Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:44 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hơn một tháng thực hiện cái gọi là thiết lập "vùng cấm bay" với tần xuất vài trăm phi vụ mỗi tuần, các cuộc không kích của NATO đã làm hàng nghìn dân thường Li-bi chết và bị thương... Dư luận thế giới coi đây là cuộc chiến khoác áo bảo vệ "nhân đạo" để thực hiện mục tiêu chiến lược riêng.
Hiệu ứng từ cuộc "cách mạng hoa nhài" ở Tuy-ni-di hồi đầu năm 2011 làm một loạt nước ở Bắc Phi, Trung Đông, trong đó có Li-bi, rơi vào tình trạng mất ổn định chính trị. Ngày 19-3-2011, lấy cớ thực thi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về lập "vùng cấm bay" để bảo vệ người dân Li-bi trước các cuộc xung đột giữa quân chính phủ và phe nổi dậy, NATO đã tiến hành chiến dịch "Bình minh Odyssey", không kích nhiều mục tiêu trên đất nước này; trong đó, không ít cuộc "nhầm địa chỉ". Kết quả là đã làm hàng nghìn dân thường Li-bi chết và bị thương.
Câu hỏi được dư luận đặt ra là: Mục tiêu thực chất của cuộc chiến "nhân đạo" ở Li-bi là gì? Vì sao ở Bắc Phi, Trung Đông, có nhiều nước mà ở đó tình trạng xung đột, trấn áp người biểu tình diễn ra còn tồi tệ hơn ở Li-bi, nhưng NATO chỉ ráo riết với "sứ mệnh" quân sự "cao cả" để bảo vệ "nhân đạo" ở Li-bi. Chính khách, các nhà phân tích, quan chức quốc phòng của nhiều nước cho rằng, đó là "trò chơi hai mặt", chính sách "tiêu chuẩn kép" mà NATO đã và đang tiến hành đối với thế giới, nay là với Li-bi để thực hiện tham vọng chính trị, kinh tế mà NATO gọi là lợi ích quốc gia ở khu vực và toàn cầu. Theo họ, có 3 lý do chính để NATO can thiệp quân sự vào Li-bi. Thứ nhất là tham vọng địa-kinh tế: Li-bi có trữ lượng dầu mỏ (43 tỷ thùng) lớn nhất châu Phi và lớn thứ 9 trên thế giới, là nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 15 của thế giới (khoảng 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày). Dầu mỏ của Li-bi dễ khai thác, chất lượng cao (dầu ngọt) và phần lớn lãnh thổ chưa được thăm dò, nên trữ lượng được dự đoán là còn rất lớn. Trong bối cảnh thế giới đang trong "cơn khát" dầu mỏ, và dầu mỏ cũng đang là "tâm điểm" cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, nhất là với Trung Quốc, thì việc kiểm soát nguồn nguyên liệu chiến lược này ở Bắc Phi, Trung Đông vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu chiến lược của Mỹ và NATO. Thứ hai là tham vọng địa-chiến lược: châu Phi vốn được Mỹ coi là điểm tựa để thực hiện chiến lược Đại Trung Đông; từ đây Mỹ có thể kiểm soát "vành đai bất ổn định", kéo dài từ Cáp-ca-dơ qua Trung Á-Trung Đông đến Đông Nam Á, khống chế lục địa Á-Âu, tiến tới kiểm soát toàn cầu. Trong 42 năm cầm quyền, Tổng thống Ca-đa-phi tiến hành chính sách "đối đầu với phương Tây" nên quan hệ giữa Li-bi với Mỹ và phương Tây thường rất xấu. Mỹ đã từng liệt Li-bi vào danh sách "các quốc gia khủng bố" và đã tiến hành cuộc tiến công đường không chiến lược hòng tiêu diệt ông Ca-đa-phi, nhưng không thành vào năm 1986. Từ năm 2003, ông Ca-đa-phi thực hiện chính sách cởi mở hơn với phương Tây, như ngừng chương trình nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân, tuyên bố nhận trách nhiệm và bồi thường vụ máy bay rơi ở Lockerbie (Scotlan)...; nhờ đó, quan hệ giữa Li-bi và phương Tây có cải thiện nhất định; Li-bi đã bình thường hóa quan hệ với nhiều cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, Li-bi hiện vẫn là một trong số các nước ở khu vực không chịu tham gia trong thành phần Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) của Mỹ, nên vẫn bị Mỹ coi là "cái gai" cản trở tham vọng bá quyền của Mỹ ở khu vực. Do vậy, Mỹ và NATO coi đây là "cơ hội vàng" để nhổ "cái gai" đó, thiết lập một thể chế