Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 26/06/2018, 08:40 (GMT+7)
Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân I-ran, sự rạn nứt quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương

Ngày 08-5-2018, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện và khởi động lại việc trừng phạt I-ran. Việc làm đó thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế, xóa bỏ một trong những di sản đối ngoại của người tiền nhiệm, gây bất ổn trong khu vực, kể cả sự rạn nứt giữa các nước phương Tây.

Tổng thống Đô-nan Trăm giơ cao văn bản có chữ ký liên quan đến quyết định rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân I-ran. (Ảnh: AP)

Kết quả của 10 năm đàm phán

Ngay từ năm 2006, Nhóm P5+11 đã nỗ lực đàm phán với I-ran nhằm thuyết phục Tê-hê-ran (Tehran) từ bỏ tham vọng phát triển công nghệ hạt nhân để chế tạo bom nguyên tử. Trong quá trình đàm phán, có nhiều phen căng thẳng làm cho Mỹ phải đe dọa tấn công quân sự vào I-ran, nhưng rồi mọi vấn đề đều được các bên giải quyết thông qua đối thoại. Ngày 14-7-2015, các bên nhất trí ký Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - Thỏa thuận Hạt nhân I-ran và được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch: I-ran cam kết ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu urani trên 5% và vô hiệu hóa kho urani được làm giàu ở cấp độ gần 20%; không xây dựng bất kỳ một cơ sở nào có khả năng tái chế và phân tách plutoni từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tới thanh sát các cơ sở hạt nhân. Đổi lại, các lệnh trừng phạt đối với I-ran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran sẽ được dỡ bỏ theo từng giai đoạn sau khi Kế hoạch Hành động chung toàn diện có hiệu lực.

Thỏa thuận Hạt nhân I-ran được cộng đồng quốc tế đánh giá là một thỏa thuận lịch sử. Tổng thống Mỹ (thời điểm đó) B. Ô-ba-ma (Barack Obama) hoan nghênh sự kiện này và bày tỏ sự cảm ơn đối với các nước trong nhóm, đặc biệt là Nga đã nỗ lực phối hợp và đưa ra nhiều sáng kiến tích cực cùng với Mỹ, đàm phán thuyết phục I-ran chấm dứt việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Sau gần hai năm thực hiện, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế xác nhận, I-ran đã thực thi nghiêm túc Thỏa thuận. Nắm cơ hội đó, nhiều nước, trước hết là Mỹ, Pháp, Đức, Anh, sau là Nga và Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào thị trường này; đồng thời, mở rộng quan hệ thương mại với Tê-hê-ran.

Điều gì khiến Hoa Kỳ quyết định ra đi

Ngược lại với cộng đồng quốc tế, thậm chí còn đi ngược với chính quyền của người tiền nhiệm, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng cử viên Đô-nan Trăm (Donald Tramp) đã phê phán Kế hoạch Hành động chung toàn diện là “thỏa thuận tồi tệ chưa từng có” và cam kết với các cử tri Mỹ sẽ hủy bỏ sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Giữ đúng lời hứa khi tranh cử và thực hiện quan điểm “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Đô-nan Trăm muốn đưa nước Mỹ “vĩ đại” trở lại. Để đạt được điều đó, Hoa Kỳ phải nhanh chóng thâu tóm nguồn khoáng sản khổng lồ ở Trung Đông, mà trước hết là kiểm soát các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt hàng đầu thế giới; trong đó, I-ran là một trọng điểm. Bởi lẽ, đây là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn và đang hỗ trợ quân sự cho nhiều quốc gia Trung Đông không nghe theo Mỹ, như: Xy-ri (Syria), Ly-bi (Libya), lực lượng Héc-bô-la (Hezbollah), v.v. Theo Mỹ, I-ran là nước có mối thâm thù sâu nặng, “cứng đầu”, “khó bảo” ở Trung Đông mà Oa-sinh-tơn chưa thể khuất phục. Do đó, việc đưa nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran đi theo quỹ đạo của Mỹ được Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm. Thực hiện mưu đồ này, mấy tháng gần đây, Tổng thống Đô-nan Trăm đã quyết định nhiều vấn đề nhằm khống chế, cô lập I-ran, như: thành lập “NATO của các nước A-rập (Arab)”, ký Đạo luật HR-3364 (cho rằng, I-ran “xâm lược” và “tài trợ khủng bố”), công nhận Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) là thủ đô của I-xra-en và quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Ten A-víp (Tel Aviv) về đó, thậm chí rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện. Những quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm là món quà quý giá Hoa Kỳ “ban tặng” cho I-xra-en, nhằm khích lệ Ten A-víp chống lại I-ran.

