Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:27 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Để đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa trên phạm vi toàn cầu, cần sự nỗ lực cao của nhiều nước cũng như cả cộng đồng quốc tế. Song, điều đó vẫn còn xa vời khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran và tái áp đặt lệnh trừng phạt nước này. Quyết định đó, tạo nên hệ lụy rất lớn, chưa thể lường hết được.
Nhiều thập kỷ qua, chương trình hạt nhân của I-ran và Triều Tiên luôn là hai trong số các vấn đề nóng nhất, khó giải quyết nhất trong chương trình nghị sự toàn cầu về giải trừ vũ khí hạt nhân. Với I-ran, trải qua rất nhiều vòng đàm phán gay go, phức tạp, kéo dài hơn một thập niên, có những lúc tưởng chừng như đã đổ vỡ hoàn toàn. Nhưng, với sự nỗ lực rất cao của các bên để tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, hòa bình cùng phát triển trong một thế giới đầy biến động, cuối cùng, I-ran và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức (P5+1) đã đạt được thỏa thuận về Chương trình hành động toàn diện chung (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân I-ran vào ngày 14-7-2015. Theo đó, ngày 15-7-2015, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2231, đưa JCPOA trở thành một phần trong luật pháp quốc tế. Cùng ngày, Ủy ban Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận. Hơn 90 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế đã ủng hộ Thỏa thuận quan trọng này. Nhiều nước, đặc biệt là các nước thuộc EU coi đây là bước tiến lớn, thành tựu quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa I-ran.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran và áp đặt trở lại lệnh trừng phạt
Theo luật pháp của Mỹ, Thỏa thuận đó chỉ là một bản cam kết chính trị không ràng buộc nên chưa được Quốc hội nước này phê chuẩn. Vì vậy, ngay từ khi còn tranh cử, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã phản đối mạnh mẽ JCPOA, coi đây là một “Thỏa thuận kinh khủng”. Ông đã đưa vấn đề hạt nhân I-ran trở thành một cam kết quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ với lý do JCPOA có quá nhiều thiếu sót, không thể giúp đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn đối với người dân Mỹ. Trên thực tế, cá nhân Tổng thống Mỹ và phe Cộng hòa đã nhiều lần chỉ trích và cho rằng đây là một thỏa thuận tồi. Bên cạnh đó, Mỹ và I-xra-en đặc biệt lên án I-ran về nhiều vấn đề quốc tế ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông. Bởi, sau sự kiện “Mùa xuân A-rập”, I-ran đã trở thành một thế lực rất lớn ở khu vực, có ảnh hưởng to lớn tới nhiều vấn đề, có chính sách thù địch đối với Mỹ, đặc biệt là I-xra-en.
Do vậy, sau nhiều lần cảnh báo, ngày 08-5-2018, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chính thức quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran và công bố một loạt biện pháp trừng phạt nước này, được chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, kể từ ngày 07-8-2018, các lệnh trừng phạt được tái áp dụng, bao gồm: cấm chính phủ I-ran mua bán và sử dụng đồng USD cũng như mua bán, giao dịch vàng và các loại nguyên liệu quý khác, nhất là đối với các loại hàng hóa, như: nhôm, thép, than và các loại phần mềm được sử dụng trong chế biến công nghiệp; các giao dịch liên quan tới đồng Rial; các lệnh cấm đối với ngành ô-tô và hoạt động liên quan tới giao dịch nợ chính phủ. Đồng thời, đưa nhiều quan chức hàng đầu của I-ran vào danh sách cấm vận, như: Thống đốc Ngân hàng Trung ương và lãnh đạo nhiều ngân hàng, tổ chức lớn của I-ran, vì bị cho là tài trợ cho khủng bố ở khu vực, v.v. Tiếp đến, từ ngày 05-11-2018, lệnh cấm vận sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác, như: đóng tàu, vận tải biển, năng lượng, các công ty vận hành cảng biển của I-ran; giao dịch liên quan tới dầu mỏ và tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran,… và cũng sẽ đưa trở lại danh sách cấm vận hàng trăm cá nhân, tổ chức, tàu thuyền và máy bay của nước này.