mới thân Mỹ ở Li-bi, phục vụ cho chiến lược Đại Trung Đông cũng như chiến lược toàn cầu của mình. Điều đó cũng lý giải vì sao mặc dù ông Ca-đa-phi đã nhiều lần tuyên bố ngừng bắn, chấp hành Nghị quyết của HĐBA LHQ, yêu cầu Liên hợp quốc cử quan sát viên giám sát ngừng bắn..., nhưng NATO vẫn kiên quyết không chấp nhận, tiếp tục đẩy mạnh hơn các cuộc không kích. Mới đây, các quan chức NATO còn tuyên bố không úp mở rằng, sẽ tiếp tục không kích cho đến khi ông Ca-đa-phi chịu ra đi. Thứ ba là phô trương sức mạnh quân sự để răn đe các nước. Theo thống kê, Pháp đã điều máy bay Rafale và Mirage trang bị tên lửa đối không, đối đất, đối hạm tối tân, tầu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử Charle de Gaulles... Anh đã điều máy bay chiến đấu Typhoon-Eurofighter, máy bay trinh sát Nimrod R1, máy bay vận tải C.130, chiến hạm HMS Cumberland và HMS Westminster, tầu ngầm hạt nhân HMS Triumph... Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B.2, máy bay chiến đấu F.15, máy bay trinh sát RC.135, máy bay không người lái Predator, tầu ngầm hạt nhân... Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, với một đối thủ có quân đội trang bị vũ khí đa số là lạc hậu như Li-bi, thì việc NATO huy động lực lượng quân sự hùng mạnh, với trang bị hiện đại như trên không chỉ nhằm "áp đảo" đối phương, mà còn nhằm biến Li-bi thành chiến trường để trình diễn các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại, phô trương sức mạnh quân sự, răn đe các nước trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh Mỹ-NATO đang sắp xếp lại bàn cờ chiến lược ở đây.
Như vậy, sau Nam Tư, I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Li-bi là nước tiếp theo mà NATO can thiệp quân sự; và cũng là nước đầu tiên để NATO cụ thể hóa cái gọi là "Khái niệm an ninh mới" mà Khối này thông qua vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, dù được đánh giá là đã hoàn toàn làm chủ vùng trời Li-bi, nhưng cuộc chiến Li-bi đang làm bộc lộ những mâu thuẫn nội bộ, xuất phát từ những toan tính, lợi ích riêng của các thành viên. Nhiều thành viên NATO coi việc Mỹ rút về "tuyến hai", trao vai trò "Thủ lĩnh" - quyền chỉ huy chiến dịch quân sự ở Li-bi cho NATO (đầu tháng 4-2011) - là để chia "gánh nặng" chiến tranh cho NATO. Thực chất, Mỹ không thể cùng lúc tiến hành 3 cuộc chiến, khi mà đang "sa lầy" ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Vì thế, Tổng thống B.Ô-ba-ma không muốn mạo hiểm với hoạt động quân sự tại Li-bi, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Theo họ, để duy trì "vùng cấm bay" ở phía Bắc Li-bi, NATO phải chi từ 30 đến 100 triệu USD/tuần; nếu duy trì lệnh cấm bay trên toàn bộ không phận Li-bi, chi phí sẽ lên mức 100 đến 300 triệu USD/tuần. Chỉ tính trong 5 ngày đầu chiến dịch không kích, NATO và Mỹ đã huy động 336 lượt máy bay, bắn 168 tên lửa Tô-ma-hốc (mỗi quả trị giá 1,3 triệu USD), tiêu tốn hàng tỷ USD, trong khi đó, các nước NATO đang còn chồng chất khó khăn về tài chính. Tại hội nghị Ngoại trưởng các nước NATO được tổ chức mới đây, trong khi Anh, Pháp kêu gọi các nước NATO tăng thêm máy bay, tầu chiến tới Li-bi, thì Đức vẫn kiên quyết phản đối can thiệp quân sự ở Li-bi; I-ta-li-a (nhập từ Li-bi 28% lượng dầu mỏ, 12% lượng khí thiên nhiên) cũng không đồng tình với đề xuất đó, vì lo ngại sự tác động xấu đến nguồn cung cấp nhiên nhiệu quan trọng này; Bỉ, Đan Mạch và một số nước khác thì phản đối kế hoạch viện trợ vũ khí cho phe đối lập và cho rằng, đó là việc làm trái với tinh thần của Nghị quyết 1973. Nhiều quan chức quốc phòng của NATO cũng thừa nhận, việc Mỹ rút lực lượng chiến đấu làm cho các hoạt động quân sự của NATO ở Li-bi gặp nhiều khó khăn và có thể phải kéo dài.
