Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 22/11/2018, 08:51 (GMT+7)
Mỹ thành lập Quân chủng Vũ trụ và tác động của nó đến môi trường an ninh quốc tế

Ngày 18-6-2018, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm quyết định thành lập Quân chủng Vũ trụ - quân chủng thứ sáu trong các lực lượng vũ trang Mỹ. Đây là động thái mới đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến môi trường an ninh quốc tế, được dư luận hết sức quan tâm.

Bối cảnh ra đời

Trong 50 năm chinh phục, khai phá và ứng dụng khoảng không vũ trụ, Mỹ luôn là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này, với những trang, thiết bị hiện đại bố trí trên không gian bên ngoài vùng khí quyển của Trái Đất, nhằm phục vụ cho cả mục đích quân sự, dân sự và trên thực tế đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Thành tựu đó được vận dụng vào các cuộc chiến tranh công nghệ cao do Mỹ phát động sau “Chiến tranh lạnh” đã chứng tỏ hệ thống phương tiện bố trí trên vũ trụ đóng vai trò then chốt đối với sức mạnh của các lực lượng vũ trang Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là “sân chơi” để Mỹ có thể độc quyền chiếm lĩnh. Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay đã đạt được những thành tựu không thua kém Mỹ; thậm chí còn giành được một số ưu thế vượt trội trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng vũ khí chống vệ tinh, như: vũ khí la-de, tên lửa đánh chặn và tên lửa tấn công có tốc độ siêu vượt âm, có thể vượt qua mọi lá chắn bố trí trên mặt đất và trong vũ trụ. Trung Quốc cũng đang theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc vũ trụ để nhanh chóng đuổi kịp và vượt Mỹ trong lĩnh vực công nghệ này, thậm chí còn có thể tấn công từ vũ trụ. Những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào trang bị các phương tiện tiên tiến, như: tàu vũ trụ có người lái, vũ khí chống vệ tinh và hệ thống định vị, dẫn đường từ vũ trụ mà không phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GPS) của Mỹ hay Nga và các nước châu Âu.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ký quyết định thành lập Quân chủng Vũ trụ.
(Ảnh: Chinanews)

Trước tình hình đó, để giành ưu thế, nhất là so với Nga và Trung Quốc, giới lãnh đạo Mỹ đã từng có ý tưởng xây dựng Quân chủng Vũ trụ. Điển hình là năm 2000, Ủy ban cải cách quân sự Mỹ do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đô-nan Răm-xphen (Donald Rumsfeld) đứng đầu đã đề xuất xây dựng Quân chủng Vũ trụ, nhưng sự kiện vụ khủng bố ngày 11-9-2001 và tiếp đó là các cuộc chiến hao người tốn của do Mỹ dẫn đầu tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc làm cho ý tưởng đó nhanh chóng bị lãng quên. Sau đó, với chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ; trong đó, việc theo đuổi tham vọng xây dựng các lực lượng vũ trang thành đội quân mạnh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và việc quyết định thành lập Quân chủng Vũ trụ là một trong những quyết sách tạo nên sức mạnh ấy. Theo tính toán của Lầu Năm Góc, Quân chủng này sẽ có nhiệm vụ từ trên không gian tấn công các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương; như vậy, có thể kiểm soát được toàn bộ không gian ngoài Trái Đất, hình thành quyền lực tuyệt đối, bá chủ không gian vũ trụ. Quân chủng Vũ trụ dự kiến sẽ đảm trách nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy vũ trụ thuộc Không quân Mỹ - đơn vị hỗ trợ hầu hết các chiến dịch quân sự trong không gian ở khắp thế giới. Ngoài ra, Mỹ sẽ tập hợp 30.000 chuyên gia thuộc các cơ quan và tổ chức khác nhau của mình hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ để nghiên cứu; đồng thời, thành lập mới Cục Phát triển vũ trụ (đào tạo kỹ sư, chuyên gia, các nhà khoa học về công nghệ vũ trụ) và lực lượng Đặc nhiệm tác chiến trên vũ trụ.

