bệ phóng tên lửa phóng từ mặt đất tại châu Âu, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại một số nước Đông Âu có đường biên giới giáp với Nga, v.v. Những hành động đó của Mỹ bị Nga coi là vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF, đẩy quan hệ hai nước vào tình trạng căng thẳng. Bởi vậy, việc Mỹ viện cớ Nga vi phạm INF để rút khỏi Hiệp ước này thực chất chỉ là “chiêu bài” để hiện thực hóa Học thuyết hạt nhân mà Nhà Trắng mới thông qua gần đây, nhằm mục tiêu xây dựng Quân đội Mỹ thành quân đội “hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”, có ưu thế tuyệt đối về vũ khí thông thường và hạt nhân, nhằm ngăn chặn, kiềm chế sự cạnh tranh, trỗi dậy của các đối thủ, tiếp tục khẳng định, duy trì vị trí “số 1 thế giới” của mình.
Những hệ lụy khó lường
Theo các nhà phân tích quốc tế, nếu Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước INF để phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất tầm ngắn và tầm trung, sẽ gây mất cân bằng chiến lược trên toàn cầu. Điều đó buộc Nga và các cường quốc khác cũng phải nghiên cứu, thực hiện các biện pháp phòng vệ về quân sự để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia của họ và để đối phó với mối đe dọa mà họ cho rằng Mỹ có thể gây ra từ chính sách chính trị cường quyền, bá chủ thế giới. Sự cạnh tranh giành ưu thế về tên lửa giữa Mỹ và các cường quốc có thể trở thành một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân rất khó kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của thế giới.
Ngay sau khi Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, Mát-xcơ-va đã thông báo vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ, nhằm giải quyết những bất đồng về vấn đề này, nhưng Nga cũng sẵn sàng triển khai các biện pháp đáp trả, kể cả các biện pháp quân sự để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia của mình. Các chuyên gia quân sự của nhiều nước cho rằng, việc Mỹ xác định Nga, Trung Quốc là các “cường quốc đối thủ” trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2018 là có mưu đồ tính toán từ xa. Đặc biệt, hành động cáo buộc Nga, chỉ trích Trung Quốc phát triển tên lửa tầm trung,… chỉ là những lý do biện minh cho mục tiêu đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF của Mỹ mà thôi. Những hành động được nhiều chuyên gia coi là “không thân thiện”, “thù địch” đó của Mỹ, không chỉ làm cho quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc trở nên phức tạp hơn, mà còn tạo nguy cơ “nhãn tiền” là đẩy thế giới vào kỷ nguyên của một cuộc “chiến tranh lạnh” mới. Và, nếu Hiệp ước INF bị đổ vỡ, tiếp đó là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START-3) giữa Mỹ và Nga sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 (trường hợp không được gia hạn), thì tương lai thế giới sẽ “vô cùng phức tạp, khó lường”, bởi nguy cơ rơi vào “hỗn loạn” do tình trạng phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân không thể kiểm soát. Giới quân sự một số nước Tây Âu thì tỏ ý bi quan rằng, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đang ở giai đoạn “tồi tệ nhất” trong lịch sử, do nguy cơ chiến tranh kinh tế, mâu thuẫn từ việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran gây nên; nay nếu Mỹ tiếp tục rút khỏi Hiệp ước INF thì đây sẽ là “đòn đánh bồi” làm cho mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” giữa Mỹ và Liên minh châu Âu càng bị chia rẽ sâu sắc hơn. Theo họ, Hiệp ước INF tuy chưa phải hoàn chỉnh, áp dụng với tất cả các quốc gia, nhưng nó là cơ chế pháp lý duy nhất đang duy trì hiệu quả thế ổn định chiến lược, bảo vệ châu Âu khỏi các xung đột hạt nhân đáng tiếc có thể nổ ra. Hơn ba thập niên qua, Hiệp ước INF có vai trò quan trọng đặc biệt đối với an ninh và thế cân bằng chiến lược của châu Âu. Nếu Hiệp ước INF bị vô hiệu hóa bởi những lý do “không thuyết phục” thì cũng đồng nghĩa với thực tế là châu Âu có thể lại trở thành chiến trường đối đầu của hai siêu cường Mỹ và Nga. Một số tướng lĩnh NATO lo ngại, do tên lửa phóng từ mặt đất tầm ngắn và tầm trung có đặc điểm là thời gian bay ngắn, đường bay khó đoán định, khiến chúng không dễ bị phát hiện, nên nó sẽ làm tăng khả năng khủng hoảng, tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân bất ngờ, khó kiểm soát và hết sức nguy hại đối với an ninh, ổn định của thế giới. Còn một số chuyên gia của Mỹ thì cảnh báo: việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga sẽ khiến cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran ngày càng trở nên “phức tạp hơn”.
Về bản chất, vũ khí hạt nhân là thành tựu mang tính “đột phá” của khoa học - công nghệ quân sự hiện đại, nhưng nếu không được sử dụng đúng mục đích sẽ trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt và là mối hiểm họa khôn lường, đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Nhận thức sâu sắc sự nguy hiểm đó, tháng 7-1968, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tiếp đó, tháng 7-2017, thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, với mục đích kiểm soát, tiến tới tiêu hủy toàn bộ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu và đến nay đã có 124 trong số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc tham gia. Tuy nhiên, điều trớ trêu là hiện nay, một số cường quốc hạt nhân lại chưa tham gia Hiệp ước này, cho nên cuộc chiến tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên toàn cầu vẫn còn nhiều nan giải.
Thực tiễn lịch sử quân sự đương đại cũng cho thấy, việc sử dụng vũ khí hạt nhân làm công cụ để răn đe, kiềm chế, ngăn chặn nước khác không những không đạt được kết quả, mà trái lại chỉ làm cho quan hệ quốc tế thêm phức tạp, an ninh, hoà bình thế giới bị đe dọa. Cộng đồng quốc tế mong muốn Mỹ và Nga nên mời các cường quốc hạt nhân khác cùng tham gia đàm phán để xây dựng một INF thực sự là cơ chế pháp lý không chỉ dành riêng cho Nga và Mỹ, mà còn là cơ chế chung để ràng buộc tất cả các quốc gia, nhằm ngăn ngừa các cuộc xung đột bằng tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung; đồng thời, chống sự châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, đe dọa đến an ninh và sự ổn định ở châu Âu cũng như thế giới.
ĐỨC MINH ________
1 - Tên lửa tầm ngắn có tầm bắn từ 500 đến 1.000 km, tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 1.000 đến 5.500 km.
những hệ lụy,Mỹ tuyên bố,Hiệp ước INF
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