Các cuộc không kích của NATO đã và đang gây các thảm cảnh cho người dân Li-bi..., khiến dư luận thế giới bất bình, phản đối mạnh mẽ. Nhiều nước thuộc Liên đoàn A-rập (AL) vốn ủng hộ việc lập "vùng cấm bay", nay đã phải lên tiếng phản đối các chiến dịch quân sự của NATO "đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay"; coi việc gây thương vong cho dân thường với bất kỳ lý do nào cũng đều là "phi đạo lý", không thể chấp nhận được. Họ cũng yêu cầu NATO phải ngừng ngay các hoạt động quân sự ở Li-bi. Dư luận nhiều nước, kể cả ở Mỹ và nhiều nước NATO, cũng kịch liệt phản đối hành động quân sự của NATO hỗ trợ phe đối lập để lật đổ chính thể của Tổng thống Ca-đa-phi là can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, là trái với luật pháp quốc tế. Còn tại Mỹ, các cuộc thăm dò dư luận về hoạt động quân sự "lập vùng cấm bay" của NATO ở Li-bi, cho kết quả: 60% số người được hỏi cho rằng, mục tiêu mà Mỹ và NATO đưa ra là không rõ ràng; 64% cho rằng, NATO không nên can thiệp quân sự vào Li-bi. Trong bài "Sự hồi sinh của chủ nghĩa thực dân" đăng trên mạng tin "Dự báo thị trường", tác giả Paul Craig Roberts - cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ (thời Tổng thống Ri-gân) - nêu rõ, hành động quân sự của NATO ở Li-bi là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân mới. Theo ông, sự khác biệt so với chủ nghĩa thực dân trước đây là trong cuộc chiến Li-bi không chỉ có các nước châu Âu cạnh tranh nhau để tranh giành quyền thống lĩnh và khai thác thuộc địa; chủ nghĩa thực dân mới hoạt động dưới vỏ bọc "cộng đồng quốc tế", "bảo vệ nhân quyền", trong đó NATO và các nước khác hợp tác với nhau. Tổng thống Ác-hen-ti-na C. Kít-chơ-nơ thì nêu rõ, chiến dịch không kích vào Li-bi là hành động "thiếu văn minh" do một liên minh gồm các nước phương Tây "được gọi là văn minh" thực hiện. Ông cũng cảnh báo, hoạt động quân sự của NATO không thể giải quyết được vấn đề Li-bi, chỉ làm kích động bạo lực, xung đột gia tăng.
Dư luận thế giới bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tình hình đang diễn biến phức tạp ở Li-bi, nhất là mới đây, Anh, Pháp và một số nước NATO chủ trương cử các cố vấn quân sự, "lực lượng hỗ trợ nhân đạo" tới nước này. Nhiều chuyên gia cảnh báo, đây là dấu hiệu của một cuộc can thiệp quân sự trên bộ; yêu cầu các bên ngừng bắn, tiến hành đàm phán tìm giải pháp hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; kiên quyết phản đối việc lợi dụng Nghị quyết của HĐBA LHQ để thực hiện các hoạt động quân sự hòng mưu cầu lợi ích riêng. Hành động đó chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp, đe dọa đến an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Dư luận cũng nêu rõ, những động thái xảy ra ở Bắc Phi, Trung Đông hiện nay, nhất là ở Li-bi càng khẳng định: tuy xu thế thời đại hiện nay là hòa bình, hợp tác và phát triển, nhưng tình hình thế giới vẫn còn hết sức phức tạp. Do vậy, các nước cần chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế, vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, ổn định và tiến bộ của thế giới.
Đại tá LÊ XUÂN KHANH
Trung tâm Thông tin KHQS - BQP
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