Mục tiêu hướng tới

Thành lập Quân chủng Vũ trụ, Mỹ hướng tới nhiều mục tiêu, cả trước mắt và lâu dài; trong đó, hướng chủ yếu vào các nội dung cơ bản sau:

Một là, củng cố, tăng cường vượt bậc sức mạnh quân sự Mỹ, nhất là đối với các lực lượng Không quân và Hải quân, đảm bảo trong mọi tình huống đều được điều khiển chính xác bằng hệ thống trang, thiết bị hiện đại được bố trí trên vũ trụ, trước hết là cơ sở dữ liệu kết nối qua vệ tinh, tạo sức mạnh vượt trội trước các đối thủ tiềm tàng.

Hai là, giành ưu thế quân sự toàn diện so với các cường quốc, trước hết là Nga và Trung Quốc, nhằm đưa Quân đội Mỹ trở thành lực lượng mạnh nhất thế giới trong tất cả các môi trường tác chiến. Hiện nay, tuy Mỹ vẫn là một trong những cường quốc trong lĩnh vực vũ trụ, nhưng tiềm lực và lực lượng quốc phòng đang bị dàn trải trong nhiều lực lượng, như: Hải quân, Lục quân, Không quân và các tổ chức khác. Vì thế, Mỹ cần phải thành lập Quân chủng Vũ trụ, nhằm tạo ra một tổ chức quản lý và chỉ huy thống nhất, hùng mạnh để giành ưu thế toàn diện trong tác chiến.

Ba là, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới, nhằm buộc các đối thủ phải lao vào cuộc chạy đua không cân sức. Đặc biệt hiện nay, trong điều kiện Nga đang bị Mỹ cấm vận toàn diện; Trung Quốc phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại cũng do Mỹ phát động, nếu các quốc gia này phải chạy đua vũ trang với Mỹ về vũ trụ thì sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Đó cũng là một trong những mục tiêu mà Mỹ nhắm tới, hòng làm suy yếu đối phương, nhất là các đối thủ đang cạnh tranh vị thế độc tôn của Mỹ trên thế giới.

Bốn là, tạo tiền đề để sẵn sàng thực hiện các kịch bản tấn công chớp nhoáng toàn cầu. Năm 2002, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô năm 1972 và phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” đã được dày công hoạch định, với các kịch bản: 1). Một cường quốc là đối thủ cạnh tranh có tiềm lực quân sự có thể so sánh với Mỹ đang có ý định gây rối, thậm chí tấn công phá hoại các hệ thống truyền thông và tình báo của Mỹ được bố trí trên vũ trụ; 2). Phát hiện thấy các lực lượng khủng bố sử dụng vật liệu phóng xạ làm “vũ khí bẩn”, hoặc chuẩn bị sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt; 3). Ngăn chặn một tổ chức khủng bố nào đó đang chuẩn bị sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt chống lại Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ; 4). Trong vòng 24 giờ, Mỹ sẽ thực hiện đòn tấn công phủ đầu xuyên lục địa nhằm tiêu diệt chỉ huy của một hoặc nhiều tổ chức khủng bố chuẩn bị cuộc gặp của chúng ở nước trung lập, cách tiền duyên quân đội Mỹ trên 1.500km; 5). Vô hiệu hóa đòn tiến công bằng tên lửa hạt nhân xuất phát từ một trong những “quốc gia bất trị”. Để thực hiện các kịch bản đó, Quân chủng Vũ trụ Mỹ sẽ là một trong những tổ chức đóng vai trò quyết định.

Năm là, bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động liên quan đến vũ trụ và phục vụ phát triển kinh tế của nước này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Ma-tít (James Mattis), nhiệm vụ của Quân chủng Vũ trụ không chỉ bao gồm nhiệm vụ như Bộ Chỉ huy về vũ trụ thuộc Không quân Mỹ, mà còn bảo vệ tiềm năng vũ trụ, phục vụ các mục đích chống lại đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, trước hết là Trung Quốc và Nga, bảo đảm an toàn, an ninh nước Mỹ. Đồng thời, các phương tiện như vệ tinh đóng vai trò quan trọng không chỉ trong các hoạt động quân sự mà còn trong các hoạt động kinh tế của Mỹ. Theo đó, Mỹ đã kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu mọi khả năng khoa học, công nghệ để đưa người và khí tài lên Mặt Trăng, thực hiện các chuyến du hành khám phá Sao Hỏa trong vài thập niên tới.