Đối với I-xra-en, đây cũng là cơ hội có một không hai để “té nước theo mưa” thực hiện mưu đồ chính trị của mình, bởi đã từ lâu, Ten A-víp và Tê-hê-ran có mối thâm thù không đội trời chung. Không dừng lại ở đó, Oa-sinh-tơn (Washington) còn tuyên bố sẽ áp đặt những biện pháp cấm vận toàn diện và ngặt nghèo nhất trong lịch sử làm cho kinh tế, chính trị, an ninh của Tê-hê-ran và các đối thủ cạnh tranh hàng đầu với Mỹ nhanh chóng sụp đổ và phải phụ thuộc vào Mỹ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn chủ động soạn thảo một kế hoạch - “Kế hoạch B”  gồm 12 điểm đối với I-ran. Kế hoạch này như một tối hậu thư, buộc I-ran phải “đầu hàng” và đặt mọi nỗ lực của các đồng minh: Pháp, Đức, Anh và các đối tác Nga, Trung Quốc không thể cứu vãn Kế hoạch Hành động chung toàn diện khỏi sự phá sản, gây áp lực mạnh mẽ, tối đa đối với I-ran trong các cuộc đàm phán sắp tới. Nếu mọi việc diễn ra đúng như kịch bản trên thì xem như Hoa Kỳ đã xây dựng được “cấu trúc an ninh mới” ở khu vực Trung Đông có lợi cho họ.

Sự rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương

Trước hết, bất đồng về quan điểm Kế hoạch Hành động chung toàn diện và tuyên bố 12 điểm của Mỹ đối với I-ran. Trong chuyến thăm Mỹ tháng 4-2018, Tổng thống Pháp E. Ma-crông (Emmanuel Macron) với sứ mệnh “người đối thoại châu Âu” để “giải cứu” Kế hoạch Hành động chung toàn diện đã không tìm được tiếng nói chung với người đồng cấp Hoa Kỳ. Trong khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm một mực cho rằng, đây là một “thỏa thuận tồi tệ nhất” thì Tổng thống Pháp E. Ma-crông lại coi đây là thỏa thuận lịch sử, cần phải thực thi một cách nghiêm túc và không chấp nhận kế hoạch mới của Oa-sinh-tơn. Nhưng rồi, để lấy lòng Hoa Kỳ, Ông đề xuất bổ sung ba điểm: kiềm chế hoạt động hạt nhân của I-ran sau năm 2025; kiểm soát và giám sát tốt hơn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và kiềm chế hoạt động của I-ran ở Trung Đông, đặc biệt tại I-rắc (Iraq), Xy-ri, Li-băng (Liban) và Y-ê-men. Tuy nhiên, đề xuất này của Tổng thống Pháp cũng không ngăn cản được quyết định ra đi của Hoa Kỳ.

Hai là, giảm sút đáng kể niềm tin của các đồng minh phương Tây vào vai trò “lãnh đạo thế giới” của Mỹ. Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thế giới sẽ không còn tin chính quyền Mỹ có thể trở thành một đối tác đối thoại đáng tin cậy, khi mà họ sẵn sàng hủy bỏ các thỏa thuận đã được thiết lập, thậm chí cả những thỏa thuận từng được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Phó Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại của Viện Brốc-kinh (Brookings), bà Xu-dan Ma-lô-ni (Suzanne Maloney) nhận định: đề xuất 12 điểm của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân mới với I-ran sẽ đẩy Mỹ ngày càng xa rời các đồng minh châu Âu. Ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các đồng minh sẽ quay lưng với Hoa Kỳ, làm băng hoại niềm tin và có thể dẫn đến đối đầu với các cường quốc thế giới. 

