Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:22 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trong chiến lược quốc phòng được công bố ngày 05-01-2012, Chính quyền B. Ô-ba-ma chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự điều chỉnh quan trọng trong chiến lược toàn cầu nhằm duy trì vai trò siêu cường của Mỹ. Thực chất của động thái này là gì và sự tác động của nó tới an ninh khu vực ra sao đang là vấn đề quan tâm của dư luận quốc tế.
1.Tại sao Mỹ trở lại châu Á?
Theo các nhà phân tích quốc tế, sở dĩ Chính quyền B. Ô-ba-ma quyết định trở lại châu Á (thực chất là tăng cường sự hiện diện ở châu Á), trước hết là do vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế và những lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực này. Theo số liệu thống kê, hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) chiếm tới 40% diện tích toàn cầu; 41% dân số thế giới và 61% GDP của các nước cộng lại. Đây là khu vực phát triển kinh tế năng động với 48% nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các nước ngoài khu vực, 47% giao dịch thương mại quốc tế mỗi năm và quan trọng hơn, khu vực này còn tập trung tới 65% nguồn nguyên liệu toàn cầu và nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Điều đáng nói, khu vực CA-TBD có sự phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; là thị trường có tiềm năng lớn về tiêu thụ hàng hóa của nền sản xuất thế giới, tạo động lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang trong tình trạng trì trệ, chưa có lối thoát. Các quan điểm trong chính giới Mỹ cũng đều cho rằng: khu vực CA-TBD đang trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI; rằng, mọi xu hướng - địa - chính trị, nhân khẩu học, kinh tế và quân sự - đang đổ về CA-TBD. Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ, bà Hi-la-ri Clin-tơn, còn tiên đoán: phần lớn lịch sử của thế kỷ XXI sẽ được viết tại châu Á. Khu vực này sẽ xuất hiện sự tăng trưởng kinh tế mang tính thay đổi nhất, rất nhiều thành phố của châu Á sẽ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa toàn cầu. Hiện nay, riêng kim ngạch thương mại hằng năm giữa khu vực CA-TBD và Mỹ đã vượt trên 1.000 tỷ USD, dự trữ ngoại hối chiếm 2/3 tổng lượng của thế giới. Dự kiến đến năm 2015, các nước Đông Á sẽ vượt Bắc Mỹ và khu vực châu Âu để trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới. Vì lẽ đó, Mỹ phải gắn bó chặt chẽ hơn với khu vực CA-TBD. Việc Mỹ trở lại châu Á, trước hết và chủ yếu do sự thúc đẩy của lợi ích kinh tế và thông qua hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực để khôi phục phát triển kinh tế Mỹ. Điều này cũng lý giải vì sao trong chiến lược quốc phòng mới, lần đầu tiên Chính quyền Mỹ thẳng thắn thừa nhận nguy cơ đối với an ninh quốc gia không chỉ từ bên ngoài, mà còn xuất phát từ trong lòng nước Mỹ. Đó là thâm hụt ngân sách khổng lồ, nợ công trầm trọng, là sự yếu kém của nền kinh tế buộc nước này phải có kế hoạch cắt giảm gần 500 tỷ USD ngân sách quốc phòng cho 10 năm tới…
Tuy nhiên, lý giải trên của chính giới Mỹ chỉ đúng một phần, mà là phần nhỏ, phần chủ yếu nằm ở chỗ khác. Cần thấy rằng, CA-TBD là khu vực phát triển năng động nhất về kinh tế trên thế giới, với nhiều trung tâm sức mạnh và các nước công nghiệp đang phát triển; là nơi hội tụ nhiều lợi ích của tất cả các nước lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a… Do đó, việc va chạm lợi ích và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc diễn ra rất phức tạp và quyết liệt; trong đó, vai trò lãnh đạo khu vực về chính trị, kinh tế, quân sự từ trước đến nay hầu như thuộc về Mỹ. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, do phải phân tán nguồn lực cho các hoạt động quân sự trên toàn cầu, nhất là hai cuộc chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan; nền kinh tế lại bị ảnh hưởng trầm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nên sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực đã ít nhiều suy giảm. Trong khi đó, các nước lớn trong khu vực đang vươn lên mạnh mẽ, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc đã cạnh tranh gay gắt với vai trò, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Vì thế, mục đích trở lại châu Á của Mỹ là tiếp tục can dự vào khu vực không chỉ để duy trì lợi ích chiến lược về kinh tế và chính trị, mà còn để kiềm chế các nước khác đang thách thức vai trò vượt trội của Mỹ.