Đây là bước đi quan trọng đã được dự báo từ trước. Việc Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với I-ran đã và đang có những tác động sâu rộng không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn tạo ra những bất ổn về chính trị, quân sự đối với I-ran và nhiều nước trên thế giới; đồng thời, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được.
Hệ lụy từ việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt I-ran
I-ran vốn được coi là “nước Đức” ở khu vực Trung Đông, với rất nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế với khoảng 80 triệu người tiêu dùng và một cộng đồng dân cư được giáo dục tốt, tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, nhất là dầu lửa và nhiều kim loại quý hiếm. I-ran còn là thị trường lớn cuối cùng đang nổi lên và sẽ mở cửa với thế giới bên ngoài. Ngay sau khi đạt được thỏa thuận JCPOA, năm 2016, nền kinh tế I-ran đạt mức tăng trưởng đến 12,6%. Nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu của châu Âu đã chạy đua để ký kết hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD, như: Tô-tan, Pê-gót, Ai-bớt, An-tôm và Si-men, v.v. Chỉ tính riêng ngành hàng không (theo ước tính của hãng Bô-ing), I-ran có thể sẽ phải chi thêm khoảng 100 tỷ USD để mua các loại máy bay và trang thiết bị phụ tùng thay thế. Đây là những cơ hội to lớn đang mở ra cho các doanh nghiệp Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, cơ hội đó chỉ có được trong thời gian quá ngắn. Kể từ lệnh tái cấm vận được ban hành với các biện pháp trừng phạt “theo kiểu nước lớn” của Mỹ đối với I-ran đến nay, không những nền kinh tế I-ran bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn tạo nhiều hệ lụy đối với các nước trong khu vực và thế giới.
Đối với I-ran, hệ lụy đầu tiên là đồng Rial của nước này mất giá rất mạnh. Chỉ trong vòng 01 tháng, kể từ khi Mỹ tái áp đặt lệnh cấm vận, đồng tiền này đã xuống mức khoảng 130.000 Rial/1USD, bất chấp các nỗ lực siết chặt quản lý ngoại hối của Ngân hàng Trung ương I-ran. Chỉ tính trong vòng nửa năm qua, đồng Rial đã mất giá hơn 100%. Cộng với việc I-ran bị cấm giao dịch vàng và nhiều kim loại quý, nên sẽ tiếp tục tác động mạnh tới dự trữ ngoại hối, tỷ lệ nợ chính phủ, tỷ giá hối đoái và cán cân xuất nhập khẩu của I-ran. Vì thế, rất có thể tới đây, sau vòng cấm vận thứ hai của Mỹ, I-ran sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Cùng chịu tác động mạnh mẽ của lệnh cấm vận này, phải kể đến ngành hàng không của I-ran. Theo các báo cáo của cơ quan này, trong vòng 25 năm qua, đã có 17 máy bay của I-ran bị tai nạn, làm chết khoảng 1.500 người. Sở dĩ có tình trạng trên là vì Mỹ đã cấm hãng Bô-ing không được bán các loại máy bay và thiết bị phụ tùng thay thế cho các hãng hàng không của I-ran. Điều đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội máy bay của I-ran. Trong số 117 chiếc máy bay dân dụng, có khoảng 1/3 đã gặp vấn đề về kỹ thuật hoặc bị tai nạn, do không có phụ tùng thay thế. Không dừng lại đó, với các lệnh cấm vận dự kiến sẽ áp dụng tới đây, các hãng hàng không I-ran sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, các lĩnh vực khác, như: ô-tô, đóng tàu, vận tải biển,… của I-ran cũng sẽ gặp những vấn đề tương tự.
Như vậy, đà tăng trưởng kinh tế mà I-ran vừa có được từ sau khi ký JCPOA đã kết thúc. Thời gian tới, nhất là giai đoạn trung và dài hạn, triển vọng tăng trưởng của I-ran sẽ ảm đạm; tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng trở lại, nhất là trong giới trẻ. Lạm phát cũng đang gia tăng, do giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu vào I-ran đang tăng mạnh; tình trạng thiếu điện, nước do không được đầu tư vào hạ tầng cơ sở,… cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân.