Như vậy, cùng với việc chinh phục vũ trụ, đảm bảo an ninh, phát triển kinh tế, Mỹ thành lập Quân chủng Vũ trụ với mục đích chủ yếu là tăng cường sức mạnh quân sự, tạo thế vượt trội trên thế giới, nhằm áp đặt sức mạnh đó lên toàn nhân loại.

Những tác động đến môi trường an ninh quốc tế

Theo các nhà chính trị, quân sự nổi tiếng trên thế giới, việc Mỹ thành lập Quân chủng Vũ trụ đã vi phạm Thỏa thuận quốc tế về không gian (OST) năm 1967. Theo Thỏa thuận này, các nước thành viên (trong đó có Mỹ) sẽ bị cấm triển khai vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo quanh Trái Đất. Các quốc gia cũng không được phép thử vũ khí trên không gian, hay xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng và các hành tinh khác. Hiệp định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc duy trì môi trường an ninh và hòa bình quốc tế, nhưng lại trái ngược với tham vọng của Mỹ là giành quyền kiểm soát và quân sự hóa vũ trụ. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ do Quân chủng Vũ trụ kiểm soát sẽ là một tác nhân kích động cuộc đua phát triển năng lực tên lửa trên khắp thế giới và trên thực tế sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ là bằng chứng cho thấy Oa-sinh-tơn đang tìm cách phá vỡ thế cân bằng sức mạnh hiện nay để hướng tới khả năng thống trị thế giới với tham vọng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, quyết định thành lập Quân chủng Vũ trụ của Mỹ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều nước trên thế giới, trước hết là Nga và Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp đã cáo buộc Mỹ đang theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí bố trí trong khoảng không vũ trụ và do đó sẽ đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh kiểu mới.

Trước đó, ngay từ năm 2008 và cho tới nay, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc kiến nghị ký kết Hiệp định cấm quân sự hóa không gian vũ trụ. Tổng thống Nga V. Pu-tin đã từng tuyên bố, Nga sẽ không thể để Mỹ lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang mới, mà sẽ tìm được cách vô hiệu hóa ưu thế chiến lược của Mỹ bằng những biện pháp ít tốn kém hơn rất nhiều nhưng có hiệu quả cao, thậm chí phát triển các hệ thống vũ khí phòng thủ độc nhất vô nhị trên thế giới. Hiện nay, trang bị của Nga không chỉ có các tên lửa có thể giáng đòn tấn công đáp trả một khi bị đối phương tấn công phủ đầu mà còn có thể chọc thủng mọi loại lá chắn tên lửa hiện có cũng như trong tương lai của Mỹ. Cho nên, Nga đã nhiều lần ra tuyên bố, tham vọng của Mỹ giành ưu thế tuyệt đối so với Nga trong lĩnh vực vũ trụ chỉ là ảo vọng. Cùng với Nga, Trung Quốc cũng cho rằng toan tính của Mỹ giành ưu thế toàn diện trên vũ trụ chỉ là ảo tưởng hão huyền. Trung Quốc đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ, đặc biệt là nghiên cứu, chế tạo vũ khí chống vệ tinh có trình độ công nghệ được xếp ngang hàng với vũ khí của Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc do nhà nước quản lý, nên Bắc Kinh có khả năng tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, trong đó có công nghệ vũ trụ quân sự, để vô hiệu hóa ưu thế của Mỹ.

Quân chủng Vũ trụ của Mỹ ra đời sẽ đẩy an ninh thế giới tới trước những hiểm họa rất đáng lo ngại. Trước tình hình đó cho thấy: một thế giới hòa bình, ổn định cùng phát triển như mong muốn của đại đa số người dân và các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn còn xa. Điều mong ước về một nền hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới có trở thành hiện thực hay không, phụ thuộc rất nhiều ở sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu, mà trước hết vẫn là các nước lớn.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...