Ba là, bất đồng về an ninh, quốc phòng. Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân I-ran làm cho khu vực này đang bất ổn lại càng bất ổn hơn. Bởi lẽ, I-ran sẽ gia tăng các hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo; can dự sâu hơn vào các nước và từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một nước lớn trong khu vực. Hơn nữa, việc mở lại các cơ sở làm giàu urani của I-ran không chỉ gây mối quan ngại chung, mà còn dấy lên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ngay trong khu vực rất khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các lực lượng khủng bố khác sẽ có nhiều cơ hội tái xuất hiện trở lại; làn sóng di cư sang các nước châu Âu ngày càng lớn, v.v. Đó là những vấn đề nan giải mà các nước châu Âu, nhất là Anh, Pháp và Đức,... phải đối mặt và không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Đây có lẽ là điểm mấu chốt nhất và khó có thể điều hòa trong quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) đối với Mỹ khi Oa-sinh-tơn quyết định rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân I-ran.  

Bốn là, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế của các đồng minh châu Âu. Từ năm 2015, sau khi ký Kế hoạch Hành động chung toàn diện, các công ty châu Âu đã ký hàng loạt hợp đồng kinh tế lớn với I-ran. Riêng Hãng hàng không Airbus ký hợp đồng cung cấp hàng trăm máy bay trị giá vài chục tỷ USD. Hiện giờ, các hợp đồng này đang trong trạng thái “trứng để đầu gậy”, do các lệnh cấm vận mới của Mỹ. Pháp là bên chịu thiệt hại lớn nhất từ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tê-hê-ran. Từ năm 2015, các công ty của Pháp đã ký nhiều hợp đồng làm ăn với I-ran trị giá hàng trăm tỷ USD: Hãng Pơ-giô (Peugeot) hơn 400 tỷ USD, Tô-tan (Total) 5 tỷ USD, ô tô Xi-chô-en (Citroen) 300 triệu USD, v.v. Các công ty này đứng trước nguy cơ thiệt hại quá lớn. Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng kinh tế và tài chính Pháp Bơ-ru-nô Lơ Mai-re (Bruno Le Maire) đã phải lên tiếng: “Các nước châu Âu không phải là chư hầu của Mỹ, vậy nên họ sẽ bảo vệ chủ quyền kinh tế của mình và sẽ không cho phép Mỹ hành xử như một cảnh sát áp đặt luật chơi trong nền kinh tế thế giới”. Còn với Đức, thiệt hại kinh tế cũng không nhỏ, năm 2017, khoảng 10.000 công ty, trong đó có Xi-men (Siemens), Vôn-pha-gen (Volkswagen), Đai-mơ-lơ (Daimler) và khoảng 120 công ty mở văn phòng đại diện, trụ sở ở I-ran để làm ăn. Bộ trưởng kinh tế Đức Pê-tơ An-mây-ơ (Peter Altmeier) tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp để giảm thiểu thiệt hại, tiềm năng của các công ty này. Ngoài Đức, Pháp, Hãng Xa-ga E-nơ-gi (Saga Energy) của Na-uy ký một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD. Hãng Xca-ni-a (Scania) của Thụy Điển xây một nhà máy chế tạo xe buýt. Công ty FS của I-ta-li-a (Italia) ký xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 1,4 tỷ USD, v.v.

Năm là, đặt châu Âu trước cuộc chiến tranh khí đốt khốc liệt. Một trong những mục tiêu chủ yếu của Mỹ khi rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện là đẩy I-ran và Nga ra khỏi thị trường tiềm năng khí đốt ở châu Âu. Tiếp đó, Hoa Kỳ sẽ đồng thời đưa ra tối hậu thư - “Kế hoạch B” buộc I-ran phải thực hiện và gây sức ép mạnh với các nước châu Âu để họ chấm dứt mọi thỏa thuận mua khí đốt của Nga và I-ran, hủy bỏ việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu - “Dòng chảy Phương Bắc”, làm cho châu Âu phải sử dụng khí đốt hóa lỏng của Mỹ. Từ đó, khí đốt hóa lỏng của Mỹ trở thành vũ khí địa chính trị. Điều này đang khoét sâu mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Rõ ràng, quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện đang làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh với nhiều nước, trước hết là các đồng minh then chốt của họ ở châu Âu. Động thái này sẽ tạo ra cục diện chính trị mới trên thế giới, gây bất lợi đối với Mỹ. Còn các nước vốn là đồng minh của Mỹ đang có ý định “xoay trục” sang Nga mà chuyến thăm Mát-xcơ-va (Moscow) gần đây của Thủ tướng Đức An-ge-la Mác-ken (Angela Merkel) và Tổng thống Pháp E. Ma-crông đã chứng tỏ điều đó.

Đại tá LÊ THẾ MẪU
__________

1 - Gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...