2. Mỹ điều chỉnh cách thức trở lại châu Á.
So với chiến lược của các đời tổng thống trước, chiến lược quốc phòng của Tổng thống B. Ô-ba-ma không có sự thay đổi về mục tiêu chiến lược, nhưng đã có sự điều chỉnh một số định hướng và biện pháp chiến lược; trong đó, rõ nét nhất là sự điều chỉnh cách thức Mỹ trở lại châu Á. Quan sát tỷ mỷ từ vấn đề I-rắc, Áp-ga-ni-xtan đến Li-bi và gần đây là cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” (gồm 22 nước tham gia) cho thấy, Mỹ đã từng bước nhường quyền “tiến lên phía trước” cho các đồng minh; thực hiện can dự nhiều hơn để xây dựng lòng tin, giảm bớt hiểu nhầm; đồng thời, từng bước móc nối lại mạng lưới đồng minh, liên kết với các nước mới nổi để hình thành “kết cấu khung khu vực”, thực hiện mục tiêu “Mỹ chỉ đạo khu vực”. Theo các nhà quan sát, đây là một trong những điều chỉnh quan trọng sau khi Mỹ trở lại châu Á. Ngoại trưởng Mỹ từng phát biểu: một kết cấu khung khu vực mạnh có thể kích thích cổ vũ hợp tác, hạn chế các khiêu khích và hành vi xấu. Kết cấu này, cần tiếp tục nỗ lực, giữ vững quan hệ đối tác và quan trọng là cần có sự lãnh đạo của Mỹ. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đề ra 6 phương châm hành động. Một là, tăng cường liên minh an ninh song phương với các nước đồng minh truyền thống trong khu vực, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a…, bảo đảm vừa duy trì sự đồng thuận về chính trị đối với những giá trị cốt lõi của quan hệ đồng minh, vừa sẵn sàng thích nghi và đối phó thành công với những thách thức mới trong khu vực. Trong đó, liên minh Mỹ – Nhật đóng vai trò quan trọng nhất, là hòn đá tảng để Mỹ can dự và đứng vững ở CA-TBD. Đối với Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a, Mỹ tích cực hợp tác, khích lệ các nước này phát huy vai trò lớn hơn trong việc duy trì ổn định an ninh khu vực. Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã khởi động cơ chế đối thoại ba bên, thường xuyên tham vấn để đẩy dần tiến trình hình thành liên minh quân sự. Hai là, làm sâu sắc hóa quan hệ hợp tác với các quốc gia mới nổi, các nước có tiềm năng, các cường quốc trong khu vực, như: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…; trong đó, quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất và có nhiều thách thức nhất đối với Mỹ. Nhà Trắng cho rằng, an ninh trong khu vực CA-TBD phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của Trung Quốc. Do đó, Mỹ tiếp cận một cách cẩn trọng, nhất quán và linh hoạt theo phương châm: vừa xúc tiến hợp tác toàn diện, vừa cảnh giác đề phòng, bảo đảm trung thành với các nguyên tắc và lợi ích của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ coi trọng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Nếu như trước đây, Mỹ không chú trọng nhiều tới vai trò của ASEAN, khước từ nhiều vấn đề của ASEAN thì từ năm 2010 đến nay, tùy theo mức độ quan hệ, Mỹ đã đưa một số nước Đông Nam Á vào một trong ba đối tác quan hệ: “đồng minh chính thức”, “đối tác chiến lược” và “đối tác chiến lược triển vọng” nhằm tạo dựng lại cục diện an ninh CA-TBD có sự chi phối của Mỹ. Ba là, tích cực can dự toàn diện vào các thể chế khu vực, như: Diễn đàn kinh tế CA-TBD (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương…, để tăng cường ảnh hưởng và vai trò của Mỹ trong các thể chế này. Bốn là, mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư nhằm tìm kiếm cơ hội để kinh tế Mỹ tăng trưởng cùng khu vực, tạo ra nhiều việc làm; đồng thời, đưa kinh tế Mỹ dần trở thành nhân tố không thể thiếu trong tiến trình nhất thể hóa khu vực. Để thực hiện điều đó, Mỹ tiếp tục thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chủ trương sẽ hợp nhất tổ chức này và Diễn đàn kinh tế CA-TBD thành cơ chế hợp tác kinh tế CA-TBD do Mỹ chủ đạo. Năm là, tăng cường sự có mặt về quân sự tại khu vực, trước hết, là ở Đông Bắc Á, coi lực lượng này là nhân tố chủ yếu đối với an ninh khu vực và vai trò đầu tàu của Mỹ. Đồng thời, tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Trước mắt, Mỹ cho triển khai một số tàu tuần tra duyên hải tại Xin-ga-po, mở rộng hiện diện quân sự tại Ô-xtrây-li-a, bổ sung vũ khí, trang bị và huấn luyện cho quân đội Phi-líp-pin. Trong Dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2013, mặc dù có nhiều nội dung bị cắt giảm, nhưng Mỹ vẫn dành 2,8 tỷ USD để mua sắm vũ khí, trang bị cho các dự án quân sự tại khu vực CA-TBD. Sáu là, tiếp tục thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, coi đó là thứ vũ khí lợi hại nhằm ép buộc các nước có chế độ chính trị không thân Mỹ phải phục tùng và đi theo quỹ đạo của Mỹ.
3. Những tác động của nó đối với an ninh khu vực.
Khác với biến động chính trị – xã hội ở khu vực Bắc Phi – Trung Đông (từ cuối 2010 đến nay), việc Mỹ trở lại châu Á không phải là một sự kiện đơn lẻ mang tính khu vực, mà là một quá trình lâu dài, xuyên suốt, phải đối mặt và giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng mang tính toàn cầu, nên nó sẽ có tác động, ảnh hưởng rất lớn tới an ninh khu vực và thế giới. Trước hết, việc điều chỉnh quy mô lực lượng và những thay đổi chiến lược trong khu vực sẽ làm cho các cường quốc, nước lớn nảy sinh lo ngại về vai trò lãnh đạo cũng như sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ; từ đó, buộc phải lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, tạo nguy cơ tiềm ẩn về xung đột và chiến tranh.
Đối với an ninh khu vực, ở một chừng mực nhất định, việc Mỹ quay trở lại châu Á, sẽ có tác động tích cực trong việc củng cố hòa bình và ổn định khu vực, ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và phát triển kinh tế giữa các quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu quay lại châu Á của Mỹ là “can dự trở lại” để giành và duy trì vị trí siêu cường số 1 thế giới. Do đó, cùng với cái gọi là chính sách “mở rộng hợp tác” quốc tế với các nước trong khu vực, nhất là các nước lớn, như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, Mỹ cũng coi trọng các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn không để các nước này thách thức vai trò lãnh đạo khu vực và thế giới của Mỹ, nên tại đây sẽ diễn ra quá trình cạnh tranh và hợp tác đan xen rất phức tạp. Trong đó, các nước lớn trong khu vực và Mỹ luôn trong trạng thái vừa hợp tác, thỏa hiệp, chia sẻ lợi ích với nhau, vừa tìm cách ngăn chặn, kiềm chế lẫn nhau; thậm chí mặc cả với nhau trên lưng các nước nhỏ, làm cho tình hình khu vực phức tạp hơn. Mặt khác, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á trong bối cảnh khu vực đang tồn tại nhiều “điểm nóng”: eo biển Đài Loan, Đông Bắc Á, Biển Đông và eo biển Ma-lắc-ca,… sẽ làm cho nguy cơ xung đột gia tăng, thúc đẩy Mỹ can dự sâu hơn vào an ninh khu vực, nhất là can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Mỹ trở lại châu Á là một quá trình có thể kéo dài nhiều thập kỷ, năm 2011 - 2012 chỉ là bước đầu khởi động, hệ lụy của nó rất lớn, chưa lường hết được. Các quốc gia, trước hết là các nước trong khu vực CA-TBD đang quan tâm, nghiên cứu, dự báo làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại để vượt qua thách thức.
Thiếu tướng, PGS, TS. LÊ VĂN CƯƠNG
và Đại tá, ThS. TẠ QUANG CHUYÊN
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