Với quốc tế, cho dù các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu, như: Tổng thống Pháp Em-ma-nu-en Mác-rôn, Thủ tướng Đức An-giê-la Mắc-ken và Thủ tướng Anh The-re-sa Mây đã có nhiều nỗ lực để thuyết phục Mỹ không rút khỏi thỏa thuận JCPOA, không áp đặt lệnh trừng phạt trở lại đối với I-ran,… nhưng tất cả đều không thành công. Lệnh trừng phạt đó đã đẩy quan hệ của Mỹ với các đồng minh, đối tác, đặc biệt là các nước thuộc EU đến những bất đồng sâu sắc, khiến lòng tin của các đồng minh, đối tác vào Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng. Lý do bởi nhiều tập đoàn, công ty lớn của châu Âu đang mắc kẹt do không lường hết được các quyết định thay đổi đột ngột của phía Mỹ.
Đối với cục diện ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông, sự đối đầu giữa Mỹ và I-ran đang gia tăng đã tác động mạnh tới nhiều “điểm nóng” ở khu vực và trên thế giới. Điển hình là I-ran buộc phải gia tăng các hoạt động mang tính phòng thủ, sẽ tác động tới tình hình một số nước ở khu vực. Nguy hiểm hơn là I-ran đang đẩy mạnh phát triển hải quân, tăng cường kiểm soát vùng Vịnh và eo biển Hoóc-mút, đẩy căng thẳng địa chính trị ở khu vực này tăng cao, kéo theo hệ lụy khôn lường, nếu các bên liên quan không có giải pháp hữu hiệu. Đồng thời, từ lệnh cấm vận của Mỹ, đã đẩy I-ran điều chỉnh mạnh mẽ quan hệ với các nước lớn khác như Nga và đặc biệt là đang xích lại gần hơn với Trung Quốc. Điều này đã tác động đáng kể tới giá dầu thế giới. Dự báo sau vòng cấm vận tháng 11 tới, giá dầu thế giới có thể còn tăng nữa, làm cho nền kinh tế của nhiều nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình trên cũng sẽ ít nhiều tác động tới chiến lược toàn cầu của Mỹ ở các khu vực khác, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như vậy, thỏa thuận JCPOA được ký kết là những nỗ lực to lớn của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và cộng đồng quốc tế nhằm tiến tới giải quyết một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ quốc tế về chương trình hạt nhân của I-ran. Nhưng đáng tiếc là những nỗ lực này đã thất bại với quyết định rút khỏi JCPOA của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm và việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt về kinh tế I-ran đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Hệ lụy của việc này là rất lớn và chưa thể lường hết được.
Theo các nhà nghiên cứu dự báo, thời gian tới, nhiều khả năng I-ran sẽ từng bước tuyên bố rút khỏi JCPOA và không loại trừ khả năng Thỏa thuận lịch sử đó sẽ đổ vỡ hoàn toàn. Liên minh châu Âu khó có thể duy trì được bất kỳ đảm bảo nào đối với I-ran, nếu không có sự hợp tác của Mỹ. Ngay cả khi I-ran có quay trở lại đàm phán thì chắc chắn là nước này sẽ không bao giờ dừng lại ở những cam kết như thời điểm trước. Theo đó, các cam kết của Mỹ trong tiến trình phi hạt nhân hóa toàn cầu mà trước hết là đối với Triều Tiên vừa qua sẽ đi đến đâu? Vấn đề thực hiện một thế giới không có vũ khí hạt nhân đến bao giờ mới trở thành hiện thực? Một tương lai bất định đang chờ đợi khu vực Trung Đông và nhiều nước trên thế giới.
TS. TRẦN VIỆT THÁI, Học viện Ngoại giao
thỏa thuận hạt nhân,trừng phạt I-ran,hệ lụy
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